Nơi lưu 82 bia Tiến sỹ là điểm nhấn tôn vinh sự hiếu học luôn thu hút khách thăm quan  tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Nơi lưu 82 bia Tiến sỹ là điểm nhấn tôn vinh sự hiếu học luôn thu hút khách thăm quan tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

(HBĐT) - Năm 1995, khi là sinh viên đại học năm thứ nhất, lần đầu tiên tôi cùng nhóm bạn trong lớp đến thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám (VM - QTG) vừa để thăm quan, chiêm ngưỡng nét đẹp cổ kính, thiêng liêng, vừa để tìm về cội nguồn của sự học, đạo học với tâm nguyện cầu mong 4 năm học đại học đạt kết quả tốt. 20 năm sau, trở lại VM - QTG đúng vào thời điểm vừa kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Tôi lặng người khi thấy khuôn mặt trong sáng, khôi ngô của những cô, cậu học trò vừa bước qua kỳ thi quan trọng đã tìm đến đây những mong sẽ có kết quả thi tốt để được bước chân vào giảng đường đại học, tạo hành trang vững chắc vào đời. Thế mới biết, sự hiếu học luôn là mạch nguồn chảy mãi trong người con đất Việt.

 

Văn Miếu - Quốc Tử Giám nằm ở phía nam kinh thành Thăng Long. Nơi đây luôn là điểm đến thu hút đông đảo khách du lịch, nhất là HS - SV và khách nước ngoài. Hiện, nơi này đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Văn Miếu được xây dựng năm 1070 dưới thời vua Lý Thánh Tông, là nơi thờ Khổng Tử, các bậc hiền triết của Nho giáo và thầy giáo Chu Văn An, người thầy đạo cao, đức trọng của nền giáo dục Việt Nam. QTG được xây dựng năm 1076 dưới triều vua Lý Nhân Tông, là nơi đào tạo nhân tài cho đất nước, là trường đại học đầu tiên ở nước ta. Trải qua thăng trầm lịch sử, nơi đây vẫn giữ được vẻ cổ kính với đặc điểm kiến trúc của nhiều thời đại, là một trong những di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu, quan trọng bậc nhất của Thủ đô và cả nước...

 

Với diện tích 54.331m2, VM - QTG gồm: Hồ Văn, Vườn Giám và nội tự được bao quanh bằng tường gạch vồ. Phía trước cổng lớn là tứ trụ. Văn Miếu môn là kiến trúc cổng Tam quan hai tầng, phía ngoài có đôi rồng đá cách điệu thời Lê, bên trong có đôi rồng đá thời Nguyễn. Nội tự được chia làm 5 khu vực: Khu thứ nhất từ cổng Văn Miếu đến cổng Đại Trung, cổng có 3 gian lợp ngói, hai bên là hai cổng nhỏ Thành Đức và Đạt Tài. Khu thứ hai nổi bật với Khuê Văn Các - một công trình kiến trúc độc đáo xây dựng năm 1805, gồm 2 tầng, 8 mái. Tầng dưới có 4 trụ gạch, tầng trên là kiến trúc gỗ, 4 mặt đều có cửa sổ tròn với những con tiện tỏa ra 4 phía tượng trưng cho hình ảnh Sao Khuê tỏa sáng, trên mái lợp ngói ống. Ngày nay Khuê Văn Các được lấy làm biểu trưng của Thủ đô Hà Nội. Khu thứ ba là nơi lưu giữ 82 bia Tiến sỹ. Khu thứ tư là nơi thờ Khổng tử và bài vị 72 vị học trò xuất sắc của Khổng Tử. Khu thứ năm là nhà Thái Học, vốn là Quốc Tử Giám xưa, trường đại học quốc gia đầu tiên ở nước ta. Đây là nơi tôn vinh truyền thống văn hóa giáo dục của dân tộc, đặt tượng tưởng niệm 3 vua Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lê Thánh Tông và Tư nghiệp QTG Chu Văn An - những danh nhân có công sáng lập VM - QTG, phát triển nền giáo dục Nho học Việt Nam.

 

Các công trình kiến trúc của Văn Miếu đều dùng gỗ lim, gạch đất nung, ngói mũi hài, được tu sửa qua các triều đại, mang đậm phong cách nghệ thuật của triều Lê, Nguyễn.

 

Điểm nhấn riêng biệt của VM - QTG và sức hút đối với khách thăm quan đó chính là khu lưu giữ 82 bia Tiến sỹ ghi rõ họ tên, quê quán 1307 vị tiến sỹ của 82 khoa thi từ năm 1442 đến năm 1779. Bia được khởi dựng năm 1484 nhằm biểu dương nhân tài, khuyến khích việc học tập đương thời và hậu thế. Trên mỗi tấm bia khắc một bài văn bằng chữ Hán với nội dung ca ngợi công đức của triều vua, lý do mở khoa thi, mục đích của dựng bia. Nổi bật bia Tiến sỹ khoa Nhâm Tuất 1442 đã nêu rõ tầm quan trọng của việc đào tạo nhân tài cho đất nước và khuyến khích kẻ sỹ: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp”... Bia được đặt trên lưng rùa đá với quan niệm: Rùa là một trong bốn linh vật. Rùa sống lâu, có sức khỏe. Đặt bia Tiến sỹ trên lưng rùa đá biểu hiện sự tôn trọng hiền tài và trường tồn mãi mãi. Bia Tiến sỹ là nguồn sử liệu quý giá để nghiên cứu lịch sử, văn hóa, giáo dục và nghệ thuật điêu khắc Việt Nam.

 

Hơn 900 năm đã trôi qua những ý nghĩa lịch sử, nhân văn của VM - QTG vẫn vẹn nguyên giá trị. Bởi nơi này giờ đây không chỉ là nơi thăm quan nổi tiếng mà còn là địa chỉ đỏ để tuyên dương, khen thưởng học sinh thi đỗ thủ khoa các trường đại học, học sinh đoạt giải cao tại các kỳ thi và học giỏi xuất sắc. Đồng thời cũng là nơi tổ chức Hội thơ vào Tết Nguyên tiêu (15 tháng giêng) hàng năm và nơi các sĩ tử vẫn luôn tìm đến trước và sau mỗi kỳ thi.

 

 

                                                                      Bình Giang

Các tin khác


Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục