Có một con sông chảy trong lòng tôi mỗi khi mùa thu về, có một con thuyền xuôi theo dòng sông ấy. Con thuyền chở bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Con thuyền chở ước mơ tuổi thơ.

 

Năm nay, mùa hạ còn dây dưa đến qua cả rằm tháng 7. Vẫn còn nhiều nắng, nhiều mưa. Cây bàng sân trường lá đã nhuốm đỏ đủ biết thu đã sang. Chỉ vì nắng còn vàng giòn trên cao nên lá vấn vương mà chưa lìa cành, cài vào nhau xoè một vòm râm mát che cho tụi trò nhỏ nô đùa.

 

Tôi yêu mùa thu, không phải bắt chước thi nhân xưa vì thu xanh, thu vàng, thu dịu dàng, thu man mác. Đơn giản vì mỗi khi mùa thu về có một con sông chảy trong lòng tôi. Có một con thuyền xuôi theo dòng sông ấy. Dòng sông mãi chảy, con thuyền cần mẫn lại qua, nối đôi bờ... mênh mông những niềm hy vọng.

 

Có lẽ chẳng phải riêng tôi đâu, đồng nghiệp của tôi, học trò của tôi chắc cũng thường mặc nhiên coi mùa thu là khởi đầu một năm. Khi nắng bắt đầu nhạt dần, buổi sáng đến chậm hơn, dịu mát, con đường quen lại đón những bước chân quen. Khi tiếng trống khai trường dóng dả từng hồi cất lên, trái tim ai đã đi qua thời cắp sách chẳng xốn xang, hồi hộp khác gì nghe tiếng chuông đồng hồ điểm thời khắc giao thừa đón một năm mới. Tôi thích ngắm đôi mắt trong veo của các cô bé, cậu bé học trò mới chuyển cấp. Với bông hoa nhỏ trên tay, xúng xính trong quần áo mới, cảm giác lạ lạ, quen quen khiến bước chân của các cô, cậu líu ríu sau cô giáo, chấp chới như con chim non đang tập bay trong một khung trời rộng. Tôi nhớ lúc còn bé, trước ngày khai trường, năm nào mẹ cũng khâu tay cho mỗi chị em tôi một bộ quần áo mới, quần xanh chéo, áo hoa phin pha. Bộ quần áo được giặt phơi ở cái dây ngoài sân, đi qua sờ một tí, đi lại lại sờ một tí. Sáng ngày khai trường, tung tăng túi vải mẹ khâu trên vai, tay xách lọ mực nhựa bé xíu, bước chân không mỏi, dù đường đến trường gập ghềnh, xa lắc. Nếu ấn tượng về những ngày khai trường mấy mươi năm qua còn vẹn nguyên trong tôi như thế, chắc ngày khai trường cũng sẽ trở thành dấu ấn, thành ký ức đẹp trong tuổi thơ của học trò tôi. Tôi tin là như vậy. Ngày còn bé xíu, tôi không còn nhớ rõ mình đã ước mơ những gì, điều gì đã làm đổi thay những ước mơ ấy. Tôi chỉ nhớ cái mùi sách giáo khoa cũ mà tôi xin được của các anh, chị khoá trước và nếp gấp giấy bọc cha từng tỉ mỉ dạy tôi. Nhưng tôi lại nhớ như in ước mơ của một cô bé học trò. Cô học trò có vóc dáng nhỏ nhắn, khuôn miệng cũng nhỏ xinh và đôi mắt rất sáng: “Em ước mơ trở thành phi công cô ạ! Em muốn bay lên trời cao, ngắm nhìn Tổ quốc mình!”. Có bao nhiêu ước mơ tuyệt vời như vậy. Con thuyền nhổ neo sang sông mỗi dịp thu về của chúng tôi đã chở bao nhiêu ước mơ như vậy? Bốn mùa bắt đầu từ mùa thu rộn ràng tiếng trống trường và vàng tươi hoa cúc đến sang đông sáng ánh đèn khuya khi bên ngoài gió bấc mưa phùn rồi xuân qua, hạ về..., con đò vẫn sang sông dù ngày mưa hay ngày nắng, trang vở của trò cứ ngày một dày thêm, ước mơ nào của học trò đã trở thành hiện thực... Chỉ cần nghĩ vậy thôi đã đủ cảm thấy hạnh phúc rồi.

 

Giờ thu đã lại sang rồi, sáng ra, gió đã se se và vòm trời bàng bạc. Con đường quen lại đón bước chân quen của tôi và trò nhỏ đến trường. Mùa thu, một năm học mới... nối tiếp những ước mơ tôi và những cô, cậu học trò nhỏ khi tiếng trống khai trường điểm. Tôi xuống đò đây! Tôi chèo đò trên dòng sông mùa thu của tôi, phía trước mênh mang những niềm hy vọng.

 

 

                                   Tản văn của Lê Thanh Hồng

                           (Trường THCS thị trấn Kỳ Sơn-Kỳ Sơn)

 

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục