Bộ chữ Mường ra đời sẽ góp phần lưu giữ và bảo tồn những áng Mo Mường Hòa Bình.

Bộ chữ Mường ra đời sẽ góp phần lưu giữ và bảo tồn những áng Mo Mường Hòa Bình.

(HBĐT) - Dân tộc Mường chiếm trên 63% dân số toàn tỉnh với 4 mường chính Bi, Vang, Thàng, Động. Dân tộc Mường có nền văn hóa dân gian phong phú, đồ sộ. Trong xu thế hội nhập rất cần có một bộ chữ Mường thống nhất để bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết Mường, cụ thể là ghi chép văn hóa Mường, giáo dục tiếng Mường

 

Sự cần thiết xây dựng bộ chữ Mường thống nhất

 

Người Mường có một nền văn hóa phong phú và đặc sắc. Chúng ta có thể nhận thấy nền văn hóa Mường cổ được truyền đạt đến ngày nay chủ yếu bằng phương thức truyền miệng trong dân gian. Việc truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể và công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc là một việc làm cấp bách và thường xuyên. Do đó rất cần có một bộ chữ Mường thống nhất để phục vụ những mục đích trên.

 

Từ khi văn hóa Mường được quan tâm nghiên cứu hơn 1 thế kỷ nay, đã có hàng chục cuốn sách được xuất bản trong đó có ghi âm tiếng Mường. Điển hình như các truyện thơ, mo, sử thi “Đẻ đất - đẻ nước”. Song cách ghi âm tiếng Mường mỗi cuốn có sự khác nhau, mỗi tác giả nghiên cứu sưu tầm có cách phiên âm khác nhau. Trong đó, nổi bật là các tác giả: Bùi Thiện, Bùi Văn Nợi, Bùi Huy Vọng, Bùi Văn Thành và nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Chỉ. Bên cạnh đó cũng đã có những công trình khoa học đề xuất về phương án chữ Mường của các tác giả PGS.TS Nguyễn Kim Thản, GS.TS Hoàng Thị Châu, học giả Milton Backer, TS Nguyễn Văn Tài cùng nhiều cách phiên âm theo các phiên âm theo cách riêng của nhiều người làm sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa Mường. Theo đó là bộ chữ Mường tương đối hoàn chỉnh của nhóm tác giả thuộc Viện Ngôn ngữ học gồm GS.TS Hoàng Văn Hành, GS.TS Nguyễn Như ý, GS.TS Nguyễn Văn Khanh, TS Phan Xuân Thành. Bộ chữ được xây dựng trên cơ sở chữ cái La - tinh và theo nguyên tắc ghi âm gồm 29 chữ cái, trong đó có 25 âm đầu, 13 âm cuối, 5 thanh điệu và 193 vần. Tuy nhiên, vì chưa có một bộ chữ thống nhất nên cách ghi tiếng Mường mỗi công trình có sự khác nhau, mỗi tác giả nghiên cứu sưu tầm có cách phiên âm khác nhau. Vì thế, việc thống nhất bộ chữ và được cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn đưa vào sử dụng là rất cần thiết hiện nay.

 

Cơ sở pháp lý xây dựng bộ chữ Mường

 

Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với việc lưu giữ, bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số, Đảng và Nhà nước ta luôn tôn trọng quyền mỗi dân tộc có tiếng nói, chữ viết riêng, quyền bình đẳng và tự do phát triển ngôn ngữ của mỗi dân tộc. Chính sách về bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết các dân tộc thiểu số của Đảng, Nhà nước ta là đúng đắn và nhất quán. Ngay trong văn kiện đầu tiên của Đảng tại Đại hội lần thứ nhất (tháng 3/1935) đã khẳng định: “Các dân tộc được dùng tiếng mẹ đẻ của mình trong sinh hoạt chính trị, kinh tế và văn hóa”. Trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, BCH Trung ương Đảng (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc có nêu: “… Bảo tồn và phát triển ngôn ngữ, chữ viết của các dân tộc. Đi đôi với việc sử dụng tiếng nói, chữ viết phổ thông, khuyến khích thế hệ trẻ thuộc đồng bào các dân tộc thiểu số học tập, hiểu biết và sử dụng thành thạo tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình...”. Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013, tại Điều 5 đã quy định: “Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình”. Trong Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục năm 2009, tại khoản 2, Điều 7 khẳng định: “Nhà nước tạo điều kiện để người dân tộc thiểu số được học tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giúp cho học sinh người dân tộc thiểu số dễ dàng tiếp thu kiến thức khi học tập trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác. Việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số được thực hiện theo quy định của Chính phủ”.

 

Thực hiện Kế hoạch số 63/KH-BCĐ ngày 28/7/2015 của Ban chỉ đạo lập hồ sơ di sản văn hóa Mo Mường về việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cam kết sau khi Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cấp bằng bảo trợ cho Di sản văn hóa Mo Mường Hòa Bình. Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) được giao chủ trì tham mưu và tổ chức thực hiện kế hoạch xây dựng và ban hành bộ chữ Mường. Sở đã có đề xuất nhiệm vụ KH &CN “Xây dựng bộ chữ Mường phục vụ cho việc bảo tồn, phát huy văn hóa Mường, góp phần phát triển bền vững các vùng Mường của tỉnh Hòa Bình”. Hiện nay, Sở KH &CN đang xúc tiến các bước thực hiện nhiệm vụ KH &CN này. Vừa qua, Sở KH &CN đã tổ chức họp Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ KH &CN cấp tỉnh năm 2015. Trong nhiệm vụ KH &CN xác định mục tiêu là xây dựng thành công bộ chữ Mường và được cơ quan có thẩm quyền của tỉnh phê chuẩn, đưa vào sử dụng. Bộ chữ Mường là sự khẳng định vị thế, vai trò của dân tộc Mường trong cộng đồng các dân tộc thiểu số nói riêng, cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung. Yêu cầu đặt ra là xây dựng được bộ chữ Mường nhằm quy chuẩn cách phát âm và văn bản hóa các di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Mường. Bộ chữ Mường được sử dụng để phục vụ công tác sưu tầm, nghiên cứu, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Mường; là chữ viết trong việc dạy - học tiếng Mường cho người Mường và những người đang làm việc (công chức, LLVT) tại vùng có người Mường và tất cả những ai có nhu cầu học tập, sử dụng tiếng Mường; trong việc phát sóng (PT-TH) bằng tiếng Mường. Qua đó sẽ góp phần phát triển bền vững các vùng Mường của tỉnh Hòa Bình.

 

 

 

Hương Lan

 

 

 

Các tin khác


Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Báo Nhân Dân ra mắt MV Kenny G "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV "Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục