(HBĐT) - Tôi theo Thắng leo đến lưng đồi cũng là lúc ánh mặt trời đã lặn về bên kia dãy núi. Nhìn động tác khoát tay của người bạn, tôi biết với chừng ấy, mỏi như hai bắp chân vẫn chưa bõ bèm gì với đường quăng dao của người miền núi. Mùa này, những cánh rừng xanh màu lá mới, tiếng chim rừng líu lo. Những loài chim không bị kìm hãm trong lồng tre thường cho tiếng hót trong veo của suối rừng, trời xanh. Rút con dao đang đeo bên hông, Thắng phạt một cây nứa nhỏ, những giọt nước tích tụ từ trong ruột nứa tinh khiết khiến tôi tỉnh táo lại. Giờ mới thấm thía cảm giác thú vị khi chỉ với một con dao đi rừng là có đủ cái ăn, thức uống của người dân nơi đây.

 

Một đứa con gái sinh ra ở một thành phố vùng đồng bằng như tôi bấy lâu chỉ biết tới  thiên nhiên là những công viên cỏ xanh được cắt tỉa gọn gàng. Với tôi, con đường quẩn quanh từ nhà đến trường, đi bơi, ra công viên, vừa nhàm chán, vừa xa cách. Đến khi gặp Thắng, anh bạn người miền núi Tây Bắc duy nhất  rụt rè ngồi ở cái bàn xấu xí cuối lớp. Nhìn dáng vẻ thư sinh, tôi tưởng là một cậu con trai ở một góc phố nào đó. Nhưng rồi trong một buổi đi dã ngoại, anh chàng nhút nhát bước lên xe ngồi hàng ghế cuối cùng với bánh mì, bếp gas du lịch và nước uống đã là làm cả lớp bất ngờ. Từng loại cỏ dại, bông hoa dại đến chiếc nhẫn tết bằng cỏ may con cỏ gà để chọi rồi cơ man nào là những câu chuyện đường rừng làm đám con gái trong lớp bắt đầu để ý đến Thắng từ lúc đó.

 

Đang rảo bước, bất ngờ Thắng dừng lại, mắt đảo quanh gốc cây lớn như đang kiếm tìm vật gì đánh rơi. Tôi bước lại gần, Thắng ra hiệu dừng lại. Chẳng biết ở chốn heo hút nghe rõ tiếng gà rừng gáy còn có thứ kỳ lạ gì nữa không biết nhưng lát sau, cậu ta cầm cho tôi xem hai hạt nhỏ hơn viên bi rồi khoe:

 

- Có món đặc sản mời cậu rồi.

 

Nhìn cách mà cậu ta giữ hai hạt quả rừng lạ hoắc khiến tôi càng thêm tò mò.

 

-  Không phải ông đem thứ này về làm bùa giữ chân tôi ở đây đấy chứ?

 

- Cậu về đến nhà mình sẽ biết, đến lúc ấy, chân cậu không muốn rời Mường Vang của mình là tại cậu đấy nhé.

 

Bước lên bậc cầu thang nhà sàn của Thắng, tôi đã được nghe thứ tiếng nói rất lạ tai nhưng lại có những từ ngữ khá gần với tiếng phổ thông. Những cây cột gỗ đen bóng quây quần làm thành ngôi nhà sàn ấm cúng chứ không, lạnh lẽo như những mái nhà trát đất quê tôi mà ngày nhỏ tôi vẫn thấy mỗi khi theo bố về chơi.

 

Vừa bước chân lại gần góc bếp trên sàn, tôi đã nghe thấy tiếng bạn nói với bố mẹ. Hình như hai hạt cậu mang về đem cất đi, mẹ Thắng đem ra một cái ống tre nút lá chuối đưa cho tôi và bảo:

 

- Có sẵn hạt dổi rang ở đây rồi cháu ạ! Không phải rang chờ lâu bữa.

 

Bữa cơm mới thật lạ, chẳng thấy có mâm, bát, đĩa gì nhiều, chủ yếu là mấy tàu lá chuối hơ lửa cho mềm. Từng món thịt lợn Mường được xếp thành vòng tròn. Bên ngoài là những loại rau đắng đồ, nghe tên tôi đã thấy lạ hoắc. Gắp miếng thịt chấm với thứ muối rang hạt dổi (nghe  mẹ Thắng bảo vậy), tôi nhận ra một điều gì rất quen trong mùi hương ấy.

 

Đêm ở miền rừng thật yên ả, ngoại trừ tiếng những con côn trùng kêu trong đêm. ánh trăng mười bốn hắt qua cửa voóng tỏa ánh sáng xanh mát lên sàn gỗ đen bóng như còn dậy lên mùi hương hạt dổi. Lần này lên với đất Mường, ngoài những thú vị tò mò khám phá miền rừng núi còn là công việc sưu tầm cho được những tư liệu đầy đủ nhất cho khóa luận tốt nghiệp. Tất thảy những gì tôi đã mường tượng khi đọc cuốn Đẻ đất, đẻ nước hay những đĩa CD mo Mường và bao nhiêu tri thức folklore ở giảng đường đại học dường như khác xa rất nhiều so với lúc này khi đang nằm dưới ánh trăng ngàn của đất Mường cổ. Ngày mai, Thắng đưa tôi đi gặp những thầy mo trong vùng, gặp người già trong làng và cả những nghệ nhân đánh chiêng nổi tiếng. Biết đâu trong những cuộc gặp gỡ ấy giúp tôi tìm ra nguyên nhân khiến mình cứ bị ám ảnh bởi hương hạt dổi thơm vừa lạ, vừa quen.

 

Phải đến lần thứ ba, thứ tư, tôi mới vục được ít nước suối lên rửa mặt. Nhà có bể nước và vòi nước nhưng vì đang muốn cảm nhận đúng chất núi rừng nên hai đứa rủ nhau ra con suối đầu làng từ rất sớm. Thắng kể, ngày xưa suối rộng và sâu hơn, có biết bao loài cá bơi tung tăng dưới các bụi cây. Nhìn mặt trời ló lên sau dãy núi, tôi thấy ở đây cái gì cũng lạ, trừ mùi hương hạt dổi.

 

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà sàn nhỏ cuối bản là người đàn ông có vóc dáng nhỏ bé. Nước chè xanh ở vùng này sánh thật, nếu không được lót dạ bằng ống cơm lam trước đó, khéo giờ này ruột gan tôi đã cồn cào. ông Hình là nghệ nhân đánh chiêng lão luyện nhất của làng. Đột nhiên ông hỏi thăm tôi quê đâu rồi đi vào trong nhà, cầm ra một cuốn sổ ố vàng. Lần dở một hồi lâu, ông lấy ra một bức ảnh đã có nhiều vết mờ chụp mấy người đang đứng dưới một ngôi nhà sàn và bảo tôi:

- Cháu nhìn bức ảnh này xem có nhận ra ông là ai trong số đó không?

 

Vốn chẳng lạ gì những bức ảnh mốc thếch hay vàng ố thời gian thường được các ông, bà CCB  lưu giữ, tôi nhớ rõ cách mẹ bảo nhận mặt người ta trong các bức hình chụp ngày còn trẻ chỉ có đôi mắt là dấu hiệu duy nhất. Nhưng nhìn mãi, tôi vẫn không thể tìm thấy đôi mắt ông Hình. Từ tốn nhấp một ngụm chè, ông lấy ra một bức ảnh khác chụp hai người đàn ông đang ngồi bên bờ suối. Nhờ tảng đá trắng, tôi nhận ra đó là nơi chúng tôi rửa mặt lúc sáng. Nhưng điều làm tôi bất ngờ nhất là đôi mắt của một người con trai miền xuôi có mái tóc và khuôn mặt rất dễ nhận ra. Trời ơi, đó là ông nội tôi, người đã về bên kia thế giới những vẫn còn hiển hiện trong tâm trí của đứa cháu nội.

 

- Sao ông lại có ảnh chụp với ông nội cháu?

 

Đến lượt ông Hình cũng ngỡ ngàng:

 

- ông cháu đó sao? Cho ta nhìn lại con nào, ôi giời, nó giống ông Thụ quá!

 

- Sao ông cháu lại ở đây? Cháu nhớ ông cháu ngày xưa là bộ đội Tây Tiến đi đánh Pháp dọc miền sông Mã, thượng Lào cơ mà?

 

- Giờ ông hỏi, cháu có bao giờ thấy ông Thụ đem về nắm hạt dổi thơm của vùng đất Mường Vang này không? Hạt đem nướng giã nhỏ rồi bỏ vào bát canh măng hay làm muối chấm ấy.

 

Thường thì chẳng mấy khi tôi có thể hình dung lại được một chuyện gì dã xảy ra quá lâu như thế. Nhưng với mùi hương hạt dổi ấy, tất cả hiện ra ngày càng rõ nét. Hôm ấy cũng vào một ngày đầu tháng 4, chưa có những cơn mưa tưới mát khu vườn khi khí trời bắt đầu oi bức. Nồi canh măng nấu với những con cá nhỏ bà bắt ngoài đồng đang sôi trên bếp tỏa mùi thơm đánh thức tôi. Khi cả nhà đang quây quần bên mâm cơm, ông nội mới lấy ra trong túi một gói nhỏ bọc giấy bạc, ông trút một ít bột vào nồi canh, bốc lên một mùi thơm rất lạ. Cha tôi khi ấy có hỏi ông:

 

- Cha lại lên chiến trường cũ à? Sao lần này cha đi không nói gì cho bọn con biết?

 

- Cha sợ nói trước lại bước không qua rồi lại làm cả bác ấy ở dưới kia thất vọng.

- Lần này có triển vọng gì khá hơn không cha? (bố tôi hỏi)

 

Ông nội trầm ngâm múc một bát canh măng có nhưng thứ bột đen lấm tấm, đưa lên miệng húp một ngụm rồi thong thả đáp:

 

- Vẫn vậy con ạ, không biết mưa rừng, suối lũ hay người ta đã quy tập di cốt bác ấy về nghĩa trang nào. Chỉ còn hương hạt dổi vẫn thơm mỗi mùa xuân.

 

- Thế giờ ông nội cháu còn khỏe không? (Câu hỏi của ông Hình giúp tôi trở về với thực tại).

 

- ông cháu mất được gần chục năm rồi ạ!

 

- Khổ thân bác ấy. Cũng biết đi rừng, làm nương rẫy, dựng nhà sàn như người Mường mình. Thế mà không tìm được mộ bác Thư.

 

Ông Hình bắt đầu chậm rãi kể: Năm ấy, chúng tôi có một người bạn thân, anh ấy tên là Thư, là con mồ côi, không người thân thích. Đúng trong trận đánh ác liệt nhất, bác ấy hy sinh, anh em sợ mất giấu nên chôn ngay dưới gốc cây dổi lớn trong rừng. Sau ngày hòa bình, chúng tôi đi tìm mà không thấy. Chẳng hiểu lũ rừng hay ai đó đã đón bác ấy về quy tập ở nơi nào. Nhiều lần ông nội cháu lên đây cứ trăn trở mãi mà không có cách nào tìm được.

 

- ông ơi có phải nơi đây từng là căn cứ binh đoàn Tây Tiến phải không ông?

 

- Mới đó mà đã gần hết đời người. Cháu đi tìm hiểu về mo Mường hay truyện thơ cũng đừng quên tìm hiểu thêm về những người lính nơi đây nhé.

 

Trên chuyến xe trở về Hà Nội, ngồi bên ô cửa sổ, ôm trên trên tay chiếc cặp đầy những tư liệu về vùng văn hóa đậm đà bản sắc. Nhưng trong đầu tôi lại trào lên cảm xúc rất lạ về thứ hương thơm của những hạt dổi mọc lên từ đất rừng lại trở về gửi hương vào đất âm thầm như những chiến công của những người lính Tây Tiến thuở nào.

                             

 

                                                                    B.V.P

                                    ( Tổ 4, phường Thịnh Lang, TP. Hòa Bình)

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục