Khu di tích quốc gia đặc biệt Nguyễn Du, thuộc xã Tiên Điền,  huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh.

Khu di tích quốc gia đặc biệt Nguyễn Du, thuộc xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh.

(HBĐT) - Sinh thời, Nguyễn Du vì đau đớn bởi sự cô độc giữa thời thế, giữa nhân tình đã thốt lên: “Bất tri tam bách dư niên hậu, Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như” (không biết hơn ba trăm năm sau, thiên hạ có ai là người khóc Tố Như). Nhưng hai trăm năm qua ở Việt Nam, di sản vô giá, đặc biệt là Truyện Kiều của Nguyễn Du không ngừng lan tỏa và được khám phá trên nhiều phương diện khác nhau.

 

Từ nửa thế kỷ trước đây, trong hoàn cảnh chiến tranh, đất nước còn muôn vàn khó khăn, gian khổ, cùng với Nghị quyết của ủy ban Hòa bình thế giới, Đảng và Nhà nước ta đã tổ chức Lễ kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Nguyễn Du một cách trọng thể. Có thể nói, ở đâu trên đất nước này, nơi nào có cuộc sống, ở đó có Nguyễn Du. Từ những trí thức đến người lao động bình thường, không ai không thuộc hoặc không đọc, không nghe một vài câu Kiều của Nguyễn Du. Người ta đọc Kiều, người ta lẩy Kiều, người ta bói Kiều, người ta ru con bằng những câu Kiều. Và tôi nghĩ, nhiều cô bé, cậu bé nằm nôi lớn lên từ những lời ru đó không thể sống ác được, không thể không thương người, thương mình trong những bước truân chuyên cuộc đời. Trong suy nghĩ của chúng ta, di sản văn hóa của Nguyễn Du là sản phẩm kết tinh trí tuệ, tâm hồn, vẻ đẹp văn hóa dân tộc Việt Nam qua tài năng trác tuyệt của ông và cùng với thời gian, di sản ấy đã trở thành một phần tinh hoa văn hóa nhân loại. 

Một câu hỏi lớn thường đặt ra: Vì sao di sản của Nguyễn Du, đặc biệt là Truyện Kiều, có sức sống lâu bền và đi vào lòng người sâu rộng đến vậy? Như chúng ta đều biết, Nguyễn Du được sinh ra tại kinh thành Thăng Long, trong một gia đình đại quý tộc có truyền thống khoa bảng. Quê ông ở làng Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh - một vùng địa linh nhân kiệt. Truyền thống quê hương, gia đình, sự tích hợp nhiều nguồn văn hóa khác nhau, thập tải phong trần trải nghiệm những tháng năm dằng dặc cuộc đời của đủ loại chúng sinh, kết hợp một cách kỳ diệu với tài năng thiên bẩm và sự nhạy cảm trước những biến động thời cuộc đã tạo nên Nguyễn Du, người “có con mắt nhìn thâu sáu cõi, tấm lòng cảm tới nghìn đời”. Sáng tạo của Nguyễn Du là sáng tạo gắn liền với sự chiêm nghiệm sâu sắc về đời sống, về những số phận, những kiếp người. Nguyễn Du khóc thương cho những thân phận khổ đau, đặc biệt là số phận của người phụ nữ, lên án bất công xã hội, ước mơ giải phóng con người... Đó không phải là sự thương vay, khóc mướn của người ngoài cuộc mà là sự cảm thông đứt ruột của một thi nhân, một con người bị quăng quật, giằng xé bởi những đoạn trường thời thế, gia thế và số phận mình. Vì vậy, nhiều câu thơ của Nguyễn Du là sự khái quát thành những triết lý nhân sinh sâu sắc về cuộc đời, về con người, số phận con người, về những cảnh huống của đời người. Đó không phải là những vấn đề của một thời mà của nhiều thời. Đó không phải là những vấn đề của một quốc gia, một cộng đồng, một con người mà là của toàn nhân loại. Thêm nữa, và đây là điều rất quan trọng: Nguyễn Du đề cao cái thiện, coi cái thiện là gốc rễ của văn hóa. “Thiện căn bởi tại lòng ta”, đó là mẫu số chung lớn để tác phẩm của ông vượt qua mọi giới hạn của ngôn ngữ, bắt gặp sự chia sẻ, đồng điệu của mọi người. Tất cả đều xuất phát từ gốc rễ bền sâu của chủ nghĩa nhân đạo Nguyễn Du. Cũng bởi thế, hai trăm năm qua, Truyện Kiều luôn được phổ cập rộng rãi trong toàn thể quốc dân. Đến nay, đã có hơn ba mươi bản dịch ra nước ngoài. 

Nhắc đến di sản Nguyễn Du là nhắc đến những tập thơ chữ Hán chứa đầy suy tư, trắc ẩn như “Bắc hành tạp lục”, “Thanh Hiên thi tập”, “Nam trung tạp ngâm”, nhắc đến sự thống thiết trong “Văn tế thập loại chúng sinh”,  Nhưng tầm vóc vĩ đại của Nguyễn Du trước hết gắn liền với tập thơ chữ Nôm “Đoạn trường tân thanh” mà chúng ta vẫn quen gọi là Truyện Kiều. Trên cơ sở cốt truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Nguyễn Du đã sáng tạo nên một sản phẩm toàn bích, có ý nghĩa như một bách khoa thư về đời sống. Nhiều nhân vật của Nguyễn Du, dù chỉ được phác họa trong một vài câu thơ  cũng đã thành những nhân vật điển hình. Nhiều nhân vật bước ra ngoài trang sách, thành biểu trưng cho một loại người, một tính người trong xã hội. Điều này, Thanh Tâm Tài Nhân không làm được và không phải nghệ sĩ lớn nào cũng làm được.  

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới là người luôn vận dụng và lẩy Kiều hết sức linh hoạt. Nhờ lẩy Kiều một cách chính xác, hợp lý, hợp tình mà Người đã truyền tải nhiều ý nghĩ, mong muốn của mình đến đồng bào, đồng chí một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Và cũng thật thú vị, vào những năm khép lại thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, trong mối bang giao mở rộng, nhiều nguyên thủ quốc gia khi đến Việt Nam đã mượn hình thức lẩy Kiều như một sự thể hiện coi trọng văn hóa, coi văn hóa là cầu nối để xây đắp tình hòa hiếu, hướng tới tương lai. Như vậy, những giá trị văn hóa mà Nguyễn Du để lại cho chúng ta hôm nay, chắc chắn còn hứa hẹn những khám phá mới. Bản chất của văn hóa là luôn mở...

 

                                                            Theo Báo Nhân Dân

 

 

Các tin khác


Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Báo Nhân Dân ra mắt MV Kenny G "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV "Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục