Đền Bồng Lai, thị trấn Cao Phong (Cao Phong) thu hút đông đảo du khách đến tham quan, hành lễ. ảnh: t.h

Đền Bồng Lai, thị trấn Cao Phong (Cao Phong) thu hút đông đảo du khách đến tham quan, hành lễ. ảnh: t.h

(HBĐT) - Là địa phương giàu di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh có giá trị, tỉnh Hòa Bình có nhiều tiềm năng phát triển loại hình du lịch tâm linh, một loại hình du lịch hấp dẫn, đem lại giá trị kinh tế và có tác động tích cực đến môi trường, làm phong phú thêm đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân. Cùng với công tác thu hút đầu tư, tôn tạo, tỉnh đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, quảng bá, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch nhằm tạo động lực cho du lịch văn hóa tâm linh phát triển.

Từ tiềm năng  

Toàn tỉnh hiện có gần 300 địa chỉ di tích, trong đó đã phân loại 125 di tích đủ tiêu chí lập hồ sơ xếp hạng, 41 di tích được Bộ VH-TT & DL xếp hạng cấp quốc gia, 27 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Theo số liệu thống kê, phân loại của Sở VH-TT&DL, trong 41 di tích cấp quốc gia có 9 di tích lịch sử cách mạng, kháng chiến; 2 di tích lịch sử văn hóa; 12 di tích khảo cổ học và 18 di tích danh lam thắng cảnh. Trong 27 di tích cấp tỉnh, có 21 di tích lịch sử - văn hóa; 5 di tích lịch sử cách mạng và 1 di tích danh lam thắng cảnh. Trong số địa chỉ di tích có một số di tích tâm linh đã và đang thu hút đông đảo du khách đến tham quan, cúng lễ nhiều, nhất là vào dịp đầu năm, đem lại nguồn thu lớn cho địa phương như đền Bờ (huyện Cao Phong, Đà Bắc); quần thể di tích chùa Tiên, hang Luồn, đền Niệm (Lạc Thủy); quần thể di tích núi Đầu Rồng, chùa Quèn Ang, chùa Khánh (Cao Phong); chùa Hang - hang Chùa (Yên Thủy); miếu xóm Lũy (Phong Phú - Tân Lạc)...  

Hàng năm, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các địa phương đã tổ chức hoạt động lễ hội tại các điểm di tích, thu hút đông đảo du khách. Cùng với đó, tại mỗi địa phương đã phát triển nhiều loại hình dịch vụ phục vụ du khách ăn, nghỉ. Ngoài đưa ra các gói dịch vụ ưu đãi cho du khách, các địa phương phát triển thêm các sản phẩm phụ trợ, kết hợp nhiều hình thức du lịch. Như đến với đền Bờ, du khách được thưởng thức món cá nướng sông Đà. Sau khi đi lễ, du khách có thể tổ chức ăn uống tại thuyền nếu có nhu cầu. Hay du khách hành hương về với lễ hội chùa Tiên, có thể ăn, ngủ tại các nhà nghỉ bình dân và tham quan thêm một vài điểm di tích trên địa bàn như Nhà máy in tiền quốc gia, hang Luồn...  

Hiện, Hòa Bình đã hình thành được các tour, tuyến du lịch văn hóa tâm linh thu hút lượng khách đông, ổn định như Thung Nai  - đền Bờ - đảo Dừa; Thung Nai - đền Bờ - quần thể di tích núi Đầu Rồng; tuyến du lịch Tân Phong - Dũng Phong - Yên Lập - Yên Thượng thăm di tích lịch sử văn hóa chùa Quèn Ang, “Vườn hoa núi cối”, chùa Khánh...  

Đến định hướng phát triển  

Cao Phong được đánh giá là một trong những địa phương có tiềm năng du lịch của tỉnh. Trong những năm qua, huyện luôn xác định phát triển du lịch văn hóa tâm linh là hướng đi mới cho ngành du lịch của địa phương. Từ đó, huyện đã huy động nguồn lực từ ngân sách địa phương, xã hội hóa đầu tư cho các điểm di tích. Được sự quan tâm của UBND tỉnh, huyện đã có chỉ đạo về phát triển du lịch, xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch trên địa bàn huyện, từng bước đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch. Trong đó phải kể đến việc khôi phục, xây dựng lại chùa Khánh khang trang, thuận lợi về giao thông để khách du lịch đến thăm; xây dựng đền Thượng Bồng Lai (quần thể di tích núi Đầu Rồng) với tổng kinh phí trên 40 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện còn xây mới, tu bổ tại các điểm di tích như đền Bờ, chùa Quèn Ang, Tượng đài Anh hùng Cù Chính Lan...  

Trong 10 năm trở lại đây, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia của Bộ VH - TT & DL, tỉnh được đầu tư gần 20 tỷ đồng tu bổ, tôn tạo các di tích cấp quốc gia. Ngoài ra, tại các huyện, thành phố có điểm di tích đã trích nguồn ngân sách địa phương, đẩy mạnh xã hội hóa thu hút đầu tư xây dựng các công trình phụ trợ đền, chùa, đình, miếu. Cùng với đó, công tác quảng bá du lịch được các địa phương triển khai mạnh mẽ bằng nhiều hình thức.  

Đồng chí Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở VH- TT & DL cho biết: Phát triển du lịch tâm linh là phát triển một lĩnh vực tổng hợp, đòi hỏi sự tham gia góp sức của nhiều bên, bao gồm cả sự đầu tư của Nhà nước, chính quyền địa phương, các đơn vị lữ hành và người làm du lịch tại các điểm tâm linh. Để nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, các địa phương cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư cùng tham gia phát triển du lịch tâm linh. Thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa các doanh nghiệp, các địa phương và ngược lại; nâng cao nhận thức, tính chuyên nghiệp của đội ngũ thuyết minh viên, hướng dẫn viên và những người tham gia vào quá trình cung cấp dịch vụ du lịch trên cơ sở gắn kết sự phát triển du lịch với lợi ích cộng đồng nhằm hướng đến mục tiêu phát triển du lịch văn hóa tâm linh một cách bền vững.

 

                                                                  Hồng Nhung

 

Các tin khác


Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Thành phố Hòa Bình: Tọa đàm giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho ĐV-TN

Ngày 21/3, Trung tâm Chính trị thành phố Hòa Bình phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy và Thành Đoàn Hòa Bình tổ chức tọa đàm "Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho đoàn viên, thanh viên” (ĐVTN) trên địa bàn thành phố. Tham dự có lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Thành ủy Hòa Bình, cấp ủy, chính quyền và đông đảo ĐVTN trên địa bàn thành phố.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục