Cán bộ Viện Ngôn ngữ học và đại diện nguyên lãnh đạo huyện, các ban, ngành huyện Kim Bôi tại buổi tọa đàm lấy ý kiến xây dựng bộ chữ Mường tại Mường Động.

Cán bộ Viện Ngôn ngữ học và đại diện nguyên lãnh đạo huyện, các ban, ngành huyện Kim Bôi tại buổi tọa đàm lấy ý kiến xây dựng bộ chữ Mường tại Mường Động.

(HBĐT) - Dân tộc Mường có nền văn hóa phong phú và đặc sắc, đậm đà bản sắc từ lâu đời. Đối với tỉnh Hòa Bình, dân tộc Mường có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự phát triển bền vững về kinh tế, văn hóa và các mặt khác. Người Mường và văn hóa Mường ở Hòa Bình luôn được coi là trung tâm của dân tộc Mường cả nước với 4 Mường chính: Bi, Vang, Thàng, Động. Trong xu thế hội nhập hiện nay rất cần có một bộ chữ Mường thống nhất để bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết dân tộc Mường. Cụ thể là ghi chép văn hóa Mường, trong giáo dục tiếng Mường, trong phát thanh và truyền hình bằng tiếng Mường tại tỉnh Hòa Bình.

 

Dân tộc Mường có dân số đứng hàng thứ ba và thuộc 1 trong 5 dân tộc có số dân đông nhất so với các dân tộc thiểu số khác (một triệu người trở lên) và có nền văn hóa lâu đời, nhưng cho đến nay, tiếng Mường chưa có chữ viết chính thức.

 

Gọi là “chưa có chữ viết chính thức” vì đã hơn 1 thế kỷ nay, dân tộc Mường đã được các nhà sưu tầm, nghiên cứu quan tâm. Theo đó đã có nhiều công trình về lịch sử, ngôn ngữ, văn hóa Mường. đáng lưu ý là các truyện thơ, mo, sử thi Đẻ đất - đẻ nước và Từ điển tiếng Mường (Mường - Việt) đã được xuất bản. Các công trình này đều được ghi lại bằng chữ Mường theo sự sáng tạo cá nhân của mỗi tác giả hay nhóm tác giả. Liên quan đến tiếng Mường nói chung, ngữ âm - chữ viết tiếng Mường nói riêng đã có các công trình nghiên cứu của J. Cuisiner (1948), H. Maspero (1972), M. Ferlus (1974), Nguyễn Tài Cẩn (1995), N.K Xokolovxkaya (1978), M.B. Karker và N.E Barker (1970), Trần Trí Dõi và Nguyễn Văn Tài (2004), Nguyễn Văn Khang (2003)... Các công trình này tập trung vào nghiên cứu đặc điểm ngôn ngữ học lịch sử của tiếng Mường ở bình diện ngữ âm, từ vựng và trong đó ít nhiều có đề cập đến một số nội dung liên quan đến chữ viết. Đối với chữ viết Mường, cho đến nay cũng đã có nhiều công trình nghiên cứu khi bàn về chữ viết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam nhắc đến chữ Mường.

 

 Một số công trình sưu tầm, biên soạn về văn hóa Mường đã dùng chữ Quốc ngữ để ghi/phiên âm tiếng Mường (Đẻ đất đẻ nước, Thường rang bọ mẹng, Mo Mường). Đáng chú ý hơn cả một số nhà nghiên cứu đã đề xuất về phương án chữ Mường như: PGS.TS Nguyễn Kim Thản, GS.TS Hoàng Thị Châu, học giả Milton Backer, TS Nguyễn Văn Tài và Phương án chữ Mường của nhóm tác giả: GS.TS Hoàng Văn Hành, GS.TS Nguyễn Như ý; GS.TS Nguyễn Văn Khang, TS Phan Xuân Thành và nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Chỉ. Phương án chữ Mường này đã được sử dụng để biên soạn cuốn Từ điển Mường - Việt (2002) và cuốn Mo Mường Hòa Bình (2010). Tuy nhiên, vì chưa có một bộ chữ Mường thống nhất nên cách ghi tiếng Mường mỗi công trình có sự khác nhau. Mỗi tác giả nghiên cứu, sưu tầm có cách phiên âm khác nhau. Đây là lý do cần có một bộ chữ Mường thống nhất.

 

 

Một số tài liệu phục vụ nghiên cứu xây dựng bộ chữ Mường.

 

Thực hiện Kế hoạch số 63/KH-BCĐ ngày 28/7/2015 của BCĐ lập hồ sơ di sản Mo Mường về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cam kết sau khi Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cấp bằng bảo trợ cho Di sản văn hóa Mo Mường Hòa Bình. Trong đó có nội dung quan trọng là xây dựng bộ chữ Mường và giao cho Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì. Ngay sau khi được giao nhiệm vụ, Sở KH&CN đã thành lập, tổ chức họp Hội đồng tư vấn KH&CN để trình UBND tỉnh phê duyệt Đề tài “Xây dựng bộ chữ Mường phục vụ cho việc bảo tồn, phát huy văn hóa Mường tại tỉnh Hòa Bình” do Viện Ngôn ngữ - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thực hiện. Đến thời điểm này đã hoàn thành việc sưu tầm tài liệu phục vụ nghiên cứu. Viện Ngôn ngữ đang tập trung khảo sát, điều tra thực tế tại 4 Mường (Bi, Vang, Thàng, Động). Theo GS.TS Nguyễn Văn Khang, nghiên cứu viên cao cấp, nguyên Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, chủ nhiệm Đề tài Xây dựng bộ chữ Mường phục vụ cho việc bảo tồn, phát huy văn hóa Mường tại tỉnh Hòa Bình” thì tiếng Mường ở Hòa Bình gồm 4 phương ngữ chính là Mường Bi, Mường Vang, Mường Thàng, Mường Động. ở mỗi phương ngữ lại còn có thể phân nhỏ thành nhiều tiểu phương ngữ và thổ ngữ. Giữa chúng có những điểm khác nhau. Định hướng xây dựng bộ chữ Mường cố gắng hướng đến những điểm chung, cơ bản có thể “dung hòa” được ngữ âm của 4 Mường. Cách làm này cũng như cách xử lý chữ Quốc ngữ của tiếng Việt với nhiều phương ngữ đa dạng và phức tạp. Chữ Mường Hòa Bình được xây dựng trên cơ sở của chữ Quốc ngữ. Đây cũng là nguyên tắc chung khi xây dựng chữ viết cho ngôn ngữ dân tộc thiểu số trong quốc gia đa ngữ (dựa vào chữ viết của ngôn ngữ quốc gia). Cũng xin được nhấn mạnh là trên cơ sở chứ không phải là áp đặt hoàn toàn.

 

Những ngày cuối năm này, chúng tôi may mắn được tham gia cuộc tọa đàm lấy ý kiến xây dựng bộ chữ Mường tại Mường Động (Kim Bôi). Qua đây phần nào thấy được mong muốn của người Mường trong xây dựng chữ viết của dân tộc mình. ông Quách Thanh Chiều, 75 tuổi, nguyên Phó trưởng ban TT Ban Dân vận Tỉnh ủy không giấu được xúc động khi được mời tham gia lấy ý kiến xây dựng bộ chữ Mường. ông Chiều tâm sự: Là người con sinh ra và lớn lên ở xóm Lạng, xã Kim Bình (Kim Bôi), tôi rất phấn khởi, tin tưởng lần này tỉnh sẽ xây dựng được bộ chữ Mường. Còn nhớ từ năm 1964, tôi đã được mời tham gia hội thảo về chữ Mường tại Mường Bi (Tân Lạc) sau đó không thấy tiến hành các bước tiếp theo. Lần này, khi biết tỉnh có chủ trương xây dựng bộ chữ Mường không chỉ tôi mà bà con tại các vùng Mường đều rất vui mừng.

 

Cũng có mặt tại buổi tọa đàm, chị Đinh Thị Kiều Dung, người đã có nhiều năm công tác ở ngành Văn hóa huyện Kim Bôi cho rằng: “Mỗi vùng Mường khác nhau đều có cách nói khác nhau hoặc ngay bản thân người dân trên địa bàn huyện Kim Bôi đã có cách phát âm không giống nhau. Ngày nay, tiếng nói của dân tộc Mường, đặc biệt ở vùng trung tâm đã được lai gần như tiếng dân tộc Kinh để dễ nghe, dễ hiểu hơn”. Là người được ví như sơn ca đất Mường, chị Dung đã hát nhiều bài của dân tộc Mường nên đã có nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết về cách phát âm để xây dựng bộ chữ Mường.

 

Không chỉ người Mường mà người dân trên địa bàn tỉnh đều mong muốn xây dựng một bộ chữ Mường thống nhất. Bộ chữ Mường được phê duyệt và đưa vào sử dụng sẽ góp phần đắc lực cho việc sưu tầm, nghiên cứu bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc. Là chữ viết trong việc dạy học, học tiếng Mường cho người Mường, những người đang làm việc tại các vùng Mường và tất cả những ai có nhu cầu học, sử dụng tiếng Mường. Qua đây cũng khẳng định vai trò, vị thế của dân tộc Mường trong cộng đồng các dân tộc thiểu số nói riêng và cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung...

 

                                                                                 

 

                                                                            Hương Lan

 

 

 

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục