Nghi lễ đầu tiên được thực hiện của hội cầu mùa ở Mường Chanh là dâng lễ, đi đầu là dàn sáo, nhị, chiêng.

Nghi lễ đầu tiên được thực hiện của hội cầu mùa ở Mường Chanh là dâng lễ, đi đầu là dàn sáo, nhị, chiêng.

(HBĐT) - Tích xưa kể rằng cách đây đã mấy nghìn năm, vào đời các Vua Hùng, một trong những bà vợ của nhà vua vì giận chồng đã mang theo 2 người con đi tha hương viễn xứ. Đến khu vực núi Khụ Động, thuộc xóm Chanh, xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi), do lặn lội đường xa, không có gì vào bụng khiến bà và các con lả đi vì đói, khát. Người dân trong lúc chăn trâu, bò trên núi nhìn thấy đã chạy về nhà mang cơm đùm, cơm nắm giấu vào tay áo dốc lòng cưu mang, cứu giúp. Cũng từ đó, bà ở lại núi Khụ Động dựng cửa, dựng nhà, bà dạy dân cách trồng lúa, trồng bông, dệt vải, đắp bai, be bờ... Khi bà mất, để nhớ công, dân làng lập miếu thờ, gọi bà là Thánh (còn gọi là thành hoàng làng), đời này qua đời khác một lòng bái vọng.

 

Đây cũng là nơi mà đúng vào ngày cây bốn, tháng bốn lịch Mường, (tức 5/3 âm lịch) hàng năm, người Mường Chanh dù có đi xa, đi gần đều trở về làng tham dự lễ hội cầu mùa, một trong những lễ hội quan trọng nhất của vùng Mường. Tích xưa được khơi lại và những nghi lễ cúng dâng lên thánh miếu tái hiện sinh động trong lễ hội... Nghi lễ trước tiên, mở đầu cho phần lễ là dâng lễ do các bậc cao niên của xóm đảm nhiệm, diễn ra từ 5 h sáng đến 14 h chiều. Khi trời vừa tảng sáng, bò được dắt lên núi làm thủ tục xin với thánh, đồng thời thực hiện nghi lễ đập đầu bò diễn ra với tính chất tượng trưng (nhấc đầu gậy ba lần ngang mắt bò). Sau đó, con vật được đem giết thịt dùng làm vật phẩm cúng tế. Theo dân làng, thịt bò là lễ vật cúng dâng không thể thiếu cùng với các vật phẩm khác như xôi, ốt đồ, thịt gà, rượu...  

Một trong những nghi lễ thu hút gần như tất thảy trai, gái, trẻ, già nô nức tham gia vào lễ hội cầu mùa là hội đánh cá diễn ra vào buổi sáng tại suối Bai Bén. Bà con kéo đến đông nghịt, mang theo các dụng cụ đánh bắt thô sơ như vó, lưới, đó, đơm... Hăm hở, miệt mài từ sáng tới trưa, khi bắt cá đủ được mẻ ốt đồ, các hộ mang giỏ cá về chuẩn bị gói ghém và đồ chín. Đúng 14h chiều hôm đó, mỗi gia đình cắt cử 1 thành viên mang ốt cá lên đền để cúng dâng. Nói về tục này, bà Bùi Thị Vân ở xóm Chanh Trên cho biết: Từ thời ông, bà xa xưa đã có phong tục vào sáng sớm của lễ hội xuống đồng, cả làng ra suối bắt cá. Đây cũng là ngày duy nhất trong năm, người dân được đánh bắt cá tại suối này còn mùa cá đẻ, tuyệt nhiên không có ai ra đây đánh bắt. Số cá đánh bắt được đồ lên làm vật phẩm dâng lên thánh miếu. Các nghi lễ khác diễn ra tại miếu trong không khí lễ hội với tiếng thúc giục của trống, âm hưởng rộn rã, gọi mời của chiêng và dàn nhạc cụ dân tộc sáo, nhị.   

Bẵng đi quãng thời gian 50 năm sau tàn phá của chiến tranh, rồi thời bình lập lại, đến năm 2007, khi đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người dân có sự cải thiện, lễ hội cầu mùa vùng Mường Chanh đã được khôi phục thỏa ý nguyện của người dân. Những nghi lễ của lễ hội tựa như suối mát tinh thần khích lệ bà con nơi đây chí thú với việc trồng, cấy sớm hôm sao cho cây lúa, cây màu tốt tươi, “được mùa, được màng”, bình an, mạnh khỏe, người người được no ăn, ấm mặc. Nghi lễ ấy được khẩn cầu lên thành hoàng làng bằng tiếng hô cầu “được mùa rồi” vang dậy núi.  

Trong tâm thức của người làng Chanh Cả, Chanh Trên, nhờ có thánh miếu linh thiêng, che chở mà nhà nhà sức khỏe dồi dào, mùa màng bội thu, con cháu dù đi đâu, làm gì vẫn “chân cứng, đá mềm”. Dường như cũng nhờ đó mà vùng Mường Chanh quanh năm mưa thuận, gió hòa, năng suất cây lúa, cây ngô cao hơn hẳn so với các vùng Mường khác, đời sống bà con ngày càng sung túc hơn. Theo đồng chí Bùi Văn Hương, Bí thư chi bộ xóm Chanh Trên, trong vùng Mường Động, hiện chỉ có duy nhất Mường Chanh là duy trì lễ hội cầu mùa. Từ ngày được khôi phục, bên cạnh các phần nghi lễ diễn ra tuần tự, xóm cũng chú trọng tổ chức hoạt động thể thao, văn nghệ, các chương trình giao lưu bóng chuyền hơi NCT, bóng chuyền thanh niên, tạo không khí lễ hội phấn chấn. Xóm Chanh Trên có 100 hộ, đời sống kinh tế chủ yếu là nông nghiệp với nghề chính là gieo cấy lúa nước và chăn nuôi. Đến năm 2015, thu nhập bình quân của xóm đạt 15 triệu đồng /người/ năm, cao hơn so với các xóm khác của    xã Vĩnh Đồng. Lễ hội cầu mùa của   Mường Chanh với những nghi lễ cộng đồng độc đáo được phục dựng, tổ chức hàng năm đã làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần, động viên người dân trong lao động, sản xuất, đồng thời là cơ hội để gặp gỡ, giao lưu gắn kết cộng đồng, góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

 

                                                           

                                                              Bùi Minh

 

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục