Lãnh đạo và các hội viên CCB thành phố Hòa Bình thăm quan mô hình trồng rừng của CCB Nguyễn Trung Thành tại xã Bình Thanh (Cao Phong).

Lãnh đạo và các hội viên CCB thành phố Hòa Bình thăm quan mô hình trồng rừng của CCB Nguyễn Trung Thành tại xã Bình Thanh (Cao Phong).

(HBĐT) - Trong chiến đấu, họ là những người lính quả cảm chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ Tổ quốc. Dù xuất thân từ chiến sĩ biên phòng, quân y hay cán bộ hậu cần, sĩ quan… về với đời thường, những chiến sĩ ấy tiếp tục phát huy bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, không lùi bước trước khó khăn, thử thách, đoàn kết cùng vượt lên giành nhiều thắng lợi trên trận tuyến mới - trận tuyến phát triển kinh tế, chống đói - nghèo, lạc hậu.

 

Chúng tôi đến thăm gia đình thương binh hạng 1/4 Đinh Gia Tải ở xóm Yên Sơn, xã Yên Lạc (Yên Thủy), nhìn cơ ngơi khang trang với đầy đủ tiện nghi, được nghe ông kể về  thành quả phát triển kinh tế, ít ai biết gia đình ông từng trải qua thời kỳ vất vả, khó khăn, bản thân ông đang mang trong mình thương tật do chiến tranh để lại. Rời quân ngũ về với đời thường, ông từng bươn chải nhiều nghề để kiếm sống. Năm 2008, được bạn bè, đồng đội giúp đỡ, ông đã mạnh dạn xây dựng cơ sở sản xuất gạch bê tông. Không quản ngại khó khăn, ông đi nhiều nơi tìm đầu mối tiêu thụ, kiên trì giữ uy tín, chất lượng. Sau một thời gian, cơ sở của ông đã được nhiều địa phương khác cũng như nhân dân trong vùng đến thăm quan, học tập kinh nghiệm và đặt mua hàng với số lượng lớn. Hiện nay, với công suất từ 1.800 - 2.000 viên/ngày, cơ sở sản xuất gạch bê tông của gia đình CCB Đinh Gia Tải tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động với mức thu nhập bình quân từ 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, gia đình ông còn chăn nuôi lợn thịt, trung bình mỗi năm thu về trên 100 triệu đồng. Tổng thu nhập của gia đình mỗi năm đạt trên 200 triệu đồng.

 

Một tấm gương khác đại diện cho những CCB vươn lên từ gian khó, đó là CCB Đinh Hữu Khải ở xóm Long Giang, xã Lạc Long (Lạc Thủy). Năm 1975, sau 7 năm tham gia nghĩa vụ quốc tế tại nước bạn Lào, về với đời thường, cuộc sống gia đình ông rất khó khăn, bấp bênh. Với bản chất người lính, năm 1989, ông mạnh dạn nhận khoán 3,6 ha đất lâm nghiệp gần nhà đầu tư trồng rừng kết hợp với chăn nuôi để lấy ngắn nuôi dài. Đến năm 2008, ông đầu tư thêm 1,8 ha đất rừng để trồng cây ăn quả và mở rộng mô hình trang trại. Xuất phát từ ý chí không chịu lùi bước trước khó khăn, đến nay, cơ ngơi của gia đình ông Khải đã có 4,2 ha keo và 1,8 ha cây ăn quả. Bên cạnh đó, gia đình còn có 2 con lợn nái, 6 con lợn thịt và trên 40 con gà đẻ. Thu nhập từ mô hình trồng rừng, chăn nuôi kết hợp, gia đình ông thu trên 100 triệu đồng/năm  (đã trừ chi phí).

 

Đến xóm Tân Hương 2, xã Thanh Hối (Tân Lạc), hỏi thăm về CCB Trần Phượng  ai cũng tỏ ý khâm phục, quý mến. Rời quân ngũ năm 1976, ông về công tác tại huyện Tân Lạc. Cũng từ đây, ông bắt đầu yêu thích loài ong, sau khi nghỉ hưu, ông Phượng nghĩ đến việc nuôi ong lấy mật để cải thiện đời sống gia đình. Từ 1 - 2 thùng ong nuôi ban đầu, sau thời gian tích lũy kinh nghiệm, đặc tính của loài ong như: xây tổ, chia đàn, mùa hoa nở, mùa ong đi lấy mật, biết cách luân chuyển đàn ong..., từ đó ông đã nhân số lượng đàn ong. Đến nay, gia đình ông có trên 100 thùng ong do ông tự thiết kế (trên diện tích rộng hơn 2.000 m2). Mỗi năm cho thu vài trăm lít mật với giá hiện nay từ 160.000 - 170.000 đồng/lít, mỗi năm thu nhập từ nuôi ong được 70 - 80 triệu đồng. Hương vị mật ong rừng của gia đình ông đã có tiếng, nhiều người ở địa phương và các huyện lân cận đến mua, học hỏi và ông không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ nuôi ong đến tìm hiểu. Ngoài nuôi ong, gia đình ông còn trồng 10 ha keo tai tượng và nhiều loại cây cảnh khác... Có thể nói, những việc làm ý nghĩa mà CCB Trần Phượng và những CCB khác đang thực hiện được ví như những giọt mật ngọt ngào của loài ong đang hàng ngày hăng say, không quản khó nhọc để dâng đời niềm vui, niềm hạnh phúc.

 

Đó chỉ là 3 trong nhiều CCB tiêu biểu của tỉnh đi đầu trên trận tuyến mới - trận tuyến phát triển KT-XH, chống đói nghèo, lạc hậu. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 8.600 mô hình CCB làm kinh tế trong các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, trang trại, gia trại, trong đó có khoảng 6.795 mô hình thu nhập từ 300 triệu đến hàng tỷ đồng/năm. Sáng mãi phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, các CCB đã phấn đấu không ngừng, luôn tiên phong trong phong trào phát triển KT-XH ở địa phương. Được thăm quan mô hình kinh tế và nghe những câu chuyện làm ăn của các CCB năm xưa, chúng tôi thầm cảm phục ý chí vươn lên của những người lính - Họ đã và đang làm giàu cho gia đình, quê hương, đất nước.

 

                                                                                  

 

                                                                                  Hoàng Huy

Các tin khác


Trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án cựu Chủ tịch Vimedimex và đồng phạm

Sau nhiều ngày xét xử, chiều 22/4, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định trả hồ sơ để tiến hành điều tra bổ sung cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn dược phẩm Vimedimex Nguyễn Thị Loan cùng 10 bị cáo khác trong vụ án sai phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất ở Đông Anh, Hà Nội.

Khởi tố Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bổ sung vụ án hình sự, Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam, Lệnh khám xét đối với ông Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội.

Huyện Lạc Thủy: Chủ động trong công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật

Những năm qua, công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật được huyện Lạc Thủy chủ động triển khai thực hiện tương đối đồng bộ, có hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc quản lý nhà nước, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng.

Công an huyện Cao Phong: Nắm chắc địa bàn để đảm bảo an ninh trật tự

Những năm qua, với vai trò nòng cốt trong công tác đảm bảo an ninh trật tự (ANTT), căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, Công an huyện Cao Phong luôn chủ động nắm chắc tình hình, tăng cường các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Công an huyện Kim Bôi xử lý nhóm thanh thiếu niên gây rối trật tự công cộng

Đêm 13/4, tổ công tác Đội Cảnh sát giao thông, trật tự - Công an huyện Kim Bôi trong quá trình tuần tra kiểm soát phát hiện một nhóm thanh thiếu niên điều khiển xe mô tô tốc độ cao, không đội mũ bảo hiểm cầm theo hung khí nguy hiểm (dao phóng lợn) đi theo tuyến đường 12B từ xã Tú Sơn đến thị trấn Bo (Kim Bôi) gây hoang mang cho người đi đường và ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự.

Nâng cao chất lượng kiểm sát án dân sự

Những năm qua, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) hai cấp tỉnh quan tâm đổi mới công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, hôn nhân - gia đình (HNGĐ). Đồng thời, nâng cao chất lượng phát biểu của kiểm sát viên (KSV) tại phiên tòa, bảo đảm đúng pháp luật.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục