Ngày 15-11, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) có công văn gửi một số địa phương và trường đại học về việc triệu tập các giáo viên (từ ngày 22 đến 26-11) tham gia biên soạn câu hỏi cho ngân hàng câu hỏi thi phục vụ kỳ thi THPT quốc gia. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) cũng đang tích cực chuẩn bị xây dựng quy chế kỳ thi THPT quốc gia năm 2017.

Thí sinh làm thủ tục dự thi kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 tại Trường đại học Bách Khoa (Hà Nội). Ảnh: ĐĂNG ANH

Tuy nhiên, nhiều thí sinh, phụ huynh đang lo lắng bởi những dấu hiệu bất thường, nghi vấn về việc thiếu nghiêm túc, minh bạch từ kỳ thi THPT quốc gia những năm qua.

“Tối mật” được... chuyển phát nhanh qua bưu điện

Thời gian gần đây, một số ý kiến trong dư luận xã hội băn khoăn chung quanh vấn đề bảo mật đề thi chính thức cũng như dự bị của kỳ thi THPT quốc gia. Trong đó, việc một số cuốn sách hướng dẫn ôn tập trước kỳ thi có những bài giống đến mức “đáng ngờ” so với đề thi chính thức trong kỳ thi THPT quốc gia sau đó, khiến cho thí sinh và phụ huynh lo lắng. Điển hình như trước kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, thí sinh xôn xao về cuốn sách “Tuyển chọn các dạng toán hay, lạ, khó môn Vật lý” của tác giả Chu Văn Biên rất sát với đề thi. Theo các thông tin được in trên cuốn sách này thì đây là sách do Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội xuất bản, có số xuất bản 147/ĐHQGHN ngày 27-5-2016. Có hàng chục câu hỏi trong đề thi chính thức môn Vật lý của kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 giống về dạng thức với các bài tập trong cuốn sách nêu trên; thậm chí có những câu hỏi giống từ lời dẫn đến đáp án đúng.

Điển hình trong số sáu mã đề thi chính thức thì các câu hỏi số: 45 (mã đề 648), 48 (mã đề 759), 49 (mã đề 169), 40 (mã đề 536), 34 (mã đề 381) và câu 49 (mã đề 293) của đề thi THPT quốc gia chính thức năm 2016 trùng với câu 4, trang 1.342 và thí dụ 3, trang 1.272 của cuốn sách nêu trên; câu hỏi số 43 (mã đề 648), 41 (mã đề 759), 43 (mã đề 169), 42 (mã đề 536), 48 (mã đề 381), 42 (mã đề 293) giống cả lời dẫn và đáp án đúng với thí dụ 2, trang 1.376 của cuốn sách nêu trên; các câu hỏi số 39 (mã đề 648), 32 (mã đề 759), 31 (mã đề 536, 381, 293, 169) giống từ lời dẫn đến đáp án đúng của thí dụ 4, trang 1.394 trong cuốn sách nêu trên.

Ngoài ra, trước khi kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 diễn ra, có những cuốn sách xuất bản có một số đề ôn thi bị nghi ngờ là đề thi dự bị của những năm trước, vốn không được công bố công khai. Điều đó khiến không ít thí sinh và phụ huynh lo lắng, nghi ngờ về tính minh bạch, nghiêm túc trong khâu quản lý đề thi. Trước những thắc mắc nêu trên, Bộ GD và ĐT lại lý giải khá mập mờ và mâu thuẫn. Trong công văn gửi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tháng 10-2016, Bộ GD và ĐT cho biết đề thi chính thức và đề thi dự bị là “bí mật Nhà nước độ tối mật”.

Theo quy định, trong quá trình chuyển đề thi chính thức đều có công an giám sát chặt chẽ thì đề thi dự bị lại được chuyển “bằng đường chuyển phát nhanh qua bưu điện tới các hội đồng thi”. Mặt khác, việc các câu hỏi của đề thi dự bị mặc dù không được công bố (do những năm gần đây không có sự cố về đề thi) nhưng lại “lọt” ra ngoài đã được Bộ GD và ĐT “đổ lỗi” do gửi cho các hội đồng thi, sau đó không thu hồi được.

Tuy nhiên, lãnh đạo một số hội đồng thi cho biết, đề thi dự bị chỉ được chuyển cho các hội đồng in sao chứ không chuyển cho hội đồng thi. Câu hỏi đặt ra: Vì sao có những cuốn sách ôn tập được bán với giá khá cao trước kỳ thi THPT quốc gia có câu hỏi giống y nguyên đề thi chính thức; đề thi dự bị không được công bố lại bị nghi ngờ “lọt” ra ngoài; trong khi lãnh đạo hội đồng ra đề thi chỉ tập trung ở Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (KT và KĐCLGD)?

Tham gia tổ chức ra đề thi lại viết sách hướng dẫn ôn thi

Đáng chú ý, với nhiệm vụ tổ chức, điều hành việc ra đề thi thuộc độ tối mật nhưng trước mỗi kỳ thi THPT quốc gia, một số cán bộ của Cục KT và KĐCLGD lại tham gia viết sách hướng dẫn ôn tập kỳ thi THPT quốc gia. Điển hình như cuốn “Hướng dẫn ôn tập kỳ thi THPT quốc gia năm học 2016-2017 môn Ngữ văn” của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) dự kiến phát hành, được giới thiệu do tác giả Nguyễn Duy Kha chủ biên. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Duy Kha, Trưởng phòng Khảo thí (Cục KT và KĐCLGD) thừa nhận có tham gia viết sách hướng dẫn ôn thi như trên. Ông Kha cho biết thêm, đã tham gia viết sách hướng dẫn ôn thi cả chục năm nay và tham gia viết với “tư cách cá nhân”. Ngoài ra, còn có nhiều cuốn sách hướng dẫn ôn tập được cho là có sự tham gia của cán bộ Cục KT và KĐCLGD và một số đơn vị chức năng của Bộ GD và ĐT...

Đáng chú ý, việc phát hành sách có sự tham gia biên soạn của cán bộ Cục KT và KĐCLGD được thực hiện với một vòng “khép kín”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 13-10-2016 Tổng Giám đốc NXBGDVN Vũ Văn Hùng gửi Công văn số 1348/NXBGDVN tới các sở GD và ĐT cho biết sẽ phát hành bộ sách trắc nghiệm lớp 12 (dự kiến ngày 15-11 nhưng đến nay chưa phát hành) và Hướng dẫn ôn tập kỳ thi THPT quốc gia năm học 2016-2017 (dự kiến phát hành ngày 15-1-2017) và đề nghị các sở “hướng dẫn các trường THPT tại địa phương sử dụng”.

Tiếp đến, công văn của Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển giáo dục Hà Nội (thuộc NXBGDVN) Vũ Bá Khánh gửi một số sở GD và ĐT khu vực phía bắc khẳng định hai bộ sách nêu trên “được biên soạn bám sát cấu trúc đề thi và những chỉ đạo mới nhất của Bộ GD và ĐT”. Ngay sau khi nhận được các công văn của NXBGDVN, một số sở GD và ĐT đã lập tức có công văn gửi các trường THPT phổ biến việc mua tài liệu nêu trên. Thậm chí, tại tỉnh Điện Biên, Phó Giám đốc Sở GD và ĐT Nguyễn Mạnh Quân còn “yêu cầu” các đơn vị nghiên cứu triển khai thực hiện.

Nhiều thí sinh, phụ huynh lo lắng: Những cán bộ, công chức ở Cục KT và KĐCLGD trực tiếp tham gia hội đồng ra đề thi lại tham gia viết sách ôn thi để bán thì liệu có bảo đảm tính bí mật, công tâm về đề thi trong kỳ thi THPT quốc gia hay không? Mặt khác, những cuốn sách nêu trên là tài liệu tham khảo, mang tính kinh doanh của NXBGDVN thì vì sao lại được triển khai theo đường “hành chính” thông qua các sở GD và ĐT để chỉ đạo các trường học tổ chức cho thí sinh đăng ký mua? Để giải đáp những băn khoăn, thắc mắc trong dư luận xã hội, chúng tôi nhiều lần đề nghị Cục trưởng KT và KĐCLGD Mai Văn Trinh làm rõ nhưng đều được trả lời “bận việc” hoặc “đang đi công tác”.

Kỳ thi THPT quốc gia hằng năm luôn thu hút sự chú ý quan tâm đặc biệt của toàn xã hội, nhất là đối với nhiều thí sinh và gia đình thí sinh. Cả xã hội đều mong muốn kỳ thi nghiêm túc, công bằng và minh bạch. Việc mập mờ khó hiểu trong các hoạt động ra đề, quản lý đề thi cũng như in, phát hành sách hướng dẫn ôn thi liên quan đến Cục KT và KĐCLGD cần được lãnh đạo Bộ GD và ĐT sớm kiểm tra, làm rõ.

 

                                                                                TheoNhandan

Các tin khác


Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương, nâng lương như thế nào?

Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bảo đảm tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 an toàn, đúng quy chế

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND, ngày 10/4/2024 về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại tỉnh Hòa Bình, nhằm tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn, đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, bảo đảm nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng và hiệu quả.

Phát huy sự chủ động của nhà trường trong lựa chọn sách giáo khoa

Năm học tới, với học sinh các lớp 5, lớp 9 và lớp 12 sẽ là năm học đầu tiên thực hiện việc học sách giáo khoa mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, cùng với đó sẽ giao quyền tự quyết chọn sách giáo khoa cho các nhà trường.

Đổi mới để giáo dục mầm non phát triển toàn diện

Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân nhằm phát triển toàn diện trẻ em về thể chất, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách. Những năm qua, giáo dục mầm non đã được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm đầu tư phát triển nhưng vẫn chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục