(HBĐT) - “Đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri tại các địa phương đã nhận được nhiều ý kiến phản ánh, băn khoăn, bức xúc của cử tri, phụ huynh về việc thực hiện mô hình trường học mới (mô hình VNEN). Các tổ đại biểu đã tổng hợp ý kiến cử tri gửi về Ban VH -XH (HĐND tỉnh) và cho thấy nổi lên đề xuất yêu cầu ngành GD &ĐT cần thực hiện khảo sát ý kiến phụ huynh đối với vấn đề có hay không việc tiếp tục duy trì mô hình trường học mới?”. Trao đổi với chúng tôi về mô hình VNEN, đồng chí Khà Thị Luận, Phó Ban VH -XH (HĐND tỉnh) đã cho biết. Vậy VNEN là gì, đang được tỉnh Hòa Bình triển khai như thế nào và vì sao ngành GD &ĐT cho rằng mô hình này có một số ưu điểm nhưng nhiều phụ huynh vẫn kiên quyết đòi “bỏ” VNEN?

 

Học sinh trường tiểu học thị trấn Mai Châu (Mai Châu) tự nghiên cứu, thảo luận trong giờ học tiếng Việt.

 

Trao đổi với chúng tôi về mô hình VNEN, đồng chí Khà Thị Luận, Phó Ban VH -XH (HĐND tỉnh) đã cho biết. Vậy VNEN là gì, đang được tỉnh Hòa Bình triển khai như thế nào và vì sao ngành  GD &ĐT cho rằng mô hình này có một số ưu điểm nhưng nhiều phụ huynh vẫn kiên quyết đòi “bỏ” VNEN?

 

VNEN là gì?

 

VNEN khởi nguồn từ Côlômbia từ những năm 1995 – 2000 để dạy học trong những lớp ghép ở vùng miền núi khó khăn với nguyên tắc lấy học sinh làm trung tâm. Mô hình này vừa kế thừa những mặt tích cực của mô hình trường học truyền thống nhưng đặc biệt là có sự đổi mới căn bản về: mục tiêu đào tạo, nội dung chương trình, tài liệu học tập, phương pháp dạy – học, cách đánh giá, cách tổ chức quản lý lớp học, cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy – học…

 

Điểm nổi bật của mô hình là đổi mới về các hoạt động sư phạm, cách thức tổ chức lớp học. Quản lý lớp học là “Hội đồng tự quản học sinh”, các “ban” trong lớp học do học sinh tự nguyện xung phong và được các bạn trong lớp tín nhiệm bầu. Khác với mô hình truyền thống, trong VNEN giáo viên hạn chế giảng giải, thuyết trình mà chủ yếu là quan sát, hướng dẫn, tổ chức các hoạt động tự học cá nhân, cặp đôi, theo nhóm. Kỳ vọng đặt ra là dự án sẽ làm thay đổi được thói quen học tập bị động của học sinh.

 

Năm học 2011 – 2012, Hòa Bình là 1 trong 6 tỉnh đầu tiên của cả nước được Bộ GD &ĐT chọn thí điểm triển khai mô hình đối với 8 lớp 2 của 4 trường tiểu học thuộc Phòng GD &ĐT thành phố Hòa Bình và huyện Lương Sơn. Năm học 2012 – 2013, việc thực hiện dự án mở rộng lên 62 trường. Đến năm học 2015 – 2016 mở rộng đến 147 trường tiểu học. Đáng lưu ý, trong quá trình triển khai dự án, tỉnh Hòa Bình được cấp 31 tỷ đồng để tăng cường cơ sở vật chất cho các nhà trường, hỗ trợ bán trú và tăng cường tiếng Việt cho học sinh…

 

VNEN - phát sinh nhiều bất cập trong quá trình triển khai

 

Theo kế hoạch của Sở GD &ĐT, huyện Mai Châu có 6 trường tiểu học và 2 trường THCS áp dụng mô hình VNEN. Ngoài ra, trong quá trình triển khai có 2 trường là tiểu học Nà Mèo và tiểu học Vạn Mai đăng ký xin tham gia theo diện mở rộng. Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai, mô hình đã phát sinh nhiều vấn đề cần xem xét. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Hà Văn Cươm, Trưởng phòng GD &ĐT huyện Mai Châu cho biết: ưu điểm nổi bật của VNEN đó là tạo cơ hội cho học sinh được giao tiếp, trình bày, thảo luận, phản biện. Học sinh hào hứng, tự tin hơn trong các tiết học. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, bên cạnh những kết quả tích cực, VNEN còn bộc lộ khá nhiều hạn chế cần được quan tâm. Đặc biệt là khi áp dụng VNEN tại các vùng còn nhiều khó khăn như Mai Hạ, Mai Hịch. Bởi vì ở đây tư duy cũng như ngôn ngữ của học sinh còn hạn chế. Học sinh chưa mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp, học tập nên việc thảo luận, tự học, trao đổi rất khó khăn. Đặc biệt, trình độ dân trí không đồng đều, phụ huynh không thể kiểm tra, hướng dẫn con ôn tập, học bài ở nhà được. Gần như phụ huynh không biết con đến trường học gì, do đó, đa phần phụ huynh hoang mang và không ủng hộ mô hình này.

 

Khảo sát tại các địa phương khác như Kim Bôi, Lạc Thủy…cũng cho thấy tình trạng tương tự. VNEN chỉ thực sự phù hợp với những em học sinh có kiến thức, tư duy tốt, mạnh dạn và tự tin trong giao tiếp. Đối với những em có nhận thức kém hơn, VNEN dường như đang khiến cho các em ngày càng thêm “mù tịt”.

 

Nhiều ý kiến cho rằng, sau khi thực hiện thí điểm, từ tháng 5/2016, dự án kết thúc thì chỉ những trường thực hiện có hiệu quả mới nên tiếp tục duy trì. Những trường áp dụng chưa thực sự phù hợp, hiệu quả thấp thì nên quay trở về phương thức dạy học truyền thống để học sinh dễ tiếp thu hơn. Tuy nhiên, thực tế tại tỉnh ta, năm học 2016 – 2017 vẫn có đến 142 trường tiểu học áp dụng mô hình này giảm 5 trường so với các năm học trước.

 

Việc “cố” thực hiện VNEN trong năm học 2016 – 2017 đã tạo ra hệ lụy, đó là dự án đã kết thúc nên các nhà trường không còn được cấp kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị…trong khi việc thực hiện mô hình đòi hỏi những yêu cầu nhất định về diện tích, trang trí lớp học và sách giáo khoa. Thực tế này đã dẫn đến việc một số nhà trường vùng khó khăn, ví dụ như trường THCS Mai Hạ (xã Mai Hạ, huyện Mai Châu) vốn thuộc diện được cấp phát sách giáo khoa nhưng khi thực hiện theo VNEN, nhà trường phải trích từ kinh phí chi thường xuyên để mua SGK cho học sinh.

 

Đồng chí Trần Thị Kim Thoa, Hiệu trưởng trường THCS Nam Thượng (xã Nam Thượng, huyện Kim Bôi) cho biết: Khó khăn lớn nhất khi triển khai VNEN tại trường THCS Nam Thượng là diện tích các phòng học được xây dựng từ trước khá chật, không đảm bảo cho việc trang trí, sắp xếp lớp học theo tiêu chuẩn của VNEN, nhất là với những lớp đông học sinh. Khó khăn này ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học, việc tổ chức các hoạt động của lớp.

 

Sáng học VNEN, chiều học truyền thống

 

Năm học 2016 – 2017, 100% trường tiểu học trên địa bàn huyện Lạc Thủy học theo mô hình VNEN. Do đó có một thực tế đã và đang xảy ra là các em học sinh sáng học tại trường theo mô hình VNEN, chiều đi học thêm ở nhà cô theo chương trình truyền thống.

 

Chị Phạm Thị Lý (khu 4, thị trấn Chi Nê, huyện Lạc Thủy) bức xúc: Tôi có 2 con, con đầu đang học THPT, trước đây khi cháu học cấp I, cấp II theo mô hình truyền thống, tôi đều có thể kèm cặp, giúp con làm bài tập về nhà, chuẩn bị bài trước khi đi học. Cháu thứ 2 đang học lớp 4 theo mô hình VNEN. Chúng tôi không có sự lựa chọn nên buộc lòng phải để con theo học dù thực tế tôi thấy cháu không tiếp thu được chương trình học. Tôi rất hoang mang, không biết sau này lên cấp II sẽ thế nào nên tôi buộc lòng phải cho cháu đi học thêm ở nhà cô giáo theo chương trình truyền thống cho yên tâm.

 

Giải pháp cho con đi học thêm chương trình truyền thống là lựa chọn “cực chẳng đã” mà khá nhiều phụ huynh đang phải thực hiện khi trường học áp dụng mô hình VNEN, đặc biệt là với những phụ huynh có con học lớp 4 – lớp học được đa phần phụ huynh và giáo viên đánh giá là khó nhất trong cấp tiểu học. Việc làm này càng được cho là cần thiết khi hiện nay nhiều địa phương cấp tiểu học thực hiện học theo mô hình VNEN nhưng cấp II thì vẫn học theo mô hình truyền thống.

 

Ngày 7/12/2016, trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khoá XVI, đồng chí Bùi Trọng Đắc, Giám đốc Sở GD &ĐT đã thẳng thắn nhìn nhận: Từ khi triển khai mô hình này ở một số trường học, ngoài những điểm tích cực thì vẫn còn đó những hạn chế. Trong thời gian tới, Sở GD &ĐT sẽ triển khai đồng bộ hơn, ở những trường đang triển khai hiệu quả sẽ tiếp tục nhân rộng và tạm thời dừng lại đối với những nơi chưa làm tốt. Tinh thần chỉ đạo của Bộ và của Sở GD &ĐT là các trường học tự nguyện tham gia mô hình trường học mới VNEN, trên cơ sở đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và số lượng học sinh ở các lớp học.

 

Đồng chí Khà Thị Luận – Phó Trưởng Ban VH -XH (HĐND tỉnh) khẳng định: Việc thực hiện mô hình VNEN đã và đang gây ra rất nhiều băn khoăn, trăn trở, bức xúc trong nhân dân, phụ huynh. Lãnh đạo Sở GD &ĐT đã cho biết sẽ bàn bạc, thảo luận với các bậc phụ huynh về việc có hay không tiếp tục triển khai mô hình này. Nếu HĐND tỉnh tiếp tục nhận được nhiều ý kiến phản ánh, bức xúc của cử tri, phụ huynh thì chúng tôi sẽ làm việc với Sở GD &ĐT từ đó tham mưu cho HĐND tỉnh có những quyết định dứt khoát, phù hợp.

 

Năm học 2011 – 2012, cùng với Hòa Bình còn có 5 tỉnh được Bộ GD &ĐT chọn thực hiện thí điểm mô hình VNEN là Hà Giang, Lào Cai, Kon Tum, Đắk Lắk và Khánh Hòa.

Đáng lưu ý là tại Hà Giang, ngày 4/7/2016, UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành văn bản đề nghị ngành GD &ĐT tỉnh Hà Giang ngừng thực hiện mô hình VNEN để quay về mô hình truyền thống từ năm học 2016 – 2017 do việc triển khai không phù hợp, không hiệu quả.

 

                                                                         Dương Liễu 

* Ý kiến chung quanh việc thực hiện mô hình trường học mới (VNEN)

 

- Nếu thực hiện VNEN phải phân loại học sinh

            

                         Đào Thị Thương

Phố Thống Nhất, thị trấn Vụ Bản, huyện Lạc Sơn

 

Bản thân tôi đang có con học theo mô hình VNEN, tôi nhận thấy mô hình này có một số điểm tích cực. Phụ huynh ủng hộ ngành GD &ĐT đổi mới. Tuy nhiên, không phù hợp với tất cả học sinh. Những em có lực học tốt sẽ phát huy được khả năng nhưng những bạn nhận thức chậm sẽ không theo kịp. Do đó, nhà trường cần khảo sát ý kiến, nguyện vọng của phụ huynh; đánh giá chính xác năng lực học tập của từng em. Những em có học sinh tốt, có nguyện vọng học theo mô hình VNEN; các em kém hơn sẽ học theo mô hình truyền thống. Như thế vừa phát huy được năng lực những em giỏi, vừa đảm bảo kiến thức cơ bản cho học sinh trung bình và yếu.

 

Thực hiện VNEN cũng nên cẩn trọng, cân nhắc ở mức độ thí điểm, đánh giá chính xác, từ đó mới quyết định có nên duy trì hoặc nhân rộng hay không. Việc thực hiện rộng rãi, ồ ạt, bất chấp sự phản đối của phụ huynh như hiện nay là không hợp lý. Chúng tôi rất bức xúc khi không được lựa chọn phương pháp giáo dục phù hợp cho con em mình.

 

Lựa chọn giáo viên giảng dạy VNEN

                     

                                 Phạm Thị Hương

Hiệu trưởng trường tiểu học Hạ Bì, xã Hạ Bì, huyện Kim Bôi

 

Trường tiểu học Hạ Bì đang thực hiện việc bố trí để giáo viên giảng dạy VNEN sẽ phải theo lớp từ lớp 2 cho đến hết lớp 5. Do đó, việc lựa chọn giáo viên để dạy VNEN được thực hiện rất kỹ lưỡng. Giáo viên dạy VNEN ngoài việc là GV giỏi, có trình độ, năng lực tốt phải sử dụng thành thạo CNTT như máy tính, máy chiếu; có tinh thần cầu thị, tích cực học tập những phương pháp giảng dạy mới, hiện đại.

Vì để đảm bảo chất lượng, GV dạy VNEN phải tích cực tự học, tự nghiên cứu để có thể giảng dạy theo phương pháp mới. Trong quá trình giảng dạy phải phân loại học sinh, giao bài tập phù hợp với năng lực học sinh; chú ý quan tâm đến nhóm học sinh có lực học kém hơn, thậm chí, giáo viên sẽ phải tổ chức thêm các buổi học phụ đạo để các bạn có học lực kém có thể theo kịp bạn cùng lớp.

 

Giáo viên dạy VNEN phải tăng cường sự trao đổi, tư vấn cho phụ huynh để phụ huynh hiểu phương pháp, nội dung con học tập, từ đó mới giúp con ôn tập và chuẩn bị bài trước khi tới lớp. Nói chung, để mô hình VNEN đạt hiệu quả, nâng cao chất lượng giáo dục, giáo viên giảng dạy sẽ vất vả hơn mô hình truyền thống, do vậy cần lựa chọn những giáo viên thật sự có năng lực và nhất là tâm huyết với nghề; không phải giáo viên nào cũng có thể giảng dạy VNEN.

 

Kết hợp giáo dục truyền thống với  VNEN

 

                        Nguyễn Thị Hường

Tổ 1, phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình

 

Con tôi đang học tại trường tiểu học Trần Quốc Toản (thành phố Hòa Bình). Tôi thấy việc nhà trường kết hợp giữa giáo dục truyền thống và VNEN là hợp lý.

 

Một trong những vấn đề của VNEN khi triển khai chính là vai trò của giáo viên rất mờ nhạt. Nhiều giáo viên gần như buông cho học sinh “tự bơi” theo các nhóm và không kiểm soát được chất lượng tự học của từng em. Như vậy dẫn đến sự chênh lệch rất lớn về kiến thức giữa những em học tốt và những em học kém, mải chơi, nhất là đối với các bộ môn như tiếng Anh, tiếng Việt… rất cần giáo viên giảng giải, hướng dẫn.

 

Việc kết hợp giữa giáo dục truyền thống và điểm tích cực của VNEN đang được nhà trường triển khai là có những phần, bài học giáo viên sẽ giảng giải để học sinh ghi chép theo truyền thống. Sau đó, giáo viên sẽ lựa chọn những bài học, bài tập phù hợp để cho học sinh sắp xếp lại bàn ghế, ngồi thảo luận theo nhóm. Như vậy đảm bảo cho tất cả các em đều nắm duợc kiến thức cơ bản nhưng tạo cơ hội cho các em học sinh có năng lực phát huy sáng tạo, chủ động.  

 

Các tin khác


Quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Những năm qua, sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước.

Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương, nâng lương như thế nào?

Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bảo đảm tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 an toàn, đúng quy chế

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND, ngày 10/4/2024 về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại tỉnh Hòa Bình, nhằm tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn, đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, bảo đảm nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng và hiệu quả.

Phát huy sự chủ động của nhà trường trong lựa chọn sách giáo khoa

Năm học tới, với học sinh các lớp 5, lớp 9 và lớp 12 sẽ là năm học đầu tiên thực hiện việc học sách giáo khoa mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, cùng với đó sẽ giao quyền tự quyết chọn sách giáo khoa cho các nhà trường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục