Năm học 2019 - 2020, với nỗ lực và quyết tâm cao, ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô đã khắc phục mọi khó khăn, trong đó có sự ảnh hưởng mạnh mẽ của dịch COVD-19, để bảo đảm tiến độ, chất lượng giáo dục, duy trì vững chắc vị thế "đầu tàu” của cả nước.

Những thành tựu đó đã tiếp tục khẳng định chủ trương ưu tiên đầu tư cho sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội, tạo nền tảng để toàn ngành hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2020 - 2021, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao - một trong ba khâu đột phá được đề ra tại Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020 - 2025, hướng tới chào mừng thành công Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XIII.


Học sinh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam tại Lễ khai giảng năm học 2019-2020. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Đảm bảo chất lượng giáo dục

Theo số liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, năm học 2019 - 2020, ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ, dẫn đầu cả nước về cả quy mô và chất lượng. Toàn thành phố có gần 2.800 trường mầm non, phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp với hơn 2,1 triệu học sinh, tăng gần 68.000 học sinh so với năm học 2018 - 2019. Một trong những điểm nhấn đáng chú ý của ngành là tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia của Hà Nội trong năm 2020 đã đạt 75%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2015 - 2020 (từ 65 - 70% số trường đạt chuẩn).

Đầu năm 2020, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, với tinh thần tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học, ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô đã có nhiều giải pháp sáng tạo trong dạy, học, hoàn thành mục tiêu kép là bảo đảm an toàn cho học sinh và duy trì vững chắc chất lượng. Việc chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19 của ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội đã bảo đảm an toàn cho hơn 2 triệu học sinh các cấp học và gần 150 nghìn cán bộ, giáo viên, nhân viên trên toàn thành phố.

Phó Giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Văn Đại cho biết, một trong những điểm nhấn đáng chú ý trong thời điểm đó là quyết định tổ chức dạy học qua internet và qua truyền hình. Chỉ từ ngày 9/3 đến ngày 30/5, Sở Giáo dục và Đào tạo, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội đã phối hợp sản xuất được 1.000 tiết học/chương trình, phát sóng từ thứ Hai đến thứ Bảy hàng tuần. Hiệu ứng tích cực của chương trình đã lan tỏa mạnh ra khắp các tỉnh thành trong cả nước. Các chương trình dạy học qua truyền hình của Hà Nội được Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao, được sở giáo dục và đào tạo của 12 tỉnh, thành phố đề nghị tiếp sóng, góp phần tích cực cùng các trường học trên cả nước duy trì vững chắc chất lượng giáo dục đại trà.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, song chất lượng giáo dục của Thủ đô vẫn được giữ vững, dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi với 144 giải quốc gia, 338 giải và huy chương quốc tế. Trong Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020, Hà Nội là địa phương có số điểm 9, điểm 10 nhiều nhất cả nước với 416 điểm 10 và hơn 28.000 điểm 9.


Đội tuyển của Hà Nội xuất sắc giành giải cao tại Kỳ thi Olympic Quốc tế dành cho các thành phố lớn (IOM) - lần thứ V do Moscow, Liên Bang Nga tổ chức. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Quyết tâm đổi mới

Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Văn Đại, mặc dù đạt được nhiều thành tích, song ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội vẫn tồn tại một số bất cập như: Quá tải cục bộ ở một số cơ sở giáo dục, vẫn còn hiện tượng giáo viên có hành vi chưa chuẩn mực, công tác giáo dục đạo đức học sinh chưa đáp ứng yêu cầu, còn để xảy ra những rủi ro đáng tiếc.

Xác định được hạn chế, tồn tại của năm học 2019 - 2020, thành phố và ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ để khắc phục căn bản, từ đó tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giáo dục tại các đơn vị, trường học trên địa bàn thành phố.

Thành phố Hà Nội đã tăng cường mọi nguồn lực, ưu tiên kinh phí để mở rộng, xây dựng bổ sung trường, phòng học. Nhiều quận, huyện, thị xã cũng coi đây là giải pháp giải quyết vấn đề thiếu phòng học, dành sự đầu tư cho ngành giáo dục.

Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông cho biết, trong năm học 2020 - 2021 và giai đoạn 2021 - 2025, phòng tiếp tục tham mưu UBND quận ưu tiên kinh phí, dành quỹ đất cho việc mở rộng, xây dựng trường học, quyết tâm không để xảy ra tình trạng thiếu chỗ học cục bộ, ứng phó với tốc độ đô thị hóa, quy mô học sinh hàng năm tăng nhanh.

Còn Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phúc Thọ Kiều Trọng Sỹ cho rằng, để làm tốt hơn nữa vấn đề giáo dục đạo đức học sinh và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, không để xảy ra hiện tượng vi phạm đạo đức nhà giáo, huyện Phúc Thọ tập trung đổi mới công tác bồi dưỡng giáo viên bảo đảm thực chất, nhất là những giáo viên đã và sẽ dạy chương trình, sách giáo khoa mới. Cùng với việc tiếp tục nhấn mạnh vai trò nêu gương của nhà giáo, các chuyên đề bồi dưỡng về đạo đức, kỹ năng ứng xử cho nhà giáo tiếp tục được coi trọng.

Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Văn Đại, ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tăng cường nguồn lực để tập trung hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường học, đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo. Thầy, trò toàn ngành quyết tâm thực hiện hiệu quả phong trào thi đua "Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” giai đoạn 2020 - 2025 do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động, tạo chuyển biến mạnh mẽ từ mỗi cá nhân, nhà trường, góp phần đưa giáo dục Thủ đô tiếp tục giữ vững vị thế "đầu tàu” trong những năm tới.

"Đây vừa là thách thức vừa là cơ hội đối với ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô trong việc hoàn thành nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của Thủ đô - trung tâm giáo dục, chính trị, văn hóa của cả nước”, ông Phạm Văn Đại cho biết.


Theo TTXVN

Các tin khác


“Hành trình thắp sáng ước mơ” tại Trường THPT Tân Lạc

Đoàn Trường THPT Tân Lạc vừa phối hợp các tổ chức, đoàn thể trong nhà trường tổ chức chương trình "Hành trình thắp sáng ước mơ”. Đến dự có đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT, UBND huyện Tân Lạc. Chương trình có sự hiện diện của nhà báo Tạ Bích Loan - Trưởng Ban sản xuất các chương trình giải trí (VTV 3) Đài Truyền hình Việt Nam...

Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ngày 22/3 đã công bố 15 đề thi tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) năm 2024.

Trang bị kỹ năng sơ cấp cứu cho 500 giáo viên, học sinh

Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh, Hội CTĐ thành phố Hòa Bình vừa phối hợp tổ chức tập huấn, truyền thông phòng ngừa, ứng phó thiên tai, thảm họa và sơ cấp cứu cho trên 500 giáo viên, học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh.

Chuyển biến trong công tác giáo dục ở huyện Mai Châu

Chất lượng giáo dục đại trà trên địa bàn huyện Mai Châu từng bước được nâng lên, giáo dục mũi nhọn đạt nhiều kết quả tích cực; công tác quản lý giáo dục được đổi mới, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên phát triển về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của địa phương... Đó là những kết quả nổi bật mà ngành Giáo dục huyện Mai Châu đạt được.

Nâng cao chất lượng giáo dục qua hội thi giáo viên dạy giỏi

Mỗi năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy cho đội ngũ giáo viên. Với hội thi giáo viên dạy giỏi trung học phổ thông (THPT) cấp tỉnh thường niên đã trở thành sự kiện quan trọng, là ngày hội thao giảng của giáo viên nhằm góp phần vào thúc đẩy sự nghiệp GD&ĐT tỉnh nhà.

Cục Thi hành án dân sự tặng quà học sinh nghèo vượt khó xã Tân Minh

Thiết thực kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh với chủ đề "Thanh niên xung kích tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng”, ngày 19/3, Đoàn Thanh niên Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã đến thăm, tặng quà thầy và trò Trường tiểu học xã Tân Minh, huyện Đà Bắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục