(HBĐT) - Thầy giáo Võ Nguyên Giáp Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được cả thế giới biết tới qua các trận chiến, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Thế giới đánh giá ông là "một trong những thiên tài quân sự lớn nhất của mọi thời đại”. Nhưng trước khi trở thành một vị tướng gắn liền với trận mạc, Võ Nguyên Giáp là một thầy giáo. Sinh thời, một trong những câu nói nổi tiếng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đó là: "Nếu không có chiến tranh, tôi sẽ vẫn là một thầy giáo”.

Các cháu thiếu nhi Hà Nội chúc mừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp 95 tuổi tại nhà riêng của ông.
Thầy giáo Võ Nguyên Giáp

Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình nhà Nho, con của ông Võ Quang Nghiêm (Võ Nguyên Thân), một nhà Nho đức độ và mẹ là bà Nguyễn Thị Kiên. Tuổi đến trường, sớm thấm nhuần lòng yêu nước, Võ Nguyên Giáp hăng hái tham gia hoạt động cách mạng. Sau nhiều thăng trầm, ông ra Hà Nội, học trường Albert Sarraut. Ông nhận bằng cử nhân Luật năm 1937 (Licence en Droit). 

Tháng 9/1935, khóa học đầu tiên của trường tư thục Thăng Long khai giảng. Võ Nguyên Giáp dạy các môn Pháp văn, Lịch sử, Địa lý từ lớp đệ nhất niên cho đến đệ tứ niên. Ở bậc tú tài, Võ Nguyên Giáp dạy môn Lịch sử. Mỗi giờ đứng lớp của thầy giáo Võ Nguyên Giáp đều có sức truyền cảm rất lớn, đã thắp lên ngọn lửa yêu nước trong lòng mỗi học sinh. Ngày ấy, mái trường này do Hoàng Minh Giám làm giám đốc nhà trường. Cùng dạy tại trường Thăng Long còn có thầy Đặng Thai Mai.

Những bài học lịch sử về phong trào Cần Vương, hay tấm gương đầy khí phách như Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu… được thầy Giáp truyền lại cho học trò. Bài giảng có sơ đồ, bản đồ, minh họa trực quan qua tranh ảnh, hoặc giảng ngay tại nơi diễn ra sự kiện khiến cho những tiết học của thầy luôn có sức truyền cảm mãnh liệt. Trong những năm 1936-1939, nghề chính của Võ Nguyên Giáp là dạy học ở trường Thăng Long, nhưng vẫn tự học trường Luật và dành nhiều thời gian hoạt động báo chí. Dù thời gian gắn bó với phấn trắng bảng đen không dài, nhưng học trò của thầy Mai, thầy Giáp ở trường Thăng Long hồi đó sau này nhiều người đỗ đạt cao, trở thành chiến sỹ cách mạng, những tướng lĩnh của Quân đội nhân dân, có người trở thành cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước như đồng chí Lê Quang Đạo, Nguyễn Lam… Bây giờ, mái trường tư thục Thăng Long ngày ấy đã đổi tên thành trường tiểu học Thăng Long, nhưng địa chỉ thì vẫn ở đó: 20 ngõ Trạm - Hà Nội. Thầy trò trường tiểu học Thăng Long ngày nay vẫn tự hào và noi gương tấm gương sáng của "người thầy – Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.

Sau này cũng có đôi lần Đại tướng trở lại với bục giảng. Theo Trung tướng, PGS, TS Trần Xuân Ninh, Giám đốc Học viện Lục quân thì: "Học viện Lục quân được thành lập ngày 7/7/1946, những khóa học đầu, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra và giảng dạy. Những bài giảng của đồng chí như: "Tư tưởng chiến lược”, "Phổ biến kinh nghiệm chiến đấu”... kể từ ngày đó cho tới tận bây giờ vẫn được đội ngũ giảng viên của học viện nghiên cứu, phát huy. Sau này, do bận nhiều công việc, Đại tướng không tham gia giảng dạy nhưng vẫn thường xuyên tới thăm, kiểm tra, chỉ đạo, động viên học viện”.

Những căn dặn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với ngành giáo dục nước ta

"Giáo dục rất quan trọng. Muốn chấn hưng đất nước, muốn đào tạo con người có ích cho xã hội thì phải coi giáo dục là ưu tiên bậc nhất. Hiện giờ, giáo dục có nhiều thành tích nhưng còn kém so với các nước trong khu vực", lời căn dặn này của Đại tướng khi ông đã 96 tuổi và cho đến nay vẫn được ngành giáo dục coi là quan điểm chỉ đạo trong hoạch định chính sách của ngành. Sau khi đất nước thống nhất, Đại tướng Võ Nguyên Giáp dồn hết tâm sức, trí tuệ cho sự nghiệp khoa học, văn hóa và giáo dục của nước nhà. Nhiều năm trên cương vị là Phó Thủ tướng Chính phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn gần gũi đội ngũ tri thức, các nhà hoạt động văn hóa, nhà giáo dục. Với tư duy và tầm nhìn chiến lược, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đặt ra nhiều nhiệm vụ trước mắt và cả lâu dài cho sự phát triển của khoa học, giáo dục của đất nước.

Là con người của thực tiễn, xuất thân là một thầy giáo nên Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất hiểu và coi trọng giáo dục. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, hàng trăm bài nói chuyện, bài viết của Đại tướng về sự nghiệp giáo dục đều toát lên một tầm nhìn chiến lược, một sự quan tâm tỉ mỉ, chu đáo mọi vấn đề: Từ phương hướng chiến lược của ngành đại học đến phương hướng chiến lược của giáo dục phổ thông; vấn đề chất lượng giáo dục miền núi; công tác hướng nghiệp trong nhà trường đến vấn đề đổi mới nội dung, phương pháp dạy học; giảm tải những kiến thức hàn lâm trong chương trình sách giáo khoa; chú ý việc giáo dục kiến thức khoa học gắn với thực tiễn từng địa phương; đào tạo lực lượng tại chỗ cho công cuộc xây dựng, phát triển KT-XH từng địa phương... Ông thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế của giáo dục, của nhận thức xã hội về hoạt động giáo dục từ những biểu hiện nhỏ đến những vấn đề nổi cộm, bức xúc. Tất cả những vấn đề đó được nêu lên với cả tâm huyết của một nhà cách mạng, một nhà giáo yêu nước. 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho rằng, giáo dục là một khoa học đồng thời là một nghệ thuật, nội dung giáo dục bao giờ cũng phải kết hợp với phương pháp sư phạm. Đại tướng coi trọng chất lượng giáo dục toàn diện. Ông khẳng định giáo dục, đào tạo có chất lượng, là đào tạo những con người vừa có phẩm chất chính trị cần thiết, có năng lực chuyên môn vững vàng và có đầy đủ sức khỏe để hoàn thành công việc. "Chất lượng giáo dục đào tạo là chất lượng toàn diện được xác định trên cơ sở mục tiêu giáo dục đào tạo của từng ngành học, từng loại hình giáo dục, từng cấp học gắn với những mục tiêu KT-XH của cả nước, từng ngành, từng địa phương trong từng thời kỳ”. Chính vì vậy, nhà trường cần trang bị cho học sinh những tri thức văn hóa và khoa học, giáo dục thể chất và thực hành lao động sản xuất nhằm gắn nhà trường với thực tiễn cuộc sống. Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, để nâng cao chất lượng giáo dục cần thực hiện các nhiệm vụ:

Trước hết, cần giáo dục chính trị tư tưởng và đạo đức. Điều đó tức là trước hết cần giáo dục cho các em lòng yêu nước, lòng trung thành với lý tưởng cộng sản, trách nhiệm của một công dân, sẵn sàng tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc... Người giáo viên nhất định phải truyền thụ được cho các em học sinh hiểu rõ tình hình của đất nước và nhiệm vụ cách mạng của từng thời kỳ, "phải dạy như thế nào để đến khi ra trường các em có quyết tâm lao động xây dựng xã hội ở bất cứ lĩnh vực nào, trong bất cứ địa bàn nào của Tổ quốc và sẵn sàng xả thân bảo vệ Tổ quốc” . 

Phải giáo dục tri thức văn hóa và khoa học. Từ luận điểm của V.I. Lênin: "Người ta chỉ có thể trở thành những người cộng sản sau khi đã làm giàu trí nhớ của mình bằng sự hiểu biết tất cả những kho tàng tri thức mà nhân loại đã tạo ra”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ rõ: "Tri thức khoa học là một cơ sở rất quan trọng để trao đổi năng lực và phẩm chất đạo đức của con người mới”. Do vậy, cần phải trang bị cho học sinh những kiến thức cơ bản về tự nhiên, kỹ thuật, kinh tế, xã hội ở trình độ phổ thông tương đối hoàn chỉnh, cơ bản và hiện đại, vừa phù hợp với yêu cầu trước mắt, vừa tạo khả năng phát triển lâu dài.

Chú trọng giáo dục lao động sản xuất và công tác hướng nghiệp. Đại tướng cho rằng, cần phải nhận thức rõ rằng, càng làm tốt công tác hướng nghiệp cho học sinh phổ thông thì càng có điều kiện để tiến hành có hiệu quả về giáo dục tư tưởng chính trị, đồng thời phát huy mọi tài năng của thế hệ trẻ. Vì vậy, "phải kiên quyết khắc phục tình trạng coi nhẹ và tự phát đang phổ biến trong việc hướng nghiệp cho học sinh phổ thông”. 

Giáo dục thể chất, thẩm mỹ cho học sinh. Đây là những việc làm có ý nghĩa hết sức quan trọng. Giáo dục thể chất phù hợp với từng lứa tuổi để học sinh có ý thức cao trong nhận thức khỏe để học tập, lao động và bảo vệ Tổ quốc; giáo dục thẩm mỹ để các học sinh hiểu và biết yêu chân lý, trọng lẽ phải, biết đánh giá và cảm thụ đúng đắn cái đẹp của con người, thiên nhiên và truyền thống dân tộc, từ đó thể hiện trách nhiệm và biết quý trọng những giá trị văn hóa, truyền thống và đạo đức của cá nhân, gia đình và xã hội.

Khi đất nước bước vào thời kỳ cách mạng thông tin, kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã nhiều lần phát biểu những ý kiến tâm huyết của mình để đổi mới căn bản, mạnh mẽ và chấn hưng nền giáo dục nước nhà. Ông khẳng định "cần phải cải cách căn bản nền giáo dục quốc dân, hình thành một nền giáo dục dân chủ, nhân văn và hiện đại; xã hội học tập, xã hội tri thức, biến quá trình giáo dục thành quá trình tự giáo dục, trao cho con người những công cụ và phương pháp để tự học và học tập suốt đời”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ ra việc đổi mới giáo dục đào tạo ở nước ta phải thực hiện theo nguyên tắc thiết thực, hiện đại và nhân văn. Theo đó, ông cũng chỉ ra những vấn đề cơ bản và cấp bách cần thực hiện ngay trong công cuộc đổi mới giáo dục đào tạo là: đổi mới, kiện toàn hội đồng giáo dục quốc gia cho ngang tầm với nhiệm vụ; tổ chức nghiên cứu và rà soát lại hệ thống chương trình giáo dục và sách giáo khoa; nghiên cứu và tổ chức lại hệ thống giáo dục quốc dân cho phù hợp, sớm chấm dứt tình trạng "vừa thừa, vừa thiếu cả thầy lẫn thợ”; triển khai tích cực công tác phát hiện, tuyển chọn nhân tài, tổ chức đào tạo trong nước và nước ngoài để có đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học có trình độ cao; tăng cường đầu tư, đổi mới công tác quản lý và sử dụng ngân sách để đạt hiệu quả cao, phòng tránh tham nhũng, tiêu cực trong giáo dục; xây dựng nền giáo dục XHCN của dân, do dân, vì dân. 

Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, "đổi mới toàn diện, triệt để, có tính cách mạng giáo dục đào tạo là điều kiện tiên quyết để đưa đất nước ta tiến lên nhanh và bền vững”. Những quan điểm về đổi mới giáo dục của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là hết sức sâu sắc, đã nói đúng, trúng những hạn chế, yếu kém của nền giáo dục nước nhà. Những đề xuất của Đại tướng là những gợi ý, khoa học xuất phát từ tâm huyết của một nhà giáo, nhà chính trị quan tâm sâu sắc đến giáo dục, đào tạo.

Trọn đời cống hiến cho sự nghiệp vẻ vang của dân tộc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở thành vị tướng huyền thoại trong lòng Nhân dân Việt Nam. Với những người làm trong ngành giáo dục thì tình cảm, sự trân trọng và ngững mộ dành cho vị Đại tướng càng sâu sắc hơn. Bởi Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là một thầy giáo mà còn là một nhà sư phạm mẫu mực có nhiều công lao to lớn trong việc xây dựng nền giáo dục cách mạng Việt Nam. Những đóng góp tâm huyết của Đại tướng trong đổi mới giáo dục, đào tạo vẫn còn nguyên giá trị và mang tính thời sự trong giai đoạn hiện nay.

Đặng Thị Loan
(Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong Thành phố Hà Nội)

Các tin khác


Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương, nâng lương như thế nào?

Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bảo đảm tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 an toàn, đúng quy chế

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND, ngày 10/4/2024 về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại tỉnh Hòa Bình, nhằm tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn, đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, bảo đảm nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng và hiệu quả.

Phát huy sự chủ động của nhà trường trong lựa chọn sách giáo khoa

Năm học tới, với học sinh các lớp 5, lớp 9 và lớp 12 sẽ là năm học đầu tiên thực hiện việc học sách giáo khoa mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, cùng với đó sẽ giao quyền tự quyết chọn sách giáo khoa cho các nhà trường.

Đổi mới để giáo dục mầm non phát triển toàn diện

Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân nhằm phát triển toàn diện trẻ em về thể chất, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách. Những năm qua, giáo dục mầm non đã được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm đầu tư phát triển nhưng vẫn chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục