Rút kinh nghiệm từ các năm trước, nhằm tránh tình trạng quá tải trong tuyển sinh lớp 1, phòng giáo dục các quận huyện và Sở GD-ĐT TPHCM đã khảo sát nắm tình hình trường lớp cũng như dự báo số trẻ vào lớp 1 ở từng địa phương. Tuy nhiên, với tình hình trường lớp thu hẹp dần, nhưng số trẻ chuẩn bị vào lớp 1 tăng lên với những con số chóng mặt, e rằng năm học tới tình trạng quá tải ở lớp 1 lại là chuyện “đến hẹn lại lên”.

 

Phụ huynh nộp hồ sơ xét tuyển vào lớp 1 năm học 2009 - 2010 tại Trường Tiểu học Kim Đồng, Gò Vấp. Ảnh: MAI HẢI

Vẫn tiếp tục “nhồi nhét”

Sau chuyến “khảo sát thực địa” tại quận Bình Tân, trong cuộc họp với các đại biểu HĐND TPHCM, Phó GĐ Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Hoài Chương chia sẻ: “Năm học tới, dự báo trẻ vào lớp 1 ở quận này là 7.000-8.000, nhưng với khả năng trường lớp tại địa bàn này chỉ ở mức 4.000-5.000”.

 Từ trước đến nay, Bình Tân là quận có  tỷ lệ dân đứng “nhất nhì” TPHCM. Hơn nữa, đây cũng là địa bàn có dân nhập cư khá đông. Hàng năm, ngoài việc giải quyết số chỗ học cho trẻ tại địa phương, quận còn phải gánh với một số khu vực giáp ranh với huyện Bình Chánh chưa có trường lớp.

Còn nhớ năm học trước, số HS lớp 5 lên lớp 6 của quận Bình Tân là 2.545, nhưng số trẻ vào lớp 1 là 7.136, chênh lệch giữa “đầu vào cấp” và “đầu ra cấp” là 4.591. Để giải quyết đủ chỗ học cho HS lớp 1, tất cả các trường tiểu học ở Bình Tân đều phải cắt giảm hầu hết các lớp bán trú, lớp hai buổi; dồn sĩ số các khối lớp 2, 3, 4; xóa sân chơi để xây phòng học…

Đồng cảnh ngộ với quận Bình Tân là quận Gò Vấp. Theo thống kê sơ bộ của Phòng GD quận Gò Vấp, dự báo số trẻ vào lớp 1 năm nay khoảng 6.000-7.000, gần ngang ngửa với Bình Tân. Thậm chí hiện nay, quận Gò Vấp được đánh giá là “điểm nóng” hơn cả, vì quỹ đất công dành để xây dựng trường lớp đã không còn nhiều, thậm chí đang trong tình trạng “bão hòa”. 

Ông Trương Văn Non, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, cho biết: “Thực tế từ năm 2004 đến nay, việc xây dựng trường lớp mới ở quận dường như đang bị bão hòa trầm trọng, trong vòng  5 năm mới xây được thêm 6 trường, thậm chí tính đến thời điểm này chỉ có 4/6 trường hoàn thành”. 

Bảng thống kê tỷ lệ học sinh, số lượng trường tiểu học của quận Gò Vấp từ  năm học 2004-2005 đến năm học 2009-2010 cho thấy, trong 5 năm số trường tiểu học “giậm chân tại chỗ” ở con số 18, nhưng sĩ số bình quân một lớp từ 43,3 học sinh đã lên đến 45,6 học sinh. Thậm chí nhiều trường có sĩ số bình quân ở mức trên 50 học sinh.

Hàng năm, quận Gò Vấp là một trong những quận có số dân nhập cư đông nhất TP.HCM (hiện tại là 540.000 dân). Theo đó, số học sinh vào lớp 1 cũng tăng liên tục khiến tình trạng số lớp trong trường, số học sinh trong lớp thêm căng thẳng.

Những phương án tình thế

Từ đầu năm học 2009-2010 đến nay nhiều trường đã tiến tới công nhận đạt chuẩn. Đặc biệt, đối với những trường vừa mới được xây dựng, khánh thành, trường nào cũng hướng đến “chuẩn” (phòng học, trang thiết bị, sĩ số, diện tích sân chơi…). Tuy nhiên trước tình trạng quá tải lớp 1, rất có thể những ngôi trường đã, đang và chuẩn bị tiến tới công nhận chuẩn kia sẽ bị “phá chuẩn” lúc nào không biết.

Trước tình trạng trường lớp căng thẳng, sĩ số quá tải, năm học 2010-2011, Phòng GD quận Gò Vấp đã tính đến phương án chuyển bớt số học sinh của trường này sang Trường Tiểu học Lương Thế Vinh.

Theo ông Đặng Thanh Tuấn, Trưởng phòng GD quận Gò Vấp: “Trường Lương Thế Vinh được xây dựng với hy vọng hướng đến trường chuẩn, nhưng trước tình thế này, buộc lòng phải chia sẻ gánh nặng với Trường Tiểu học An Hội”. Như vậy,  năm học 2010-2011, số học sinh Trường Tiểu học An Hội đang học tạm ở Trường THCS Phạm Văn Chiêu như hiện nay sẽ chuyển sang học ở Trường Tiểu học Lương Thế Vinh”.

Trước đây khi trường An Hội xây xong cũng hướng đến chuẩn, nhưng giờ lại đạt “kỷ lục” là trường có học sinh đông nhất Việt Nam, với tổng số lớp là 103 và 5.300 học sinh. Với tình trạng dân tăng, đất công thu hẹp dần, dự đoán những ngôi trường tiểu học dự kiến hoàn thành năm học 2010-2011 tại quận này như: Phan Châu Trinh, Hoàng Văn Thụ e rằng cũng sẽ quá tải.

Ông Võ Ngọc Thành, Phó phòng GD quận 8, chia sẻ: “Quận nào khi khởi công xây dựng trường mới cũng hướng đến mục tiêu đạt chuẩn, nhưng đến mùa tuyển sinh đầu cấp, ngành phải ưu tiên giải quyết đủ chỗ học cho học sinh, sau đó mới tính đến chuyện phấn đấu đạt chuẩn hay không”.

Năm học 2010-2011, quận 8 dự kiến sẽ hoàn thành Trường Tiểu học An Phong. Dự kiến đây cũng sẽ là trường chuẩn quốc gia, nhưng nếu tình hình trường lớp không đủ đáp ứng, rất có thể đây cũng là Trường Tiểu học Lương Thế Vinh thứ hai.

Tại quận Bình Tân, mặc dù vừa qua đã khởi công xây dựng Trường Tiểu học chuẩn quốc gia Bình Hưng Hòa B. Dự kiến ngôi trường này sẽ đáp ứng chỗ học cho 1.000 học sinh. Trong tháng 4 năm 2010, quận Bình Tân cũng sẽ khởi công thêm ba trường THCS và tiểu học, nhưng thời điểm hoàn thành và đưa vào sử dụng ít nhất cũng kéo dài đến giữa hoặc cuối năm 2011.

Với số liệu dự báo trẻ vào lớp 1 hiện tại, năm học tới, quận Bình Tân chỉ đủ đáp ứng được chỗ học cho một nửa trẻ vào lớp 1. Còn 4.000 trẻ còn lại, quận sẽ tính toán sao đây? Phải chăng cũng sẽ bàn đến phương án “dồn sĩ số” hay phải nhờ địa bàn lân cận “chung lưng đấu cật”?

 

                                                                               Theo SGGP

Các tin khác


Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương, nâng lương như thế nào?

Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bảo đảm tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 an toàn, đúng quy chế

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND, ngày 10/4/2024 về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại tỉnh Hòa Bình, nhằm tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn, đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, bảo đảm nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng và hiệu quả.

Phát huy sự chủ động của nhà trường trong lựa chọn sách giáo khoa

Năm học tới, với học sinh các lớp 5, lớp 9 và lớp 12 sẽ là năm học đầu tiên thực hiện việc học sách giáo khoa mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, cùng với đó sẽ giao quyền tự quyết chọn sách giáo khoa cho các nhà trường.

Đổi mới để giáo dục mầm non phát triển toàn diện

Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân nhằm phát triển toàn diện trẻ em về thể chất, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách. Những năm qua, giáo dục mầm non đã được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm đầu tư phát triển nhưng vẫn chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục