Cô giáo Lê Thị Yến (trường THCS Lạc Lương - Yên Thủy) đón nhận giấy khen của 

Giám đốc Sở GD&ĐT trong lễ tuyên dương, khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên 

có thành tích xuất sắc trong công tác, giảng dạy.

Cô giáo Lê Thị Yến (trường THCS Lạc Lương - Yên Thủy) đón nhận giấy khen của Giám đốc Sở GD&ĐT trong lễ tuyên dương, khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên có thành tích xuất sắc trong công tác, giảng dạy.

(HBĐT) - Trong những năm học qua, ngành giáo dục tỉnh ta đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình trong công tác, giảng dạy và học tập. Có cô giáo trẻ quyết tâm đem “cái chữ” về với bản làng, có cán bộ quản lý tận tâm, hết lòng vì tập thể hay học sinh người dân tộc chăm ngoan, học giỏi... Có thể nói, các thầy, cô giáo, các em học sinh giỏi là những bông hoa đa sắc, đa hương không ngừng phấn đấu vươn lên tô đẹp cho vườn hoa dạy tốt - học tốt.

 

Cô giáo trẻ miền xuôi đem cái chữ về với bản làng

 

“Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”, hiểu được ý nghĩa thiêng liêng đó, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cô giáo Lê Thị Yến (trường THCS Lạc Lương - Yên Thủy) đã chọn thi vào trường sư phạm với ước mơ trở thành cô giáo. Năm 2002, cô được nhận dạy hợp đồng tại trường THCS Lạc Lương - một trường thuộc vùng đặc biệt khó khăn của huyện Yên Thủy. Là người miền xuôi, những ngày đầu mới lên miền núi công tác với bao khó khăn, thiếu thốn là những kỷ niệm không thể nào quên. Hình ảnh mái trường tềnh toàng, tạm bợ nằm ở lưng chừng đồi. Phải ở lại phòng nội trú của nhà trường, không điện, không nước, không hiểu tiếng địa phương... đã từng làm cô giáo trẻ nản lòng. Nhưng rồi mỗi khi lên lớp, những cặp mắt ngây thơ, rụt rè của học sinh đã thôi thúc cô ở lại, nghĩ mình phải  làm gì đó cho các em.

 

Trò chuyện với chúng tôi, cô Lê Thị Yến cho biết: Trong quá trình gắn bó với nghề có nhiều trở ngại nhưng khó khăn lớn nhất với tôi là học sinh hầu hết đều sử dụng tiếng địa phương trong khi nói, viết. Vì vậy, tôi quyết tâm học mỗi ngày một chút và qua những buổi trò chuyện tôi đã hiểu được các em muốn nói gì. Từ đó, tôi đã định hướng cho học sinh hiểu khi nào sử dụng tiếng địa phương, khi nào cần sử dụng tiếng phổ thông giúp các em thành thạo hơn trong dùng từ. Xuất phát từ yêu cầu thực tế, vừa nghiên cứu, vừa học hỏi bạn bè, đồng nghiệp, tôi đã thiết kế được bảng thống kê những từ ngữ địa phương để tiện cho việc dạy học. Mặc dù với đồng lương hợp đồng lúc đó ít ỏi nhưng tôi đã dành một phần nhỏ mua truyện thiếu nhi tặng các em nhằm tạo hứng thú cho các em trong luyện đọc, phát âm.

 

Sau 6 năm làm giáo viên hợp đồng, năm 2008, cô Yến được tuyển dụng chính thức vào ngành. Cũng trong năm đó, cô tham gia dự thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện và đã đạt giải cao. Từ đó đến nay, cô luôn tham gia các kỳ thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, huyện, nhiều năm liền đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở với nhiều sáng kiến kinh nghiệm trong giảng dạy, làm chủ nhiệm lớp...

 

Cậu học trò nghèo nuôi ước mơ đại học

 

Gặp Nguyễn Văn Thi (học sinh lớp 12 A2 - trường PT DTNT THPT tỉnh) trong kỳ thi học sinh giỏi môn giáo dục công dân tỉnh. ấn tượng của tôi về cậu học trò người dân tộc Mường là ở đôi mắt to, sáng và cách nói chuyện thân thiện. Xuất thân trong gia đình khó khăn, Nguyễn Văn Thi quyết tâm thi vào trường vì mong muốn có môi trường học tập tốt, tạo bước đệm thực hiện được ước mơ vào trường Đại học An ninh nhân dân.

 

    Nguyễn Văn Thi (ngồi giữa) học sinh lớp 12A2, trường PT DTNT THPT tỉnh 

thường xuyên giúp đỡ các bạn trong lớp.

 

Thi có bảng thành tích học tập đáng ngưỡng mộ, 11 năm là học sinh giỏi toàn diện. Là học sinh lớp toán nhưng em học khá, giỏi đều các môn. Năm học lớp 11, Thi tham gia kỳ thi học sinh giỏi môn vật lý cấp tỉnh và đoạt giải nhì. Vừa qua, tham gia 2 kỳ thi cấp tỉnh môn giáo dục công dân và hóa học, em đều giành giải nhất. Được lớp tín nhiệm bầu làm lớp phó học tập, Thi luôn tích cực giúp đỡ các bạn trong lớp. Đặc biệt, Thi còn được các thầy, cô giáo môn toán, lý, hóa tin tưởng chọn làm người hỗ trợ bài giảng trên lớp. Nhiều lần được trực tiếp đứng trên bục giảng, Thi cảm thấy may mắn vì nhờ vậy em không chỉ nắm vững hơn những  kiến thức đã học mà còn tạo động lực để trau dồi thêm kiến thức mở rộng, chuyên sâu. 

 

Chia sẻ về kinh nghiệm học tập, Thi cho biết: Em dành 70% thời gian cho các bài cô giảng trên lớp, sau đó về nhà học và làm bài tập ngay để củng cố lại kiến thức.

 

Người hiệu trưởng tận tâm hết lòng vì tập thể

 

Đó là cô giáo Lê Thị Liên, Hiệu trưởng trường tiểu học Hòa Sơn A (Hòa Sơn - Lương Sơn). Trước đây, cô đã có 10 năm công tác tại Thiệu Hóa - Thanh Hóa nhưng vì hoàn cảnh gia đình, năm 2002, cô chuyển về công tác tại trường tiểu học Liên Sơn (Lương Sơn). Về ngôi trường mới làm việc với bao khó khăn, từ giao thông đi lại đến bất đồng ngôn ngữ. Đặc biệt, những năm đó, xã Liên Sơn còn là “điểm nóng” của tệ nạn mại dâm và HIV/AIDS. Nhiều đêm trăn trở suy nghĩ, cô quyết tâm học tiếng địa phương để gần gũi hơn với học sinh, phụ huynh, nhất là đối với người nhiễm HIV. Trong 3 năm (2002 - 2004), cô luôn phấn đấu dạy tốt và thành tích đạt được là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Năm 2004, cô được bổ nhiệm là hiệu phó, rồi hiệu trưởng năm 2005. ở cương vị mới, cô thấy mình cần phải cố gắng hơn nữa vì tập thể. Mục tiêu đầu tiên là xây dựng nhà trường khang trang, đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị của trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia. Với mục tiêu đó, cô cùng tập thể nhà trường tranh thủ sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự hỗ trợ của nhiều cá nhân, tập thể đã  xây dựng trường tiểu học Liên Sơn đạt chuẩn quốc gia mức độ I vào năm 2009.

 

Cô giáo Lê Thị Liên, Hiệu trưởng trường tiểu học Hòa Sơn A (Hòa Sơn - Lương Sơn) ôn lại truyền thống nhà trường cho học sinh.

 

Năm 2010, cô được điều động luân chuyển công tác tại trường tiểu học Hòa Sơn A. Tuy không phải là trường thuộc vùng sâu, vùng xa nhưng cơ sở vật chất của nhà trường còn thiếu thốn. Thiếu phòng học, phòng làm việc, chưa có sân chơi bãi tập và các công trình phụ trợ khác còn tạm bợ. Từ kinh nghiệm trong công tác xã hội hóa, cô cùng ban giám hiệu đổi mới phong trào thi đua trong toàn trường. Thi đua phải gắn với nhiệm vụ công việc hàng ngày và với việc xây dựng trường chuẩn quốc gia mức độ II, đạt chuẩn về chất lượng giáo dục cấp độ III, xây dựng thư viện xuất sắc. Trong 5 năm (2010 - 2014), nhà trường đã làm công tác xã hội hóa giáo dục với số tiền gần 1 tỷ đồng. Với những thành tích đạt được, năm 2015, cá nhân cô Lê Thị Liên vinh dự được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, tập thể nhà trường đón nhận Cờ thi đua xuất sắc của Thủ tướng Chính phủ.

 

Năm học vừa qua, cùng với những nỗ lực của mỗi cá nhân, tập thể, ngành giáo dục tỉnh ta đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng. Đã có 2.409 lượt HSư-SV đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh, 41 học sinh giỏi quốc gia lớp 12 THPT. Chất lượng đội ngũ nhà giáo không ngừng nâng cao, toàn tỉnh đã có 424 cán bộ quản lý, giáo viên được công nhận đạt danh hiệu cán bộ quản lý giỏi, giáo viên giỏi qua các hội thi. Có thể nói rằng, các thầy, cô giáo và các em học sinh là những bông hoa đa sắc, đa hương trong vườn hoa dạy tốt - học tốt.

 

 

                                                                 Hồng Nhung

 

Các tin khác


Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương, nâng lương như thế nào?

Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bảo đảm tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 an toàn, đúng quy chế

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND, ngày 10/4/2024 về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại tỉnh Hòa Bình, nhằm tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn, đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, bảo đảm nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng và hiệu quả.

Phát huy sự chủ động của nhà trường trong lựa chọn sách giáo khoa

Năm học tới, với học sinh các lớp 5, lớp 9 và lớp 12 sẽ là năm học đầu tiên thực hiện việc học sách giáo khoa mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, cùng với đó sẽ giao quyền tự quyết chọn sách giáo khoa cho các nhà trường.

Đổi mới để giáo dục mầm non phát triển toàn diện

Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân nhằm phát triển toàn diện trẻ em về thể chất, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách. Những năm qua, giáo dục mầm non đã được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm đầu tư phát triển nhưng vẫn chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục