CLB tiếng Anh tỉnh gặp gỡ, trao đổi tiếng Anh với người bản ngữ.

CLB tiếng Anh tỉnh gặp gỡ, trao đổi tiếng Anh với người bản ngữ.

(HBĐT) - Trong xu thế hội nhập, tiếng Anh trở thành ngôn ngữ chung của các nước. Năng lực ngoại ngữ được coi là một trong những yếu tố quan trọng giúp tăng khả năng hội nhập, cạnh tranh. Những năm gần đây, nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh đã quan tâm hơn đến việc học tiếng Anh.

 

Cuộc gặp cuối năm của các thành viên English club (CLB tiếng Anh) tỉnh thật vui và ý nghĩa. 30 thành viên CLB cùng khách mời là các chuyên gia làm việc cho các tổ chức nước ngoài tại Hòa Bình sôi nổi chia sẻ bằng tiếng Anh những điều thú vị về Tết nói chung và phong tục đón Tết của Hòa Bình nói riêng. CLB tập hợp những người yêu thích nói tiếng Anh từ các Sở KH&ĐT, Y tế, GD&ĐT, KH&CN, doanh nghiệp... đến lãnh đạo tỉnh. Mỗi tháng họp một lần, mỗi lần tập trung vào một chủ đề. Lúc đầu, một số thành viên còn rụt rè nhưng sau hơn một năm tham gia đã tự tin, thoải mái giao tiếp bằng tiếng Anh. “Vui nhất là kỹ năng nghe, nói của các thành viên được nâng cao. Những người đã có vốn tiếng Anh khá, tham gia CLB là cơ hội để không bị mai một. Vốn tiếng Anh đã giúp ích nhiều trong công việc” - Chị Bùi Thị Nguyệt, thành viên CLB chia sẻ.

 

Phong trào học tiếng Anh tại một số sở, ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp cũng bắt đầu được quan tâm hơn. Sở Tư pháp, Toà án nhân dân tỉnh, Công an tỉnh... đã chủ động mời giáo viên của Trung tâm Ngoại ngữ và tin học tỉnh đào tạo tiếng Anh cho cán bộ. Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Trương Quý Dương cho biết: “Đơn giản nhất từ việc đọc tên thuốc đến nghiên cứu tài liệu, tiếp thu chuyển giao kỹ thuật đều cần đến tiếng Anh. Phong trào học tiếng Anh tại bệnh viện khá sôi nổi trong những năm gần đây. Đặc biệt, bệnh viện mới thành lập được CLB tiếng Anh gồm 40 thành viên từ bác sĩ đến lãnh đạo. Đây là bước ngoặt thúc đẩy mạnh hơn phong trào trước xu thế hội nhập nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân”.

 

 

Cán bộ các sở, ban, ngành, huyện, thành phố của tỉnh học tiếng Anh tại nước Cộng hòa Philippines.

 

Sở KH&CN cũng là đơn vị tích cực khuyến khích cán bộ học tiếng Anh để phục vụ công việc. Giám đốc Sở KH&CN Đỗ Hải Hồ cho rằng: “Xu thế hội nhập tác động đến các lĩnh vực. Biết ngoại ngữ sẽ có khả năng kết nối với thế giới nhanh hơn. Cán bộ Sở KH&CN có thể tiếp cận, chọn lọc những thông tin hữu ích để dịch và cung cấp cho doanh nghiệp hay tiếp cận những tri thức khoa học mới. Quan trọng trong học tiếng Anh phải có sự kiên trì, đam mê và sử dụng. Người đứng đầu phải thấy được vai trò của tiếng Anh để lựa chọn đào tạo cán bộ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới”.

 

Ông Đàm Anh Kỳ, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh nhận định: “Khi hội nhập, tiếng Anh giữ vai trò là ngôn ngữ giao dịch chính thức trong các lĩnh vực kinh doanh, thương mại, du lịch... Tại Công ty CP Đầu tư phát triển Anh Kỳ, nhiều vị trí như lễ tân, cán bộ kinh doanh, đối ngoại, quản lý khách sạn... đều yêu cầu tiêu chuẩn tiếng Anh. Ngoại ngữ rất cần thiết trong việc đầu tư phát triển ra ngoài hay đơn giản là việc gửi, nhận thư điện tử tiếng Anh. Song, năng lực ngoại ngữ của nhân viên Công ty còn hạn chế. CLB tiếng Anh mới có 10 người tham gia. Để khắc phục, Công ty đã và sẽ tự bỏ kinh phí mời giáo viên đào tạo tiếng Anh cho nhân viên. Đi công tác tại những nước trong khu vực đã thấy vốn tiếng Anh của họ tốt. Từ nhân viên bán hàng siêu thị đến nhân sự Công ty nói tiếng Anh rất thành thạo”.

 

Tại Công ty TNHH GGS chuyên may xuất khẩu thuộc KCN bờ trái sông Đà, 100% nhân viên (khoảng 100 người) đều yêu cầu trình độ ngoại ngữ qua phỏng vấn trực tiếp. Dù tất cả lãnh đạo là người Hàn Quốc nhưng mọi giao dịch đều bằng tiếng Anh. Đáng mừng, 95% nhân viên đều là người Hòa Bình. Theo lãnh đạo Công ty, năng lực ngoại ngữ là “chìa khóa vàng” giúp lao động trẻ hội nhập thành công.

 

Không chỉ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp mà nhiều nhóm cán bộ, công chức, viên chức cũng tự tập hợp, góp kinh phí mời giáo viên có kinh nghiệm thực tiễn dạy tiếng Anh ngoài giờ làm việc. “Trước xu thế hội nhập, trang bị vốn tiếng Anh là cần thiết. Chúng tôi đã tập hợp được 10 người. Mong muốn học để có thể nghiên cứu tài liệu, giao tiếp” - Anh Nguyễn Hùng Cường, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh chia sẻ.

 

Trong báo cáo kiểm điểm lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ năm 2015; mục tiêu, nhiệm vụ năm 2016, Tỉnh ủy nhận định: “Năm 2016, việc hình thành cộng đồng ASEAN và ký kết, triển khai các hiệp định thương mại tự do FTA, đặc biệt là hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ tạo ra những thuận lợi cũng như thách thức mới đối với sự phát triển KT-XH của tỉnh”. Từ đó, một trong những mục tiêu đưa ra là đẩy mạnh hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Một nhiệm vụ, giải pháp quan trọng là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Để đón những sự kiện trên, trong 3 năm (2013 - 2015), tỉnh đã dành 3 tỉ đồng tổ chức lớp đào tạo nâng cao năng lực giao tiếp tiếng Anh cho 60 cán bộ, công chức các sở, ban, ngành, huyện, thành phố. Mời giáo viên Philippines trực tiếp giảng dạy 4 tháng tại Hòa Bình, sau đó học viên tiếp tục học 2 tháng tại trường Đại học tổng hợp Nam Luzon, Cộng hòa Philippines. Đồng thời, đưa 150 giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học, THCS, THPT sang Philippines học 2 tháng. Từ đó, góp phần tạo bước chuyển biến tích cực trong đào tạo tiếng Anh cho cán bộ, công chức, viên chức; khắc phục tình trạng có chứng chỉ, bằng cấp nhưng năng lực thực tế, nhất là  kỹ năng nghe, nói còn kém, chưa đạt chuẩn. Song, học ngoại ngữ không phải là chuyện một sớm một chiều mà là cả quá trình kiên trì, đặc biệt người học cần xác định được mục đích học.

 

 

                                                                                    Cẩm Lệ

 

 

Các tin khác


Quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Những năm qua, sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước.

Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương, nâng lương như thế nào?

Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bảo đảm tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 an toàn, đúng quy chế

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND, ngày 10/4/2024 về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại tỉnh Hòa Bình, nhằm tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn, đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, bảo đảm nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng và hiệu quả.

Phát huy sự chủ động của nhà trường trong lựa chọn sách giáo khoa

Năm học tới, với học sinh các lớp 5, lớp 9 và lớp 12 sẽ là năm học đầu tiên thực hiện việc học sách giáo khoa mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, cùng với đó sẽ giao quyền tự quyết chọn sách giáo khoa cho các nhà trường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục