Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 6-11, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho biết số ca mắc Zika ở Việt Nam đã lên xấp xỉ 40 người ở 6 tỉnh thành, nhiều nhất là ở TP.HCM với 29 bệnh nhân.

Trung tâm Y tế dự phòng quận 2, TP.HCM phối hợp với UBND phường Thạnh Mỹ Lợi tổ chức phun thuốc diệt muỗi, phát tờ rơi tuyên truyền diệt muỗi cho người dân ở khu vực có người nhiễm virút Zika - Ảnh: VĂN TIÊN

Những khu vực miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên và một số tỉnh phía Bắc như Hà Nam, Hà Nội... hiện có dịch sốt xuất huyết, đây là những khu vực có thể lan rộng bệnh do virút Zika.

Theo ông Phu, vừa qua Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội lấy trên 200 mẫu bệnh phẩm của người bệnh trong diện nghi ngờ nhưng tất cả đều âm tính với virút Zika.

“Hiện có sáu viện và bệnh viện ở Hà Nội, TP.HCM, Nha Trang và Tây Nguyên có thể xét nghiệm xác định người nhiễm Zika ở VN, thời gian trả kết quả tối đa là 7 ngày. Phụ nữ có thai trong vòng 3 tháng đầu nếu có các triệu chứng như sốt, phát ban, đau đầu, đau cơ, đau khớp... thì nên đến ngay các cơ sở y tế để được xét nghiệm xem có nhiễm virút Zika hay không.

Tất cả các xét nghiệm xác định Zika cho người nghi nhiễm bệnh đều được miễn phí” - ông Phu cho biết.

5 phụ nữ có thai mắc Zika

Điều khó khăn hiện nay là xét nghiệm kiểm tra có mắc Zika hay không có kết quả tối đa 7 ngày, nhưng xét nghiệm thai nhi có bị dị tật đầu nhỏ hay không thì phải tuần thai thứ 28 mới có thể đánh giá được.

“Tại TP.HCM và Bình Dương đã có 5 phụ nữ có thai được xác định nhiễm virút Zika, trong đó có một người có thai trong giai đoạn ba tháng đầu của thai kỳ, là giai đoạn có nguy cơ sinh ra trẻ bị dị tật đầu nhỏ. Phòng muỗi đốt, đặc biệt là phòng cho phụ nữ có thai và dự định có thai là cách phòng bệnh tưởng chừng đơn giản nhưng lại rất hữu hiệu” - ông Phu khuyến cáo.

Ông Phu cũng cho biết riêng đối với người bình thường (không phải thai phụ) nếu nhiễm virút Zika, biểu hiện bệnh Zika tương đối giống bệnh sốt xuất huyết nhưng ở thể nhẹ hơn.

Tại cuộc họp mới nhất của Văn phòng đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh VN (Văn phòng EOC), ông Trần Danh Cường - phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản T.Ư, là chuyên gia về chẩn đoán trước sinh - cho biết quy định hiện hành là mỗi phụ nữ có thai cần đi khám 3 lần, tuy nhiên tâm lý thai phụ chưa ý thức được tầm quan trọng của thời điểm khám thai, khi nào tiện thì đi khám hoặc không xác định đúng tuần tuổi của thai nhi trước khi khám.

“Phụ nữ có thai nên đặt lịch hẹn với cơ sở y tế để biết cụ thể về cách phòng chống bệnh và được theo dõi thai nhi” - ông Cường cho biết.

Chú trọng phòng bệnh

Theo Bộ Y tế, để phòng bệnh, người dân cần chủ động phòng muỗi đốt, diệt muỗi, bọ gậy bằng cách bôi các loại kem chống muỗi, đốt hương muỗi, ngủ màn. Diệt muỗi bằng cách dùng vợt bắt muỗi, xịt hóa chất diệt muỗi, phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi.

Loại bỏ bọ gậy (lăng quăng) bằng cách đậy kín dụng cụ chứa nước sinh hoạt, thả cá vào các bể chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ chứa nước không dùng đến, thay nước bình hoa, bỏ muối/dầu vào các bát kê chân chạn.

Phụ nữ chậm kinh 7-10 ngày nên chủ động đi khám thai và siêu âm thai ngay để đánh giá sức khỏe, hẹn lịch khám chi tiết. Phụ nữ có thai nên siêu âm ba lần lúc 12 tuần, 22 tuần và 32 tuần trong thai kỳ.

Biểu hiện của bệnh do virút Zika

Người dân, đặc biệt là phụ nữ có thai, cần chủ động theo dõi sức khỏe, nếu có một trong các biểu hiện nghi ngờ của bệnh hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị:

- Sốt nhẹ 37,8 - 38,5 độ, mệt mỏi, mọc ban đỏ, sẩn trên da, đau các khớp nhỏ ở bàn tay bàn chân.

- Viêm xung huyết kết mạc, đau cơ, nhức đầu, đau hố mắt và suy nhược.

- Một số ít người bệnh có thể đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, loét niêm mạc miệng hoặc ngứa.

 

Dịch bệnh do virút Zika vẫn trong tầm kiểm soát

PGS.TS Phan Trọng Lân, viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM - nhận định như vậy tại buổi làm việc của Thường trực HĐND TP.HCM. Đây là cuộc họp nghe UBND TP báo cáo tình hình dịch bệnh do virút Zika gây ra và những giải pháp phòng chống ngăn chặn lây lan của dịch bệnh, do bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - phó bí thư Thành ủy, chủ tịch HĐND TP - chủ trì chiều 6-11.

Theo PGS Lân, các tuần gần đây, mỗi tuần TP có 5 trường hợp mắc bệnh do virút Zika, mỗi ngày có 1-2 trường hợp. Khi phát hiện những trường hợp này, ngành y tế TP kiểm soát rất nhanh, hiệu quả.

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng - giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM - cho biết tính đến thời điểm này TP có 29 trường hợp mắc bệnh do virút Zika và hiện chưa có dấu hiệu có thêm ca bệnh mới. Tuy nhiên, hiện đang là mùa mưa và dù mưa có ít đi nhưng nếu kèm với nắng thì vẫn tạo điều kiện cho lăng quăng sinh sôi, phát triển.

Do vậy, ông Dũng đề xuất lãnh đạo TP nên phát động phong trào toàn dân tổ chức diệt lăng quăng vào ngày thứ bảy để cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng bằng mọi cách phải kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Theo bà Tâm, cần phải phun hóa chất trên diện rộng, ngay cả những nơi chưa có ca bệnh để dịch bệnh không lan rộng ra nữa.

Bà Nguyễn Thị Thu, phó chủ tịch UBND TP, cho biết hầu hết 24 quận huyện trong TP đều có dự án treo. Chính những dự án treo này tạo điều kiện cho muỗi, lăng quăng phát triển. Sắp tới UBND TP sẽ phát động toàn dân trong TP diệt muỗi, diệt lăng quăng vào thứ bảy, chủ nhật.

 

 

                                                                              Theo Tuoitre

Các tin khác


Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số 5 vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì có tới 4 vụ nạn nhân là học sinh.

Huyện Mai Châu kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và phát triển KT-XH. Để đưa tỷ số giới tính về mức cân bằng, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mai Châu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) và tỷ lệ sinh con thứ 3, qua đó nâng cao chất lượng dân số.

Đã có hơn 10.000 ca tay chân miệng, các dịch bệnh sởi, ho gà... tăng ca mắc

Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc tay chân miệng, tăng so với cùng kỳ; các dịch bệnh khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà... cũng tăng số mắc.

Chưa có bằng chứng cúm A/H9N2 lây từ người sang người

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh do Bộ Y tế tổ chức chiều 10/4, Tiến sĩ Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã thông tin về tình hình sức khỏe nam bệnh nhân (37 tuổi, cư trú tại xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) mắc cúm A/H9N2 đầu tiên ở nước ta; đồng thời khuyến cáo người dân không nên quá hoang mang lo lắng vì "đến nay chưa có dấu hiệu, trường hợp nào lây nhiễm lây nhiễm từ người sang người".

Tháo gỡ vướng mắc liên quan các quy định về khám, chữa bệnh

Chiều 9/4, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến phổ biến Nghị định 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật khám bệnh, chữa bệnh đến hơn 300 điểm cầu tại các bộ, ngành liên quan, các đơn vị trực thuộc Bộ, các Bệnh viện Trung ương, hiệp hội, sở y tế, bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố, trường đại học chuyên ngành sức khỏe…

Bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng tại Hà Nội

Ngày 8/4, Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong tuần qua (từ ngày 29/3 đến ngày 5/4), trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 124 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 47 trường hợp so với tuần trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục