(HBĐT) - Bùm… bùm… bùm… trong tiếng nhạc chát chúa, một nhóm thanh niên gồm 2 gái, 1 trai ngồi ghế nhựa thi nhau thổi - hít và hít - thổi những quả bóng cười. Bất ngờ một cô cười sằng sặc, mắt lờ đờ rồi ngã bịch xuống vỉa hè. Loạng choạng mãi và có sự trợ giúp của người bạn trai, cô gái mới ngồi dậy được… Đây là những gì chúng tôi được chứng kiến vào buổi tối muộn đầu tháng 9/2018 tại một quán bán nước và bóng cười trên vỉa hè đầu đường đê Đà Giang thuộc phường Phương Lâm (TP Hòa Bình). Những hiện tượng như thế này cũng dễ thấy tại các điểm bán bóng cười khác trên đê Đà Giang, khu vực Quảng trường Hòa Bình… từ tháng 5/2018 trở lại đây.

 Nhóm thanh niên thổi - hít bóng cười trên đê Đà Giang, phường Phương Lâm (TP Hòa Bình).

 Thú chơi mới đáng lo ngại được bán công khai

Trong vai khách đến uống nước tại một quán trên vỉa hè đầu đường đê Đà Giang, phường Phương Lâm, chúng tôi đã quan sát việc bán và sử dụng bóng cười. 22h, điểm bán nước và bóng cười vẫn đông khách với gần 20 người. Tất cả đều là thanh niên khoảng từ 18 - 25 tuổi. Đồ nghề để hình hành quán di động này khá đơn giản, chỉ với các bộ bàn ghế nhựa đặt trên vỉa hè, 1 chiếc xe đẩy để dưới lòng đường, mấy chai si rô để pha nước, 1 lọ hạt hướng dương và 1 bình khí bơm bóng cười.

Chúng tôi đến ngồi cạnh bàn một nhóm gồm 2 gái, 1 trai. Hai cô gái đang thổi - hít mỗi người 1 quả bóng cười, mắt chăm chăm vào chiếc điện thoại đang mở hết cỡ loa loại nhạc sàn. Bất ngờ một cô cười sằng sặc, mắt lờ đờ rồi ngã bịch xuống vỉa hè. Loạng choạng mãi và có sự trợ giúp của người bạn trai, cô gái mới ngồi dậy được. Một lúc sau, cô gái này lên xe máy điện với một người bạn khác rồi mất hút vào trong ngõ. Hai thanh niên còn lại vẫn ngồi và gọi "cho thêm 1 quả bóng nữa”. Yêu cầu của khách nhanh chóng được chủ quán cũng là thanh niên 20 tuổi đáp ứng ngay chỉ với 2 thao tác: lấy quả bóng bay, cho miệng bóng vào đầu bình khí và bơm trong khoảng 7 giây đã có 1 quả bóng to đầy khí. Cứ tiếp tục như thế, khoảng 15 phút thổi - hít hết 1 quả, vị khách nữ gọi đến quả thứ 4. Khi chúng tôi ra về lúc 22h40’, việc thổi - hít của cô gái này vẫn tiếp tục và có thêm 1 nhóm thanh niên nữa mới vào ngồi bàn bên cạnh cũng gọi bóng cười.

Trò chuyện với chủ quán được biết, mỗi bình khí mua với giá 1,5 triệu đồng, bơm được khoảng 50 quả, trung bình bán trong 2 buổi tối là hết. Với giá 50.000 đồng/ quả, lãi thu về khá cao. Hơn một nửa số khách vào uống nước đều gọi bóng cười. Có người chỉ thổi - hít 1 - 2 quả, có người dùng đến 6 - 7 quả và ngồi đến 2h sáng. Đặc biệt, nam thanh niên này mách khi tôi đưa tiền mua 1 quả bóng cười: "Chị mua ở đây cứ yên tâm, em không pha trộn khí đâu chứ ở quán khác thì chưa chắc được.”

Trước đó, vào cuối tháng 8/2018, chúng tôi đến một quán bán nước và bóng cười khác trước cổng trụ sở Sở Công Thương trên đê Đà Giang lúc gần 23h và đã chứng kiến cảnh nhóm thanh niên mỗi người 1 quả bóng cười thổi - hít. Những tiếng cười vô thức hòa lẫn tiếng nhạc đinh tai khiến người nghe phải gai người, nhức óc. Nam thanh niên chủ quán tiết lộ: Việc mua bình khí bơm bóng cười từ Hà Nội khá dễ dàng. Ban ngày vẫn đi làm bình thường, tối bán kiếm thêm thu nhập, khi nào hết khách mới về, có hôm đến nửa đêm, rạng sáng. Người thổi - hít bóng chủ yếu là thanh niên ngoài 18 tuổi nhưng cũng đã có những học sinh THPT mua và sử dụng. Một số quán karaoke và khách đi hát cũng gọi bóng cười thì sẽ "ship” đến. Khi thổi - hít bóng cười, nghe nhạc hay hát karaoke sẽ "phê” và "phiêu” hơn.

Theo quan sát sơ bộ của phóng viên, trên đường đê Đà Giang có gần chục điểm bán bóng cười. Có quán bán nước kèm bóng cười, có nơi chỉ bán riêng bóng cười với 1 bình khí và các ghế nhựa bày trên vỉa hè. Việc mua, bán, sử dụng công khai. ở khu vực Quảng trường Hòa Bình thời gian gần đây cũng có tình trạng tương tự. Bóng cười xâm nhập vào tỉnh đang có xu hướng trở thành mốt chơi của thanh niên tại các vỉa hè, điểm vui chơi giải trí vào mỗi buổi tối, đêm.

Làm việc với đại diện lãnh đạo Công an TP Hòa Bình được biết: Từ tháng 5/2018, qua nắm tình hình, địa bàn đã phát hiện tình trạng thanh niên sử dụng bóng cười, nhất là khu vực đê Đà Giang và Quảng trường Hòa Bình. Đơn vị đã tiến hành tuyên truyền với người bán và người sử dụng về tác hại của bóng cười. Đến tháng 6 - 7/2018, tình hình tạm lắng xuống nhưng bắt đầu từ tháng 8/2018 lại xuất hiện trở lại.

Đừng để cười rồi… phải khóc

Giới trẻ luôn thích trải nghiệm những thứ mới lạ nhưng cần thận trọng và tránh xa những thứ gây hại cho sức khỏe, ảnh hưởng tới tương lai. Mục đích mua vui, xả stress hay đơn giản chỉ là thử cho biết nhưng đừng để đến khi đã xảy ra hậu quả, chuyện đã rồi, nhiều người lại phải khóc.

Bóng cười là loại bóng bay được bơm khí Đinitơ Monoxit hay Nitrous Oxide. Đây là hợp chất hóa học với công thức N2O gây cười. Tuy chưa nằm trong danh mục cấm nhưng bóng cười nguy hại đối với sức khỏe nếu sử dụng nhiều, lâu. Bác sĩ Vũ Trung Thành, Trưởng khoa Tâm thần, Trung tâm Phòng - chống bệnh xã hội (Sở Y tế) cho biết: Theo các tài liệu, khí Nitrous Oxide là chất không màu với vị ngọt nhẹ, khi ngấm vào cơ thể, não sẽ tạo cảm giác phấn khích, tạo ảo giác gây cười cho người sử dụng. Nếu sử dụng trong thời gian dài, liều lượng nhiều có thể dẫn đến rối loạn thần kinh, tổn thương não bộ và gây nghiện, dễ tìm đến thứ tạo cảm giác "phê” mạnh hơn như thuốc lắc, ma túy đá, ma túy tem giấy... Không nên sử dụng bóng cười vì có thể gây hưng phấn trong thời gian ngắn nhưng có thể chóng mặt, bất tỉnh, thậm chí tử vong do thiếu oxy não. Đằng sau những tràng cười vô thức là sự nguy hại cho sức khỏe, làm cơ thể mất kiểm soát.

Qua tìm hiểu của phóng viên tại các điểm bán bóng cười, một số người bán ý thức được sự nguy hại nên chỉ bán, kiên định không thổi - hít nhưng một số người lại "nướng” ngay số tiền lãi vào những quả bóng. Lúc đầu chỉ 1 - 2 quả, sau không dùng thấy khó chịu và "tăng liều”, thành một vòng không dừng lại được. Một số thanh niên thích khám phá, trải nghiệm lại được mời gọi đã thử. "Cháu đã từng chơi bóng cười nhưng có lần bị chóng mặt, người quay quay, buồn nôn nên quyết tâm cai. Không biết bóng được bơm loại khí có chuẩn không hay do cơ địa?!” - Phạm. V. Đ., một thanh niên từ bỏ được thú chơi bóng cười tâm sự. Tuy nhiên, không phải thanh niên nào cũng làm được như vậy. Chúng tôi đã từng ngồi cạnh bàn một cô gái thổi - hít liên tục đến 7 quả bóng. Với giá 50.000 đồng/quả, chúng tôi tự hỏi các cháu lấy đâu tiền để mỗi tối lại "phiêu” như vậy?!

Với những hậu quả trước mắt cũng như lâu dài mà bóng cười có thể gây ra, thiết nghĩ rất cần sự quan tâm, quản lý, giáo dục, ngăn chặn trước hết của gia đình, sau đó là các cơ quan chức năng liên quan.

Trung tá Đinh Mai Anh, Phó trưởng Công an TP Hòa Bình cho biết: Đây rõ ràng là hiện tượng xã hội xấu cần ngăn chặn. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là chế tài xử lý chưa có, còn bất cập, vì loại khí này hiện không thuộc danh mục cấm nên việc mua, bán, sử dụng vẫn diễn ra công khai. Song, trước những tác hại, hiểm họa của bóng cười, đơn vị đã họp bàn với lực lượng quản lý thị trường và xây dựng kế hoạch ra quân xử lý dứt điểm. Nếu không làm mạnh, người bán không bao giờ dừng. Nếu không có hình thức phù hợp, các đối tượng sẽ lui vào hoạt động lén lút.


                                                               P.V

 


Các tin khác


Huyện Mai Châu kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và phát triển KT-XH. Để đưa tỷ số giới tính về mức cân bằng, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mai Châu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) và tỷ lệ sinh con thứ 3, qua đó nâng cao chất lượng dân số.

Đã có hơn 10.000 ca tay chân miệng, các dịch bệnh sởi, ho gà... tăng ca mắc

Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc tay chân miệng, tăng so với cùng kỳ; các dịch bệnh khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà... cũng tăng số mắc.

Chưa có bằng chứng cúm A/H9N2 lây từ người sang người

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh do Bộ Y tế tổ chức chiều 10/4, Tiến sĩ Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã thông tin về tình hình sức khỏe nam bệnh nhân (37 tuổi, cư trú tại xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) mắc cúm A/H9N2 đầu tiên ở nước ta; đồng thời khuyến cáo người dân không nên quá hoang mang lo lắng vì "đến nay chưa có dấu hiệu, trường hợp nào lây nhiễm lây nhiễm từ người sang người".

Tháo gỡ vướng mắc liên quan các quy định về khám, chữa bệnh

Chiều 9/4, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến phổ biến Nghị định 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật khám bệnh, chữa bệnh đến hơn 300 điểm cầu tại các bộ, ngành liên quan, các đơn vị trực thuộc Bộ, các Bệnh viện Trung ương, hiệp hội, sở y tế, bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố, trường đại học chuyên ngành sức khỏe…

Bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng tại Hà Nội

Ngày 8/4, Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong tuần qua (từ ngày 29/3 đến ngày 5/4), trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 124 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 47 trường hợp so với tuần trước.

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân về phòng, chống bệnh dại

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023 cả nước có 82 người chết vì bệnh dại tại 30 tỉnh, thành phố; 674.888 người bị động vật cắn đã phải điều trị dự phòng bệnh dại, tăng 45% so với năm 2022 (trong đó 80% trường hợp là do chó, 18% do mèo, còn lại do các loại động vật khác như khỉ, chuột, dơi).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục