Bệnh nhi điều trị sởi tại khoa Truyền nhiễm - BV Nhi T.Ư.

Bệnh nhi điều trị sởi tại khoa Truyền nhiễm - BV Nhi T.Ư.

Hiện nay có nhiều trẻ mắc sởi có diễn biến “lạ”. Trẻ mắc sởi sáng nhập viện vẫn chơi đùa nhưng chiều đã thở gấp, tối phải thở máy. Có bé rút được máy thở sau 10 ngày nhưng vẫn tử vong. Những trẻ mắc sởi có diễn biến “lạ” khiến các chuyên gia không thể dự đoán được.

 

Những thông tin trên được các chuyên gia nêu lên tại Hội nghị tập huấn tăng cường công tác điều trị sởi vừa được Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội.

Theo PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi – BV Bạch Mai, một điều đặc biệt ghi nhận trong vụ dịch sởi này là có những ca bệnh diễn biến rất bất thường. Có trường hợp, sáng nhập viện vẫn còn tỉnh táo nhưng chiều đã thở gấp và tối đã phải vào thở máy. Tại Khoa Nhi – BV Bạch Mai, có bốn trường hợp tử vong chỉ sau vài hôm có các biểu hiện lâm sàng. Bốn trường hợp còn lại diễn biến cũng rất lạ, khi mà tình trạng bệnh đỡ nguy kịch, được cai thở máy nhưng chỉ một vài hôm sau lại diễn biến nặng lên, lại phải quay lại thở máy và rồi tử vong dù đã can thiệp tốt nhất có thể. “Các ca bệnh sởi điều trị cũng rất dai dẳng là vấn đề cần được tập trung xem xét, tìm hiểu nguyên nhân”, BS Dũng nói.

Theo BS Dũng, những năm trước bác sĩ từng chứng kiến nhiều trẻ mắc sởi bị hoại tử, mù lòa, tiêu chảy, suy sinh dưỡng... nhưng năm nay, dịch sởi diễn biến còn đặc biệt hơn, nhất là có nhiều ca sởi gây biến chứng viêm phổi rất nặng. Virus sởi tấn công thẳng và mạnh vào phổi làm suy giảm miễn dịch trầm trọng. Nó có thể tấn công ngay từ những ngày đầu hoặc sau 2-3 tuần phát bệnh. Miễn dịch của trẻ bị suy giảm tới mức có trẻ đã chữa xong bệnh sởi, được về nhà nhưng sau 1-2 tuần đã phải quay nhập viện trở lại vì viêm phổi.

PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng cũng cho biết, đối với những ca có diễn biến “lạ”, nhiều cháu có thể suy giảm miễn dịch cả tháng. Các bác sĩ không thể dự đoán được được diễn biến của bệnh. Bởi vậy, ngay cả khi bệnh nhân đỡ rồi cũng phải theo dõi kỹ, không nên chủ quan.

Chia sẻ tại Hội nghị, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, ngay từ cuối năm 2013 khi cùng lúc có năm ca sởi nhập viện ông đã thấy điều bất thường. Vì vậy, ngay lập tức BV Nhi đồng 1 đã báo với Viện Pasteur TP HCM, đồng thời triển khai phân tuyến điều trị bệnh nhân sởi, ca nhẹ thì tư vấn cho điều trị ngoại trú, ca nặng thì cách ly điều trị để tránh nhiễm chéo. Ông cho hay, một bệnh nhân mắc sởi và đồng nhiễm với các virus, vi khuẩn khác thì chi phí điều trị có thể gấp 20 lần so với những trường hợp sởi thông thường.

PGS. TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn phòng chống dịch bệnh, Bộ Y tế khẳng định, đến nay chưa phát hiện có biến đổi gen và các tuýp sởi lưu hành tại Việt Nam, không có sự thay đổi nào về độc lực của virus sởi hoặc cũng có thể do trùng lặp ngẫu nhiên giữa sởi với các bệnh đường hô hấp do các vi khuẩn và virus khác, khiến làm tăng nguy cơ tử vong trên trẻ mắc sởi.

“Tôi lo ngại về việc nhiễm vi khuẩn đa kháng sinh tại bệnh viện, khiến cho “vũ khí” kháng sinh bị vô hiệu hóa, không thể cứu chữa cho trẻ”, ông Kính nói. Ông lý giải, một trẻ mang virus sởi có nguy cơ lây sang nhiều trẻ khác. Ngoài ra, mỗi trẻ còn kèm theo hai đến ba người lớn đi cùng, trở thành kênh lây truyền virus nói chung và virus sởi nói riêng.

Ông Kính cho biết, để đối phó với sự suy giảm miễn dịch nhanh chóng, đồng nhiễm nhiều virus một cách bất thường của bệnh nhi mắc sởi, Bộ đã yêu cầu Hội đồng chuyên môn họp bàn và bổ sung phác đồ điều trị sởi cho phù hợp như sử dụng thuốc tăng cường miễn dịch cho trẻ mắc sởi khi trẻ có các biểu hiện suy hô hấp, nhằm “vực” nhanh sức đề kháng của trẻ.

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, dịch sởi đã và đang xảy ra tại 61/63 tỉnh, thành phố, đến ngày 23-4 cả nước ghi nhận 3.569 trường hợp mắc sởi xác định trong số 9.932 trường hợp sốt phát ban dạng sởi. Trong đó có 25 trường hợp tử vong do sởi trong số 119 trường hợp nặng xin về và tử vong có liên quan đến sởi. Số trường hợp mắc chủ yếu xảy ra ở khu vực miền bắc và miền nam, riêng Hà Nội chiếm 37% số ca mắc ghi nhận ở TP Hà Nội.

Tại một số bệnh viện tuyến trung ương, số bệnh nhân sởi mới nhập viện có xu hướng chững lại và không tăng so với những ngày đầu tháng 4-2014. Tại mỗi bệnh viện có trên 30 bệnh nhân mắc sởi mới nhập viện hàng ngày trước đây, đến nay chỉ còn 5 đến 10 bệnh nhân nhập viện mỗi ngày.

Các tỉnh, thành tập trung tiêm vắc-xin phòng sởi cho trẻ

Từ đầu năm đến nay, tại TP Hồ Chí Minh, các bệnh viện, cơ sở y tế đã thống kê có tới 1.471 ca mắc sởi, con số này gấp hơn ba lần so với số ca ghi nhận cả năm 2013. Để ngăn chặn dịch bùng phát, thành phố sẽ mở rộng chương trình tiêm vắc-xin sởi miễn phí cho trẻ từ 3-6 tuổi đến hết tháng 5-2014.

Theo Phó giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, thành phố sẽ đề xuất vấn đề này lên Bộ Y tế, trong quá trình chờ thành phố sẽ tiến hành tiêm cho các đối tượng nói trên. Trường hợp Bộ Y tế không phê duyệt kế hoạch này, thành phố sẽ chi ngân sách để triển khai hoạt động này.

Tính đến chiều ngày 23-4, tỉnh Ninh Bình có 13 ca mắc bệnh sởi, không có bệnh nhi tử vong. Hiện nay, các trưởng thôn, bản ở 146 xã, phường, thị trấn trong tỉnh có trách nhiệm kiểm tra, rà soát số trẻ trong độ tuổi để lên danh sách, thông báo cho các trạm y tế, trung tâm y tế tại địa phương.

“Không kể ngày nghỉ và nếu thôn bản nào có số trẻ chưa tới 10 cháu thì tiêm vào ngày tiêm chủng theo lịch hằng tháng, còn nhiều hơn thì tiêm liên tục tại cơ sở”, Giám đốc Sở Y tế Ninh Bình Lê Hữu Quý cho biết.

Chiều ngày 23-4, tỉnh Ninh Bình tổ chức tiêm “vét” mũi 1 cho hơn 2.700 trẻ em và số trẻ tiêm mũi hai đạt 2.486 trong tổng số 3.752 cháu trong độ tuổi tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi. Các trạm y tế xã, trung tâm y tế huyện cùng một số bệnh viện tuyến tỉnh đã và đang tập trung mọi nguồn lực, thiết bị, cơ số thuốc để đáp ứng nhu cầu tiêm phòng bệnh sởi cho các cháu tại cơ sở. Đặc biệt, chỉ những bệnh nhi nặng mới bố trí nằm viện, còn phần lớn gia đình được cán bộ y tế hướng dẫn chăm sóc bệnh nhi tại nhà nhằm tránh lây lan, đồng thời không gây tình trạng quá tải trong các cơ sở y tế.

Tại Quảng Trị, ngày 24-4, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Trị cho biết, đến nay trên địa bàn tỉnh ghi nhận 13 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có hai trường hợp xét nghiệm dương tính với bệnh sởi. Để ngăn chặn bệnh sởi lây lan trên diện rộng, ngành y tế tỉnh Quảng Trị tăng cường kiểm tra, giám sát, tìm kiếm các ca bệnh bị sốt phát ban nghi sởi tại các bệnh viện, phòng khám các cơ sở điều trị và tại cộng đồng; triển khai tiêm chủng vắc-xin sởi tại các cơ sở y tế. Đặc biệt, phối hợp với chính quyền và các ban ngành, đoàn thể địa phương cùng nhân viên y tế thôn bản rà soát, lập danh sách trường hợp trẻ trong độ tuổi chưa được tiêm vắc-xin sởi theo lịch để tổ chức tiêm vét phòng sởi.

Đối với hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông, do giao thông đi lại khó khăn, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh cử cán bộ y tế về các bản làng tổ chức các điểm tiêm ngoài trạm xá để tăng tỷ lệ tiêm chủng...

 

 

                                                                Theo Báo ND

 

 

Các tin khác


Cứu sống nam sinh người Mỹ bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ

Đang đạp xe đến trường, nam sinh K. (17 tuổi, quốc tịch Mỹ, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) bất ngờ mất lái ngã ra vệ đường và bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ, máu chảy ồ ạt nên được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”

Ngày 16/4, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư về "Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới”. Các đồng chí: Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Nguyễn Thế Mạnh, Bí thư Ban Cán sự đảng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành chức năng.

Phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm

Sáng 15/4, Chi cục An toàn thực phẩm (ATTP) - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì ATTP tỉnh năm 2024. 

Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số 5 vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì có tới 4 vụ nạn nhân là học sinh.

Huyện Mai Châu kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và phát triển KT-XH. Để đưa tỷ số giới tính về mức cân bằng, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mai Châu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) và tỷ lệ sinh con thứ 3, qua đó nâng cao chất lượng dân số.

Đã có hơn 10.000 ca tay chân miệng, các dịch bệnh sởi, ho gà... tăng ca mắc

Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc tay chân miệng, tăng so với cùng kỳ; các dịch bệnh khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà... cũng tăng số mắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục