Cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đo, kiểm tra môi trường lao động  tại Công ty cổ phần may XNK SMA VINA Việt - Hàn (thành phố Hoà Bình).

Cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đo, kiểm tra môi trường lao động tại Công ty cổ phần may XNK SMA VINA Việt - Hàn (thành phố Hoà Bình).

(HBĐT) - Chăm sóc sức khoẻ cho người lao động, người lao động làm việc trong điều kiện có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp (BNN) phải được khám BNN là những nội dung được pháp luật lao động quy định. Thời gian qua, công tác bảo vệ sức khoẻ cho người lao động, phòng tránh BNN được các cơ quan, doanh nghiệp trong tỉnh từng bước quan tâm, tạo điều kiện để người lao động được hưởng đầy đủ chế độ, chính sách về chăm sóc sức khoẻ.

 

Theo số liệu của cơ quan chức năng, toàn tỉnh hiện có trên 2.400 doanh nghiệp với trên 56.000 lao động, trong đó có khoảng 60% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, 35% hoạt động trong lĩnh vực thương mại, còn lại là lĩnh vực khác, 98% doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa. Trong quá trình lao động, sản xuất, nếu môi trường, điều kiện lao động không tốt mà người lao động phải tiếp xúc thường xuyên, lâu dài có thể dẫn đến mắc các BNN ảnh hưởng đến sức khoẻ, thậm chí là tính mạng người lao động. Do đó, việc phòng tránh BNN cho người lao động là vấn đề cần được hết sức quan tâm.  

Đồng chí Lê Minh Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực LĐLĐ tỉnh cho biết: Những năm gần đây, công tác quản lý và chăm sóc sức khoẻ cho người lao động ngày càng được chú trọng hơn, tăng cường các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, BNN. Các doanh nghiệp tổ chức hoạt động khám sức khoẻ định kỳ cho người lao động, tập trung vào tuần lễ quốc gia về an toàn vệ sinh lao động và vào các thời điểm trong năm do doanh nghiệp bố trí phù hợp với điều kiện, đặc thù hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu của người lao động. Những tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp đã tổ chức 126 cuộc khám sức khoẻ định kỳ cho 6.956 người. Tuy nhiên, thực tế công tác khám sức khoẻ cho người lao động chủ yếu được thực hiện đối với những doanh nghiệp có đông người lao động. Các doanh nghiệp ít người, quan hệ thành viên có tính chất gia đình thường không tổ chức khám sức khoẻ.  

Hiện nước ta có 30 bệnh được công nhận là BNN được hưởng chế độ bảo hiểm. Đồng chí Lê Sơn Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: Công tác khám BNN đòi hỏi mức độ chuyên sâu về trình độ chuyên môn của bác sỹ cũng như trang thiết bị y tế, nếu chỉ khám sức khoẻ định kỳ thì khó để  phát hiện BNN. Trong những năm qua và nhất là 2 năm gần đây, do điều kiện về trang thiết bị chưa được đầu tư nhiều và Trung tâm chưa được công nhận cơ sở đủ điều kiện khám BNN nên kết quả công tác khám BNN còn hạn chế. Qua công tác khám bệnh của đơn vị cho thấy khoảng 5 - 10% người lao động được khám có dấu hiệu mắc BNN với các bệnh như viêm gan đối với nghề y, bệnh da nghề nghiệp trong sản xuất đá, xi măng, bệnh nấm móng do tiếp xúc với môi trường nước Cũng đã có trường hợp người lao động mắc BNN được giám định mức độ suy giảm khả năng lao động hưởng chế độ bảo hiểm. 

Qua tìm hiểu được biết, những doanh nghiệp, đơn vị chú trọng thực hiện tốt, có nhu cầu khám sức khoẻ, khám BNN cho người lao động là các doanh nghiệp lớn như các công ty vốn đầu tư nước ngoài, Chi nhánh xăng dầu Hoà Bình, Công ty CP may xuất khẩu Sông Đà, Công ty cổ phần may xuất khẩu 3/2 Anh Nguyễn Văn Luân, Trưởng phòng Tổ chức - hành chính, Công ty cổ phần may XNK SMA VINA Việt - Hàn (TP Hoà Bình) cho biết: Công ty hiện có khoảng 500 lao động tại trụ sở chính và hơn 200 lao động tại chi nhánh ở huyện Tân Lạc. Hoạt động trong lĩnh vực may mặc, môi trường làm việc có bụi, tiếng ồn nên Công ty luôn quan tâm đến việc khám sức khoẻ cho người lao động, hàng năm đều tổ chức khám sức khoẻ định kỳ. Do là công ty mới thành lập, người lao động thường xuyên biến động, thời gian tiếp xúc môi trường làm việc không lâu dài nên Công ty không có trường hợp người lao động mắc BNN. 

Công tác chăm sóc sức khoẻ cho người lao động được quan tâm hơn ở những doanh nghiệp lớn, trong khi 98% doanh nghiệp trong tỉnh có quy mô nhỏ và vừa, đây là đối tượng thường không tổ chức khám sức khoẻ cho người lao động, đặt ra nhiều vấn đề quan tâm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhìn chung, chủ yếu do doanh nghiệp trốn tránh để giảm phần chi phí trong điều kiện kinh tế khó khăn. Ngoài ra cũng có nguyên nhân từ phía người lao động không muốn tham gia vì sợ nếu phát hiện mắc bệnh sẽ không có việc làm. Công tác tuyên truyền chế độ, chính sách cho người lao động còn hạn chế, chưa thường xuyên, kịp thời. Người lao động chưa biết, chưa quan tâm đến chế độ, quyền lợi được hưởng.  

Đồng chí Lê Sơn Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết thêm: Trung tâm hiện có cơ sở vật chất, đội ngũ bác sỹ cơ bản đáp ứng yêu cầu khám BNN. Ngoài phòng khám chung có các phòng khám chuyên khoa về các bệnh bụi phổi, phế quản nghề nghiệp, các BNN do yếu tố vật lý, các bệnh nhiễm độc, bệnh da, bệnh nhiễm khuẩn nghề nghiệp, có phòng xét nghiệm sinh hoá, độc chất và vi sinh. Hiện trung tâm đang chờ Sở Y tế thông báo đơn vị đủ điều kiện khám BNN theo quy định. Đây là cơ sở pháp lý để trung tâm tăng cường hơn nữa hoạt động khám BNN cho người lao động.

Để công tác phòng tránh BNN cho người lao động đạt hiệu quả tích cực hơn thiết nghĩ cần sự quan tâm đúng mức, trước hết là của chính doanh nghiệp có sử dụng người lao động, bất kể đó là doanh nghiệp lớn hay là doanh nghiệp nhỏ. Bằng lương tâm, trách nhiệm, doanh nghiệp phải chủ động tổ chức thực hiện công tác chăm sóc sức khoẻ, khám BNN cho người lao động vì lợi ích của người lao động và của chính doanh nghiệp. Cùng với đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật lao động, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật lao động của doanh nghiệp, xử lý nghiêm nếu có sai phạm. Đồng thời, bản thân người lao động cũng cần nâng cao kiến thức, biết tự bảo vệ sức khỏe của mình và có yêu cầu chính đáng về các chế độ bảo hộ lao động khi làm việc trong môi trường có nguy cơ mắc BNN.

 

                                                                         Hà Thu 

 

 

Các tin khác


Cứu sống nam sinh người Mỹ bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ

Đang đạp xe đến trường, nam sinh K. (17 tuổi, quốc tịch Mỹ, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) bất ngờ mất lái ngã ra vệ đường và bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ, máu chảy ồ ạt nên được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”

Ngày 16/4, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư về "Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới”. Các đồng chí: Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Nguyễn Thế Mạnh, Bí thư Ban Cán sự đảng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành chức năng.

Phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm

Sáng 15/4, Chi cục An toàn thực phẩm (ATTP) - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì ATTP tỉnh năm 2024. 

Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số 5 vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì có tới 4 vụ nạn nhân là học sinh.

Huyện Mai Châu kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và phát triển KT-XH. Để đưa tỷ số giới tính về mức cân bằng, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mai Châu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) và tỷ lệ sinh con thứ 3, qua đó nâng cao chất lượng dân số.

Đã có hơn 10.000 ca tay chân miệng, các dịch bệnh sởi, ho gà... tăng ca mắc

Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc tay chân miệng, tăng so với cùng kỳ; các dịch bệnh khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà... cũng tăng số mắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục