(HBĐT) - Cách trung tâm xã 7 km nhưng bao đời nay, người dân ở xóm Pheo, xã Văn Nghĩa (Lạc Sơn) vẫn sống trong cảnh leo lét ánh đèn dầu. Không ánh điện, không đường giao thông và “nhiều không” khác nên đời sống của bà con nơi đây còn vô cùng gian khó…

 

Gian nan đường về Pheo  

Sau trận mưa lớn đêm hôm trước, đồng chí Bùi Văn Chung, Chủ tịch UBND xã Văn Nghĩa tỏ ra e ngại khi chúng tôi muốn lên Pheo. Bởi lẽ, “nắng đi đã khó chứ đừng nói trời mưa”. May sao, hôm đó là phiên trực của đồng chí Bùi Văn Chính, công an viên xóm Pheo nên chúng tôi được dịp “bám càng”. Theo anh Chính, để lên được Pheo cần phải có “đồ chuyên dụng”, đó là một vòng xích được làm từ xích cam của xe máy dùng để quấn vào lốp xe, chống trơn trượt.  

Trời mưa tầm tã, để lên Pheo, anh Chính gửi xe máy của tôi lại xóm Đồi và đi đường nhánh vì đường chính bị sạt lở. Qua đoạn đường bê tông ở xóm Đồi, “cánh cửa” lên Pheo mở ra trước mắt là con dốc dài chừng 5 m, phân trâu, bùn, sỏi trộn lẫn vào nhau đang chảy xuống. “Chú cố gắng ngồi yên nhé, đoạn này lầy, trượt bánh là trôi xuống dốc đấy”, tôi nín thở nghe anh Chính nhắc nhở.  

Đường lên xóm Pheo, xã Văn Nghĩa (Lạc Sơn) với dốc đá trơn trượt là nỗi trăn trở của bà con xóm nghèo này.

Cuối cùng, với kinh nghiệm và sự liều lĩnh, anh Chính đã đưa tôi qua con dốc đầu tiên. Chiếc xe máy hiệu Angel của anh Chính dù mới tậu được hơn 2 năm nhưng trông “già hơn tuổi” rất nhiều liên tục dở chứng. “Thấm mệt” sau con dốc đầu tiên, chiếc xe bị chết máy khi vừa leo được nửa con dốc tiếp theo khiến chúng tôi được phen hú vía. Càng lên cao, mưa càng dày hạt, những “con mương” nước chảy xì xèo ngay trên đường khiến hành trình về Pheo ngày thêm gian nan và nguy hiểm hơn.  

Gần 2 tiếng đi trong mưa rừng, xóm Pheo hiện ra mờ ảo trong làn sương trắng xóa với những mái nhà sàn nằm thưa thớt. Đây là bản làng của 80 hộ dân người Mường với 365 nhân khẩu. Đồng chí Bùi Hồng Nhu, Bí thư chi bộ xóm cho biết: Năm 2010, Pheo mới có đường đi được xe máy, mưa nhỏ thì trơn, mưa to thành mương nước. Xóm chia thành 2 KDC, từ Pheo 2 vào đến Pheo 1 mất gần 1 tiếng đồng hồ đi bộ.  

 “Giấu mình” ở núi …  

Đường vào nơi sinh sống của 15 hộ dân ở Pheo 1 sâu hun hút, chỉ thấy núi là núi. Sau cơn mưa rừng, ai nấy đều phải xắn quần cao, vừa để đỡ bẩn, vừa dễ phát hiện nếu bị vắt tấn công. Chúng tôi ghé thăm gia đình ông Bùi Văn Danh, là 1 trong 5 hộ nằm sâu nhất xóm. Với 2 đứa con tật nguyền, kinh tế phụ thuộc vào hơn 2.000 m2 ruộng nên gia đình ông thuộc diện nghèo khó nhất xóm. Mới ngoài 40 tuổi nhưng ông Danh không biết đi xe máy và cũng chẳng mua được xe máy nên quanh năm chỉ quẩn quanh nơi núi rừng.  

Chưa có điện nên bé Bùi Hạnh My (bên phải) cùng với những đứa trẻ ở xóm Pheo, xã Văn Nghĩa (Lạc Sơn) phải học bài dưới ánh đèn dầu leo lét.  

Tiếp tục đi sâu thêm gần 200 m, chúng tôi mới đến nhà anh Bùi Văn Hiền, tận cùng của xóm. Trong căn nhà sàn nhỏ, chỉ có chiếc ti vi đen trắng “để cho vui mắt” và vài bao tải thóc. Mời khách chén mật ong do gia đình nuôi, anh Hiền tâm sự: “Nhà nuôi được 7 tổ ong mật, giờ còn mấy chai mật nhưng đã bán được đâu. Lâu lâu mới đi một chuyến xuống chợ mua mắm, muối thôi chứ thực phẩm hàng ngày thì tự cung, tự cấp”.  

Không chỉ ở Pheo 1, mà cả Pheo 2, bà con cũng đang “giấu mình” ở núi bất đắc dĩ vì đường quá khó khăn. Như chia sẻ của cụ Bùi Văn Rức  “Đã hơn 10 năm tôi chưa xuống đến UBND xã, chứ đừng nói đi thăm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thủ đô Hà Nội. Đường xa, tuổi già đi không nổi”.  

Ở Pheo, đêm dài đằng đẵng…  

Màn đêm buông xuống thật nhanh, ngoài ánh điện hiếm hoi lóe ra từ mái nhà sàn của gia đình Bí thư chi bộ Bùi Hồng Nhu cả xóm Pheo chìm trong màn đêm tĩnh mịch. Từ nhà ông Nhu, mò mẫm theo con đường liên xóm chạy giữa cánh đồng, chúng tôi sang nhà anh Chính, công an viên của xóm. Bà con nói vui với chúng tôi rằng, với những người lạ, vào buổi đêm, nếu không nghe thấy tiếng chó sủa chẳng ai biết đây là một bản làng.  

19 giờ, mùi khen khét của chiếc đèn dầu đã lan toả khắp căn nhà của gia đình anh Bùi Văn Chính. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên với bộ âm ly, chiếc loa to và màn hình tivi màu, anh Chính giải thích: “Sắm để phục vụ đám cưới ở trong xóm, muốn chạy được phải dùng máy nổ. Một năm, nhiều lắm dùng dăm, bảy lần thôi”. Theo anh Chính, không có điện nên mua quạt điện hay tivi về cũng chỉ để vậy, còn kem, nước lạnh là thứ quá xa xỉ đối với bà con nơi này.  

Quây quần bên chiếc đèn dầu, qua 2 tuần trà, câu chuyện của chúng tôi  rôm rả hơn. ở buồng trong, bé Bùi Hạnh My, con gái anh Chính cùng đứa em đang chăm chú ngồi học bài. ánh đèn dầu vàng vọt cộng thêm làn khói đen nên chốc My lại đưa tay lên dụi mắt. Trưởng xóm Pheo Bùi Văn Bình cho biết: Hiện, xóm có  trên 20 em học sinh đang học các cấp. Do thiếu thốn nhiều mặt nên lực học của các em kém hơn so với mặt bằng chung của cả xã và số lượng chuyển cấp lên THPT rất ít.  

Xung quanh câu chuyện về đường, chúng tôi vẫn ám ảnh về chuyện chị Bùi Thị Diệp đẻ rơi trên đường xuống trạm y tế, cách đây 4 năm hay những mẩu chuyện về những cú ngã để đời của không ít người khi ngược lên Pheo, nhất là sự trăn trở của bà con khi con gà, con lợn, bắp ngô, củ sắn bán rẻ hơn và khó thành hàng hóa.  

Là 1 trong 36 thôn, xóm đặc biệt khó khăn của tỉnh, những năm qua, xóm Pheo đã nhận được những sự hỗ trợ thiết thực từ các cấp ủy Đảng, chính quyền. “Sự hỗ trợ về cây giống, con giống như hiện nay phù hợp với điều kiện của xóm Pheo. Tuy nhiên, mong các cấp quan tâm hơn nữa, nhất là trực tiếp hướng dẫn cho bà con về kỹ thuật”,  đồng chí Bí thư chi bộ Bùi Hồng Nhu bày tỏ.  

Không có điện, đêm ở Pheo như kéo dài hơn nhưng câu chuyện, trăn trở của bà con vẫn chưa hết. Sau một ngày dầm mưa và mệt nhoài với chuyến cuốc bộ, chúng tôi ngủ thiếp đi giữa lành lạnh của nơi vùng cao mây mù. Khi tỉnh dậy lại được phen “hành xác” với hành trình hạ sơn trên con đường ngoằn nghoèo, nham nhở bùn đất nơi lưng chừng núi.

                                                                             Viết Đào

 

Các tin khác


Xung quanh việc xây dựng trụ sở và công trình văn hóa tâm linh tại thành phố Hòa Bình: Bài 2 - Công trình không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, vi phạm trật tự xây dựng?

Liên quan đến việc xây dựng chùa Hòa Bình và các công trình phụ trợ, thời gian qua, một số cơ quan thông tin, báo chí đưa tin cho rằng: công trình này không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; vi phạm các quy định của pháp luật về thủ tục đầu tư; còn để xảy ra nhiều sai phạm liên quan đến trật tự xây dựng. Trước những vấn đề được dư luận xã hội và người dân quan tâm, các cơ quan chức năng của tỉnh và UBND thành phố Hòa Bình (TPHB) đã có thông tin phản hồi.

Xung quanh việc xây dựng trụ sở và công trình văn hóa tâm linh tại thành phố Hòa Bình: Bài 1 - Các cơ quan chức năng đề nghị điều chỉnh quy mô xây dựng chùa Hòa Bình

Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh về việc xem xét, kiểm tra, rà soát các nội dung liên quan đến công tác quy hoạch, thu hồi đất để thực hiện xây dựng trụ sở và công trình văn hóa tâm linh chùa Hòa Bình tại đồi Ba Vành, thuộc tổ 8, phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình (TPHB), ngày 19/1/2024, Sở Xây dựng (SXD) đã tổ chức họp với các sở, ngành, UBND TPHB và Ban trị sự Giáo hội Phật giáo (GHPG) tỉnh. Sau cuộc họp, các sở, ngành, UBND TPHB đã đưa ra những kiến nghị với UBND tỉnh về việc điều chỉnh quy mô xây dựng chùa Hòa Bình.

Thiêng liêng ngày hội tòng quân

Không phải tiếng trống giục giã, cũng không phải ngọn đuốc thắp lên bằng ngọn lửa truyền thống, mà chính nhiệt huyết của tuổi trẻ mới là thứ làm bùng lên không khí thiêng liêng trong ngày hội tòng quân năm 2024. Đây chính là ngày hội của tuổi trẻ, của thanh niên ưu tú - những người đã biết đặt Tổ quốc ở trong tim...

Chuyện về nhạc phẩm “Lá thư DK” trên biển

Trong một đêm cuối năm Quý Mão 2023, con tàu Trường Sa 04 bền bỉ đè sóng tiến về phía bãi cạn Cà Mau, nơi có nhà giàn DK1/10… Bỗng trong tiếng sóng biển ầm ào và gió thổi ràn rạt dọc các boong tàu, vẳng tiếng đàn ghi ta và tiếng hát của một vài chiến sĩ hải quân. Tiếng đàn thánh thót và da diết của Trung tá Trịnh Văn Nghị, Chính trị viên phó Tiểu đoàn DK1 hòa vào giọng hát khá tình cảm của nhóm cán bộ, chiến sĩ trên tầng 3 con tàu: "Anh kể lại nơi anh những lúc biển cuồng phong/ Biển giận dữ hung tàn quá đỗi/ Nhà giàn kiên trung giữ vững thềm lục địa/ Như tình anh yêu em, tình yêu bất tận…”. Các anh đang tập bài hát mới "Lá thư DK” của ca sĩ, nhạc sĩ, Phó đoàn Nghệ thuật Bông Sen (TP Hồ Chí Minh), thành viên của đoàn sáng tác trong chuyến hải trình DK1…

Huyện Lạc Thủy: Ước vọng đầu Xuân mới

Mùa Xuân đến mang theo hơi ấm của đất trời, đem đến sức sống mới cho vạn vật. Đó cũng là thời điểm cảm xúc của mỗi người lại trào dâng với niềm tự hào, tin tưởng, đoàn kết một lòng đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn. Xuân mới, niềm tin khát vọng mới, bao dự định được gửi gắm, thôi thúc mỗi chúng ta cố gắng phấn đấu vươn lên, xây dựng quê hương Lạc Thủy giàu đẹp.

Người góp phần nâng tầm sản phẩm mang giá trị văn hoá Hoà Bình

Quá trình công tác nhiều năm trong cơ quan nhà nước của tỉnh, chị Hoàng Việt Hà (TP Hoà Bình) có cơ hội tiếp cận, nghiên cứu về lĩnh vực văn hoá, từ đó nuôi dưỡng tình yêu ngày càng lớn đối với văn hoá bản địa. Đây được xem là cơ duyên để năm 2022, sau dự định ấp ủ, chị đứng ra mở cửa hàng quà tặng với tên gọi Hoa Đất Mường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục