(HBĐT) - "Qua việc cá lồng chết hàng loạt trên địa bàn huyện sau khi Nhà máy thuỷ điện (NMTĐ) Hòa Bình xả lũ, chúng tôi đã rút ra được nhiều bài học đắt giá trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế nói chung và khuyến khích phát triển nghề nuôi cá lồng ở vùng hạ lưu sông Đà nói riêng” - Đồng chí Hoàng Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn chia sẻ.


Trắng tay chỉ sau một đêm

Theo số liệu thống kê của Ban Chỉ huy PCTT &TKCN tỉnh, tính đến ngày 26/7, trong quá trình NMTĐ Hoà Bình vận hành xả lũ đã gây thiệt hại 253 lồng cá với lượng cá bị chết gần 171 tấn, tổng thiệt hại ước khoảng 32, 4 tỷ đồng. Trong đự, huyện Kỳ Sơn thiệt hại 100 lồng cá tại các xã Hợp Thành, Hợp Thịnh; TP Hoà Bình thiệt hại 153 lồng ở xã Trung Minh, phường Tân Hoà, Đồng Tiến. Đến ngày 28/7, tình trạng cá chết rải rác vẫn tiếp tục được ghi nhận cho dù cho NMTĐ Hoà Bình đã đóng hoàn toàn các cửa xả đáy từ 12h ngày 27/7.

 

Do ảnh hưởng từ quá trình vận hành xả lũ của Nhà máy thủy điện Hòa Bình, hàng chục tấn cá tầm đang chuẩn bị thu hoạch của gia đình ông Đỗ Đức Nhuận ở phường Tân Hòa (TP Hòa Bình) bị chết hàng loạt.

Là địa phương bị thiệt hại nặng sau khi NMTĐ Hoà Bình xả lũ, đồng chí Hoàng Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: Ngay sau khi NMTĐ Hoà Bình mở cửa xả đáy thứ nhất vào 6h ngày 18/7/2017, nhiều hộ nuôi cá lồng trên sông Đà ở xã Hợp Thành bắt đầu thấy có dấu hiệu cá chết. Lúc đầu chỉ có vài con, ở một vài loại cá vốn chỉ sống trong môi trường nước sạch như cá lăng, chiên, ngạnh, nhưng sau 1 đêm, hiện tượng cá chết hàng loạt xảy ra ở hầu khắp các hộ nuôi. Các loại cá có sức đề kháng tốt trong môi trường nước đục như: rô phi, trắm... cũng bị chết hàng loạt. Như vậy, chỉ sau một đêm, nhiều hộ gia đình nuôi cá lồng ở địa phương trở thành trắng tay. Đáng nói hơn, tình trạng cá chết hàng loạt diễn ra từ ngày 18/7 nhưng đến ngày 28/7 vẫn tiếp tục ghi nhận tình trạng cá chết rải rác ở một số lồng nuôi. 

Không chỉ ở Kỳ Sơn, các hộ nuôi cá lồng ở vùng hạ lưu sông Đà thuộc địa phận TP Hoà Bình cũng điêu đứng vì cá chết. Gia đình anh Lương Văn Hưng (phường Đồng Tiến) nuôi 10 lồng cá. Do ảnh hưởng của việc vận hành xả lũ của NMTĐ Hoà Bình, toàn bộ số cá lồng của gia đình anh bị thiệt hại. Bần thần trước những lồng cá trống trơn trên dòng nước đục lững lờ, anh Hưng tỏ bày: Bao nhiêu tiền của, công sức bỏ vào đây. Cá chết hết, bây giờ cụt vốn rồi, sau này cũng chưa biết tái sản xuất kiểu gì nữa? 

Còn ông Đỗ Đức Nhuận (phường Tân Hòa) nuôi 100 lồng cá, trong đó có những loại cá thương phẩm có giá trị cao tại bến Phà Thia cũ (thuộc phường Tân Hòa), đang chuẩn bị thu bán như cá tầm cũng chết sững khi sáng 20/7 ông phát hiện cá chết trắng phơi bụng trên mặt nước. Hàng chục tỷ đồng cùng mồ hôi, nước mắt đã trôi theo dòng nước lũ. Cá chết không tiêu thụ được, ông chỉ còn cách mang toàn bộ cá chết ủ thành phân để bón cây. 

Cũng là một trong số những hộ nuôi cá lồng bị thiệt hại nặng nhất, ông Lê Văn Bảo, Chủ nhiệm HTX nông, lâm, thuỷ sản Kỳ Sơn chết lặng khi nhìn vào những lồng cá lăng, chiên trị giá hàng trăm triệu đồng chết trắng bụng...

Bài học đắt giá?!

Trao đổi với chúng tôi xung quanh việc cá lồng ở vùng hạ lưu sông Đà chết hàng loạt sau khi NMTĐ Hoà Bình vận hành xả lũ, đồng chí Hoàng Văn Son, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh cho biết: Về nguyên nhân xảy ra cá chết hàng loạt, qua kiểm tra chúng tôi chưa ghi nhận có hiện tượng dịch bệnh xảy ra. Qua theo dõi, có thể thấy nguyên nhân dẫn đến tình trạng cá chết là do trong quá trình NMTĐ Hoà Bình vận hành xả lũ, lượng lớn bùn tích tụ trong nhiều năm theo dòng nước đổ về hạ lưu gây nên tình trạng thiếu oxy, sặc bùn dẫn đến cá chết hàng loạt. Bên cạnh đó có điều đáng lưu ý là hầu hết các loại cá được nuôi ở đây là những loại cá quen với môi trường nước sạch, do vậy, khi môi trường nước thay đổi đột ngột dẫn đến hiện tượng trên. 

Cũng theo đồng chí Hoàng Văn Son: Vào năm 2007 mới chỉ có Trung tâm dạy nghề và chuyển giao công nghệ thuỷ sản phía Bắc - Hội nghề cá Việt Nam xây dựng "Báo cáo tổng hợp rà soát quy hoạch phát triển thuỷ sản tỉnh Hoà Bình đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”. Theo đó, việc phát triển nuôi thuỷ sản lồng bè trên sông, suối đến năm 2020 của tỉnh xác định khoảng 650 lồng, trong đó có vùng hạ lưu sông Đà thuộc địa bàn TP Hoà Bình và huyện Kỳ Sơn. Theo đó, đến năm 2020, địa bàn TP Hoà Bình sẽ phát triển lên 4.400 m3 lồng, sản lượng khoảng 110 tấn; huyện Kỳ Sơn có khoảng gần 10.000 m3 lồng, sản lượng 240 tấn. Tuy nhiên, báo cáo này mới chỉ đánh giá về chất lượng nước, tiềm năng phát triển của việc nuôi cá lồng chứ chưa đề cập sâu đến yếu tố rủi ro khi NMTĐ Hoà Bình xả lũ với lưu lượng nước lớn. 

Ngoài báo cáo nêu trên, đến nay, tỉnh cũng chưa có quy hoạch cụ thể về nghề nuôi cá lồng ở khu vực hạ lưu sông Đà. Việc nuôi cá lồng của người dân trên khu vực này mới phát triển mạnh trong một vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, hoạt động kinh tế này còn mang tính tự phát. Điều này cũng được đồng chí Hoàng Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn đồng tình: Tính đến thời điểm này, UBND huyện Kỳ Sơn chưa xây dựng quy hoạch phát triển nghề nuôi cá lồng thuộc vùng hạ lưu sông Đà. Trong những năm qua, khi NMTĐ Hoà Bình không xả lũ, việc người dân mở rộng phát triển nuôi cá lồng trên sông, nhìn về góc độ kinh tế, chúng tôi thấy đó là hướng đi hiệu quả nên địa phương khuyến khích người dân phát triển. Tuy vậy, qua sự việc vừa rồi chúng tôi cũng cần phải xem xét, đánh giá lại việc phát triển ngành nghề nuôi cá lồng trên sông một cách bền vững. Sự việc cá chết hàng loạt vừa rồi là bài học đắt giá và bài học kinh nghiệm cho địa phương trong quá trình nghiên cứu, xây dựng định hướng đẩy mạnh các hoạt động kinh tế trên sông Đà, đoạn chảy qua địa bàn huyện một cách phù hợp nhằm tránh những rủi ro đáng tiếc. 

Trao đổi với chúng tôi xung quanh vấn đề này, đồng chí Lê Hồng Thạch, Trưởng phòng tổ chức NMTĐ Hoà Bình cho biết: Vùng hạ lưu NMTĐ Hoà Bình thuộc hành lang phân lũ quốc gia. Do vậy, các hoạt động kinh tế trên khu vực này cần phải được nghiên cứu, xem xét một cách cụ thể và phù hợp. Bởi theo kế hoạch vận hành, hàng năm, NMTĐ Hoà Bình đều xả lũ. Những năm trước, do lưu lượng nước về hồ ít nên NMTĐ Hoà Bình không xả lũ. Còn việc vận hành xả lũ trong những ngày qua NMTĐ Hoà Bình đều tuân thủ nghiêm ngặt theo lệnh của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai. Việc xả lũ cũng đã được thông báo trước cho các địa phương. Quá trình xả lũ đã gây ra những thiệt hại cho hoạt động kinh tế của nhân dân vùng hạ lưu, cho đến nay, NMTĐ Hoà Bình cũng chưa nhận được sự chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ thiệt hại đối với các hoạt động kinh tế của người dân. 

Trước sự việc trên, đồng chí Hoàng Văn Minh cho biết: Cùng với UBND thành phố Hoà Bình, hiện nay, UBND huyện Kỳ Sơn đã chỉ đạo các ngành chức năng khẩn trương tổng hợp, thống kê mức độ thiệt hại để báo cáo UBND tỉnh đề nghị trích nguồn quỹ phòng - chống thiên tai của tỉnh hỗ trợ một phần thiệt hại cho các hộ dân nhằm nhanh chóng khôi phục sản xuất, ổn định đời sống người dân.

 

                                                                                                           Mạnh Hùng


Các tin khác


Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Lắng đọng, thiêng liêng ở Nghĩa trang Hàng Dương

Nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo trong những ngày Xuân đón du khách ở mọi miền đất nước đến thăm viếng. Từ sáng sớm đến 24h, những nén hương, những bông hoa thơm ngát, tinh khôi được thắp, dâng trang trọng trên những phần mộ đem đến cho ta những cảm xúc trào dâng. Trong khuôn viên rất nhiều loài hoa khoe sắc như muốn chia sẻ, tri ân những người con đã nằm lại nơi đây.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục