Cán bộ, lãnh đạo phải là...dân
(HBĐT) - "Trong quá trình tiếp xúc, đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân thì người đối thoại phải xác định mình cũng là người dân, một người trong cuộc thì mới có thể thấu hiểu được những kiến nghị, bức xúc và được nghe những lời thật từ dân”, từ kinh nghiệm công tác hàng chục năm trên cương vị lãnh đạo, ông Nguyễn Văn Cửu, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hòa Bình thẳng thắn chia sẻ.


"Dân rất tin vào cán bộ”

Đó chính là những điều mà ông Nguyễn Văn Cửu chia sẻ với chúng tôi trong một cuộc trò chuyện gần đây. Theo ông: Nếu dân không tin vào cán bộ thì sẽ không có những "chiến dịch” di chuyển hàng nghìn hộ dân để phục vụ việc lấp sông Đà xây dựng Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình năm nào lại càng không có hàng nghìn hộ dân trong tỉnh tự nguyện thay đổi tập tục di chuyển mồ mả cha ông, tự nguyện hiến hàng vạn m2 đất để làm đường giao thông, xây dựng các công trình hạ tầng xã hội trong phong trào xây dựng NTM thời gian qua. Để làm được những điều đó, chúng ta thấy rằng, ở đây dân rất tin vào cán bộ, nghe cán bộ nói. Nhưng chúng ta cũng cần phải nhìn lại một điều là cán bộ phải nói, phải làm như thế nào để dân tin. Có như vậy mới làm được việc, mới vận động được nhân dân tự nguyện tháo dỡ nhà cửa; thay đổi tập tục tang ma, tự nguyện di dời mồ mả cha ông, hiến hàng nghìn, hàng vạn m2 đất trên tinh thần "đường chưa thông, nhà cửa không tiếc”. Hơn nữa là từ việc làm tốt công tác vận động đã huy động được sức dân cùng tham gia với cấp uỷ, chính quyền địa phương trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; huy động người dân tự nguyện, tích cực tham gia ngày công để xây dựng các công trình hạ tầng xã hội phục vụ lợi ích chung của cộng đồng...

Nhân đây, xin trở lại câu chuyện tiếp xúc, đối thoại giữa đội ngũ cán bộ các cấp với nhân dân trong giải phóng mặt bằng (GPMB) đường Hồ Chí Minh, đoạn qua địa bàn tỉnh cách đây hơn chục năm. Khi ấy, việc GPMB tuyến đường Hồ Chí Minh, đoạn qua đoạn qua các huyện: Lương Sơn, Lạc Thủy, Yên Thủy, Kim Bôi và Lạc Sơn được coi như là "một mớ bòng bong”, "nút rối”. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do sai phạm của một số tổ chức, cá nhân có trách nhiệm của tỉnh trong việc bồi thường, GPMB; quản lý cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; chưa xây dựng khu tái định cư ổn định cuộc sống cho người dân bị thu hồi đất... Từ những sai phạm đó đã làm cho dự án trọng điểm quốc gia này bị chậm thông tuyến gần 2 năm.


Đồng chí Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp đối thoại với nhân dân 2 xã Hợp Thành, Hợp Thịnh (Kỳ Sơn) để nắm bắt tình hình tư tưởng nhân dân và kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh khi triển khai dự án khai thác cát sông Đà thuộc địa phận 2 xã. ảnh: T.L

Trước những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án, các bộ, ngành và cả Thủ tướng Chính phủ phải vào cuộc để tập trung giải quyết. Tuy vậy, "mớ bòng bong” này vẫn không thể giải quyết dứt điểm. Trong đó, nhiều người dân đã có đơn, thư khiếu kiện đông người, vượt cấp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình triển khai dự án cũng như tình hình ANCT - TTATXH trên địa bàn các địa phương có tuyến đường đi qua. Để giải quyết vấn đề này, khi ấy, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã giao các đồng chí Thường vụ Tỉnh ủy chịu trách nhiệm giải quyết ở từng địa bàn cụ thể.

Thiếu tướng Bùi Đình Phái, khi đó là UVTV Tỉnh uỷ, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh được giao nhiệm vụ giải quyết điểm "nóng” nhất tại huyện Kim Bôi gồm thị trấn Thanh Hà, xã Thanh Nông, Thanh Lương, Cao Thắng, Cao Dương (nay các xã này đã được chia cắt về huyện Lạc Thuỷ và huyện Lương Sơn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ). "Khi đó, chúng tôi xác định đây không phải nhiệm vụ riêng cá nhân tôi mà là nhiệm vụ chung của LLVT tỉnh và các địa phương nơi xảy ra vụ việc. Do vậy, ngay khi được Tỉnh uỷ giao nhiệm vụ, anh em cán bộ, chỉ huy đã chủ động nắm bắt tình hình, tư tưởng và những bức xúc của nhân dân để từ đó có phương án, biện pháp triển khai, giải quyết một cách thấu đáo. Trong đó, chúng tôi đã xác định phương án quan trọng nhất đó là phải tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với người dân. Chỉ có làm cho dân tin mình thì những bức xúc, vướng mắc mới được giải quyết một cách triệt để”, trò chuyện với chúng tôi, thiếu tướng Bùi Đình Phái chia sẻ.

Chính từ quan điểm "tiếp xúc, đối thoại trực tiếp để lắng nghe, tiếp thu ý kiến, bức xúc của nhân dân ngay tại cơ sở”, thiếu tướng Bùi Đình Phái và CB,CS LLVT tỉnh đã từng bước lấy lại được niềm tin trong nhân dân. Với cách làm đó, những "nút thắt” của "mớ bòng bong” trong GPMB đường Hồ Chí Minh không chỉ ở Kim Bôi mà ở Lạc Thuỷ, Yên Thuỷ, Lương Sơn, Lạc Sơn từng bước được giải quyết. Người dân đã đồng ý với các phương án do cấp uỷ, chính quyền đưa ra với sự đồng thuận, nhất trí cao; tình trạng đơn, thư khiếu kiện vượt cấp đông người chấm dứt. Cùng với đó, các cán bộ vi phạm cũng bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Trò chuyện với chúng tôi, thiếu tướng Bùi Đình Phái cho biết: ở bất kỳ đâu, bất kỳ khi nào, trong công tác quản lý, lãnh đạo thì tư tưởng "lấy dân làm gốc” phải được đặt lên hàng đầu. Ai được dân tin thì việc gì khó cũng sẽ được giải quyết. Bởi khi dân đã tin vào mình, tin vào cán bộ thì họ sẽ nghe theo, làm theo.

Chính từ việc vận dụng thành công tư tưởng "lấy dân làm gốc”, "việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm”, sau này, thông qua việc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp, thiếu tướng Bùi Đình Phái và CB,CS LLVT tỉnh đã vận động thành công nhiều gia đình đồng bào dân tộc Mường thay đổi tập quán "đào sâu, chôn chặt”, tự nguyện di chuyển mồ mả cha ông, hiến đất làm đường giao thông trong phong trào "Chung sức xây dựng NTM” - điều mà từ trước đến nay chưa bao giờ và chưa một ai làm được. Đây cũng chính là cơ sở để LLVT tỉnh nói riêng và cấp uỷ, chính quyền các cấp trong toàn tỉnh nói chung vận động thành công hàng nghìn hộ dân tự nguyện hiến hàng vạn m2 đất ở, đất vườn, đất sản xuất để làm đường giao thông, xây dựng các công trình hạ tầng xã hội phục vụ đời sống dân sinh theo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trong những năm qua.

Trong "đối thoại” cán bộ phải là dân

Có một thực tế là thời gian qua, việc tiếp xúc, đối thoại giữa cấp uỷ, chính quyền với các tầng lớp nhân dân đã đem lại hiệu quả tích cực, đáng ghi nhận. Từ việc tiếp xúc, đối thoại một cách thẳng thắn, dân chủ và cởi mở không chỉ góp phần giải quyết những vướng mắc, bức xúc trong nhân dân từ cơ sở mà còn tạo ra sự kết nối giữa tổ chức Đảng với cơ sở; cán bộ, đảng viên với nhân dân. Từ đó tạo sự đồng thuận, thống nhất trong giải quyết các vấn đề, tránh để mâu thuẫn nảy sinh. Trong đó, nhiều vụ việc nếu không có sự tiếp xúc, đối thoại, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong giải quyết vấn đề sẽ nảy sinh phức tạp. Ví như vụ tranh chấp đất đai tại khu Lũng Bét, xóm Thung Mường, xã Tú Sơn (Kim Bôi). Vụ việc này phức tạp đến nỗi nhiều người cho rằng phải đưa ra xử lý hình sự nhưng thông qua tiếp xúc, đối thoại giữa các bên, những "nút thắt” đã từng bước được tháo gỡ, tình làng, nghĩa xóm được củng cố.

Mới đây nhất, trước những bức xúc của người dân 2 xã Hợp Thành, Hợp Thịnh (Kỳ Sơn) về tình trạng khai thác cát trên sông Đà, đoạn qua địa phận 2 xã. Trước những bức xúc này, cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng đã có những buổi tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với người dân để giải quyết vấn đề. Trong đó, đồng chí Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp tiếp xúc, đối thoại với người dân. Từ đó, những vấn đề còn vướng mắc đã dần được tháo gỡ; tư tưởng nhân dân ổn định, không phát sinh đơn, thư khiếu nại vượt cấp...

Điều đáng nói, các cuộc tiếp xúc, đối thoại không chỉ được tổ chức khi phát sinh các vụ việc mà thời gian qua, các địa phương đã chủ động, tích cực triển khai công tác tiếp xúc, đối thoại với nhân dân thông qua nhiều hình thức. Đặc biệt, để cụ thể hoá Quyết định số 232, ngày 9/6/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về "Quy định tiếp xúc, đối thoại với nhân dân”, từ năm 2016 đến nay, các địa phương trong tỉnh đã chủ động tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp để nắm bắt tình hình tư tưởng và những bức xúc trong nhân dân, từ cơ sở để có biện pháp giải quyết, tránh nảy sinh vụ việc phức tạp. Qua đây góp phần tạo sự kết nối thường xuyên, liên tục giữa cấp uỷ, chính quyền với nhân dân.

Là địa phương đầu tiên của tỉnh triển khai làm điểm công tác tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, huyện Lạc Sơn đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm. Người dân đánh giá cao việc tổ chức tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền với nhân dân. Đồng chí Trần Ngọc Sơn, đảng viên xóm Nam Hoà 2, xã Xuất Hoá phấn khởi: Năm 2016, xóm Nam Hoà là đơn vị đầu tiên của huyện, tỉnh tổ chức thực hiện điểm về tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền với nhân dân để từ đó rút kinh nghiệm triển khai thực hiện trong toàn huyện. Chúng tôi cảm nhận đó thực sự là một cuộc đối thoại dân chủ, thẳng thắn và cởi mở. Trong cuộc đối thoại, người dân được nói lên những ý kiến, suy nghĩ của bản thân giống như một cuộc trò chuyện, trao đổi một cách cởi mở, thân tình. Chúng tôi mong rằng từ nay về sau sẽ có nhiều hơn những cuộc tiếp xúc, đối thoại như thế này.

Đồng chí Bùi Văn Hành, Bí thư Huyện uỷ Lạc Sơn cho biết: Thông qua hoạt động tiếp xúc, đối thoại, cái được nhất mà chúng tôi đạt được đó là mở rộng quyền dân chủ của nhân dân. Qua đó càng làm sâu sắc thêm trách nhiệm của CB,ĐV, người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền địa phương với nhân dân; làm sâu sắc thêm vai trò lãnh đạo của Đảng với việc chăm lo tốt quyền dân chủ, lợi ích của nhân dân. Việc đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền với nhân dân cũng là dịp để người dân phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền địa phương ngày càng vững mạnh. Qua đây cũng có những ý kiến, sự hiến kế giúp cấp ủy, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH cũng như trong xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp. Làm cho CB,ĐV từ huyện đến cơ sở thấy rõ được trách nhiệm của mình, sâu sát công việc, có ý thức hơn trong thực hiện nhiệm vụ. Gắn lời nói đi đôi với việc làm; làm cho cán bộ sâu sát, gần gũi hơn với nhân dân trên tinh thần bình đẳng, dân chủ, cởi mở, góp phần làm giảm tình trạng khiếu nại kéo dài, khiếu nại vượt cấp; làm tăng uy tín, năng lực của đội ngũ CB,ĐV cũng như xây dựng tác phong "nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” của đội ngũ CB,ĐV các cấp. Đáng nói hơn, qua tiếp xúc, đối thoại, chúng tôi trở thành người dân, đứng trên quan điểm của người dân để cùng lắng nghe, chia sẻ và tiếp thu, giải quyết những bức xúc từ cơ sở.

Từ thành công ở huyện Lạc Sơn, đến nay, nhiều địa phương trong tỉnh đã tổ chức các đợt tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền với nhân dân. Nội dung các cuộc tiếp xúc, đối thoại xoay quanh những vấn đề nhân dân quan tâm, có nhiều bức xúc. Qua các cuộc tiếp xúc, đối thoại, nhiều vấn đề đã được người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền nghiêm túc tiếp thu chỉ đạo các ngành, phòng, ban chuyên môn rà soát, tập trung giải quyết. Trong đó có nhiều vụ việc khiếu nại liên quan đến đất đai, hỗ trợ đền bù khi triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn; tình hình ô nhiễm môi trường đã được giải quyết dứt điểm góp phần củng cố, tăng cường lòng tin của nhân dân đối với cấp uỷ, chính quyền địa phương.

Mạnh Hùng


Các tin khác


Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Lắng đọng, thiêng liêng ở Nghĩa trang Hàng Dương

Nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo trong những ngày Xuân đón du khách ở mọi miền đất nước đến thăm viếng. Từ sáng sớm đến 24h, những nén hương, những bông hoa thơm ngát, tinh khôi được thắp, dâng trang trọng trên những phần mộ đem đến cho ta những cảm xúc trào dâng. Trong khuôn viên rất nhiều loài hoa khoe sắc như muốn chia sẻ, tri ân những người con đã nằm lại nơi đây.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục