(HBĐT) - Nhắc đến ruộng bậc thang ở Hòa Bình không thể không nói đến ruộng bậc thang ở Miền Đồi, một xã vùng 135 của huyện Lạc Sơn. Đây thực sự là một công trình nhân tạo ấn tượng của huyện Lạc Sơn nói riêng và trên vùng đất cửa ngõ Tây Bắc nói chung.

 

Người dân xã Miền Đồi (Lạc Sơn) thu hoạch lúa vụ chiêm xuân năm 2020 trên những thửa ruộng bậc thang.

Chúng tôi đến Miền Đồi đúng dịp người dân đang tất bật thu hoạch lúa vụ chiêm xuân. Nhìn từ xa, các thửa ruộng bậc thang uốn lượn mềm mại như những dải lụa vàng xếp tầng, xếp lớp men theo sườn đồi, nối tiếp nhau, óng ánh trong nắng vàng rực rỡ. Để có được tuyệt tác này phải kể đến mồ hôi, công sức lao động của biết bao thế hệ người dân nơi đây, bằng sự cần mẫn đã kiến tạo nên hơn 400 ha ruộng bậc thang trên đồi, núi. Đó cũng là nguồn cung cấp lương thực ổn định cho 141 hộ, gần 700 nhân khẩu ở Miền Đồi.

Chẳng biết ruộng bậc thang ở Miền Đồi có từ bao giờ. Ngay cả những bậc cao niên 90 - 95 tuổi cũng chỉ biết "từ nhỏ đã thấy quê mình có ruộng bậc thang”. Các cụ bộc bạch: "Ở vùng cao nên người dân phải khai phá đất trồng lúa trên các triền đồi, dốc núi và phải giữ rừng mới tạo được nguồn sinh thủy, phải đắp bờ mới giữ được nước”. Địa thế của đồi núi đã tạo nên những thửa ruộng lớn nhỏ khác nhau, dù cày bừa, chăm sóc, cấy hái khó khăn, vất vả hơn nhiều so với những cánh đồng bằng phẳng ở vùng thấp, nhưng đây là hình thức canh tác hiệu quả đã được đồng bào Mường ở Miền Đồi áp dụng từ lâu và mang lại cuộc sống ngày càng no ấm.

Anh Bùi Văn Tưởng, xóm Dóm Bái chia sẻ: "Tôi nghe các cụ kể lại, ngày xưa làm ruộng bậc thang vất vả lắm. Tạo thửa, đắp bờ bằng tay, bằng xẻng. Nhiều hộ nghèo khó còn phải kéo bừa thay trâu. Mương dẫn nước về ruộng đắp bằng đất hoặc nối bằng bương, luồng. Trong nhịp sống mới, vẫn những thửa ruộng ấy, nhưng việc thâm canh trên ruộng bậc thang giờ đỡ vất vả hơn nhiều. Với sự quan tâm của Nhà nước, đầu nguồn đã có bai ngăn nước, hệ thống mương máng được cứng hóa. Đến nay, bình quân 4 hộ có 1 máy cày bừa. Máy tuốt lúa, máy xay xát cũng đã thay thế cách thu hoạch, chế biến thủ công trước đây”. Cầm trên tay những bông lúa trĩu hạt, ảnh Tưởng hồ hởi: "Nhờ đất, nhờ trời, lúa ở đây tuy năng suất chỉ từ 40 - 45 tạ/ha, nhưng chất lượng thì tuyệt vời. Hạt gạo thon dàt, trắng muốt. Ăn bát cơm gạo mới, nhất là giống bao thai, ai nấy đều háo hức với hương thơm dịu nhẹ, độ dẻo vừa phải, mềm cơm và cơm vẫn mềm sau khi để nguội. Vì vậy, ngoài đảm bảo lương thực tại chỗ, gạo ở Miền Đồi được khách hàng gần xa ưa chuộng, giá bán cao nhưng không có nhiều để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Do trình độ thâm canh ngày càng được nâng cao, nên ruộng bậc thang ở Miền Đồi được trồng 2 vụ/năm. Trong đó, vụ chiêm xuân 153 ha, với các giống lúa BC15, BC25; vụ hè  thu 308 ha, được trồng chủ yếu bằng giống lúa bao thai. Vụ chiêm xuân, do nguồn nước hạn hẹp hơn, già nửa diện tích đất còn lại được bà con thay thế bằng các loại cây màu như ngô, khoai lang, rau, đậu, lạc, kiệu, hành dăm… Qua đó, không chỉ tạo sự đa dạng, phong phú về cây trồng, mà còn nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống Nhân dân.

Đưa máy cày, máy bừa xuống ruộng bậc thang để giảm sức kéo cho trâu, bò là bước tiến vượt bậc để tăng năng suất, giảm giờ làm và cũng thể hiện rõ sự mạnh dạn, sáng tạo của người dân Miền Đồi. Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Bùi Văn Nghị chia sẻ: Là ruộng bậc thang nên phải làm thang để đưa máy cày, bừa từ thửa nọ sang thửa kia. Mỗi lần di chuyển máy phải có 5 - 6 người khỏe mạnh mới thực hiện được. Đó cũng là niềm vui, tạo sự đoàn kết, gắn bó tình làng, nghĩa xóm trong lao động sản xuất.

Từ vẻ đẹp huyền ảo của những bậc thang vàng giữa màu xanh núi rừng, vẻ đẹp kỳ vĩ của đồi Lè (xóm Vôi Thượng) ở độ cao hơn 1.000 m so với mực nước biển, nhiều bạn trẻ và cả những "phượt thủ" đã chọn Miền Đồi là điểm đến trải nghiệm, khám phá. Tuy nhiên, hiện nay, những cảnh sắc thiên nhiên đẹp, bản sắc văn hóa từ nếp nhà sàn, ẩm thực dân tộc đậm bản sắc của đồng bào Mường ở Miền Đồi vẫn còn là những tiềm năng về du lịch chưa được khai thác.

Với nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân, đến nay, xã Miền Đồi đạt 11/19 tiêu chí trong chương trình xây dựng NTM. Trục đường chính và các tuyến đường liên xóm hầu hết đã được bê tông hóa; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 100%. Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Bùi Văn Nghị bày tỏ: Về với Miền Đồi là hành trình trên con đường uốn lượn qua dốc, đèo trập trùng, du khách được khám phá những khung cảnh mới mẻ của thiên nhiên, thưởng ngoạn cảnh quan tuyệt đẹp của bạt ngàn những bậc thang lúa chín. Được hòa vào đời sống, sinh hoạt của đồng bào Mường trong cảnh gặt hái với những gương mặt bừng sáng của người nông dân vùng cao về một ngày mùa ấm no, cùng tham gia các hoạt động văn hóa sôi động, đậm đà bản sắc… Chúng tôi mong lắm khi quê hương mình trở thành điểm đến của du khách gần, xa. Chia sẻ của Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã cũng là tiếng lòng của người dân Miền Đồi gửi đến các cấp, ngành, các nhà đầu tư, để tiềm năng lớn về du lịch ở Miền Đồi không chỉ mãi là tiềm năng.


                                                                 Đức Phượng

Các tin khác


Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Lắng đọng, thiêng liêng ở Nghĩa trang Hàng Dương

Nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo trong những ngày Xuân đón du khách ở mọi miền đất nước đến thăm viếng. Từ sáng sớm đến 24h, những nén hương, những bông hoa thơm ngát, tinh khôi được thắp, dâng trang trọng trên những phần mộ đem đến cho ta những cảm xúc trào dâng. Trong khuôn viên rất nhiều loài hoa khoe sắc như muốn chia sẻ, tri ân những người con đã nằm lại nơi đây.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục