(HBĐT) - Sau 2 năm tiến hành khảo sát, tổ chức hội thảo khoa học lịch sử, đầu năm 2019, huyện Kỳ Sơn (nay là TP Hòa Bình) đã tổ chức lễ đón nhận bằng di tích "Khu căn cứ cuộc khởi nghĩa chống Pháp của nghĩa quân Tổng Kiêm - Đốc Bang năm 1909 - 1910” của UBND tỉnh và kỷ niệm 110 năm cuộc khởi nghĩa. Được biết, hiện TP Hòa Bình đã có kế hoạch đầu tư nhằm tôn tạo các điểm nhấn của "khu căn cứ” nói trên như: Khu mộ hai cụ Tổng Kiêm - Đốc Bang, nơi nghĩa quân tế cờ, chỉ dẫn khu căn cứ và chuẩn bị cho hội thảo khoa học lịch sử lần thứ hai, tiến tới đề nghị Nhà nước công nhận khu di tích là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.


Đoàn tiếp nhận danh sách tù nhân, trong đó có cụ Tổng Kiêm.

Cuộc khởi nghĩa diễn ra tuy ngắn ngủi, nhưng có ý nghĩa lịch sử và tiếng vang rất lớn. Tại cuộc hội thảo lần thứ nhất, nhà sử học Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã khẳng định: "Đề nghị công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh trước, sau đó trình công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia, tuy nhiên, hiện tại đã đủ tầm quốc gia rồi”. Hai cụ Tổng Kiêm - Đốc Bang đứng đầu cuộc khởi nghĩa đều bị thực dân Pháp đày biệt sứ. Cụ Tổng Kiêm bị đày 25 năm ở Côn Đảo, cụ Đốc Bang bị đày 10 năm ở Lạng Sơn. Là người khởi sướng và tham gia các bước của quá trình xây dựng hồ sơ trình cấp thẩm quyền công nhận khu căn cứ là di tích lịch sử văn hóa, tôi rất trăn trở về quãng thời gian hai cụ bị cầm tù. Đó là quãng thời gian khá dài so với một đời người, như người xưa nói "một ngày tù bằng  ngàn thu ở ngoài”, nhất là đối với cụ Tổng Kiêm. 

Lần này, cùng với vợ chồng tôi đến Côn Đảo còn có vợ chồng cháu Nguyễn Văn Khiên, là chắt cụ Tổng Kiêm. Đây là lần đầu tiên chúng tôi đến với Côn Đảo - một huyện đảo của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Dẫu với   mục tiêu kép là thăm quan du lịch đảo và tìm kiếm thêm tự liệu về  cụ Tổng Kiêm, song chúng tôi vẫn xác định việc tìm kiếm tư liệu chỉ là chuyện "mò kim đáy bể”!

Năm 1858, Pháp xâm lược nước ta và ngày 28/11/1861, Bonard - thủy sư đô đốc Pháp hạ lệnh cho chiến hạm Nonazagaray xâm chiếm Côn Đảo, chính thức đặt ách thống trị thực dân. Ngày 1/2/1862, Bonard ký quyết định thành lập nhà tù Côn Đảo, biến Côn Lôn núi non hùng vĩ, biển trời trong lành thành địa ngục trần gian.  Từ đó, dưới chế độ thực dân và đế quốc, Côn Đảo liên tục là nơi giam giữ nhiều thế hệ chiến sỹ cách mạng, đã thể hiện ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất, giữ vững khí tiết của người Cộng sản. Ngày 1/5/1975, Côn Đảo được hoàn toàn giải phóng, chấm dứt "địa ngục trần gian” sau 113 năm. Ngày 29/4/1979, Bộ VH-TT (nay là Bộ VH-TT&DL) đã ra quyết định đặc cách công nhận khu di tích nhà tù Côn Đảo, gồm 19 di tích trọng điểm với tổng diện tích 47,74 ha là di tích lịch sử quốc gia. Côn Đảo được xem như "Bàn thờ Tổ quốc”, vùng đất thánh thiêng liêng, là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, trường học giáo dục thế hệ trẻ lòng yêu nước. 

Ở Côn Đảo, bên cạnh di tích lịch sử nhà tù đế quốc, nghĩa trang  Hàng Dương còn có An Sơn Miếu là nơi thờ bà Phi Yến của chúa Nguyễn Phúc Ánh. Tương truyền bà Phi Yến có tên là Lệ Thi Răm. Bà là người khảng khái can ngăn Nguyễn Ánh cầu viện ngoại bang (dùng Hoàng Tử Cải làm con tin cùng với Bá Đa Lộc cần viện Pháp đánh lại nhà Tây Sơn), bị đày đọa trên đảo nhưng vẫn giữ tiết hạnh của người phụ nữ, với câu ca truyền tụng: "Gió đưa cây Cải về trời/Rau Răm ở lại thiệt đời đắng cay”. Hiện, Côn Đảo vẫn sử dụng điện máy nổ nhưng rất ổn định, dự kiến vài năm tới sẽ kéo điện bằng cáp ngầm ra đảo. 

Thăm Côn Đảo lần này, chúng tôi may mắn gặp lại anh Bùi Thanh Cần sau 53 năm, anh là con trưởng ông Bùi Thanh Long, cán bộ miền Nam tập kết, có thời gian khá dài công tác ở nhà máy đường Kỳ Sơn. Anh  Bùi Thanh Cần nguyên là Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Côn Đảo.

Thăm quan hệ thống nhà tù của đế quốc trên đảo, chúng tôi càng khâm phục ý chí cách mạng kiên cường của các chiến sỹ cộng sản, có người sau này trở thành lãnh tụ của Đảng ta như các đồng chí: Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, Lê Hồng Phong… Chúng tôi đã thắp hương mộ các liệt sỹ Võ Thị Sáu,  Lê Hồng Phong… nơi nghĩa trang Hàng Dương dưới bóng chiều  Núi Chúa. Chính những phiến đá xanh trên núi Thánh Giá, núi Chúa được các tù nhân khổ sai làm từ "khu đập đá” năm xưa, nay là mái lợp trên tất cả  các mộ phần trong nghĩa trang                   
Hàng Dương này chăng? Ngày lại ngày, những dòng người từ đất liền nối theo nhau vào viếng nơi này và bia mộ quanh năm vẫn ấm hơi người!

Với sự giúp đỡ của anh Bùi Thanh Cần, chúng tôi được tiếp cận với Bảo tàng Côn Đảo, được ông Nguyễn Quốc Khai, Trưởng phòng Nghiệp vụ (Trung tâm Bảo tồn di tích Côn Đảo) tiếp và cung cấp một tư liệu rất quý ngoài sự mọng đợi. Đó là bản sao danh sách 10 tù nhân (trong số 60) tới đảo vào năm 1911, trong đó có cụ Nguyễn Văn Kiêm. Bản danh sách tù nhân đó của người Pháp và bằng tiếng Pháp. Chúng tôi cũng tặng Bảo tàng Côn Đảo cuốn  kỷ yếu Hội thảo khoa học lịch sử "Cuộc khởi nghĩa chống Pháp của nghĩa quân Tổng Kiêm - Đốc Bang năm 1909 - 1910”. Cầm trên tay danh sách 10 tù nhân, trong đó có tên cụ Tổng Kiêm, chúng tôi rất xúc động, nước mắt cứ muốn trào ra. Ngày cụ đi đày chưa có quốc lộ 6, người Pháp tổ chức thi công đường sắt Bắc Nam chưa xong. Cụ Tổng Kiêm phải đi tàu thủy từ Hòa Bình ra Hải Phòng và vào Côn Đảo, sau 22 năm ra tù (do có thay đổi nơi chính phủ Pháp nên cụ ra tù sớm 3 năm) cũng bằng tàu thủy theo hướng ngược lại. Quãng thời gian cụ Tổng Kiêm bị cầm tù ở Côn Đảo cách nay đã trên 1 thế kỷ, mãi tới những năm cuối ra tù (1933) Đảng ta mới ra đời. Điều chắc chắn khu chuồng cọp do thực dân Pháp xây dựng chính là nơi giam giữ cụ, đây là khu nhà tù xây dựng sớm nhất ở Đông Dương. 

Theo anh Nguyễn Văn Khiên: Trong thời gian bị cầm tù, cụ Tổng Kiêm có làm các công việc chằm áo tơi, nuôi gà nên lúc ra tù còn có ít tiền mang về khoe với vợ con. Sau khi ra tù về quê còn bị quản thúc 10 năm, cụ Tổng Kiêm thường đi chăn trâu, tiếp tục đan đó, đan lờ kiếm cá.

Buổi sáng ngày thứ 3 chúng tôi trở về, trên cánh bạc chúng tôi vẫn nhận ra Côn Đảo với những chấm xanh nửa chìm, nửa nổi, vây quanh là bọt sóng biển trắng như những chiếc khăn váng trên đầu người con gái quê tôi ngày hội. Đất nước mình từ xưa đã là "tam sơn, tứ hải, nhất phần điền”. Trong tương lai Côn Đảo sẽ phát triển giàu đẹp, bền vững hơn giữa biển trời phía Đông Nam Tổ quốc và những di tích lịch sử trên đảo sẽ mãi là điểm đến cho mọi người dân, nhất là thế hệ trẻ, để thêm tự hào với cha ông, từ đó hun đúc thêm tinh thần yêu nước, thương dân, quyết tâm giữ vững biển trời Tổ quốc thân yêu của chúng ta. 

Bút ký của Đinh Đăng Lượng

Các tin khác


Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Lắng đọng, thiêng liêng ở Nghĩa trang Hàng Dương

Nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo trong những ngày Xuân đón du khách ở mọi miền đất nước đến thăm viếng. Từ sáng sớm đến 24h, những nén hương, những bông hoa thơm ngát, tinh khôi được thắp, dâng trang trọng trên những phần mộ đem đến cho ta những cảm xúc trào dâng. Trong khuôn viên rất nhiều loài hoa khoe sắc như muốn chia sẻ, tri ân những người con đã nằm lại nơi đây.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục