(HBĐT) - Tháng 10/1991, tỉnh Hòa Bình được tái lập là sự kiện đặc biệt trong lịch sử phát triển của tỉnh và TP Hòa Bình. Thị xã Hòa Bình chính thức là trung tâm tỉnh lỵ. Nhân dân và cán bộ phấn khởi, vượt qua bao khó khăn, thiếu thốn, ra sức thi đua đạt những thành quả quan trọng, tạo nên những dấu ấn đậm nét với vị thế là "trái tim” của tỉnh.

Bài 1 - Những dấu ấn đậm nét sau tái lập tỉnh



Một góc thành phố Hòa Bình nhìn từ trên cao.


Từ một thị xã nghèo

Phấn khởi trở thành tỉnh lỵ mới sau chia tách tỉnh, thị xã Hòa Bình khẩn trương bắt tay vào hoạt động. Tuy nhiên, bước khởi đầu gặp muôn vàn khó khăn, vì khi đó Hòa Bình là một trong những tỉnh nghèo nhất nước, thị xã cũng chung cảnh nghèo. Cơ sở vật chất thiếu thốn, trụ sở làm việc trên địa bàn thị xã giao lại cho các cơ quan tỉnh. Đội ngũ cán bộ, nhất là lãnh đạo chủ chốt càng khó khăn, xáo trộn do bổ sung, điều chuyển cho các cơ quan tỉnh. Nạn đói vẫn diễn ra trầm trọng; số hộ nghèo đói ở nông thôn chiếm tới 60%. Sản xuất nông nghiệp bấp bênh; vùng hạ lưu thủy điện Hòa Bình thường xuyên ngập lụt trong mùa lũ. Cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) nghèo nàn, lạc hậu. Chưa có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, chưa có doanh nghiệp tư nhân nào hoạt động. Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XVII, vòng 2 (từ ngày 25 - 28/12/1991) đánh giá: Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội (NQĐH) Đảng bộ thị xã lần thứ XVI, lương thực đạt 4.000 tấn; đàn lợn 13.000 con, chưa đạt kế hoạch. TTCN thực hiện 57 triệu đồng; thu ngân sách đề ra 1,9 - 2 tỷ đồng mới cơ bản đạt… Đại hội đã thẳng thắn chỉ ra nhiều mặt chưa làm được: Sản xuất nhìn chung phát triển chậm, nhiều tiềm năng chưa được khai thác, thu chưa đủ chi, kinh tế tập thể giảm sút. Quan hệ sản xuất có những mặt chưa phù hợp, chậm củng cố. Tiền vốn còn nghèo, trình độ KH-CN thấp kém. Cán bộ thiếu kiến thức về quản lý kinh tế hàng hóa nhiều thành phần. Lao động thiếu việc làm ngày càng nhiều, đời sống Nhân dân khó khăn, một bộ phận cư dân nghèo đói... 

Nguyên Chủ tịch UBND xã Thịnh Lang Nguyễn Thị Chúc (nay là phường Thịnh Lang) chia sẻ: Thời kỳ 1986 - 1991 cam go nhất. Kinh tế lúc này sa sút; nhiều chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XV, XVI không đạt. Dân thị xã nhưng nhà nào có cơm độn ngô, sắn là may, có hộ vẫn đứt bữa; quần áo vá chằng vá đụp. Muốn sang sông mà cách trở đò giang, cầu phao bập bềnh như chính cuộc sống… 

Cùng với khó khăn về kinh tế, năm 1991, khi hệ thống XHCN ở Liên Xô, Đông Âu sụp đổ, trong khi thế lực thù địch chĩa mũi nhọn, nguy cơ ảnh hưởng đến tư tưởng của cán bộ, đảng viên, Nhân dân. Song, với tinh thần đoàn kết, ý chí kiên định, truyền thống cách mạng kiên cường và niềm vui trở thành tỉnh lỵ đã giúp cán bộ, đảng viên, Nhân dân vượt qua thử thách, vững tin vào con đường Đảng, Bác Hồ đã chọn, làm việc năng động, hiệu quả hơn để tiến hành công cuộc đổi mới với vị thế mới. Địa phương, người dân thị xã dù nghèo nhưng sẵn sàng hy sinh tài sản, quyền lợi, đóng góp toàn diện phục vụ công trình thế kỷ Thủy điện Hòa Bình hoàn thành. Đó là đóng góp đáng trân trọng, vô giá, góp sức đem lại dòng điện, mở ra "cánh cửa” tương lai tươi sáng và nay là nguồn thu NSNN chính của tỉnh. 

Đến thành phố khang trang bên sông Đà  

Trước tình hình khó khăn sau tái lập tỉnh, Đảng bộ, chính quyền thị xã đã có nhiều quyết sách quan trọng đánh dấu sự đổi mới trong nhận thức, tư duy định hướng phát triển KT-XH. NQĐH Đảng bộ thị xã lần thứ XVII (tháng 12/1991) xác định cơ cấu kinh tế là: Nông - lâm nghiệp, CN-TTCN, thương mại, du lịch. Đại hội cấp cơ sở cũng thể hiện quyết tâm đổi mới. Các tuyến đê quanh thị xã và công trình thủy lợi quan trọng được xây dựng, tôn tạo. Người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất, thay đổi hẳn tập quán canh tác cũ. Từ đó, nông nghiệp có đột phá căn bản. Năm 1993, sản lượng lương thực bình quân tăng lên 362 kg/người, vượt chỉ tiêu đại hội đề ra cho năm 1995 (năm 1991 là 180 kg). Trồng trọt, chăn nuôi bắt đầu phát triển theo định hướng sản xuất hàng hóa.
Từng bước ổn định sản xuất và giải quyết vấn đề lương thực, đến hội nghị giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ lần thứ XVII (tháng 4/1994), thị xã đã điều chỉnh cơ cấu kinh tế sang: CN-TTCN, thương mại, dịch vụ, nông - lâm nghiệp. BTV Tỉnh ủy đã nhấn mạnh "Thị xã Hòa Bình phải là bộ mặt của tỉnh”. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, thị xã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp phát huy tiềm năng, lợi thế, đón bắt thời cơ, mở ra hướng phát triển kinh tế toàn diện. Khuyến khích phát triển CN-TTCN, các cá nhân, tập thể mạnh dạn đầu tư sản xuất sản phẩm mới; giảm hoặc miễn thuế khi sản xuất chưa ổn định; củng cố quan hệ sản xuất. Khắc phục cho được tư tưởng giản đơn trong sản xuất, trông chờ, ỷ lại, ngại tiếp thu cái mới… "Luồng gió mới” từ tư duy đổi mới đã tạo ra những thành quả mới. Hàng loạt chợ như Phương Lâm, Tân Thịnh, Thái Bình được nâng cấp, xây dựng. Số hộ kinh doanh tăng nhanh, đến năm 1995 có 1.789 hộ. Thu NSNN tăng liên tục qua các năm, năm 1992 là 5,72 tỷ đồng, đến năm 1995 đạt 9,125 tỷ đồng... 

Tại các kỳ đại hội Đảng tiếp theo, thị xã đề ra mục tiêu, định hướng, giải pháp phù hợp cho từng giai đoạn và giành nhiều thành quả. Đến năm 2005, không còn hộ đói, hộ nghèo giảm xuống 0,75% (tiêu chuẩn cũ); tỷ lệ thất nghiệp giảm dưới 4%. Hàng loạt công trình, dự án giao thông được triển khai xây dựng, nâng tầm vóc đô thị như đường Trần Hưng Đạo, Trương Hán Siêu... Cầu Hòa Bình nối đôi bờ thị xã hiện thực hóa giấc mơ bao đời của Nhân dân, chấm dứt cảnh bập bềnh qua sông, là một điểm tựa quan trọng cho thị xã cất cánh. Với nỗ lực không ngừng, ngày 27/10/2006, thị xã đã tạo dấu ấn khi chính thức được công nhận là TP Hòa Bình, đô thị loại III trực thuộc tỉnh với 8 phường, 6 xã. Lĩnh vực văn hóa cũng phát triển vượt bậc; nổi bật năm 2011, TP Hòa Bình là đơn vị đầu tiên trên toàn quốc được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi. 

Trên nền tảng đó, thành phố không ngừng tăng tốc. Thành ủy quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác phát triển đô thị. Những công trình làm thay đổi diện mạo đô thị tiếp tục được triển khai như: đại lộ Thịnh Lang, đường Chi Lăng kéo dài, biểu tượng TP Hòa Bình… Quảng trường Hòa Bình tạo điểm nhấn không gian đô thị. Đường Hòa Lạc - TP Hòa Bình "mở cánh cửa” thuận lợi kết nối Thủ đô và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Vỉa hè, đường phố được chỉnh trang; hệ thống điện, cấp nước được cải tạo, sửa chữa đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt. 

Thành phố đã "thay áo mới”. Đến năm 2019, thu NSNN đạt 452 tỷ đồng. Kinh tế tư nhân phát triển trên 700 doanh nghiệp và trên 6.000 hộ kinh doanh; 102 dự án được cấp phép đầu tư. Năm 2018, thành phố tiếp tục tạo dấu ấn, là đơn vị đầu tiên trong tỉnh và vùng Tây Bắc được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trước kế hoạch 2 năm. Đô thị trung tâm tỉnh ngày càng khang trang nhưng vẫn đậm bản sắc; tiếng chiêng Mường vẫn ngân vang giữa ánh điện lung linh. Những chủ nhân của đô thị bên sông Đà tự hào bởi dòng sông vẫn uốn lượn qua thành phố nhưng giờ đây sắc diện đôi bờ đã đổi thay, bừng lên sức sống mới. Thong dong thưởng ngoạn sơn thủy hữu tình trên đê Đà Giang êm thuận, ông Nguyễn Văn Chiến, phường Phương Lâm cảm thán: Thành phố đổi thay như một thước phim! Ba cây cầu sừng sững qua sông. Hạ tầng, nhà cửa, siêu thị, trung tâm thương mại to đẹp, hiện đại. Cảnh nghèo giờ đã thẳm sâu trong miền ký ức. Ngỡ mà như thực như mơ!

(Còn nữa) 

Cẩm Lệ

Các tin khác


Xung quanh việc xây dựng trụ sở và công trình văn hóa tâm linh tại thành phố Hòa Bình: Bài 2 - Công trình không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, vi phạm trật tự xây dựng?

Liên quan đến việc xây dựng chùa Hòa Bình và các công trình phụ trợ, thời gian qua, một số cơ quan thông tin, báo chí đưa tin cho rằng: công trình này không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; vi phạm các quy định của pháp luật về thủ tục đầu tư; còn để xảy ra nhiều sai phạm liên quan đến trật tự xây dựng. Trước những vấn đề được dư luận xã hội và người dân quan tâm, các cơ quan chức năng của tỉnh và UBND thành phố Hòa Bình (TPHB) đã có thông tin phản hồi.

Xung quanh việc xây dựng trụ sở và công trình văn hóa tâm linh tại thành phố Hòa Bình: Bài 1 - Các cơ quan chức năng đề nghị điều chỉnh quy mô xây dựng chùa Hòa Bình

Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh về việc xem xét, kiểm tra, rà soát các nội dung liên quan đến công tác quy hoạch, thu hồi đất để thực hiện xây dựng trụ sở và công trình văn hóa tâm linh chùa Hòa Bình tại đồi Ba Vành, thuộc tổ 8, phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình (TPHB), ngày 19/1/2024, Sở Xây dựng (SXD) đã tổ chức họp với các sở, ngành, UBND TPHB và Ban trị sự Giáo hội Phật giáo (GHPG) tỉnh. Sau cuộc họp, các sở, ngành, UBND TPHB đã đưa ra những kiến nghị với UBND tỉnh về việc điều chỉnh quy mô xây dựng chùa Hòa Bình.

Thiêng liêng ngày hội tòng quân

Không phải tiếng trống giục giã, cũng không phải ngọn đuốc thắp lên bằng ngọn lửa truyền thống, mà chính nhiệt huyết của tuổi trẻ mới là thứ làm bùng lên không khí thiêng liêng trong ngày hội tòng quân năm 2024. Đây chính là ngày hội của tuổi trẻ, của thanh niên ưu tú - những người đã biết đặt Tổ quốc ở trong tim...

Chuyện về nhạc phẩm “Lá thư DK” trên biển

Trong một đêm cuối năm Quý Mão 2023, con tàu Trường Sa 04 bền bỉ đè sóng tiến về phía bãi cạn Cà Mau, nơi có nhà giàn DK1/10… Bỗng trong tiếng sóng biển ầm ào và gió thổi ràn rạt dọc các boong tàu, vẳng tiếng đàn ghi ta và tiếng hát của một vài chiến sĩ hải quân. Tiếng đàn thánh thót và da diết của Trung tá Trịnh Văn Nghị, Chính trị viên phó Tiểu đoàn DK1 hòa vào giọng hát khá tình cảm của nhóm cán bộ, chiến sĩ trên tầng 3 con tàu: "Anh kể lại nơi anh những lúc biển cuồng phong/ Biển giận dữ hung tàn quá đỗi/ Nhà giàn kiên trung giữ vững thềm lục địa/ Như tình anh yêu em, tình yêu bất tận…”. Các anh đang tập bài hát mới "Lá thư DK” của ca sĩ, nhạc sĩ, Phó đoàn Nghệ thuật Bông Sen (TP Hồ Chí Minh), thành viên của đoàn sáng tác trong chuyến hải trình DK1…

Huyện Lạc Thủy: Ước vọng đầu Xuân mới

Mùa Xuân đến mang theo hơi ấm của đất trời, đem đến sức sống mới cho vạn vật. Đó cũng là thời điểm cảm xúc của mỗi người lại trào dâng với niềm tự hào, tin tưởng, đoàn kết một lòng đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn. Xuân mới, niềm tin khát vọng mới, bao dự định được gửi gắm, thôi thúc mỗi chúng ta cố gắng phấn đấu vươn lên, xây dựng quê hương Lạc Thủy giàu đẹp.

Người góp phần nâng tầm sản phẩm mang giá trị văn hoá Hoà Bình

Quá trình công tác nhiều năm trong cơ quan nhà nước của tỉnh, chị Hoàng Việt Hà (TP Hoà Bình) có cơ hội tiếp cận, nghiên cứu về lĩnh vực văn hoá, từ đó nuôi dưỡng tình yêu ngày càng lớn đối với văn hoá bản địa. Đây được xem là cơ duyên để năm 2022, sau dự định ấp ủ, chị đứng ra mở cửa hàng quà tặng với tên gọi Hoa Đất Mường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục