(HBĐT) - Đến Hoà Bình là đến với khám phá văn hoá và ẩm thực, trong đó cá sông Đà, lợn bản địa là món không thể thiếu. Từ một người đang làm doanh nghiệp xây dựng, anh Lường Văn Sương, xã Đồng Chum (Đà Bắc) chuyển sang nuôi bò và lợn bản địa. Anh là người đứng lên gây dựng Hợp tác xã (HTX) đa ngành nghề Đồng Chum với mục tiêu bảo tồn giống lợn bản địa, đưa hương vị lợn bản đến những thị trường lớn.

 


Sau khi "vấp" nhiều nghề, anh Xa Văn Đương, xóm Mới, xã Đồng Chum (Đà Bắc) đầu tư nuôi lợn bản hiệu quả.

Sau một lần "ăn ngon”

Cách đây 2 năm, nhà có việc, anh Sương mua 1 con lợn bản nặng hơn 1 tạ được người dân trong xóm nuôi hơn 3 năm. Trong suy nghĩ của anh và mọi người đây là con lợn già tuổi, thịt dai và mỡ. Nhưng khi mổ ra lợn nạc, mỡ vừa đủ, bì lợn giòn rất ngon. Anh cho hay: Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng cao Đà Bắc nên không lạ gì món lợn bản, cũng chẳng bao giờ nghĩ mình đi nuôi lợn, duy trì giống lợn bản đặc sản của quê hương. Nhưng sau lần đó, tôi luôn có suy nghĩ: Giống lợn ngon, có thương hiệu, nguồn thức ăn dồi dào ở địa phương tại sao không thể nuôi quy mô lớn, xây dựng thương hiệu và tạo việc làm cho bà con vùng cao. Nghĩ là làm, anh đi tham khảo và tìm chọn giống lợn bản để nuôi. Nhiều đời nay, gia đình nào trên vùng cao này cũng nuôi lợn. Tuy nhiên, về giống lợn thì có giống nào nuôi giống đó, giống lợn bản địa chuẩn, khỏe, mắn đẻ, hình dáng lưng thẳng, bụng treo ít mỡ còn rất ít. Để xây dựng được thương hiệu trước hết phải chọn được giống lợn chuẩn. Qua 1 năm tìm kiếm anh mua được 15 con lợn nái. Giống lợn bản địa vốn khoẻ, thích nghi với điều kiện khí hậu của địa phương nên việc chăm sóc cũng đơn giản. Sau thời gian nuôi, đàn lợn của anh hiện có hơn 50 con lợn bản địa thuần chủng.

Đưa chúng tôi thăm khu chuồng trại được xây quy mô với lợn nái, lợn thương phẩm, anh Sương chia sẻ: Ở các xã vùng cao huyện Đà Bắc nói chung, ở Đồng Chum nói riêng rất phù hợp chăn nuôi lợn bản địa. Giống lợn khỏe, chuồng trại đơn giản, chỉ cần mái che mưa, nắng. Bà con có kinh nghiệm nuôi từ nhiều đời nay. Nguồn thức ăn đơn giản và dồi dào. Muốn nuôi được lợn ngon chỉ cần thức ăn sẵn có như cây chuối, rau, cỏ và nhất là sắn. Hiện, diện tích trồng sắn ở huyện lớn, giá rẻ, chỉ 1.000 đồng/kg sắn tươi, do vậy không lo nhiều về thức ăn. Trong những năm gần đây, chăn nuôi lợn lai gặp nhiều rủi ro, giá cả thất thường. Đến thời điểm xuất chuồng giá lợn giảm, giá thức ăn chăn nuôi cao, người nuôi buộc phải bán lỗ. Tuy nhiên, đối với nuôi lợn bản địa không phụ thuộc vào thị trường. Giá luôn ổn định trên dưới 100 nghìn đồng/kg. Nếu giá lợn xuống thấp vẫn tiếp tục nuôi. Lợn càng nuôi lâu càng ngon, khách hàng càng thích.   
    
Giấc mơ gây dựng thương hiệu 

Sau hơn 1 năm nuôi, anh Sương thấy hiệu quả kinh tế cao nên bàn với một số hộ chăn nuôi trong xã thành lập HTX với mục tiêu hỗ trợ kỹ thuật, giống, vốn, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho các hộ. Nhiều người đi làm xa trở về địa phương xây chuồng, mua giống nuôi lợn làm thu nhập chính của gia đình. Anh Sương cho biết: Lợn bản địa vốn chậm lớn, thời gian nuôi dài nhưng lại tận dụng được hết các nguồn phụ phẩm của địa phương như cây chuối, rau, củ, quả, đặc biệt là sắn. Sắn mua tươi về ủ với men dùng làm thức ăn chính cho cả năm. Mỗi con lợn từ khi cai sữa đến lúc xuất chuồng trung bình lớn được 6 - 7 kg/tháng. Sau 1 năm thì bán. Như vậy, trừ chi phí mỗi con lợn cho thu 400 - 500 nghìn đồng/tháng. Mỗi hộ nuôi 30 - 50 con là cũng có thu nhập.

Anh Xa Văn Đương, xóm Mới là thành viên HTX chia sẻ: Trước đây, tôi nuôi lợn lai cho ăn cám công nghiệp nhưng rủi ro quá nhiều. Thứ nhất là dịch bệnh thường xuyên. Có đợt dịch trắng tay vừa khóc vừa mang lợn đi chôn. Thứ hai là giá cả phụ thuộc vào thị trường và nguồn cung cấp cám. Khi giá lợn cao chưa xuất chuồng được. Khi xuất chuồng giá lại rẻ. Để nuôi tiếp thì lợn không lớn nữa, chi phí tăng nên lỗ. Từ ngày thành lập HTX tôi chuyển sang nuôi lợn bản địa. Anh em trong HTX hỗ trợ nhau về giống, vốn, còn tiêu thụ chỉ lo không có nguồn hàng. Hiện, tôi nuôi 16 con lợn nái và gần 70 con lợn thương phẩm. Cách đây vài hôm, khách ở Hà Nội lên đặt Tết này mua 80 con. Tôi nhận bán nhưng số lượng không đủ. 

Đồng chí Lường Văn Thịnh, Chủ tịch UBND xã Đồng Chum cho biết: Kinh tế của xã chủ yếu làm nông nghiệp, trồng lúa, trồng rừng, trồng màu và chăn nuôi gia súc. Nhiều năm nay, việc nuôi trồng nhỏ lẻ nên kinh tế chưa bứt phá được. Giá nông sản thấp, chăn nuôi nhiều rủi ro nên việc trồng cây gì, nuôi con gì là lựa chọn khó cho người nông dân. HTX đa ngành nghề Đồng Chum được thành lập với 15 hộ tham gia nuôi hàng trăm con lợn nái và lợn thương phẩm. Hướng chăn nuôi lợn bản địa không chỉ giải quyết được nông sản địa phương giá rẻ mà còn tạo việc làm, thu nhập cho người dân; cung cấp thực phẩm sạch, an toàn, chất lượng cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Vừa qua, UBND huyện Đà Bắc cũng đã hỗ trợ các mô hình nhằm bảo tồn giống lợn bản. Trong thời gian tới, Đảng uỷ, UBND xã tiếp tục hỗ trợ HTX phát triển, xây dựng thương hiệu, xây dựng quy trình chăn nuôi theo hướng sản xuất an toàn, mở rộng khách hàng tiêu thụ… Đây sẽ là hướng phát triển kinh tế bứt phá của xã trong những năm tới.


Việt Lâm

Các tin khác


Xung quanh việc xây dựng trụ sở và công trình văn hóa tâm linh tại thành phố Hòa Bình: Bài 2 - Công trình không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, vi phạm trật tự xây dựng?

Liên quan đến việc xây dựng chùa Hòa Bình và các công trình phụ trợ, thời gian qua, một số cơ quan thông tin, báo chí đưa tin cho rằng: công trình này không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; vi phạm các quy định của pháp luật về thủ tục đầu tư; còn để xảy ra nhiều sai phạm liên quan đến trật tự xây dựng. Trước những vấn đề được dư luận xã hội và người dân quan tâm, các cơ quan chức năng của tỉnh và UBND thành phố Hòa Bình (TPHB) đã có thông tin phản hồi.

Xung quanh việc xây dựng trụ sở và công trình văn hóa tâm linh tại thành phố Hòa Bình: Bài 1 - Các cơ quan chức năng đề nghị điều chỉnh quy mô xây dựng chùa Hòa Bình

Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh về việc xem xét, kiểm tra, rà soát các nội dung liên quan đến công tác quy hoạch, thu hồi đất để thực hiện xây dựng trụ sở và công trình văn hóa tâm linh chùa Hòa Bình tại đồi Ba Vành, thuộc tổ 8, phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình (TPHB), ngày 19/1/2024, Sở Xây dựng (SXD) đã tổ chức họp với các sở, ngành, UBND TPHB và Ban trị sự Giáo hội Phật giáo (GHPG) tỉnh. Sau cuộc họp, các sở, ngành, UBND TPHB đã đưa ra những kiến nghị với UBND tỉnh về việc điều chỉnh quy mô xây dựng chùa Hòa Bình.

Thiêng liêng ngày hội tòng quân

Không phải tiếng trống giục giã, cũng không phải ngọn đuốc thắp lên bằng ngọn lửa truyền thống, mà chính nhiệt huyết của tuổi trẻ mới là thứ làm bùng lên không khí thiêng liêng trong ngày hội tòng quân năm 2024. Đây chính là ngày hội của tuổi trẻ, của thanh niên ưu tú - những người đã biết đặt Tổ quốc ở trong tim...

Chuyện về nhạc phẩm “Lá thư DK” trên biển

Trong một đêm cuối năm Quý Mão 2023, con tàu Trường Sa 04 bền bỉ đè sóng tiến về phía bãi cạn Cà Mau, nơi có nhà giàn DK1/10… Bỗng trong tiếng sóng biển ầm ào và gió thổi ràn rạt dọc các boong tàu, vẳng tiếng đàn ghi ta và tiếng hát của một vài chiến sĩ hải quân. Tiếng đàn thánh thót và da diết của Trung tá Trịnh Văn Nghị, Chính trị viên phó Tiểu đoàn DK1 hòa vào giọng hát khá tình cảm của nhóm cán bộ, chiến sĩ trên tầng 3 con tàu: "Anh kể lại nơi anh những lúc biển cuồng phong/ Biển giận dữ hung tàn quá đỗi/ Nhà giàn kiên trung giữ vững thềm lục địa/ Như tình anh yêu em, tình yêu bất tận…”. Các anh đang tập bài hát mới "Lá thư DK” của ca sĩ, nhạc sĩ, Phó đoàn Nghệ thuật Bông Sen (TP Hồ Chí Minh), thành viên của đoàn sáng tác trong chuyến hải trình DK1…

Huyện Lạc Thủy: Ước vọng đầu Xuân mới

Mùa Xuân đến mang theo hơi ấm của đất trời, đem đến sức sống mới cho vạn vật. Đó cũng là thời điểm cảm xúc của mỗi người lại trào dâng với niềm tự hào, tin tưởng, đoàn kết một lòng đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn. Xuân mới, niềm tin khát vọng mới, bao dự định được gửi gắm, thôi thúc mỗi chúng ta cố gắng phấn đấu vươn lên, xây dựng quê hương Lạc Thủy giàu đẹp.

Người góp phần nâng tầm sản phẩm mang giá trị văn hoá Hoà Bình

Quá trình công tác nhiều năm trong cơ quan nhà nước của tỉnh, chị Hoàng Việt Hà (TP Hoà Bình) có cơ hội tiếp cận, nghiên cứu về lĩnh vực văn hoá, từ đó nuôi dưỡng tình yêu ngày càng lớn đối với văn hoá bản địa. Đây được xem là cơ duyên để năm 2022, sau dự định ấp ủ, chị đứng ra mở cửa hàng quà tặng với tên gọi Hoa Đất Mường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục