(HBĐT) - Trước tình hình khó khăn chung của nền kinh tế thời gian qua, đặc biệt do ảnh hưởng của thiên tai, dịch Covid-19, ngành nông nghiệp tỉnh vẫn giữ được tăng trưởng dương. Nổi bật là xuất khẩu nông sản tăng trưởng bằng hoặc cao hơn cùng kỳ những năm trước, góp phần tăng giá trị sản xuất toàn ngành; đồng thời đóng góp vào thành quả xuất khẩu nông sản chung của cả nước.



Sản phẩm măng chế biến của Công ty CP Kim Bôi (Lạc Thủy) sản xuất theo quy trình khép kín, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của EU.

Đổi mới tư duy trong lãnh đạo, thực hiện

Với mục tiêu xây dựng sản phẩm chất lượng, có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường, nâng mức thu nhập cho người dân và tạo chuyển biến trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, đề án, kế hoạch, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, trồng trọt để chỉ đạo, triển khai thực hiện, từng bước đưa nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến tích cực trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, cụ thể như: Quyết định số 1604/QĐ-UBND, ngày 31/8/2015 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh đến năm 2020; Quyết định số 33/2015/QĐ-UBND ban hành quy định về cơ chế hỗ trợ tiêu thụ nông sản hàng hóa giai đoạn 2015 - 2020; Quyết định số 23/2017/ QĐ-UBND sửa đổi, bổ sung một số cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa trong lĩnh vực trồng trọt giai đoạn 2015 - 2020; đề án "Phát triển thị trường xuất khẩu nông sản chủ lực của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030”…

Trong đó, ngành nông nghiệp xác định mục tiêu cốt lõi là chuyển đổi tư duy và phương pháp sản xuất của nông dân, từ đó tạo sinh kế, tăng thu nhập. Việc chỉ đạo, định hướng có sự thống nhất từ tỉnh, huyện đến các xã, thị trấn, các nông hộ; công tác kiểm tra, đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm trong thực hiện được chú trọng. Nhờ đó, nông dân ngày càng có tư duy tiến bộ, mạnh dạn ứng dụng thành tựu KHKT vào sản xuất, biết liên kết giữa các hộ, nhóm hộ để tạo ra vùng sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu và phù hợp với thị trường… Các mô hình kinh tế tập thể, nông hộ tích cực khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương; chất lượng sản phẩm dần nâng lên, từng bước gắn sản xuất với bảo quản, chế biến, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm (TTSP).

Cũng trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, nghị quyết của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các địa phương tập trung lồng ghép các nguồn vốn, chương trình phát triển KT-XH gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tăng cường quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm (ATTP); rà soát, điều chỉnh, lập mới 9 quy hoạch vùng sản xuất; xây dựng chuỗi liên kết, cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản… Công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới để TTSP được triển khai đa dạng; các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất đã quan tâm đến việc đăng ký, bảo hộ thương hiệu cho các nông sản của tỉnh. Đến nay, ngành nông nghiệp đã xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam Cao Phong và 22 nhãn hiệu chứng nhận tập thể; cấp được 9 mã số vùng trồng. Chi cục Quản lý chất lượng (QLCL) nông, lâm sản và thủy sản xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc (TXNG) và kết nối cung cầu tại địa chỉ hb.check.net.vn. Đến nay đã có trên 400 sản phẩm của 72 doanh nghiệp, HTX được gắn trên 8 triệu tem TXNG và quảng bá trên hệ thống.

Tạo đột phá trong xuất khẩu nông sản

Lô sản phẩm măng chế biến của Công ty CP Kim Bôi, khu Vai, thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thuỷ) xuất khẩu sang Nhật Bản là chuyến hàng xuất khẩu đầu tiên của công ty cũng như của tỉnh trong năm 2022, Nhật Bản lại là một trong những thị trường khá khó tính nên công tác chuẩn bị, kiểm định chất lượng, vận chuyển sản phẩm được thực hiện cẩn thận, khẩn trương. Đến nay, hầu hết các sản phẩm của công ty đều có mặt tại các siêu thị trên toàn quốc và vươn tới thị trường nước ngoài như: Hà Lan, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Angola… Ông Nguyễn Văn Đề, Phó Tổng Giám đốc công ty cho biết: Công ty hiện có 25 sản phẩm sơ chế và chế biến. Toàn bộ đều được sản xuất theo quy trình khép kín, tiêu chuẩn ISO 22000:2018; đảm bảo tiêu chuẩn ATTP của EU. Năm 2021, dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, công ty vẫn nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, giữ vững các thị trường, tổng doanh thu từ xuất khẩu các mặt hàng đạt 9 tỷ đồng. Hiện, công ty đã đưa vào hoạt động thêm cơ sở sản xuất thứ 2 tại huyện Kim Bôi nhằm đảm bảo sản lượng tiêu thụ tại các thị trường. Để đưa đặc sản măng Hòa Bình vươn xa, từng bước thực hiện mục tiêu vươn lên trở thành 1 trong 3 doanh nghiệp chế biến nông, lâm sản lớn nhất cả nước, trong năm nay, cả 2 cơ sở của công ty nỗ lực phấn đấu đạt tổng giá trị hàng hoá sản xuất khoảng 60 tỷ đồng. 

Năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản cả nước đạt mức cao kỷ lục, hơn 48,6 tỷ USD. Tại tỉnh ta, vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của dịch   Covid-19, xuất khẩu nông sản đạt kết quả tích cực. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của tỉnh ước đạt 20.521 tỷ đồng, tăng 1,9% so với năm trước; giá trị sản xuất toàn ngành đạt 11,97 nghìn tỷ đồng, tăng 5,2%. Đặc biệt, từ việc cấp mã số vùng trồng và sự nỗ lực vượt khó của các cấp, ngành, hoạt động xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực của tỉnh vẫn tăng trưởng khá. Góp phần nâng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh năm 2021 ước đạt 1.218 triệu USD, tăng 18,02% so với năm trước.

Đồng chí Nguyễn Hữu Tài, Chi cục trưởng Chi cục QLCL nông, lâm sản và thủy sản tỉnh cho biết: Những năm gần đây, hoạt động kết nối, tiêu thụ nông sản, đặc biệt là xuất khẩu nông sản đã có nhiều chuyển biến; sản phẩm ngày càng đa dạng, đáp ứng những yêu cầu xuất khẩu khắt khe và được đánh giá cao. Thành quả đó là nhờ sự nỗ lực của các cấp, ngành, sự thay đổi tư duy sản xuất của nông dân, sự tham gia kịp thời của các sàn thương mại điện tử trong việc đào tạo, tập huấn cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tiếp cận công nghệ thông tin; kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số. Hiện, toàn tỉnh đã hình thành trên 100 chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn, tạo liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất và doanh nghiệp để sản xuất hàng hóa gắn với thị trường, góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. 

Năm 2021, tỉnh đã xuất khẩu chính ngạch 1.326 tấn sản phẩm sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản và châu Âu. Trong đó, có thể kể đến Công ty TNHH Pacific xuất khẩu sang Nhật Bản 80 tấn sản phẩm gừng, ớt, rau, củ, quả muối, giá trị 41 tỷ đồng/năm; cháo sen Bát Bảo của Công ty Minh Trung xuất sang thị trường châu Âu 200 tấn, giá trị 100 tỷ đồng; chuối tươi của HTX sản xuất, chế biến nông thủy sản Phú Cường - Sông Đà xuất khẩu sang Trung Quốc; Công ty TNHH hai thành viên Sông Bôi - Thăng Long, Công ty TNHH 2-9, Công ty TNHH giống cây trồng Phương Huyền xuất khẩu chè sang Đài Loan (Trung Quốc); Công ty CP Kim Bôi xuất khẩu măng, miến, phở khô sang 6 thị trường: Anh, Pháp, Hà Lan, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc... Ngoài ra, một số doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ sang thị trường nước ngoài với sản lượng 114.000 m3/năm, giá trị đem lại khoảng 500 tỷ đồng…

Dù đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên trên thực tế, thị phần nông sản xuất khẩu của tỉnh còn ít, giá trị chưa cao; sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường thấp. Vì vậy, cần có sự phối hợp tích cực giữa các ngành giúp doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo ra sản phẩm chất lượng cao đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường thế giới; đổi mới quản trị, cơ cấu lại hoạt động sản xuất, liên kết chuỗi, ổn định nguyên vật liệu đầu vào, ứng dụng KHCN nhằm đáp ứng yêu cầu cao của các thị trường đối tác.

(Còn nữa)

 Thu Hằng

Các tin khác


Xung quanh việc xây dựng trụ sở và công trình văn hóa tâm linh tại thành phố Hòa Bình: Bài 2 - Công trình không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, vi phạm trật tự xây dựng?

Liên quan đến việc xây dựng chùa Hòa Bình và các công trình phụ trợ, thời gian qua, một số cơ quan thông tin, báo chí đưa tin cho rằng: công trình này không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; vi phạm các quy định của pháp luật về thủ tục đầu tư; còn để xảy ra nhiều sai phạm liên quan đến trật tự xây dựng. Trước những vấn đề được dư luận xã hội và người dân quan tâm, các cơ quan chức năng của tỉnh và UBND thành phố Hòa Bình (TPHB) đã có thông tin phản hồi.

Xung quanh việc xây dựng trụ sở và công trình văn hóa tâm linh tại thành phố Hòa Bình: Bài 1 - Các cơ quan chức năng đề nghị điều chỉnh quy mô xây dựng chùa Hòa Bình

Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh về việc xem xét, kiểm tra, rà soát các nội dung liên quan đến công tác quy hoạch, thu hồi đất để thực hiện xây dựng trụ sở và công trình văn hóa tâm linh chùa Hòa Bình tại đồi Ba Vành, thuộc tổ 8, phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình (TPHB), ngày 19/1/2024, Sở Xây dựng (SXD) đã tổ chức họp với các sở, ngành, UBND TPHB và Ban trị sự Giáo hội Phật giáo (GHPG) tỉnh. Sau cuộc họp, các sở, ngành, UBND TPHB đã đưa ra những kiến nghị với UBND tỉnh về việc điều chỉnh quy mô xây dựng chùa Hòa Bình.

Thiêng liêng ngày hội tòng quân

Không phải tiếng trống giục giã, cũng không phải ngọn đuốc thắp lên bằng ngọn lửa truyền thống, mà chính nhiệt huyết của tuổi trẻ mới là thứ làm bùng lên không khí thiêng liêng trong ngày hội tòng quân năm 2024. Đây chính là ngày hội của tuổi trẻ, của thanh niên ưu tú - những người đã biết đặt Tổ quốc ở trong tim...

Chuyện về nhạc phẩm “Lá thư DK” trên biển

Trong một đêm cuối năm Quý Mão 2023, con tàu Trường Sa 04 bền bỉ đè sóng tiến về phía bãi cạn Cà Mau, nơi có nhà giàn DK1/10… Bỗng trong tiếng sóng biển ầm ào và gió thổi ràn rạt dọc các boong tàu, vẳng tiếng đàn ghi ta và tiếng hát của một vài chiến sĩ hải quân. Tiếng đàn thánh thót và da diết của Trung tá Trịnh Văn Nghị, Chính trị viên phó Tiểu đoàn DK1 hòa vào giọng hát khá tình cảm của nhóm cán bộ, chiến sĩ trên tầng 3 con tàu: "Anh kể lại nơi anh những lúc biển cuồng phong/ Biển giận dữ hung tàn quá đỗi/ Nhà giàn kiên trung giữ vững thềm lục địa/ Như tình anh yêu em, tình yêu bất tận…”. Các anh đang tập bài hát mới "Lá thư DK” của ca sĩ, nhạc sĩ, Phó đoàn Nghệ thuật Bông Sen (TP Hồ Chí Minh), thành viên của đoàn sáng tác trong chuyến hải trình DK1…

Huyện Lạc Thủy: Ước vọng đầu Xuân mới

Mùa Xuân đến mang theo hơi ấm của đất trời, đem đến sức sống mới cho vạn vật. Đó cũng là thời điểm cảm xúc của mỗi người lại trào dâng với niềm tự hào, tin tưởng, đoàn kết một lòng đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn. Xuân mới, niềm tin khát vọng mới, bao dự định được gửi gắm, thôi thúc mỗi chúng ta cố gắng phấn đấu vươn lên, xây dựng quê hương Lạc Thủy giàu đẹp.

Người góp phần nâng tầm sản phẩm mang giá trị văn hoá Hoà Bình

Quá trình công tác nhiều năm trong cơ quan nhà nước của tỉnh, chị Hoàng Việt Hà (TP Hoà Bình) có cơ hội tiếp cận, nghiên cứu về lĩnh vực văn hoá, từ đó nuôi dưỡng tình yêu ngày càng lớn đối với văn hoá bản địa. Đây được xem là cơ duyên để năm 2022, sau dự định ấp ủ, chị đứng ra mở cửa hàng quà tặng với tên gọi Hoa Đất Mường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục