(HBĐT) - Chẳng biết đó là may mắn hay là một cơ duyên, khi đến thăm "Bến tàu không số” - Bến K 15 hay còn gọi là Bến Nghiêng dưới chân ngọn đồi Nghinh Phong thuộc phường Vạn Hoa, quận Đồ Sơn (Hải Phòng), chúng tôi đã được gặp, trò chuyện và được nghe những nhân chứng sống kể lại những ký ức hào hùng, câu chuyện huyền thoại về tuyến đường vận tải quân sự có một không hai trong lịch sử chiến tranh thế giới: Đường Hồ Chí Minh trên biển....


Bến K15 - Bến tàu "không số" còn lại như một chứng tích thời kỳ chiến tranh gian khổ, ác liệt.

Khai thông đường Hồ Chí Minh trên biển

"Trong lịch sử chiến tranh thế giới từ cổ chí kim, con đường Hồ Chí Minh trên biển là con đường duy nhất, có một không hai mà chỉ có chỉ đạo chiến tranh ở Việt Nam mới làm được điều đó”, bằng chất giọng sang sảng, chắc nịch của người miền biển, ông Tô Hải Nam, nguyên Đại tá, Tổng Biên tập Báo Hải quân, nguyên chiến sỹ đoàn tàu "không số” đã mở đầu câu chuyện về tuyến đường huyền thoại và những con tàu "không số” mà cách đây gần 40 năm ông và những đồng chí, đồng đội trực tiếp tham gia. Lịch sử của con đường huyền thoại ấy đã trở thành một thiên anh hùng ca bất tử của dân tộc Việt Nam: "Đường Hồ Chí Minh trên biển cùng với những con tàu không số là kỳ tích huyền thoại, thiên anh hùng ca bất hủ, mốc son chói lọi, biểu tượng ngời sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, trí tuệ, sự hy sinh, lòng dũng cảm, ý chí độc lập dân tộc và thống nhất đất nước của toàn thể nhân dân Việt Nam”. (Lời ghi trên Đài tưởng niệm ở Km số 0 bến K15 - tàu "không số”).

Tại km số 0 dưới chân đồi Nghinh Phong - Bến K15 hay người dân vẫn gọi là Bến Nghiêng vào ngày 10/4/1962, chiếc tàu trinh sát đầu tiên rời bến, sau 4 ngày đêm vượt qua muôn vàn sóng gió và khó khăn, đến ngày 14/4/1962, tàu đã tới được Cà Mau. Sau chuyến đi thành công này, tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển đã chính thức được khai thông ngay trước tai mắt của địch. Để đêm ngày 11/10/1962, chiếc tàu vỏ gỗ "không số” đầu tiên chở 30 tấn vũ khí của đồng bào miền Bắc chi viện cho đồng bào miền Nam đánh Mỹ rời cảng. Giữa rừng cây thâm u ngút ngàn, các đồng chí: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng, Trần Văn Trà cùng nhiều đồng chí khác đến tận đây giao nhiệm vụ và tiễn tàu đi làm nhiệm vụ. Sau 6 ngày đêm vượt muôn nghìn sóng gió trùng khơi của biển Đông và sự canh gác của kẻ thù ở biển phía Nam, ngày 16/10/1962, tàu đã cập vào bến Vàm Lũng (Cà Mau) an toàn và 30 tấn vũ khí đầu tiên của đồng bào miền Bắc chi viện cho đồng bào miền Nam đánh Mỹ đã tới được nơi mà con đường bộ chưa tới được. Sau chuyến đi thành công đó, tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển đã chính thức được khai mở nối hai miền Bắc. Ông Nguyễn Bá Cương ở xã Phù Vân, TP Phủ Lý) người mà chúng tôi may mắn được gặp và trò chuyện ngay dưới chân đài tưởng niệm tại Đồ Sơn nguyên là chiến sỹ trên con tàu "không số” có bí số "C121” chia sẻ: Bến K15 tại Đồ Sơn chính là km đầu tiên của tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển và là một trong những đầu mối vận chuyển trên biển mang tính chiến lược. Chính tại nơi này đã có gần 100 chuyến tàu nữa lần lượt rời bến K15 chở người và hàng vạn tấn hàng hóa, đạn dược, vũ khí cho đồng bào miền Nam đánh giặc. Cũng chính tại nơi đây, đúng giờ G ngày 20/9/1970, con tàu không số "C121” của chúng tôi với 7 cán bộ chiến sỹ trong tổ công tác đặc biệt được cải trang là tàu đánh cá nhổ neo xuất phát, vượt trùng khơi ra biển Đông nhằm hướng Nam thẳng tiến. Trên mặt boong tàu phủ kín ngụy trang bằng lưới đánh bắt cá, xung quanh tàu đã áp sẵn súng máy, thuốc nổ, phòng khi bị địch phát hiện, bao vây thì tự kích nổ hủy tàu. Trên hành trình hơn 7 ngày, 7 đêm trên biển, con tàu không số ấy mang trong mình hơn 30 tấn vũ khí, khí tài cập bến Cồn Lợi xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú (Bến Tre) an toàn. Trên suốt hành trình ấy, không ngày nào là không có máy bay địch theo đuổi chụp ảnh, rồi tàu chiến địch bám đuổi theo dõi. Nhưng với quyết tâm bằng mọi giá đem được vũ khí vào chiến trường miền Nam phục vụ cuộc kháng chiến, thủy thủ tàu đã khôn khéo đánh lạc hướng quân địch và chuyến tàu đã cập bến an toàn. Theo thống kê, tính từ khi thành lập Đoàn vận tải biển 759 (tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân) ngày 23/10/1961 cho đến ngày 30/4/1975, khi hoàn thành sứ mệnh lịch sử, đoàn tàu "không số” đã chở được trên 15 vạn tấn vũ khí, hàng vạn tấn hàng hóa, 8 vạn lượt người và rất nhiều vàng bạc, đôla... Các đồng chí Lê Đức Anh, Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, Võ Văn Kiệt đều qua lại từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc trên những chuyến tàu "không số” để chỉ đạo cuộc đấu tranh cách mạng thống nhất nước nhà...

Huyền thoại một con đường

Dấu tích của bến cảng K15 hiện chỉ còn lại những cột bê tông hiên ngang đón gió nơi cửa biển như những nốt nhạc của bài ca chiến thắng. Năm 1972 mới bắt đầu tham gia phục vụ đoàn tàu không số tại bến K15, dù đã 50 năm trôi qua nhưng ký ức về những ngày tháng tham gia phục vụ đoàn tàu "không số”, ký ức về một niềm tin chiến thắng vẫn như vẹn nguyên trong ký ức của những người lính năm xưa. "Trong cuộc đời, chúng tôi có một may mắn là được tham gia phục vụ những con tàu "không số” trên tuyến đường huyền thoại - đường Hồ Chí Minh trên biển” - ông Hoàng Văn Thiềng, nguyên là chiến sỹ đoàn tàu "không số” nhà ở quận Đồ Sơn cởi mở.

Bến cảng K15 là một trong những bến cảng cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng. Do vậy, tại đây, những người lính như ông Tô Hải Nam, Hoàng Văn Thiềng, Nguyễn Bá Cương và hàng nghìn, hàng vạn người lính, đồng đội của họ cũng đã trở thành một phần của lịch sử và cũng chính họ là người làm nên lịch sử, viết nên câu chuyện về một con đường huyền thoại, con đường vận tải biển mà chỉ duy nhất có ở Việt Nam. "Chỉ mất có 6 ngày, hàng chục, hàng trăm tấn vũ khí từ bến K15 đã được đưa đến tay đồng bào, chiến sỹ ở những nơi rừng biếc, đầm lầy, những nơi xa xôi chưa có đường bộ. Thế mới thấy được vai trò và ý nghĩa của con đường vận tải biển” - ông Nguyễn Bá Cương nhấn mạnh. Như để minh chứng rõ hơn, ông Tô Hải Nam so sánh: Bản thân tôi cũng đã từng hành quân bộ ở đường Trường Sơn. Chúng tôi đeo 2 viên đạn B40 vào được đến chiến trường Quảng Trị mất 3 tháng, vào chiến trường Quân khu 5 mất 4 tháng và vào chiến trường Lộc Ninh (Tây Ninh) mất 6 tháng. Nhưng trên con đường đó đã phải ăn mất bao nhiêu balô gạo, bao nhiêu trạm giao liên phục vụ, phải hứng bao nhiêu trận bom đạn của kẻ thù mới mang được 2 viên đạn vào đến chiến trường. Thế nhưng ở đây, trên tuyến đường biển chỉ mất có 6 ngày đêm. Nếu như kẻ thù không phát hiện, 1 chuyến đi trót lọt, một lượng vũ khí rất lớn đã được đưa tới miền Nam. Có thể thấy, uy lực của con đường biển là rất lớn.

Với vai trò, vị trí chiến lược quan trọng trong cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước nhưng tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển luôn vô hình trước sự sục sạo của kẻ thù. Năm 1972, khi giặc Mỹ cho máy bay leo thang ném bom miền Bắc, chúng còn đưa cả máy bay B52 "rải thảm” bom đạn. Trong đó, Hải Phòng là một trong những trọng điểm bắn phá, là "túi bom” của địch. Nhưng từ bến K15, những chuyến tàu không số vẫn lặng lẽ rời bến chở vũ khí vào Nam, con đường vẫn được giữ bí mật, bến cảng K15 cũng được giữ bí mật. Hàng nghìn con người cùng một niềm tin, ý chí giữ bí mật con đường. Kể cả khi đã lên tàu, không ai biết về con đường, nhiệm vụ của mình. "Ngay trên con tàu chỉ có thuyền trưởng và chính trị viên biết nhiệm vụ của tàu còn từ các ngành trưởng và chiến sỹ không một ai biết nhiệm vụ của con tàu đi đâu và làm gì, thậm chí họ cũng không biết hàng hóa trên tàu là gì. Chỉ biết cứ nhấc lên, xếp lên tàu. Xong. Hành trình là đi có thế thôi” - ông Nguyễn Bá Cương chia sẻ. Tranh thủ thời gian giặc Mỹ ngừng đánh phá, những chiến sỹ đoàn tàu "không số” tranh thủ từng giờ, từng phút để bốc, chuyển hàng hóa. Những chuyến tàu cũng liên tục xuất bến chạy đua cùng thời gian, chạy đua với từng trận đánh. Càng sóng to, gió lớn, mưa bão thì ta lại càng đi nhiều. Ngoài sóng gió, những cơn bão biển lúc nào cũng như muốn nuốt chửng những con tàu nhỏ bé, những con tàu "không số” còn luôn phải đối mặt với cả Hạm đội 7 hùng mạnh bậc nhất của địch luôn rình rập ở biển Đông. Nhưng bằng niềm tin chiến thắng, những con tàu "không số” đã luôn hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình.

Cùng với con đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành những huyền thoại trong lịch sử chiến tranh của nhân loại, thể hiện ý chí, khát vọng độc lập, tự do, thống nhất đất nước của dân tộc ta. Đó cũng là con đường của niềm tin chiến thắng. Đó là một ký ức tự hào của những người viết nên câu chuyện huyền thoại về con đường Hồ Chí Minh trên biển năm xưa. Và cả của những người đang từng ngày đến thăm lại bến K15 hôm nay. 


Mạnh Hùng

Các tin khác


Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Lắng đọng, thiêng liêng ở Nghĩa trang Hàng Dương

Nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo trong những ngày Xuân đón du khách ở mọi miền đất nước đến thăm viếng. Từ sáng sớm đến 24h, những nén hương, những bông hoa thơm ngát, tinh khôi được thắp, dâng trang trọng trên những phần mộ đem đến cho ta những cảm xúc trào dâng. Trong khuôn viên rất nhiều loài hoa khoe sắc như muốn chia sẻ, tri ân những người con đã nằm lại nơi đây.

Lừa đảo xuất khẩu lao động - cạm bẫy “việc nhẹ, lương cao”

Lợi dụng việc một bộ phận người dân có nhu cầu tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ), thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện các chiêu lừa XKLĐ khiến không ít người lâm vào cảnh éo le. Thậm chí nhiều trường hợp đứng trước "nanh vuốt” của bọn tội phạm mua bán người...

Sáng mãi màu áo xanh tình nguyện

"Năm 2024, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn thống nhất lựa chọn chủ đề công tác là "Năm Thanh niên tình nguyện”. Đây là năm đánh dấu nhiều sự kiện đặc biệt có ý nghĩa trong phong trào thanh niên tình nguyện, như: kỷ niệm 60 năm phong trào "Ba sẵn sàng”, 10 năm "Năm Thanh niên tình nguyện”, 25 năm Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè. Vì vậy, tổ chức Đoàn các cấp cần phải xem đây là một năm sôi động các hoạt động thanh niên tình nguyện trên toàn quốc với sự tham gia đông đảo của các tầng lớp thanh niên Việt Nam" - đồng chí Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn nhấn mạnh tại hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn lần thứ tư, khoá XII (tháng 1/2024).

Xung quanh việc xây dựng trụ sở và công trình văn hóa tâm linh tại thành phố Hòa Bình: Bài 2 - Công trình không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, vi phạm trật tự xây dựng?

Liên quan đến việc xây dựng chùa Hòa Bình và các công trình phụ trợ, thời gian qua, một số cơ quan thông tin, báo chí đưa tin cho rằng: công trình này không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; vi phạm các quy định của pháp luật về thủ tục đầu tư; còn để xảy ra nhiều sai phạm liên quan đến trật tự xây dựng. Trước những vấn đề được dư luận xã hội và người dân quan tâm, các cơ quan chức năng của tỉnh và UBND thành phố Hòa Bình (TPHB) đã có thông tin phản hồi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục