(HBĐT) - Từng là 1 trong 36 xóm khó khăn nhất tỉnh, trước đây, đời sống của người dân xóm Sổ, xã Trung Thành (Đà Bắc) vô cùng gian khó. Đường sá khó khăn, địa hình cách trở, xóm sống biệt lập giữa núi rừng với con suối Sổ hung dữ vào mùa lũ. Thế nên, cái tên xóm Sổ được nhiều người gọi là xóm "khổ”...


Từ xóm biệt lập, nay xóm Sổ, xã Trung Thành (Đà Bắc) đã có đường ô tô chạy qua, thuận lợi phát triển kinh tế. 

Ngày đầu tiên của tháng 3 tiết trời ấm áp, thuận lợi cho chúng tôi ngược vùng cao về thăm lại xóm Sổ, xã Trung Thành (Đà Bắc). Còn nhớ, lần đầu đến thăm bản của bà con người Tày này đã cách đây gần bảy năm. Ngày đó, phải thức dậy từ 4 giờ vì quãng đường đã xa, lại còn quanh co, trắc trở. Lần này, ngủ no giấc, ăn sáng ấm bụng, chạy xe thong thả về xóm Sổ nhưng chỉ mất hơn một giờ đồng hồ. 
Xóm "khổ” mùa pơ lang khoe sắc

Xóm Sổ vẫn ở đó, với hơn 60 hộ dân người Tày sống bên dòng suối Sổ và được bao bọc bởi núi rừng. Có điều, nếu trước kia chỉ có con đường độc đạo dẫn vào Sổ thì nay, tuyến đường mở từ xã Cao Sơn đi Trung Thành đã được đưa vào sử dụng. Tuyến đường chạy qua xóm Sổ nên những hộ trong xóm ngày nào "giấu” mình ở núi, nay đã sinh sống ở mặt đường. Tuyến đường này đã rút ngắn đường về Sổ theo tuyến cũ hơn 20 cây số. Vì thế mà thời gian đi từ trung tâm huyện Đà Bắc về xóm Sổ rút ngắn đáng kể. 

Đi trên con đường bê tông được mở trên lưng chừng núi, chúng tôi nhớ lại mong ước nhỏ nhoi ngày nào của bà Đinh Thị Lộc (khi đó là Trưởng xóm Sổ). Ngày đó, bà Lộc chỉ ước có con đường bê tông "rộng nửa mét thôi cũng được” thì người dân xóm Sổ đã đỡ khổ đi nhiều rồi. Giờ đây, điều ước đó trở thành hiện thực, vượt ngoài cả sự mong đợi của bà Lộc và bà con xóm Sổ. Hơn nữa, con đường mới mở từ xã Cao Sơn đi qua xóm Sổ trở thành tuyến chính kết nối các xã: Đồng Ruộng, Yên Hòa, Đoàn Kết và Trung Thành với trung tâm huyện Đà Bắc. Vì thế mà lưu lượng phương tiện qua lại trên tuyến đường này khá đông, nhịp sống ở xóm Sổ cũng nhộn nhịp hơn. 

Ngoài con đường mới mở, xóm Sổ của ngày hôm nay có nhiều hình ảnh mới mẻ. Tháng 3, những cây pơ lang (cây gạo) cổ thụ bên bờ suối, trên những cánh rừng trở nên nổi bật với sắc hoa đỏ rực. Con suối Sổ hung dữ trong mùa lũ nay đã được bắc thêm hai chiếc cầu. Đó là chiếc cầu treo được xây dựng 6 năm trước, cạnh đó là một cầu ngầm được xây dựng kiên cố, vững chắc. Điểm trường mầm non ngày nào còn là nhà tranh, vách nứa nay được xây dựng khang trang. Đặc biệt, bên cạnh tuyến đường mới mở, nhiều ngôi nhà xây kiên cố đang mọc lên. Trưởng xóm Sổ Hà Văn Hướng phấn khởi cho biết: Khi tuyến đường được mở, một số hộ dân được đền bù giải phóng mặt bằng nên các hộ đã cất lại nhà mới. Một số hộ ảnh hưởng của thiên tai, được Nhà nước hỗ trợ di dời lên vị trí thuận lợi hơn. Đến nay, xóm Sổ đã cơ bản xóa bỏ được nhà tạm. 

Anh Hướng cũng là người khiến chúng tôi ấn tượng, bởi tuổi đời còn khá trẻ (28 tuổi) nhưng đã được bà con xóm Sổ tín nhiệm, bầu làm trưởng xóm hơn hai năm nay. Trong câu chuyện với anh Hướng, chúng tôi cũng cảm nhận được những nỗ lực trong lao động, sản xuất và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của những người trẻ ở mảnh đất vốn được coi là sơn cùng, thủy tận này. Những gam màu tươi sáng đang được tô điểm thêm cho bức tranh xóm núi khó khăn trong hành trình vượt lên đói, nghèo. 

Xóm núi khoác lên mình tấm áo mới

Ngồi chuyện trò ở nhà trưởng xóm Hà Văn Hướng, chúng tôi được nghe bà con "ôn nghèo, kể khổ” với nhiều câu chuyện bi hài. Bà Sa Thị Chôm (50 tuổi) sinh ra và lớn lên ở xóm Sổ, rồi lấy chồng cũng ở xóm Sổ. Bà Chôm bảo, xưa kia Sổ sống biệt lập nên con gái chỉ lấy chồng ở trong xóm hoặc trong xã. Bà Chôm sinh được 3 người con, trong đó, hai con lớn đã lập gia đình, còn con gái út vừa tốt nghiệp cao đẳng y. "Con gái út học nội trú ở dưới huyện. Trước đây tuyến đường này chưa mở, việc đi lại rất khó khăn. Đoạn đường từ xóm lên đến trung tâm xã vào ngày mưa đã mất cả tiếng đồng hồ, từ trung tâm xã về đến huyện mất khoảng hơn 2 tiếng nữa. Để nuôi các con ăn học, chúng tôi phải cố gắng rất nhiểu”, bà Chôm nhớ lại. 

Quả thực, để nuôi con ăn học trưởng thành là nghị lực rất lớn của bất kỳ hộ dân nào ở xóm Sổ. Những năm trước đây, bắp ngô, củ sắn, con gà, con lợn mà bà con làm ra đều rất khó tiêu thụ. Theo bà Chôm, có những năm ngô để nảy mầm dưới gầm sàn vì không ai vào thu mua được; cây keo muốn bán phải thả trôi theo suối Sổ. Còn từ khi tuyến đường từ trung tâm xã Trung Thành vào Sổ được mở rộng, cứng hóa, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nơi đây đã có nhiều đổi khác. Theo thống kê của Trưởng xóm Hà Văn Hướng, tỷ lệ con em đi học cao đẳng, đại học của xóm chiếm khoảng 10% dân số toàn xóm. Phấn khởi hơn nữa là xóm đã từng có con em đỗ thủ khoa đầu vào đại học. 

Con đường mới mở không chỉ nâng bước con em xóm Sổ đến trường, mà công tác chăm sóc sức khỏe người dân cũng ngày được nâng cao. Bà Đinh Thị Thiên chia sẻ về những vất vả của bà con xóm Sổ mỗi khi bị đau ốm, rằng: Ngày xưa nếu ốm đau, bệnh tật thì chỉ ở nhà uống thuốc từ cây cỏ trong rừng, rồi cúng vái, chứ không đưa đi trạm xá, bệnh viện được. Thế nên, bệnh tình không thuyên giảm, mà còn tốn kém, sa vào mê tín, dị đoan. Còn nay, nhà nào có người ốm đau đều đi trạm xá, ốm nặng thì xuống bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh đều thuận lợi. 

Một điều phấn khởi nữa là việc tiêu thụ nông sản của bà con đã thuận lợi và được giá hơn trước nhiều. Anh Hướng cho biết: Những năm qua, xóm nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, với các dự án hỗ trợ sinh kế như nuôi lợn bản địa sinh sản, nuôi bò lai sind. Hiện, giá lợn bản địa được duy trì ổn định, dao động từ 80 - 120 nghìn đồng/kg (tùy biểu). Người dân xóm Sổ cũng tập trung đẩy mạnh phát triển nghề trồng rừng để nâng cao thu nhập. 

Nhìn những hình ảnh đổi mới của xóm Sổ ngày hôm nay, chúng tôi cảm nhận được một niềm tin mạnh mẽ về sự vươn lên của xóm nghèo này trong tương lai gần. Với đường giao thông thuận lợi, người dân cần cù, chịu khó, sự học được quan tâm và hỗ trợ của các cấp chính quyền. Đó là những điều kiện để xóm Sổ từng bước vươn lên, bỏ lại quá khứ cái tên xóm "khổ” ngày nào...  

Viết Đào

Các tin khác


Huyện Tân Lạc - gian nan hành trình thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân nơi “cổng trời”

(HBĐT) - Chỉ nhác thấy bóng dáng người lạ, một bóng người lao vụt qua cửa, thoáng chốc đã mất dạng phía rừng xa... Nếu không được tận mắt chứng kiến, có lẽ chúng tôi cũng không thể tưởng tượng được những gian nan trên hành trình thu nhận hồ sơ làm căn cước công dân (CCCD) cho những người yếu thế, có bệnh tâm thần của lực lượng Công an ở nơi "cổng trời” của huyện Tân Lạc.

Gỡ nút thắt phát triển hạ tầng công nghiệp: Bài 2 - Nhận diện những nút thắt phát triển hạ tầng công nghiệp

(HBĐT) - Định hướng quy hoạch, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp là đúng đắn. Tuy nhiên, quá trình triển khai phát triển hạ tầng công nghiệp còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Thực tế các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) được quy hoạch trên địa bàn tỉnh có những khó khăn đặc thù.  Cả tỉnh có 8 KCN được quy hoạch, trong quá trình triển khai đều gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng (GPMB), các thủ tục theo quy định. 

Gỡ nút thắt phát triển hạ tầng công nghiệp: Bài 1 - Hiệu quả thu hút đầu tư phát triển công nghiệp

(HBĐT) - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu đến năm 2025, diện tích đất các khu, cụm công nghiệp (CCN) chiếm 1% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh, tương đương với 4.600 ha. Để thực hiện mục tiêu này, Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 07-ĐA/TU, ngày 1/11/2021 về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025, cùng với Đề án số 02 về phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại gắn với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững. Theo đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng công nghiệp, thu hút đầu tư, tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế bền vững.

Thành phố Hòa Bình vươn tầm đô thị loại II: Bài 1- Diện mạo mới đô thị trung tâm tỉnh

(HBĐT) - Đại hội Đảng bộ thành phố Hòa Bình (TPHB) lần thứ II, nhiệm kỳ 2020 - 2025 thống nhất mục tiêu phấn đấu hoàn thành các tiêu chí xây dựng thành phố trở thành đô thị loại II trước năm 2025. Sau nửa nhiệm kỳ, diện mạo đô thị trung tâm tỉnh đã có những nét mới, khang trang, sáng đẹp, văn minh hơn.

Nâng cao chỉ số cải cách hành chính - hướng tới sự hài lòng của người dân và tổ chức: Bài 2- Tập trung giải pháp tiếp tục cải thiện chỉ số cải cách hành chính

(HBĐT) - Năm 2022, chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh tuy tăng 2 bậc so với năm 2021, tăng 30 bậc so với năm 2020, nhưng điểm số lại giảm do việc điều chỉnh các nội dung và thang điểm đánh giá của một số tiêu chí, tiêu chí thành phần. Với tinh thần thẳng thắn nhìn vào những tồn tại, hạn chế, Ban chỉ đạo (BCĐ) CCHC tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để duy trì và cải thiện chỉ số CCHC năm 2023 cũng như các năm tiếp theo. 

Nâng cao chỉ số cải cách hành chính - hướng tới sự hài lòng của người dân và tổ chức: Bài 1 - Chỉ số cải cách hành chính xếp ở vị trí cao nhất từ trước đến nay

(HBĐT) - Năm 2022, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC). Với sự quyết tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác này đã có chuyển biến tích cực. Chỉ số CCHC (Par Index) của tỉnh tăng 2 bậc so với năm 2021. Với tinh thần đánh giá đúng kết quả đạt được, đi sâu những tồn tại, hạn chế, tỉnh đang tập trung các giải pháp duy trì, nâng cao chỉ số CCHC năm 2023 và các năm tiếp theo.  Đó là đánh giá của Ban chỉ đạo (BCĐ) CCHC tỉnh về kết quả chỉ số CCHC năm 2022. Nhìn tổng thể, từ năm 2016 - 2022, chỉ số CCHC của tỉnh luôn tăng về điểm số, trong 7 năm đã tăng 14,18%. Năm qua, tỉnh Hòa Bình được xếp ở vị trí cao nhất từ trước đến nay, đạt 86,30%, tăng 2 bậc so với năm 2021, tăng 30 bậc so với năm 2020.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục