(HBĐT) - Năm 2022, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC). Với sự quyết tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác này đã có chuyển biến tích cực. Chỉ số CCHC (Par Index) của tỉnh tăng 2 bậc so với năm 2021. Với tinh thần đánh giá đúng kết quả đạt được, đi sâu những tồn tại, hạn chế, tỉnh đang tập trung các giải pháp duy trì, nâng cao chỉ số CCHC năm 2023 và các năm tiếp theo.  Đó là đánh giá của Ban chỉ đạo (BCĐ) CCHC tỉnh về kết quả chỉ số CCHC năm 2022. Nhìn tổng thể, từ năm 2016 - 2022, chỉ số CCHC của tỉnh luôn tăng về điểm số, trong 7 năm đã tăng 14,18%. Năm qua, tỉnh Hòa Bình được xếp ở vị trí cao nhất từ trước đến nay, đạt 86,30%, tăng 2 bậc so với năm 2021, tăng 30 bậc so với năm 2020.


>>  Bài 2- Tập trung giải pháp tiếp tục cải thiện chỉ số cải cách hành chính

 


Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả xã Phú Cường (Tân Lạc) hướng dẫn người dân giải quyết thủ tục hành chính.

Đột phá trong chỉ đạo, điều hành

Điểm chỉ số Par Index được xác định bởi hai nhóm gồm: Điểm đánh giá của Bộ Nội vụ về kết quả thực hiện CCHC và điểm điều tra xã hội học. Năm qua, các tiêu chí tăng điểm của tỉnh gồm: Công tác chỉ đạo, điều hành về CCHC, cải cách tổ chức bộ máy; đánh giá một số tiêu chí về phát triển KT-XH; khảo sát lãnh đạo, quản lý đối với các lĩnh vực CCHC (đối tượng khảo sát đại biểu HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành; lãnh đạo cấp huyện; lãnh đạo các phòng, đơn vị thuộc sở).

Là đơn vị dẫn đầu chỉ số CCHC và chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố năm 2022, TP Hòa Bình có nhiều giải pháp thực hiện CCHC. Đồng chí Bùi Quang Điệp, Chủ tịch UBND TP Hòa Bình cho biết: Xác định công tác CCHC là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, then chốt trong đẩy mạnh phát triển KT-XH, ngay từ đầu năm, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch CCHC năm 2022. Kế hoạch gồm 46 nhiệm vụ chính trên tất cả các lĩnh vực CCHC, được giao cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai, thực hiện. Thành phố đã hoàn thành 46/46 nhiệm vụ trong kế hoạch; không có nhiệm vụ nào hoàn thành quá hạn. UBND thành phố đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ công tác CCHC trên 6 lĩnh vực, trọng tâm là: Kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, giảm số lượng cấp phó các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp; bố trí, sắp xếp số lượng cán bộ, công chức cấp xã đảm bảo theo quy định; đẩy mạnh cải cách TTHC phục vụ người dân, tổ chức; xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số hướng tới xây dựng thành phố thông minh, hiện đại...

Năm 2022, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và BCĐ CCHC đã chỉ đạo quyết liệt về công tác CCHC. BCĐ CCHC tỉnh tăng cường công tác kiểm tra và yêu cầu các ngành, địa phương kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ CCHC được chỉ ra qua kiểm tra; kịp thời khắc phục những chỉ số chưa đạt trong năm trước. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, truyền thông về được thực hiện dưới hình thức đa dạng, phong phú, thiết thực, lan tỏa kịp thời, nhanh chóng những kết quả, chính sách mới về CCHC đến người dân và tổ chức. Một số ngành, địa phương đã nỗ lực vào cuộc thực hiện nhiệm vụ theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Một số đơn vị tích cực nghiên cứu các giải pháp mới, thay đổi phương thức làm việc, tăng cường ứng dụng CNTT để nâng cao hoạt động của cơ quan nhà nước và nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ người dân, tổ chức.

Kết quả cụ thể, công tác chỉ đạo, điều hành năm 2022 của tỉnh đạt 89,23%, tăng 1,33% so với năm 2021. Lý giải thêm về kết quả này, đồng chí Phạm Thị Tuyết, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho rằng: Do năm 2022, BCĐ CCHC của tỉnh đã chỉ rõ những hạn chế, yếu kém trong chỉ số CCHC năm 2021. Đồng thời thực hiện tốt công tác kiểm tra CCHC. Qua đó, kịp thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, yếu kém... Tuy nhiên, số điểm còn lại chưa đạt là do nhiệm vụ công khai cập nhật TTHC chưa đạt yêu cầu, không công khai, cập nhật đầy đủ TTHC trên Cổng dịch vụ công của tỉnh. Năm 2022, chỉ có 1 sáng kiến mới trong CCHC được Hội đồng thẩm định chấp thuận, các sáng kiến còn lại chưa thể hiện sự đột phá khi triển khai. Đối với tiêu chí thành phần "Đối thoại của lãnh đạo tỉnh với người dân, doanh nghiệp”, tỉnh đã tổ chức được nhiều cuộc đối thoại, nhưng không cung cấp được tài liệu kiểm chứng. Sở Nội vụ đã phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh tổng hợp cuộc đối thoại năm 2022 của lãnh đạo tỉnh với người dân huyện Lương Sơn, TP Hòa Bình, thanh niên tỉnh và được Hội đồng thẩm định chấp nhận tính 1 điểm cho tiêu chí này...

Các tiêu chí phát triển KT-XH góp phần tăng điểm

Đánh giá một số tiêu chí về phát triển của tỉnh năm 2022, đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng BCĐ CCHC tỉnh khẳng định: Các tiêu chí, lĩnh vực chưa đạt được hoặc đạt được ở mức thấp trong CCHC năm 2021 tiếp tục được cải thiện trong năm 2022. Nhiều lĩnh vực có sự cải thiện đáng kể như công tác chỉ đạo, điều hành CCHC; cải cách tổ chức bộ máy và các tiêu chí về phát triển KT-XH. Chỉ số này đạt 82,46%, tăng 15,86% so với năm 2021. Để đạt được kết quả này là do mức độ thu hút đầu tư của tỉnh trong năm 2022 tăng so với năm trước. Số lượng doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường tăng. Tỷ lệ đóng góp vào thu ngân sách tỉnh của khu vực doanh nghiệp tăng so với năm 2021. Tỉnh đã đạt và vượt 18/19 chỉ tiêu KT-XH. Trong đó, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt 9,03%. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản theo giá so sánh ước đạt 12.483 tỷ đồng, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 16% so với cùng kỳ năm trước; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 42.036 tỷ đồng, tăng 15,04% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 53.485 tỷ đồng, tăng 20,27% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu đạt 1.437,2 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Có 75 dự án đầu tư trong nước được chấp thuận chủ trương đầu tư; cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng số vốn đăng ký khoảng 35.000 tỷ đồng... Lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm chăm lo; QP-AN, trật tự an toàn xã hội được giữ vững...

Chỉ số CCHC năm 2022 của tỉnh tăng về thứ bậc, nhưng điểm số giảm do việc điều chỉnh các nội dung thang điểm đánh giá của một số tiêu chí, tiêu chí thành phần (đạt 86,30%), xếp thứ 23/63 tỉnh, thành phố, tăng 2 bậc so với năm 2021. Chỉ số trung bình của cả nước đạt 84,79%, toàn quốc đạt 90,10%, thì chỉ số của tỉnh thấp hơn 3,80%. So với tỉnh Bắc Giang là tỉnh đứng đầu các địa phương thuộc khu vực Trung du - miền núi phía Bắc, chỉ số của tỉnh thấp hơn 2,24%; so với tỉnh Sơn La đứng thứ 13/63 tỉnh, thành phố thì chỉ số của tỉnh thấp hơn 0,48%. Việc đánh giá đúng những mặt còn hạn chế ảnh hưởng đến kết quả chỉ số CCHC tỉnh năm 2022 là cần thiết để tỉnh triển khai các giải pháp duy trì thứ hạng, cải thiện chỉ số CCHC năm 2023 và các năm tiếp theo.

(Còn nữa)

 Hương Lan


Các tin khác


Muôn hình vạn trạng thủ đoạn buôn ma túy

(HBĐT) - Mua bán, vận chuyển ma túy trái phép được thực hiện với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt nhằm che đậy hành vi phạm tội. Tuy nhiên, thủ đoạn vận chuyển ma túy trên các phương tiện công cộng, do chính lái xe thực hiện là hành vi ngụy trang đặc biệt nguy hiểm, khó phát hiện, đấu tranh. Nguy hiểm hơn, lái xe là đối tượng nghiện lâu năm, phương thức vận chuyển này đặt tính mạng của hành khách trong thế "ngàn cân treo sợi tóc”.

Hân hoan chào đón năm học mới

(HBĐT) - Sáng 5/9, trên khắp các nẻo đường từ TP Hoà Bình đến trung tâm các huyện cũng như các xã, phường, thị trấn, học sinh các cấp học hân hoan đến trường trong những bộ đồng phục mới cùng cờ, hoa rực rỡ chào đón năm học 2023-2024 và Ngày hội toàn dân đưa trẻ em đến trường.

Thắm đượm tình quân dân

(HBĐT) - Đón chúng tôi trong "ngôi nhà bộ đội”, chị Bùi Thị Huyền, xóm Đôm Thượng, xã Định Cư (Lạc Sơn) phấn khởi chia sẻ: Gia đình tôi thuộc diện khó khăn của xóm. Em trai là liệt sỹ, tôi là người trực tiếp thờ cúng. Tuy nhiên, do kinh tế khó khăn nên lâu nay gia đình sống và thờ cúng em trai trong ngôi nhà xuống cấp. Vậy nên khi được các chú bộ đội hỗ trợ, xây tặng ngôi nhà mới tôi rất hạnh phúc và biết ơn. Chỉ sau hơn 3 tháng xây dựng, ngôi nhà đã hoàn thành. Cuộc sống gia đình tôi như bước sang một trang mới.

Chuyển động Mường Bi: Bài 2 - Đổi mới trong chỉ đạo, điều hành

(HBĐT) - Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội (NQĐH) Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, nhận thức, tư duy, cách làm và diện mạo Mường Bi thay đổi đáng ghi nhận. Các lĩnh vực xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, phát triển KT-XH có những chuyển động tích cực. Có thể thấy được sự chuyển mình rõ nét trên hầu hết các lĩnh vực KT-XH, từ vùng thuận lợi đến vùng cao, vùng sâu, xa của huyện Tân Lạc.

Chuyển động Mường Bi: Bài 1 - Điểm sáng nửa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết đại hội

(HBĐT) - Đảng bộ huyện Tân Lạc đã và đang đổi mới tư duy, cách làm, triển khai toàn diện công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo. Đảng bộ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, các nhiệm vụ chính trị và có những sản phẩm cụ thể, mở ra cơ hội phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra. Xây dựng Tân Lạc trở thành huyện phát triển trung bình của tỉnh, đầu tư kết cấu hạ tầng KT-XH, phát triển nông nghiệp gắn với phát triển du lịch, nâng cao chất lượng sống của người dân.

Về làng Sen, nhớ Bác...

(HBĐT) - "Vô xứ Nghệ, thăm làng Sen quê Bác nhé!” - Theo lời hẹn của cô bạn đồng nghiệp, tôi tìm về xứ Nghệ để thăm làng Sen quê Bác. Nơi đây có lũy tre xanh rì rào, có mái nhà tranh lá mía đơn sơ, hàng râm bụt mơn mởn dẫn lối và hương hoa sen tỏa thơm ngát, hòa quyện trong nắng gió miền Trung. Nơi đây thấm đượm những câu chuyện về Bác nên ai cũng thấy bồi hồi…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục