Cả khu “thánh địa” Mường Thàng, chỉ còn duy nhất ngôi mộ đá trên đồi cao còn nguyên vẹn, chưa có dấu hiệu của sự xâm hại. Ảnh: P.V

Cả khu “thánh địa” Mường Thàng, chỉ còn duy nhất ngôi mộ đá trên đồi cao còn nguyên vẹn, chưa có dấu hiệu của sự xâm hại. Ảnh: P.V

(HBĐT) - Cũng giống như khu mộ cổ Đống Thếch, xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi), khu mộ cổ Đống Cúi, xã Dũng Phong (Cao Phong) cũng đã từng là khu mộ đá thâm u, kỳ bí tồn tại qua hàng trăm năm. Nhưng rồi cả khu mộ đá rộng hàng chục ha cũng biến mất sau những cuộc đào bới, săn tìm cổ vật. Dấu tích còn lại của khu rừng mộ khi xưa, giờ chỉ còn trong hoài niệm và những hòn mộ đá vương vãi lẫn trong những vườn mía bạt ngàn đầy tiếc nuối...

 

Bí ẩn ngôi mộ đá khu “thánh địa” Mường Thàng

 

Cơn mưa rào bất chợt làm cho chuyến đi về xã Dũng Phong của chúng tôi chậm lại đôi chút. Khi đến được UBND xã Dũng Phong cũng đã quá trưa. May mắn, lúc Phó Trưởng Công an xã Dũng Phong Bùi Văn Trường vẫn còn trực. Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về khu mộ cổ Đống Cúi, anh Trường cho biết: Cả khu rừng mộ rộng hàng chục ha ngày xưa, bây giờ chẳng còn gì. Người dân đã san phẳng  để trồng cam, mía cả rồi. Trầm ngâm một lát, như sực nhớ ra điều gì đó, anh nói: Hình như vẫn còn một ngôi mộ nguyên vẹn. Nhưng lại nằm ở mãi trên đồi cao, không thuộc khu Đống Cúi nhưng giống với những ngôi mộ đá ở đó.

 

Để tới được ngôi mộ còn lại trên đồi cao, cần có người dẫn đường. Lúc này ngoài anh Phó Trưởng Công an xã, chúng tôi cũng chẳng còn biết nhờ ai. Thế nhưng khi đề cập đến việc nhờ giúp đỡ, chúng tôi lại nhận được những cái lắc đầu lảng tránh. Không thông thổ, thuộc đường, cứ tự mình đi, có lẽ chắc đến tối cũng chưa đến được nơi. Dẫu theo sự chỉ dẫn, ngôi mộ đá chỉ nằm cách trụ sở UBND xã Dũng Phong khoảng 2 km theo đường chim bay. Thuyết phục mãi, cuối cùng chúng tôi cũng nhận được cái gật đầu với điều kiện: khi đến nơi có ngôi mộ đá không được hỏi han bất kỳ điều gì bởi theo truyền thuyết của người dân trong vùng kể lại, người nào cả gan xâm phạm đến sự yên tĩnh, tôn nghiêm của khu thánh địa sẽ bị báo ứng. Có lẽ, chính vì nỗi khiếp sợ lời nguyền báo ứng đó mà trải qua hàng trăm năm khu thánh địa Mường Thàng luôn giữ được sự thâm u, kỳ bí và sự tôn kính tuyệt đối của người dân, không ai dám xâm phạm đến những ngôi mộ đá.

 

Chúng tôi càng nóng lòng muốn đi tìm ngôi mộ đá còn sót lại khi đám mây đen đang kéo đến đầy âm u và ngột ngạt, người dẫn đường lại càng dềnh dang như mong chờ một điều gì đó sớm qua đi. Đến khi bị giục quá mới miễn cưỡng rời bàn nước nhưng rồi cũng lại vòng vo qua làng, qua xóm. Cho đến khi trời dần ngả chiều chúng tôi mới tới chân ngọn đồi có mộ đá. Tới đây, anh Trường mới lý giải cho sự dềnh dàng là do người Mường thường kiêng kỵ, không xâm phạm vào vùng đất Mường ma lúc giữa trưa như thế sẽ gặp những điều không hay. Đứng từ chân đồi, theo hướng chỉ tay của anh Phó Trưởng Công an xã là con đường mòn độc đạo lẫn dưới tán cây cỏ. Thú thực, tôi cũng chỉ nghe kể về ngôi mộ đá chứ chưa lên tận nơi bao giờ. Chẳng biết đó là ngôi mộ của ai nhưng nghe người dân kể lại đó là một ngôi mộ với cột đá to và cao đến 2 - 3 m. Với mộ đá cao, to như vậy, có lẽ đó là phần mộ của một người có vị trí cao trong dòng họ nhà lang ở đất Mường Thàng xưa kia. Cho đến giờ, đó vẫn còn là một bí ẩn chưa có lời giải đáp - anh Trường cho biết.

 

Bắt đầu cuộc hành trình, theo dấu hiệu của anh Công an xã, chúng tôi lầm lũi đi ngược con đường mòn trong sự im lặng. Lọt thỏm trong không gian núi rừng thâm u chỉ còn lại tiếng bước chân nặng nhọc sột soạt len qua kẽ lá cùng hơi thở dồn dập, gấp gáp của những người ít phải vận động mạnh. Để đến được ngôi mộ, ngoài phải vượt qua con đường mòn dốc và trơn còn phải băng qua một vườn mía rộng cao ngập lút đầu người không dễ xác định được phương hướng. Mất cả tiếng đồng hồ len lỏi sâu vào vườn mía, sục tìm hết bên trái rồi lại phải, hết lên trên rồi lại xuống dưới. Cuối cùng, chúng tôi cũng tìm ra ngôi mộ đá nằm ở trung tâm vườn mía. Ngôi mộ độc nhất được đặt theo hướng đầu gối sơn, chân đạp thủy. Ngôi mộ là một mô đất thấp với diện tích rộng khoảng 4 - 5m2. ở đó vẫn còn cột đá xanh nguyên khối cao khoảng 2,5 m. Trên bia đá khắc nhiều ký tự. Tuy nhiên, trải qua hàng trăm năm mưa gió bào mòn, những nét chữ đã bị mờ phai. Sự khác biệt dễ nhận thấy nhất đó là ngôi mộ đá hầu như không có sự xâm hại của con người.

 

Nơi an táng vị công chúa được gả về làm dâu đất Mường Thàng (!?)

 

Trở lại với khu trung tâm thánh địa Mường Thàng nay là xóm Đồng Mới, xã Dũng Phong, chúng tôi không thể tin vào mắt mình khi cả rừng mộ đá rộng hàng chục ha khi xưa đã biến mất. Thay vào đó là những vườn mía, ngô xanh mởn. Theo anh Bùi Văn Phương, một người dân ở xóm Đồng Mới thì: toàn bộ diện tích xóm Đồng Mới trước đây chính là khu mộ cổ Đống Cúi. Sau do bị đào bới săn tìm cổ vật, khu mộ đá đã bị lật tung và dần biến mất. Những dấu tích còn lại, hiện giờ là số cổ vật còn lưu lại trong nhà dân và hàng nghìn trụ đá vốn là bia mộ được xếp làm hàng rào ngay sát những con đường.

 

Theo anh Bùi Văn Trường, Phó Trưởng Công an xã Dũng Phong thì: nạn đào trộm mộ tìm kiếm cổ vật ở khu mộ cổ Đống Cúi diễn ra mạnh vào thời điểm những năm 1979 - 1980. Khi đó, hàng trăm người dân ngày đêm đào bới bất chấp sự cấm cản của chính quyền địa phương. Hàng nghìn ngôi mộ bị lật tung với một lượng lớn cổ vật gồm có đồ đồng, gốm sứ bị mang bán. Thời điểm đó, không chỉ riêng người ở Dũng Phong, nhiều người ở nơi khác cũng đổ về đây để săn lùng cổ vật. Theo anh Bùi Văn Phương, hiện giờ, trong xóm vẫn còn nhiều nhà còn lưu giữ cổ vật đào được dưới các ngôi mộ. Đây là những cổ vật mà không bán khi chưa được giá hoặc những cổ vật bị vỡ mẻ hoặc méo mó, không còn nguyên vẹn trong quá trình đào bới. Nhưng đáng tiếc nhất có lẽ là những chiếc trống đồng to bằng cái thùng phi đựng nước khi đào lên, người ta sợ bị bắt nên đã đập vỡ làm nhiều mảnh để bán... đồng nát. Còn có người không dám mang về mà lại chôn giấu đi. Nhưng trước khi mang đi chôn giấu người ta đập và lấy hết mấy con cóc trên mặt trống vì họ nghĩ đó chính là vàng hoặc đồng đen.

 

Khi tìm hiểu về khu mộ cổ Đống Cúi, chúng tôi được chị Nguyễn Thị Thi, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Trước đây, khi về điều tra lễ hội cổ truyền ở  Dũng Phong và Tân Phong, chúng tôi được nghe người dân kể lại khu mộ cổ Đống Cúi được là thánh địa, khu vực cấm. Khu mộ có diện tích rộng hàng chục ha, có nhiều cây cổ thụ xen lẫn lau lách um tùm với hàng nghìn cột đá cao thấp khác nhau, trong đó có cột cao tới 3m. Theo lời kể của người dân địa phương, đây chính là nơi an táng vị công chúa nhà Lê được gả về làm dâu ở vùng đất Mường Thàng từ hàng trăm năm trước. Đây cũng là nơi an nghỉ của nhiều người thuộc dòng dõi nhà lang.

 

Chẳng biết đó là thực hay hư nhưng điều đó phần nào được minh chứng bằng kết quả khai quật cơ quan chức năng từ năm 1980. Theo đó, trong 2 đợt khai quật liên tiếp vào tháng 1 và tháng 3/1980, Bảo tàng tỉnh đã phối hợp với Bảo tàng lịch sử quốc gia tổ chức khai quật 6 ngôi mộ. Kết quả đã tìm được nhiều hiện vật quý thể hiện người được chôn cất có vị trí xã hội cao. Qua khai quật, các nhà khảo cổ đã xác định khu mộ cổ Đống Cúi có niên đại từ thế kỷ XV - XVI. Ngoài hiện vật tìm thấy là các loại ngói bò, ngói mũi, ngói riềm mái là những phế tích của nhà mồ được được làm một cách công phu và tốn kém dành cho người có địa vị cao trong xã hội, các nhà khảo cổ còn tìm được nhiều hiện vật quý như trống đồng, chảo, ấm đồng; hiện vật gốm sứ men trắng vẽ lam như âu, ấm, bát, đĩa, chén, chậu, bình thố, lọ tỳ bà... được trang trí những họa tiết, hoa văn vô cùng sống động. Đặc biệt nhất là các nhà khảo cổ còn tìm thấy 12 bông hoa bằng vàng dát mỏng và các thanh kim loại. Liền với đó là các tấm vải đã mủn nát, 136 tiêu bản tiền đồng của nhiều triều đại, muộn nhất là đồng tiền An Pháp nguyên bảo. Dù không thể khẳng định được chủ nhân của ngôi mộ là ai nhưng những hiện vật được tìm thấy chính là minh chứng rõ nét nhất về vị trí xã hội cũng như thân thế của chủ nhân những ngôi mộ cũng như giá trị nghiên cứu khoa học của khu mộ cổ, chị Thi cho biết.

 

Tuy vậy, khu cấm địa đã bị xâm phạm. Một xóm mới đã hình thành ngay trên khu mộ địa. Khu mộ cổ Mường Thàng đã biến mất hoàn toàn. Dấu tích còn lại chỉ là những hàng rào ken trụ đá quanh khu vườn của người dân. Để mất đi khu mộ cổ hàng trăm năm tuổi, đó là một điều đáng tiếc..., chị Nguyễn Thị Thi, Giám đốc Bảo tàng tỉnh chia sẻ.

 

 

                                                                       Mạnh Hùng

 

 

Các tin khác


Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Lắng đọng, thiêng liêng ở Nghĩa trang Hàng Dương

Nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo trong những ngày Xuân đón du khách ở mọi miền đất nước đến thăm viếng. Từ sáng sớm đến 24h, những nén hương, những bông hoa thơm ngát, tinh khôi được thắp, dâng trang trọng trên những phần mộ đem đến cho ta những cảm xúc trào dâng. Trong khuôn viên rất nhiều loài hoa khoe sắc như muốn chia sẻ, tri ân những người con đã nằm lại nơi đây.

Lừa đảo xuất khẩu lao động - cạm bẫy “việc nhẹ, lương cao”

Lợi dụng việc một bộ phận người dân có nhu cầu tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ), thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện các chiêu lừa XKLĐ khiến không ít người lâm vào cảnh éo le. Thậm chí nhiều trường hợp đứng trước "nanh vuốt” của bọn tội phạm mua bán người...

Sáng mãi màu áo xanh tình nguyện

"Năm 2024, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn thống nhất lựa chọn chủ đề công tác là "Năm Thanh niên tình nguyện”. Đây là năm đánh dấu nhiều sự kiện đặc biệt có ý nghĩa trong phong trào thanh niên tình nguyện, như: kỷ niệm 60 năm phong trào "Ba sẵn sàng”, 10 năm "Năm Thanh niên tình nguyện”, 25 năm Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè. Vì vậy, tổ chức Đoàn các cấp cần phải xem đây là một năm sôi động các hoạt động thanh niên tình nguyện trên toàn quốc với sự tham gia đông đảo của các tầng lớp thanh niên Việt Nam" - đồng chí Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn nhấn mạnh tại hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn lần thứ tư, khoá XII (tháng 1/2024).

Xung quanh việc xây dựng trụ sở và công trình văn hóa tâm linh tại thành phố Hòa Bình: Bài 2 - Công trình không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, vi phạm trật tự xây dựng?

Liên quan đến việc xây dựng chùa Hòa Bình và các công trình phụ trợ, thời gian qua, một số cơ quan thông tin, báo chí đưa tin cho rằng: công trình này không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; vi phạm các quy định của pháp luật về thủ tục đầu tư; còn để xảy ra nhiều sai phạm liên quan đến trật tự xây dựng. Trước những vấn đề được dư luận xã hội và người dân quan tâm, các cơ quan chức năng của tỉnh và UBND thành phố Hòa Bình (TPHB) đã có thông tin phản hồi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục