Chị em phụ nữ xóm Mương Hạ Trong trao đổi, tìm hiểu về các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa trong xây dựng NTM.

Chị em phụ nữ xóm Mương Hạ Trong trao đổi, tìm hiểu về các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa trong xây dựng NTM.

(HBĐT) - Năm 2013, toàn xã Định Cư (Lạc Sơn) chỉ có 152/993 hộ (tương đương 15,3% tổng số hộ dân toàn xã) đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa (GĐVH) và chỉ có 1/15 KDC (chiếm 6% xóm toàn xã) đạt KDC văn hóa. Xóm có tỷ lệ hộ gia đình văn hóa cao nhất xã là xóm Mương Hạ Trong cũng chỉ có 19/63 hộ và xóm có tỷ lệ hộ gia đình văn hóa thấp nhất là xóm Bán Dưới với 2/70 hộ. Điều gì đang diễn ra phía sau những con số bất thường này?

 

Từ quyết định khó khăn...

 

Tỷ lệ hộ GĐVH ở các xã lân cận trên địa bàn huyện Lạc Sơn nói riêng và trên địa bàn toàn tỉnh nói chung thường dao động phổ biến ở mức từ 60 - 80% tổng số hộ dân. Ngay với địa bàn xã Định Cư, tỷ lệ GĐVH từ những năm 2012 trở về trước cũng khá cao, thấp nhất cũng phải trên 50%. Tuy nhiên, theo đánh giá của đồng chí Bùi Văn Kiểm, Bí thư Đảng ủy xã Định Cư: “Những con số này chưa phản ánh đúng thực chất đời sống KT -VH-XH của mỗi hộ gia đình nói riêng, của xã nói chung. Tràn lan số hộ đạt tiêu chuẩn GĐVH dẫn đến ý nghĩa của danh hiệu này dần mất đi; nhân dân không còn coi trọng việc phấn đấu để đạt và giữ GĐVH; không có động lực cũng như áp lực để phấn đấu. Kéo theo đó là các mặt KT-VH-XH phát triển chậm. Việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM trên địa bàn xã ì ạch với việc chỉ đạt được 5 tiêu chí. Do đó, chúng tôi xác định cần phải có những thay đổi mạnh mẽ, thiết thực trong cách nghĩ, cách làm để tạo sự chuyển biến tích cực.

 

Động thái đầu tiên của Định Cư, năm 2013, Đảng ủy xã đã tổ chức hội nghị Đảng ủy mở rộng và đưa ra bàn bạc cụ thể, chi tiết về việc khảo sát, đánh giá, bình xét hộ đạt tiêu chuẩn GĐVH, KDC đạt văn hóa năm 2013 theo các tiêu chí mới, đảm bảo chính xác, nghiêm túc và đặc biệt là nói không với bệnh thành tích. Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Khi quyết định bình xét chính xác, nghiêm túc, chúng tôi xác định chắc chắn tỷ lệ hộ văn hóa, KDC của xã sẽ sụt giảm nghiêm trọng so với các năm trước. Điều này sẽ ảnh hưởng đến thành tích chung của xã cũng như có thể sẽ vấp phải sự phản đối của một số hộ dân nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm làm vì thấy như thế là cần thiết. Phải đánh giá thực chất, nhìn thẳng vào những yếu kém đang tồn tại mới có hướng khắc phục, sửa chữa. Nhưng khi triển khai thực hiện, cách làm này đã được đông đảo nhân dân đồng tình, bình xét hộ GĐVH năm 2013 trên địa bàn xã đã diễn ra thực sự công tâm, nghiêm túc và hết sức thực chất.

 

Cụ thể như toàn xã hiện còn gần 30% số hộ thuộc diện hộ nghèo, chắc chắn số hộ này sẽ không đạt GĐVH. Các hộ bị loại tiếp theo là sinh con thứ 3, gia đình có xảy ra mâu thuẫn xô xát, không tham gia hội họp cũng như đóng góp đầy đủ các khoản thu nộp theo quy định... Đặc biệt là các hộ không có hố tiêu hợp vệ sinh, không đảm bảo vệ sinh môi trường thì cũng kiên quyết không được đạt GĐVH. Đây cũng chính là tiêu chí khiến nhiều hộ gia đình bị loại nhất. Cuối năm 2013, toàn xã mới chỉ có 200/993 hộ gia đình có hố tiêu hợp vệ sinh; tình trạng chuồng trâu, bò không đạt tiêu chuẩn, gây mất mỹ quan và ảnh hưởng nghiêm trọng đến vệ sinh môi trường diễn ra phổ biến.

 

Kiên quyết với cách làm rắn, tuân thủ nghiêm túc những tiêu chí đã đề ra, qua bình xét công khai, dân chủ, năm 2013, toàn xã Định Cư chỉ có 15% tổng số hộ toàn xã đạt GĐVH, kéo theo đó là toàn xã chỉ có duy nhất xóm Mương Hạ Trong đạt KDC văn hóa. Trung bình mỗi xóm chỉ có từ 10 - 20% số hộ đạt tiêu chuẩn GĐVH; cá biệt như xóm Bán Dưới chỉ có duy nhất 2/70 hộ (chiếm gần 3% tổng số hộ toàn xóm) đạt GĐVH.

 

Kết quả này không gây "sốc" vì nó đã phản ánh đúng, chính xác đời sống của người dân xã Định Cư. Mặc dù chấp nhận con số này là điều không hề dễ dàng đối với nhân dân và chính quyền địa phương. Tuy nhiên, sau nửa năm thực hiện bình xét hết sức nghiêm túc này, thực tế đã cho thấy đây là một quyết định khó khăn nhưng rất đúng đắn của xã Định Cư.

 

 

 ... Đến việc thay đổi về "chất"

 

Chỉ trong 6 tháng đầu năm, toàn xã đã xây mới được 108 nhà tiêu hợp vệ sinh, đến nay, toàn xã hiện đã có 308/993 hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh (chiếm 31% tổng số hộ). Tình hình vệ sinh môi trường trên địa bàn xã đã được cải thiện rất nhiều.

 

Đưa chúng tôi đi thăm các công trình nhà tiêu mới được xây dựng từ đầu năm 2014, đồng chí Bùi Văn Beng, Trưởng xóm Mương Hạ Trong cho biết: Từ đầu năm 2014 đến nay, trong xóm đã có 21 hộ xây mới công trình nhà tiêu hợp vệ sinh, nâng tổng số hộ có công trình nhà tiêu hợp vệ sinh toàn xóm lên 40 hộ (chiếm 63% tổng số hộ). Trước đây, không phải hoàn toàn do kinh tế bà con khó khăn mà là do thói quen, tập quán sinh hoạt, bà con chưa chú trọng đến xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh cũng như xây dựng chuồng trại cho gia súc đúng quy cách. Tuy nhiên, được tuyên truyền nhiều và nhất là năm 2013, nhiều hộ mất GĐVH chỉ vì nhà vệ sinh gây ô nhiễm môi trường vậy nên từ đầu năm đến nay, các hộ gia đình đã tích cực chỉnh trang, xây dựng. Nhờ vậy, bộ mặt xóm, tình hình vệ sinh môi trường có bước chuyển biến rõ rệt. Hiện nay, với các hộ gia đình chưa có điều kiện xây dựng, các hội, đoàn thể xóm sẽ đứng ra tín chấp để hộ vay tiền mua nguyên vật liệu, gia đình tự lo công xây dựng; với các hộ gia đình chính sách, neo đơn, khó khăn thì bà con trong xóm sẽ quyên góp tiền mua nguyên vật liệu, chi đoàn thanh niên sẽ chịu trách nhiệm xây dựng. Phấn đấu đến cuối năm nay có khoảng 90% số hộ trong xóm có nhà tiêu hợp vệ sinh; trên 80% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa và xóm giữ vững danh hiệu KDC văn hóa.

 

Qua tìm hiểu thực tế được biết, trong 6 tháng đầu năm 2014, các phong trào thi đua phát triển kinh tế XĐ-GN trên địa bàn xã có bước chuyển biến tích cực, nhân dân hăng hái lao động sản xuất. Hoạt động sản xuất nông nghiệp đạt và vượt kế hoạch về diện tích, năng suất, sản lượng. Nhiều cây trồng có hiệu quả kinh tế cao được mở rộng diện tích như 60 ha khoai lang, 20 ha hành tăm, 21 ha mía tím; tất cả các kế hoạch về chăn nuôi đều thực hiện đạt và vượt; thu nhập bình quân 6 tháng đầu năm ước đạt 8 triệu đồng /người (so với kế hoạch cả năm 2014 đã đạt 61%).  Ngoài ra, nhân dân đã tích cực, tự giác lao động 1.500 ngày công tu sửa được 5 km đường, gần 4 km kênh mương. Các mặt VH -XH đều có bước phát triển khá, chất lượng giáo dục được nâng lên, QP-AN giữ vững.

 

Nhìn nhận lại con số năm 2013, toàn xã chỉ có 15% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã khẳng định: Đó là một quyết định khó khăn nhưng đúng đắn. Thực hiện bình xét nghiêm túc giúp cho người dân ý thức được về giá trị của GĐVH và cố gắng phấn đấu để đạt được. Nếu không có động thái mạnh mẽ đó chắc chắn không thể có sự chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực trong 6 tháng đầu năm qua. Hiện nay, xã Định Cư tự tin phấn đấu đến cuối năm nay, toàn xã sẽ có 90% hộ gia đình có nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 75% hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh và chuồng trại hợp vệ sinh (theo tiêu chí mới) và sẽ có 75% số hộ đạt tiêu chuẩn GĐVH.

 

 

 

                                                                              Dương Liễu

 

 

 

 

Các tin khác


Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Lắng đọng, thiêng liêng ở Nghĩa trang Hàng Dương

Nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo trong những ngày Xuân đón du khách ở mọi miền đất nước đến thăm viếng. Từ sáng sớm đến 24h, những nén hương, những bông hoa thơm ngát, tinh khôi được thắp, dâng trang trọng trên những phần mộ đem đến cho ta những cảm xúc trào dâng. Trong khuôn viên rất nhiều loài hoa khoe sắc như muốn chia sẻ, tri ân những người con đã nằm lại nơi đây.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục