Bí đỏ lấy hạt là một phần thu nhập của hộ dân xóm Thung Vòng, xã Do Nhân (Tân Lạc).

Bí đỏ lấy hạt là một phần thu nhập của hộ dân xóm Thung Vòng, xã Do Nhân (Tân Lạc).

(HBĐT) - Nằm chon von tận đỉnh núi Tang, xóm Thung Vòng, xã Do Nhân (Tân Lạc) thách thức sự bạo gan của bất cứ ai dám đi lên bằng xe máy. Để tránh bị lăn xuống núi, chúng tôi chọn giải pháp an toàn là đi bộ ngược dốc đá gần 2 km vào dịp khởi công xây dựng công trình thủy điện nhỏ STREAM đem ánh sáng đến với người dân.

 

Cũng có lẽ đã rất lâu rồi, bà con dân tộc Mường nơi núi rừng heo hút này chưa được đón đoàn khách nào lên đây đông đến vậy. Cán bộ tỉnh, huyện, xã rồi khách nước ngoài tập trung ở nhà ông Trưởng xóm trước khi tiếp tục hành trình vượt thêm một đoạn dốc nữa để đến chân thủy điện chuẩn bị thi công. Vốn là mong ước của 13 hộ dân cư sinh sống trên đỉnh núi lâu nay chỉ có ánh đèn dầu làm bạn, bà con náo nức trước sự kiện công trình phát lệnh khởi công và nóng lòng đón đợi trong nay mai, dòng điện sẽ thắp sáng mọi nhà, đời sống vật chất, tinh thần của các hộ được cải thiện…

 

Không giống như các xóm khác thuận lợi, nhà của các hộ dân nơi đây  thường có giãn cách nhau khá xa, mỗi chòm cũng chỉ có 2  3 nóc nhà. Theo chị Bùi Thị Thủy, một phụ nữ gắn bó trên đỉnh núi này từ khi sinh ra, lớn lên cho đến lúc lấy chồng: với địa thế chông chênh, để dựng nhà ở, bà con phải tốn rất nhiều công sức mới san được phần nền bằng phẳng. Khí hậu khắc nghiệt cộng với đất đai kém màu mỡ, ruộng lại gần như không có là nguyên do vì sao mà giữa bốn bề chòm xóm, chúng tôi không thấy sự hiện diện của cây sắn, cây ngô, có chăng chỉ có ít xoan đào, bương, luồng do dân trồng là còn trụ được.

 

Sống trên đỉnh thâm sơn hẻo lánh, người dân chủ yếu phải tự túc, tự cấp, thoảng hoặc mới xuống chợ một lần mang ít rau, quả tự trồng đổi lấy muối, gạo, muối và dầu thắp. Anh Bùi Văn Tẹn cho hay: Gia cảnh gần như ai cũng như ai, nan giải nhất là ruộng đất ít ỏi nên lương thực không thể đủ. Tận dụng được vạt đất nào gần nguồn nước, gần nhà, các gia đình trồng các loại rau như rau ngót, cải xoong, bắp cải đợi đến hôm có phiên chợ xã Lỗ Sơn mang xuống bán. Tuy chưa thực sự phát triển nhưng nhà nào, nhà nấy đều túc tắc chăn nuôi thêm con lợn, con gà để đến cuối năm có được một khoản thu nhất định.

 

Với 57 nhân khẩu, trừ người già, trẻ em, cả xóm có 38 người đang độ tuổi lao động. Tuy nhiên, một năm có 12 tháng, thanh niên, phụ nữ chỉ có mặt ở nhà vào khoảng 2  3 tháng cuối năm. Những tháng còn lại, họ kéo nhau đi làm thuê, làm mướn khắp nơi trong huyện, tỉnh và các tỉnh ngoài. Vậy là nguồn lao động chính của xóm gần như suốt năm, suốt tháng đi làm thuê, ai thuê gì làm nấy, từ đào rãnh mía, làm cỏ, phụ xây cốt sao hàng tháng ngoài ăn uống sinh hoạt còn tích cóp được trên, dưới 1 triệu đồng lo cho gia đình ở nhà. Năm 2013, xóm có bình quân thu nhập đầu người khoảng 10 triệu đồng song với những nguồn thu phập phù, cuộc sống của bà con cơ bản chưa ổn định. Mặc dù trong năm đã có 2 hộ đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo nhưng vẫn còn 6/13 hộ có mức sống dưới mức trung bình.

 

Đường lên xóm núi giờ vẫn là lối mòn hiểm trở, chủ yếu dành cho người đi bộ còn việc thồ, chở vận chuyển hàng lên, xuống có ngựa trợ sức. Dạo đầu năm ngoái, có một vài hộ chung tiền mua đường dây kéo điện ngược núi từ xóm dưới lên tốn cả chục triệu đồng nhưng điện cũng chỉ đủ để hắt ánh sáng đỏ lừ đừ và sạc pin điện thoại. Các vật dụng như nồi cơm điện, ti vi mua rồi nhưng đến nay vẫn chưa có cơ hội sử dụng do điện yếu. Sự học hành của trẻ nhỏ nơi đây cũng hạn chế, hầu như chỉ dừng lại ở lớp 7, lớp 8 chứ chưa có ai theo học lên bậc THPT. Bà con trong xóm dễ đến chục năm nay không thấy bóng dáng đoàn chiếu bóng và đội văn nghệ nào lên được đến đây để được phục vụ, thỏa mãn tinh thần. Mọi thông tin văn hóa, xã hội, tình hình trong nước, quốc tế chỉ được nghe qua đài cát sét và từ ông Trưởng xóm truyền đạt lại.

 

Theo lý giải của Trưởng xóm Bùi Xuân Hỵ, cái bó trong phát triển KT -XH của xóm là điều kiện sản xuất khó khăn, hạ tầng dân sinh còn thấp kém, nhất là vấn đề giao thông, thủy lợi... Do chưa có chi lớp học nên trẻ muốn học mầm non phải được cha, mẹ đưa về trung tâm xã, trẻ bậc tiểu học phải về chi trường xóm Sống mới có lớp. Năm 2010, một số hộ dân tham gia thực hiện mô hình trồng bí đỏ lấy hạt có bao tiêu đầu ra của doanh nghiệp. Đến nay, mô hình tiếp tục duy trì với diện tích khoảng trên 1 ha đã góp phần tăng thêm thu nhập cho bà con. Tuy nhiên, xóm vẫn chưa tìm được cây trồng thế mạnh để tạo bứt phá trong phát triển kinh tế nên nguồn thu chính vẫn từ làm thuê, làm mướn.

 

Mong mỏi có điện để chất lượng cuộc sống tốt hơn sắp thành hiện thực. Những nguyện vọng tiếp theo người dân xóm núi muốn được tỉnh, huyện, xã quan tâm đầu tư, hỗ trợ là được mở rộng, bê tông hóa toàn bộ tuyến đường độc đạo lên xóm để việc đi lại bớt khó nhọc hơn. Các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, giúp đỡ tìm ra cây trồng phù hợp, tạo điều kiện để bà con tiếp cận với các chương trình, dự án phát triển sản xuất. Có như vậy, người dân mới có thể lạc nghiệp, ổn định cuộc sống mà không phải rời quê hương bản quán tìm kế sinh nhai ở đâu xa.

 

 

             Bùi Minh

 

 

 

Các tin khác


Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Lắng đọng, thiêng liêng ở Nghĩa trang Hàng Dương

Nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo trong những ngày Xuân đón du khách ở mọi miền đất nước đến thăm viếng. Từ sáng sớm đến 24h, những nén hương, những bông hoa thơm ngát, tinh khôi được thắp, dâng trang trọng trên những phần mộ đem đến cho ta những cảm xúc trào dâng. Trong khuôn viên rất nhiều loài hoa khoe sắc như muốn chia sẻ, tri ân những người con đã nằm lại nơi đây.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục