Ngô lai là cây trồng màu chủ lực được bà con nông dân xóm Thia, xã Yên Mông (TPHB) mở rộng diện tích, góp phần phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: B.M

Ngô lai là cây trồng màu chủ lực được bà con nông dân xóm Thia, xã Yên Mông (TPHB) mở rộng diện tích, góp phần phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: B.M

(HBĐT) - Quê tôi phía hữu ngạn vùng hạ du sông Đà. Mới lọt lòng, tôi đã đối diện với một vùng đất phía bên kia sông. Ngày nay, vùng đất ấy là vùng ven của thành phố Hoà Bình cũng là vùng ven của tỉnh, nơi tiếp giáp với tỉnh Phú Thọ. Xa xưa vùng đất ấy có tên Mường Nùa. Đầu thập niên 80 của thế kỷ XVIII, người Mường Nùa đi đón lang ở xã Mông Hóa, huyện Kỳ Sơn về “trông coi” dân, những mong “yên dân, lành đất” cho nên đặt tên Mường là Yên Mông. Đầu thế kỷ thứ XIX, Yên Mông là một thôn của xã Hòa Bình, tổng Tinh Nhuệ, huyện Bất Bạt, phủ Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây.

 

Với những biến động của lịch sử, Yên Mông đã từng là phần đất của châu Kỳ Sơn, châu Mai Đà rồi một xã của huyện Kỳ Sơn và ngày nay là một xã của TPHB. Là vùng ven nên Yên Mông mới qua nhiều biến động như vậy chăng? Dù nơi nào “trông coi” thì từ xưa tới nay, Yên Mông vẫn lặng lẽ soi bóng xuống dòng sông Đà. Đường 24 nay là đường 434 đi ngang qua xã nối thành phố trẻ Hòa Bình với các huyện Thanh Sơn, Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ vẫn là con đường vắng xe cộ và khách bộ hành. Nếu như dòng Đà Giang có mùa trong, mùa đục, bên lở, bên bồi, những ngọn núi đứng giăng hàng kia từ xa xưa như một tường thành xanh ngắt lại rất lớp lang: núi cao đứng sau, thấp đứng trước, che chở nhau trong giông bão, san sẻ nhau mưa nắng. Núi Chuộn, núi hang Nhạn, núi quèn Mã Yên... luôn khoác trên mình thảm thực vật nuột nà như nhung lụa tạo nên nguồn nước bao đời nay cho các con suối Chàng, suối Mít, suối Môi... Cứ nhìn đám mây trắng ùn ùn đi ngược về xuôi trên cái nền xanh ấy là biết trời sắp có mưa hay có nắng. Những lần bảy sắc cầu vồng cúi đầu xuống sông Đà uống nước là những lần lại ồn ã trong bản, ngoài mường những câu chuyện thần bí về thiên nhiên mà người lớn thêu dệt với con trẻ cả hai bờ sông Đà. Vùng đất dài 8 km, diện tích gần 24 km2 là nơi bao đời nay dân bản an cư, lạc nghiệp. Giữa những quả đồi thấp như bát úp là làng mạc, những thửa ruộng bậc thang, thùng đấu “đầu trâu, trán khỉ” Ven sông Đà là vùng bãi trồng hoa màu bốn mùa ngô, khoai tươi tốt từng nuôi sống bao lớp người lam lũ, hiền lành mà cho đến ngày nay chưa đầy 4.000 người.

 

Đối với tôi, Yên Mông đâu phải “vô duyên đối diện, bất tương phùng”. Đến đời tôi là đời thứ 5, cụ nội tôi ông Nguyễn Văn Tr. từng bơi đò đón cụ bà Nguyễn Thị C. từ đất ấy sang bên này làm dâu nhưng các cụ không có con trai nên sau đó con gái phải “bắt rể” chàng trai họ Đinh - có nguồn gốc từ xứ Mường Động - để sau này hậu duệ chúng tôi được mang họ Đinh. Gia phả họ tộc là thế nhưng đến khi về nghỉ, tôi mới ngơ ngáo qua sông Đà lần tìm con cháu của cụ bà Nguyễn Thị C., qua lời dặn của bố: “Là người của nhà Chè ở Yên Mông” thì ba lần, bốn lượt gặp các cụ già nhất vùng đất ấy cũng không lần ra được! Yên Mông sẽ mãi là một vùng đất nhớ nhung thăm thẳm trong hoài vọng của con cháu chúng tôi.

 

Đầu những năm 60 của thế kỷ trước, lớp trẻ chúng tôi ở trường cấp III Hoàng Văn Thụ đã có mặt ở đây góp phần nhỏ công sức vào xây dựng đập nước Khang Mời, mấy chục năm qua nó vẫn lặng lẽ, cần mẫn tưới tắm cho những thửa ruộng ở các xóm Mời Mít, Khang Đình, Mị... Những thảm thực vật trên sườn núi kia là nguồn sinh thuỷ bao đời đã không còn những cây gỗ quý, rừng nứa, rừng dang... mà một thời đã góp phần nhỏ vào duy trì tiếng còi thay ca của nhà máy Giấy Hoà Bình chúng tôi trong những năm 60 - 70 của thế kỷ trước. Thay vào đấy là những rừng keo lai và từ lưng chừng núi ngược lên là những cây gỗ tạp dây leo chằng chịt .

 

Ngày nay, con đường liên thôn bằng bê tông với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã nối liền các xóm từ Yên Hoà có thể lên xe máy xuôi về tới Trường Yên. Các nhà dân đã có tường bao, cổng sắt khép mở ra vào. Bà con dân bản tiếp tục xác lập nét “an cư” với Yên Mông? Sau khi Trường thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa Hoà Bình chuyển đi với tên mới trường PTDTNT tỉnh, số cán bộ, công nhân viên đã trụ lại thành xóm Trường Yên. Nhưng để “lạc nghiệp” trên quê hương bản quán của mình trong xu thế hội nhập phát triển ngày càng sâu vào thế giới ngày nay có nhiều câu hỏi đặt ra chưa có lời đáp thoả đáng. Chuyển đổi sang cây con gì? Doanh nghiệp đầu tư vào đây với mặt hàng gì để không gây ô nhiễm đối với nhà máy nước mặt Hà Nội mà đối diện bên kia là cửa nhận nước? Mở mang thương mại, dịch vụ gì đối với vùng ven này? Các doanh nghiệp hiện nay trên đất Yên Mông cũng nhỏ bé, công nghệ, thiết bị lạc hậu như những doanh nghiệp khác trên địa bàn tỉnh - trừ một số doanh nghiệp nước ngoài. Sản xuất đình đốn, không thu hút được con em vào làm việc, người cứ sinh sôi, đất đai canh tác thu hẹp... là thực trạng làm đau đầu những người có trách nhiệm.

 

Đến với Yên Mông, sẽ là thiếu sót nếu không đề cập tới trường Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa Hoà Bình và những lần Bác Hồ về thăm nhà trường. Trong những năm đất nước còn gian khó, chưa thống nhất nước nhà,  sự ra đời một mô hình “vừa học, vừa làm” của tỉnh là một điểm sáng trong ngành giáo dục, đáng trân trọng. Phải cho con em các dân tộc được học hành ngay cả lúc cơm chưa đủ ăn, áo chưa đủ mặc! Trung ương Đảng và Bác Hồ rất quan tâm đến mô hình giáo dục, đào tạo này, vì thế, Bác đã một lần về thăm thầy, cô giáo ở trường Hợp tác hoá nông nghiệp của tỉnh tại Bến Ngọc, Kỳ Sơn (nay là TPHB) vào này 19/10/1958. Những ngày đầu nhà trường tổ chức cho học sinh xây dựng đường sá, tạo nguồn kinh phí để ăn học. Sau khi nhà trường chuyển hẳn sang tổ chức sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện tốt cho học tập, vào thời khắc khó khăn nhất của phương thức này, ngày 17/8/1962, Bác Hồ lại đến thăm trường tại xóm Trường Yên ngày nay. Những lời Bác dạy mãi khắc sâu trong tâm thức của các thế hệ học sinh, giáo viên nhà trường nói riêng và bà con các dân tộc ta nói chung. “Vừa học tập, vừa lao động” để tự túc là cách học tốt nhất. Trước đây, lúc tuổi thanh niên Bác ở bên Pháp cũng vừa lao động, vừa học tập. Nhưng lúc đó, Bác lao động là lao động nô lệ cho đế quốc. Bác phải làm để tự nuôi sống nhưng Bác vẫn dành nhiều thời gian để học tập. Ngày lao động, đêm học tập chứ Bác có được đến nhà trường đâu. Vì vậy, Bác khuyên các cháu “Phải học tập tốt, lao động tốt”. Nghe lời Bác dạy, bao thế hệ học sinh cũng từ mái trường này đã học tập và lao động tốt và trưởng thành góp phần tạo nên đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý của tỉnh sau này.

 

Thể theo nguyện vọng của bà con các dân tộc trong xã cũng như các thế hệ thầy và trò của nhà trường, hiện “Khu di tích địa điểm Bác Hồ về thăm trường thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa Hoà Bình” đã được xây dựng và đang vào giai đoạn hoàn thiện với diện tích 3.600 m2, kinh phí trên 10 tỷ đồng. Khu di tích có hướng quay về phía Đá Chông, K9 - nơi mà Người đã từng dùng làm cơ sở làm việc và ngơi nghỉ khi đã về với tổ tiên một thời gian. Giữa bao trăn trở: Làm sao cho cuộc sống bà con trong xã ngày càng nâng lên theo hướng “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, ngày nay cán bộ và nhân dân Yên Mông lại tự vấn mình: Làm sao cho xứng với công lao trời biển và sự quan tâm của Bác? Đâu phải vùng đất nào Bác cũng có điều kiện đặt chân tới và vì thế không dễ có một khu lưu niệm giữa lặng lẽ vùng ven này về Bác Hồ kính yêu của chúng ta.

 

 

 

                                            Tùy bút của Đinh Đăng Lượng

 

 

 

Các tin khác


Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Lắng đọng, thiêng liêng ở Nghĩa trang Hàng Dương

Nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo trong những ngày Xuân đón du khách ở mọi miền đất nước đến thăm viếng. Từ sáng sớm đến 24h, những nén hương, những bông hoa thơm ngát, tinh khôi được thắp, dâng trang trọng trên những phần mộ đem đến cho ta những cảm xúc trào dâng. Trong khuôn viên rất nhiều loài hoa khoe sắc như muốn chia sẻ, tri ân những người con đã nằm lại nơi đây.

Lừa đảo xuất khẩu lao động - cạm bẫy “việc nhẹ, lương cao”

Lợi dụng việc một bộ phận người dân có nhu cầu tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ), thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện các chiêu lừa XKLĐ khiến không ít người lâm vào cảnh éo le. Thậm chí nhiều trường hợp đứng trước "nanh vuốt” của bọn tội phạm mua bán người...

Sáng mãi màu áo xanh tình nguyện

"Năm 2024, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn thống nhất lựa chọn chủ đề công tác là "Năm Thanh niên tình nguyện”. Đây là năm đánh dấu nhiều sự kiện đặc biệt có ý nghĩa trong phong trào thanh niên tình nguyện, như: kỷ niệm 60 năm phong trào "Ba sẵn sàng”, 10 năm "Năm Thanh niên tình nguyện”, 25 năm Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè. Vì vậy, tổ chức Đoàn các cấp cần phải xem đây là một năm sôi động các hoạt động thanh niên tình nguyện trên toàn quốc với sự tham gia đông đảo của các tầng lớp thanh niên Việt Nam" - đồng chí Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn nhấn mạnh tại hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn lần thứ tư, khoá XII (tháng 1/2024).

Xung quanh việc xây dựng trụ sở và công trình văn hóa tâm linh tại thành phố Hòa Bình: Bài 2 - Công trình không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, vi phạm trật tự xây dựng?

Liên quan đến việc xây dựng chùa Hòa Bình và các công trình phụ trợ, thời gian qua, một số cơ quan thông tin, báo chí đưa tin cho rằng: công trình này không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; vi phạm các quy định của pháp luật về thủ tục đầu tư; còn để xảy ra nhiều sai phạm liên quan đến trật tự xây dựng. Trước những vấn đề được dư luận xã hội và người dân quan tâm, các cơ quan chức năng của tỉnh và UBND thành phố Hòa Bình (TPHB) đã có thông tin phản hồi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục