Trung bình mỗi chuyến than như thế này, họ lãi được 20.000-25.000 đồng chưa kể chi phí đi lại.

Trung bình mỗi chuyến than như thế này, họ lãi được 20.000-25.000 đồng chưa kể chi phí đi lại.

(HBĐT) - Trong không khí sôi động, ồn ào của nhịp sống hiện đại, đó đây vẫn còn những hình ảnh lam lũ, truân chuyên với bao nghề lao động vất vả, nhọc nhằn. Trong đó có nghề giao than tổ ong.

 

Giữa thời kỳ kinh tế mở - hội nhập và phát triển, đời sống người dân dần được cải thiện, hiện nay, người dân ở thành phố phần đông đun nấu bằng gas, bếp điện thay cho dùng than tổ ong với nhiều độc hại nhưng không phải người nào cũng có điều kiện ấy. Ở tỉnh ta, chế biến và sản xuất kinh - doanh than là một trong những nghề mang lại lợi nhuận cao, có thể kể đến một số cơ sở ở Kỳ Sơn, Lương Sơn... hay TPHB. Thực tế, việc dùng than tổ ong vẫn là ưu tiên số 1 trong thời buổi giá cả đắt đỏ, phù hợp với người lao động có mức thu nhập thấp. Do chi phí rẻ, việc dùng than đá, than tổ ong vẫn là lựa chọn số một của nhiều nhà hàng, quán ăn, xưởng sản xuất. Chị Nga – chủ một quán phở trên đường Cù Chính Lan (TPHB) cho biết: “Nhà tôi kinh doanh hàng ăn, phải đun nấu nhiều, ngoài đun bằng bếp gas, tôi vẫn phải dùng thêm bếp than tổ ong nữa để tiết kiệm chi phí. Bây giờ chỉ cần gọi điện sẽ có người giao than đến tận nhà mà không cần phải bỏ công đi lấy”. Cũng bởi vì lẽ đó, nhiều người đã nghĩ ra cách kiếm sống bằng đi lấy than ở các cơ sở chế biến than rồi đem bán lại cho các “mối hàng”, tăng thêm thu nhập.  Dạo quanh một vòng các tuyến đường ở thành phố HB, không khó để gặp hình ảnh những người phụ nữ đầu đội chiếc nón lá đã phai dầu với chiếc xe đạp cũ, phía sau là những chồng than tổ ong được xếp ngay ngắn trong những chiếc “sọt sắt” đang gồng mình đạp xe để đi giao than cho kịp giờ.

Một ngày cuối hè, chúng tôi tìm đến họ và cảm nhận đôi điều những lo toan, trăn trở của họ về cuộc sống bươn chải với những viên than giữa lòng thành phố này. Nghề này không có khái niệm về thời gian, nắng mưa, ngày cũng như đêm. Nhớ lại những ngày đầu đi giao than, vừa phẩy phẩy nhanh chiếc nón, cô Hợi (Trung Minh – TPHB) vừa tâm sự: “2 vợ chồng tôi làm nghề này cũng được gần chục năm rồi. Vất vả lắm cháu ạ, thức khuya, dậy sớm, mồ hôi trên trán túa ra, ngày nào cũng cúi mặt đạp xe giao mấy trăm viên than cho các mối. Nếu chẳng may gặp trời mưa, than ngấm nước đến mủn ra, bán rẻ không xong. Cực là thế nhưng không làm lấy gì nuôi con nhỏ, cho con nó đi học”.

Một viên than tổ ong nặng 1 -1,2 kg, mỗi chuyến xe của các chị xếp khoảng 80 – 100 viên than, tương đương gần 1 tạ than. Cứ thế, các chị rong ruổi khắp các con đường, ngõ phố để đưa than đến tận từng hộ gia đình có nhu cầu dùng. Mỗi viên than lấy tại các cơ sở chế biến than có giá từ 2.300 – 2500 đồng/viên; lúc đi giao lại cho khách tính theo giá 2500 – 2700 đồng/viên. Như vậy, mỗi viên than lãi được 200 đồng, tính ra, mỗi chuyến đi của các chị lãi được 20.000-25.000 đồng. Trung bình mỗi ngày các chị giao được 5-6 chuyến, tương đương với 5-6 tạ than nhưng chưa kể tới việc phải rong ruổi “vừa đạp, vừa đẩy” khắp hang cùng, ngõ hẽm, trừ chi phí đi lại, tính ra chẳng được là bao, chỉ đủ đắp đổi qua ngày hay nói theo cách khác là lấy công làm lãi. Chưa kể tới việc hàng ngày họ phải tiếp xúc với môi trường độc hại, liên tục phải hít khí than và bụi than, khiến sức khỏe ngày càng giảm sút. Cũng có lẽ tính chất công việc là thế, chị Hiền (Trung Minh-TPHB) – người gần 8 năm gắn bó với nghề giao than đã thốt lên một câu trăn trở đầy lý: “Nghề than – than lắm cho những cái thân này”.

Giữa ồn ào, tấp nập của thị thành, hình ảnh những người phụ nữ oằn lưng cúi mặt gắng gượng đạp xe chở những chuyến than tổ ong  là lớp người mưu sinh lao động cực khổ. Mỗi người có một hoàn cảnh, điều kiện khác nhau, công việc họ đang làm cực nhọc, vất vả, độc hại nhưng họ vui vì kiếm kế sinh nhai một cách chân chính.

 

 

                                               Hoàng Thảo

 

 

Các tin khác


Xung quanh việc xây dựng trụ sở và công trình văn hóa tâm linh tại thành phố Hòa Bình: Bài 2 - Công trình không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, vi phạm trật tự xây dựng?

Liên quan đến việc xây dựng chùa Hòa Bình và các công trình phụ trợ, thời gian qua, một số cơ quan thông tin, báo chí đưa tin cho rằng: công trình này không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; vi phạm các quy định của pháp luật về thủ tục đầu tư; còn để xảy ra nhiều sai phạm liên quan đến trật tự xây dựng. Trước những vấn đề được dư luận xã hội và người dân quan tâm, các cơ quan chức năng của tỉnh và UBND thành phố Hòa Bình (TPHB) đã có thông tin phản hồi.

Xung quanh việc xây dựng trụ sở và công trình văn hóa tâm linh tại thành phố Hòa Bình: Bài 1 - Các cơ quan chức năng đề nghị điều chỉnh quy mô xây dựng chùa Hòa Bình

Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh về việc xem xét, kiểm tra, rà soát các nội dung liên quan đến công tác quy hoạch, thu hồi đất để thực hiện xây dựng trụ sở và công trình văn hóa tâm linh chùa Hòa Bình tại đồi Ba Vành, thuộc tổ 8, phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình (TPHB), ngày 19/1/2024, Sở Xây dựng (SXD) đã tổ chức họp với các sở, ngành, UBND TPHB và Ban trị sự Giáo hội Phật giáo (GHPG) tỉnh. Sau cuộc họp, các sở, ngành, UBND TPHB đã đưa ra những kiến nghị với UBND tỉnh về việc điều chỉnh quy mô xây dựng chùa Hòa Bình.

Thiêng liêng ngày hội tòng quân

Không phải tiếng trống giục giã, cũng không phải ngọn đuốc thắp lên bằng ngọn lửa truyền thống, mà chính nhiệt huyết của tuổi trẻ mới là thứ làm bùng lên không khí thiêng liêng trong ngày hội tòng quân năm 2024. Đây chính là ngày hội của tuổi trẻ, của thanh niên ưu tú - những người đã biết đặt Tổ quốc ở trong tim...

Chuyện về nhạc phẩm “Lá thư DK” trên biển

Trong một đêm cuối năm Quý Mão 2023, con tàu Trường Sa 04 bền bỉ đè sóng tiến về phía bãi cạn Cà Mau, nơi có nhà giàn DK1/10… Bỗng trong tiếng sóng biển ầm ào và gió thổi ràn rạt dọc các boong tàu, vẳng tiếng đàn ghi ta và tiếng hát của một vài chiến sĩ hải quân. Tiếng đàn thánh thót và da diết của Trung tá Trịnh Văn Nghị, Chính trị viên phó Tiểu đoàn DK1 hòa vào giọng hát khá tình cảm của nhóm cán bộ, chiến sĩ trên tầng 3 con tàu: "Anh kể lại nơi anh những lúc biển cuồng phong/ Biển giận dữ hung tàn quá đỗi/ Nhà giàn kiên trung giữ vững thềm lục địa/ Như tình anh yêu em, tình yêu bất tận…”. Các anh đang tập bài hát mới "Lá thư DK” của ca sĩ, nhạc sĩ, Phó đoàn Nghệ thuật Bông Sen (TP Hồ Chí Minh), thành viên của đoàn sáng tác trong chuyến hải trình DK1…

Huyện Lạc Thủy: Ước vọng đầu Xuân mới

Mùa Xuân đến mang theo hơi ấm của đất trời, đem đến sức sống mới cho vạn vật. Đó cũng là thời điểm cảm xúc của mỗi người lại trào dâng với niềm tự hào, tin tưởng, đoàn kết một lòng đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn. Xuân mới, niềm tin khát vọng mới, bao dự định được gửi gắm, thôi thúc mỗi chúng ta cố gắng phấn đấu vươn lên, xây dựng quê hương Lạc Thủy giàu đẹp.

Người góp phần nâng tầm sản phẩm mang giá trị văn hoá Hoà Bình

Quá trình công tác nhiều năm trong cơ quan nhà nước của tỉnh, chị Hoàng Việt Hà (TP Hoà Bình) có cơ hội tiếp cận, nghiên cứu về lĩnh vực văn hoá, từ đó nuôi dưỡng tình yêu ngày càng lớn đối với văn hoá bản địa. Đây được xem là cơ duyên để năm 2022, sau dự định ấp ủ, chị đứng ra mở cửa hàng quà tặng với tên gọi Hoa Đất Mường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục