Cầu treo Cài Rồng, xã Chí Thiện (Lạc Sơn) mặt cầu làm bằng tre đã hư hỏng, nhiều khớp nối đã bong bật, dây văng hoen gỉ nhưng không ít ô tô vẫn cố tình qua lại

Cầu treo Cài Rồng, xã Chí Thiện (Lạc Sơn) mặt cầu làm bằng tre đã hư hỏng, nhiều khớp nối đã bong bật, dây văng hoen gỉ nhưng không ít ô tô vẫn cố tình qua lại

(HBĐT) - Theo Sở GT-VT, hiện nay, UBND các huyện, thành phố quản lý 57 cầu treo, tập trung ở các huyện: Tân Lạc, Lạc Sơn, Mai Châu. Tuy nhiên, phần lớn các cây cầu này đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến việc đi lại và trở thành mối nguy đến tính mạng, tài sản của nhân dân.

 

Nguyên nhân là do hệ thống cầu treo hầu hết được xây dựng từ những năm 1976 - 1977. Quá trình khai thác, sử dụng do công tác quản lý chưa được quan tâm đúng mức, nên không ít cầu treo dân sinh phục vụ cho người đi bộ, xe đạp, xe máy... đã bị những người điều khiển ôtô, công nông lạm dụng để lưu thông, vận chuyển hàng hóa, thậm chí không ít xe còn chở hàng quá tải. Ngoài ra, hầu hết hệ thống cầu chỉ được duy tu, bảo dưỡng bằng hình thức huy động ngày công lao động của nhân dân trong tháng chiến dịch toàn dân tham gia làm đường GTNT nên chỉ thực hiện các phần việc đơn giản như phát cỏ, khơi thông cống, rãnh, gia cố tạm thời nên không có hồ sơ lưu về kiểm tra, sửa chữa hệ thống cầu, đường.

 

Là một trong những địa phương có số lượng cầu treo nhiều nhất tỉnh, 15 chiếc cầu treo của  huyện Lạc Sơn được xây dựng  ở 9 xã đều đã và đang bị xuống cấp. Hầu hết cầu treo trong huyện không được lắp đặt biển báo quy định về tải trọng và không bố trí nhân lực trực gác để ngăn chặn các phương tiện quá tải lưu thông qua cầu. Đơn cử như cầu treo Cài Rồng, xã Chí Thiện được xây dựng từ năm 1994, qua gần 10 năm sử dụng đã xuống cấp nghiêm trọng. Tuy nhiên, cây cầu này phục vụ đi lại của nhân dân trong xã với các xã lân cận như Phúc Tuy, Phú Lương. Do vậy, mặc dù tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nhưng người dân vẫn phải đi qua cầu khi có việc. Quan sát thực tế, chúng tôi thấy mỗi khi xe máy đi qua, cầu rung lắc rất mạnh. Theo người dân, mặt cầu cũng đã  nhiều lần được tu sửa, gia cố và được thay bằng những đoạn bương, tre ghép lại, hiện tại nhiều khớp nối đã  bong bật, dây văng hoen gỉ nhưng không có kinh phí sửa chữa... Đáng lưu tâm hơn là cầu treo xóm Tre Giao (xã Miền Đồi) do cáp chủ bị han gỉ, vị trí liên kết cáp chủ và thanh neo không còn đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, dầm chủ phi 18 và mặt cầu bằng tre đã hư hỏng nặng,  khi có người và phương tiện đi lại cầu  rung lắc rất mạnh, gây nguy hiểm cho người dân, nhất là các em học sinh. Nguy hiểm là vậy nhưng hai đầu cầu không có biển báo hạn chế tải trọng và biển báo hướng dẫn. Mặc dù đây là 1/7 cầu treo Sở GT-VT đã yêu cầu ngừng khai thác do không đảm bảo an toàn và đề nghị địa phương có biện pháp hạn chế người, phương tiện qua lại nhưng chiếc cầu này là huyết mạch giao thông, nhất là vào mùa mưa lũ nên người dân ở đây vẫn phải “nín thở” mỗi khi đi qua.

 

Mặc dù trên địa bàn huyện Kim Bôi chỉ có 2 chiếc cầu treo nhưng đều đã xuống cấp nghiêm trọng, nhất là cầu treo xóm Củ (xã Tú Sơn) hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 1976 và năm 1999  mới được nâng cấp sửa chữa. Qua nhiều năm sử dụng, cầu đã xuống cấp, hư hỏng nặng. Do không có kinh phí tu bổ, sửa chữa thường xuyên nên mặt cầu bằng gỗ đã mục nát hoàn toàn. Hệ thống dầm dọc, ngang bằng thép định hình và cáp chủ, dây neo, dây chống lắc đều đã bị gỉ do không còn lớp sơn bảo vệ, hệ thống lan can, tay vịn quá thưa không bảo đảm an toàn, nhất là với trẻ em. Để khắc phục, người dân đã sử dụng tre, luồng để gia cố và vật liệu cố định bằng lạt và dây rừng. Vì vậy, mỗi khi có mưa, mặt cầu càng trơn trượt rất nguy hiểm cho người và phương tiện đi lại.

 

Cùng với cầu treo xóm Tren Giao, xã Miền Đồi (Lạc Sơn),  Sở GT-VT đã đề nghị dừng khai thác 6 cầu treo khác tại các huyện, thành phố do không bảo đảm an toàn. Đơn cử như ở huyện Tân Lạc là cầu treo xóm Thọng (xã Tuân Lộ) do người dân tự làm nên chắp vá, cáp chủ chôn dưới đất, hệ thống dầm dọc làm bằng thép phi 6, dầm ngang bằng tre, dầm chủ bằng thép đã bị han gỉ, một số cốt thép của cổng cầu đã bị lộ ra ngoài và đang bị bào mòn. Cầu treo xóm Bin (Tử Nê) cũng do người dân làm không có tay vịn, trụ cầu bằng bê tông cốt thép đã bị nghiêng hẳn về suối Bin, liên kết cáp thanh neo không đúng kỹ thuật, tại vị trí neo cáp gỉ và đứt nhiều sợi, không được bảo dưỡng thường xuyên, không có biển báo nguy hiểm. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cầu treo đã xuống cấp nghiêm trọng cần hạn chế người và phương tiên qua. Thậm chí, UBND một số huyện đã buộc phải dỡ bỏ những cầu treo đã xuống cấp. Tuy nhiên, do triển khai thiếu kiên quyết, tâm lý ngại đi xa, đi vòng nên người dân đã sử dụng các vật liệu tạm để làm cầu vượt sông, suối không đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.

 

Trước tình hình trên, Sở GT-VT đã đề nghị các địa phương chỉ đạo và bố trí kinh phí sửa chữa lại các cầu treo đã xuống cấp trước mùa mưa bão năm nay. Tăng cường duy tu, bảo dưỡng thường xuyên để tăng tuổi thọ và duy trì khả năng khai thác của cầu phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. Bố trí cắm biển hướng dẫn giao thông, tải trọng cho phép phù hợp với khả năng chịu tải của từng cầu. Đồng thời, kiến nghị UBND tỉnh bố trí kinh phí hỗ trợ các địa phương bảo trì cầu treo đã hư hỏng, xuống cấp. Các huyện, thành phố tăng cường rà soát cụ thể hệ thống cầu yếu, cầu tạm vượt dòng trên địa bàn để có phương án khai thác phù hợp, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân bảo đảm an toàn. Với các cầu là đường độc đạo cần có kế hoạch đầu tư xây dựng mới các công trình vượt dòng để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Với các cầu tạm đã có công trình có điều kiện thay thế cần dỡ bỏ hoàn toàn để bảo đảm an toàn khi qua lại. Các địa phương cần khẩn trương triển khai thay thế, bổ sung các biển báo đường bộ theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ, bố trí cắm biển hướng dẫn giao thông, tải trọng cho phép phù hợp với khả năng chịu tải từng cầu. Hiện, Sở GT-VT đã hoàn tất khảo sát, thiết kế và đã bố trí được kinh phí để xây dựng 7 cầu treo đã hư hỏng nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh. Dự kiến khởi công vào đầu tháng 9.

 

 

 

                                                                       Đức Phượng

 

 

 

Các tin khác


Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Lắng đọng, thiêng liêng ở Nghĩa trang Hàng Dương

Nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo trong những ngày Xuân đón du khách ở mọi miền đất nước đến thăm viếng. Từ sáng sớm đến 24h, những nén hương, những bông hoa thơm ngát, tinh khôi được thắp, dâng trang trọng trên những phần mộ đem đến cho ta những cảm xúc trào dâng. Trong khuôn viên rất nhiều loài hoa khoe sắc như muốn chia sẻ, tri ân những người con đã nằm lại nơi đây.

Lừa đảo xuất khẩu lao động - cạm bẫy “việc nhẹ, lương cao”

Lợi dụng việc một bộ phận người dân có nhu cầu tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ), thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện các chiêu lừa XKLĐ khiến không ít người lâm vào cảnh éo le. Thậm chí nhiều trường hợp đứng trước "nanh vuốt” của bọn tội phạm mua bán người...

Sáng mãi màu áo xanh tình nguyện

"Năm 2024, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn thống nhất lựa chọn chủ đề công tác là "Năm Thanh niên tình nguyện”. Đây là năm đánh dấu nhiều sự kiện đặc biệt có ý nghĩa trong phong trào thanh niên tình nguyện, như: kỷ niệm 60 năm phong trào "Ba sẵn sàng”, 10 năm "Năm Thanh niên tình nguyện”, 25 năm Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè. Vì vậy, tổ chức Đoàn các cấp cần phải xem đây là một năm sôi động các hoạt động thanh niên tình nguyện trên toàn quốc với sự tham gia đông đảo của các tầng lớp thanh niên Việt Nam" - đồng chí Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn nhấn mạnh tại hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn lần thứ tư, khoá XII (tháng 1/2024).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục