Niềm vui được mùa của người dân xã Lũng Vân (Tân Lạc). Ảnh: P.V

Niềm vui được mùa của người dân xã Lũng Vân (Tân Lạc). Ảnh: P.V

(HBĐT) - Mường Bi là vùng mường lớn nhất, cái nôi của sử thi huyền thoại Đẻ đất, đẻ nước nổi tiếng của đồng bào Mường Hòa Bình. Nơi đây không chỉ chứa đựng nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo mà còn được thiên nhiên ưu đãi, đất đai mầu mỡ, phong cảnh hữu tình. Một ngày cuối thu, chúng tôi lên với các xã vùng cao của huyện Tân Lạc để cảm nhận cảnh sắc kỳ thú và gặp những con người chất phác.

 

Đường lên đỉnh Mây

 

Với độ cao trên 1.200 m, 5 xã vùng cao của huyện Tân Lạc gồm Quyết Chiến, Lũng Vân, Nam Sơn, Bắc Sơn và Ngổ Luông luôn có một vùng tiểu khí hậu ôn hòa, quanh năm mây phủ, sương mờ giăng huyền ảo như xứ sở thần tiên. Lên vùng cao Tân Lạc thời gian này, chúng tôi được cảm nhận không khí của 4 mùa hội tụ trong một ngày. Từ chân núi Cột Cờ của xã Địch Giáo, chúng tôi bắt đầu ngược dốc Mùn để lên xã Lũng Vân, trung tâm cụm xã vùng cao của huyện Tân Lạc. Cách đây hơn mười năm, các xã vùng cao Tân Lạc như ốc đảo trên núi. Người dân khi đó chủ yếu tự sản xuất, sáng tạo ra những dụng cụ thiết yếu để phục vụ cuộc sống. Muốn mua hoặc bán cái gì họ phải cơm nắm, gùi hàng, băng rừng, lội suối để xuống các chợ ở xã vùng thấp. Mỗi lần như vậy, người dân phải đi mất một ngày, nếu chẳng may gặp những cơn mưa rừng, họ phải nghỉ lại qua đêm nhà người quen nào đó, thậm chí 2, 3 ngày mới về được đến nhà. Chia sẻ khó khăn với đồng bào nơi vùng cao này, Nhà nước đã đầu tư một tuyến đường nối từ xã Địch Giáo lên xã Lũng Vân. Khoảng 5 năm trở lại đây, tuyến đường tiếp tục mở rộng đến xã Ngổ Luông, Bắc Sơn. Đứng từ chân núi Cột Cờ nhìn lên đỉnh thung Mây, tuyến đường như một sợi chỉ mảnh uốn mình trên sườn núi. Tuy xa là vậy, đèo dốc là vậy, nhưng tuyến đường đã tạo cho các xã vùng cao gần trung tâm huyện hơn, mang một luồng gió mới đến với cuộc sống đồng bào nơi đây.

 

Lên đến lưng chừng dốc Mùn, xung quanh chúng tôi là trùng trùng non cao, núi thấp xanh bát ngát, bao bọc một vùng rộng lớn của Mường Bi. Dưới chân là những đám mây trắng lững lờ trôi. Khi những đám mây dần tan, chúng tôi ngỡ ngàng trước cánh đồng lúa chín vàng phía dưới thung lũng Mường Bi, trải dài xung quanh núi Cột Cờ. Cánh đồng Mường Bi được coi là vựa lúa của cả vùng. Những cánh đồng màu mỡ này không chỉ đem lại ấm no cho người dân mà còn mang tới sự trù phú cho bản mường.

 

Đến đầu xã Lũng Vân, chúng tôi thêm một lần dừng lại ở thung Tồm, dưới chân núi Bùn để chiêm ngưỡng những nương ngô. Bên cạnh lúa nước, ngô cũng là nguồn lương thực chủ yếu của người dân. Trước đây, ngô chỉ để sử dụng trong chăn nuôi. Từ khi con đường được thông thương, ngô đã trở thành hàng hóa. Lúc đầu chỉ có một vài hộ dân đến thung Tồm này để phát nương, làm rẫy. Vài năm gần đây, cả một vùng thung Tồm rộng lớn đã được khai hoang để trồng ngô. Với vùng tiểu khí hậu riêng có của vùng cao này, cây ngô lớn rất nhanh, cho bắp to, nhiều hạt. Tư thương kéo nhau ùn ùn đến đặt mua hết sau mỗi vụ thu hoạch. Nguồn thu từ ngô đã giúp nhiều hộ dân trở nên thoát nghèo.

 

 

Tình đất, tình người Mường Chậm

 

Lũng Vân là trung tâm của 5 xã vùng cao huyện Tân Lạc, còn được gọi với cái tên khác là Mường Chậm. Từ đây đến xã gần nhất khoảng 2 km, đến xã xa nhất cũng chưa tới 7 km. ấn tượng nhất ở Lũng Vân là những thửa ruộng bậc thang. Từ xóm Lở 1 nhìn xuống cánh đồng bậc thang các xóm Lở 2, Chiềng, Bục, mầu lúa chín vàng trải dài tầm mắt. Với nụ cười hiền lành, chất phác rạng rỡ trên gương mặt lấm tấm mồ hôi, mế Bùi Thị Phiên vui lòng nhận lời giúp chúng tôi ghi lại những hình ảnh lao động sản xuất của bà con nơi đây. Lúc thì cúi xuống gặt lúa, khi lại thu gom bó lúa, đứng ôm bó lúa để làm mẫu cho chúng tôi chụp ảnh. Phải dừng công việc, phải làm người mẫu bất đắc dĩ, nhưng nụ cười luôn túc trực trên môi mế Phiên. Những người phụ nữ khác cũng dừng tay hái, góp tiếng nói, tiếng cười râm ran lan tỏa trên khắp cánh đồng.

 

Thấy chúng tôi chụp ảnh xong, ông Hà Văn Bương ở xóm Lở 2 mời lên nhà sàn uống nước. Trong nhà đang có mấy người đàn ông nói chuyện vui vẻ bên ấm trà. Hỏi chuyện mới biết, họ vừa trở về từ cánh đồng trên tuốt lúa giúp người hàng xóm, đang chờ những người phụ nữ kia gặt xong thì làm tiếp. Ông Bương bộc bạch: ở đây chúng tôi thường giúp đỡ nhau như vậy, không bao giờ tính công. Nhà nào có việc thì hàng xóm đến giúp. Trong câu chuyện, ông Bương kể cho chúng tôi nghe cuộc sống của người dân, của bản mường. Có lẽ do thiên nhiên ưu đãi, khí hậu trong lành, người dân ôn hòa nên trong mường không bao giờ xảy ra xích mích. An ninh cũng tốt, gia đình nào đi làm đồng, bọn trẻ đi học hết không bao giờ phải đóng cửa, lo mất trộm. Cuộc sống vùng cao này cứ thanh bình trôi qua. Người già bảo ban con cháu lao động sản xuất. Bọn trẻ được học hành đến nơi đến chốn. Được Nhà nước quan tâm đầu tư hạ tầng cơ sở, các công trình công cộng nên đời sống của người dân cũng bớt phần khó khăn.

 

Điều đặc biệt ở Lũng Vân nói riêng và các xã vùng cao huyện Tân Lạc nói chung là việc người dân vẫn giữ thói quen làm nhà sàn để ở. Chỉ có trụ sở làm việc, trường học, trạm y tế là xây dựng kiên cố, còn lại đều là nếp nhà sàn truyền thống, có nhà đến hơn trăm năm tuổi. Thanh niên lập gia đình bố mẹ cho ra ở riêng cũng được hàng xóm giúp đỡ để làm nhà sàn. Ở xóm Rồ, xã Nam Sơn, chúng tôi gặp một nhóm thợ đang giúp gia đình anh Đinh Văn Bằng làm nhà mới. Anh Bằng bảo: “Gỗ rừng bây giờ hiếm và Nhà nước không cho khai thác. Trước đây bố mẹ 2 gia đình giữ được một ít, cộng với bạn bè, anh em giúp đỡ và tận dụng gỗ vườn nhà, tích góp mấy năm mới làm được ngôi nhà này. Dù là lớp trẻ, thế nhưng anh Bằng và các bạn cùng trang lứa muốn gìn giữ nếp nhà sàn truyền thống, bảo tồn những nét đẹp văn hóa, phong tục, tập quán của cha ông truyền lại.

 

Vượt qua 12 km lên với trung tâm cụm xã vùng cao Lũng Vân, ở mỗi chặng đường đi qua đã để lại cho chúng tôi những cung bậc cảm xúc khác nhau, từ những đổi thay kỳ ảo của thung Mây, đến sự trù phú của đất đai mà thiên nhiên ban tặng cho mỗi bản Mường nơi đây. Đã một lần được chinh phục tuyến đường lên các xã vùng cao của huyện Tân Lạc, hẳn ai cũng đều lưu giữ riêng cho mình một dấu ấn khó phai, thêm một lời hẹn để được quay lại chiêm ngưỡng, chứng kiến sự đổi thay qua mỗi mùa của vùng thung Mây, cổng trời này.

 

                                                                   

 

 

                                                                               Ngọc Vinh

 

 

 

Các tin khác


Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Lắng đọng, thiêng liêng ở Nghĩa trang Hàng Dương

Nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo trong những ngày Xuân đón du khách ở mọi miền đất nước đến thăm viếng. Từ sáng sớm đến 24h, những nén hương, những bông hoa thơm ngát, tinh khôi được thắp, dâng trang trọng trên những phần mộ đem đến cho ta những cảm xúc trào dâng. Trong khuôn viên rất nhiều loài hoa khoe sắc như muốn chia sẻ, tri ân những người con đã nằm lại nơi đây.

Lừa đảo xuất khẩu lao động - cạm bẫy “việc nhẹ, lương cao”

Lợi dụng việc một bộ phận người dân có nhu cầu tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ), thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện các chiêu lừa XKLĐ khiến không ít người lâm vào cảnh éo le. Thậm chí nhiều trường hợp đứng trước "nanh vuốt” của bọn tội phạm mua bán người...

Sáng mãi màu áo xanh tình nguyện

"Năm 2024, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn thống nhất lựa chọn chủ đề công tác là "Năm Thanh niên tình nguyện”. Đây là năm đánh dấu nhiều sự kiện đặc biệt có ý nghĩa trong phong trào thanh niên tình nguyện, như: kỷ niệm 60 năm phong trào "Ba sẵn sàng”, 10 năm "Năm Thanh niên tình nguyện”, 25 năm Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè. Vì vậy, tổ chức Đoàn các cấp cần phải xem đây là một năm sôi động các hoạt động thanh niên tình nguyện trên toàn quốc với sự tham gia đông đảo của các tầng lớp thanh niên Việt Nam" - đồng chí Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn nhấn mạnh tại hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn lần thứ tư, khoá XII (tháng 1/2024).

Xung quanh việc xây dựng trụ sở và công trình văn hóa tâm linh tại thành phố Hòa Bình: Bài 2 - Công trình không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, vi phạm trật tự xây dựng?

Liên quan đến việc xây dựng chùa Hòa Bình và các công trình phụ trợ, thời gian qua, một số cơ quan thông tin, báo chí đưa tin cho rằng: công trình này không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; vi phạm các quy định của pháp luật về thủ tục đầu tư; còn để xảy ra nhiều sai phạm liên quan đến trật tự xây dựng. Trước những vấn đề được dư luận xã hội và người dân quan tâm, các cơ quan chức năng của tỉnh và UBND thành phố Hòa Bình (TPHB) đã có thông tin phản hồi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục