Với ông Nguyễn Xuân Hiền – Trưởng Ban liên lạc Hội Hưu trí TCT Sông Đà tại Hòa Bình, những tài liệu về quá trình xây dựng công trình thủy điện Hòa Bình là tài sản vô giá giúp ông nhớ lại thời gian đầy tự hào mà mình đã trải qua.

Với ông Nguyễn Xuân Hiền – Trưởng Ban liên lạc Hội Hưu trí TCT Sông Đà tại Hòa Bình, những tài liệu về quá trình xây dựng công trình thủy điện Hòa Bình là tài sản vô giá giúp ông nhớ lại thời gian đầy tự hào mà mình đã trải qua.

(HBĐT) - 15 năm xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, trong chừng ấy thời gian, “Công trường thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh” luôn ầm vang tiếng thi công chạy đua không ngừng với tiến độ. Một khối lượng công việc khổng lồ đã được hàng chục ngàn người “lính” công trường hoàn thành xuất sắc sau hơn 4.400 ngày đêm quên ăn, quên ngủ. Họ - những công nhân sông Đà khi xưa đã làm việc hết mình giống như những người lính đã quên mình chiến đấu vì màu cờ của Tổ quốc. Gặp lại họ ngày hôm nay vẫn thấy rạo rực trong trái tim họ niềm tự hào khi nhớ về quãng thời gian đã cống hiến tuổi thanh xuân cho một đại công trình mang tầm vóc thế kỷ: công trình thủy điện Hòa Bình.

 

Ông Nguyễn Xuân Hiền (phường Tân Thịnh, TPHB) thuộc lớp người đầu tiên về đây để tham gia xây dựng công trình TĐHB. Năm 1975, khi đó, ông là chàng thanh niên 23 tuổi “sức dài, vai rộng” và tràn đầy nhiệt huyết cống hiến. Từng tham gia xây dựng Nhà máy thủy điện Thác Bà – đứa con đầu lòng của ngành thủy điện Việt Nam, chàng trai Nguyễn Xuân Hiền đã hiểu thế nào là khó khăn của người đi xây thủy điện. Nhưng những năm tháng xây dựng thủy điện trên sông Đà còn khó khăn hơn nhiều. Thách thức đặt ra cho hàng chục nghìn công nhân trẻ như Hiền giống như một kỳ tích ngoạn mục: trị thủy sông Đà, ngăn dòng chảy hung hãn của Hắc Giang để xây dựng trên đó một công trình thủy điện mang tầm vóc thế kỷ có nhiệm vụ cung ứng điện cho cả nước.

 

Tham gia trọn vẹn quá trình xây dựng TĐHB từ những ngày đầu chuẩn bị khởi công đến những ngày cuối cùng hoàn thành công trình, ông Nguyễn Xuân Hiền cảm thấy tự hào khi được đóng góp cho một công trình vĩ đại đến thế. Ông nhớ rất rõ: Sáng ngày 6/11/1979, vào dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga lần thứ 62, dưới chân đồi Ông Tượng, tiếng mìn khởi công công trình thủy điện Hòa Bình vang lên, làm bùng nổ lòng nhiệt huyết của hàng chục nghìn người sẵn sàng tham gia xây dựng. Đây là nhà máy thủy điện có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp và giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Vì thế, trọng trách đặt lên vai họ là rất nặng nề. Gần 3 năm sau ngày khởi công, tháng 10/1982, Chính phủ ban hành quyết định cho công trường TĐHB được mang tên “Công trường đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh” (gọi tắt là công trường thanh niên cộng sản).

 

Công trường thanh niên cộng sản hoạt động sôi nổi ngày đêm đồng nghĩa với vô vàn khó khăn dồn lên bàn tay và khối óc của những cán bộ, công nhân xây thủy điện. Áp lực đẩy nhanh tiến độ thi công khiến ai cũng phải dồn sức để làm việc. Ông Nguyễn Văn Tiến (phường Hữu Nghị, TPHB) xúc động cho biết: “Đó là những tháng ngày đáng nhớ nhất trong cuộc đời tôi, gian khó nhất nhưng cũng tự hào nhất”.

 

Ông Tiến vốn là bộ đội chuyển ngành sang làm công nhân xây dựng thủy điện bắt đầu từ năm 1961. Sau hơn chục năm góp sức xây dựng công trình thuỷ điện Thác Bà, năm 1975, ông về Hòa Bình tham gia xây dựng công trình TĐHB. Quê gốc ở Diễn Châu (Nghệ An) nhưng tuổi trẻ của ông, gia đình và sự nghiệp của ông đều gắn liền với mảnh đất Hoà Bình. Cơ duyên đó bắt đầu từ những ngày lên đây xây thủy điện. Vợ ông cũng là “lính” công nhân sông Đà và cũng như ông, bà luôn cảm thấy tự hào vì đã góp sức xây dựng nên một công trình vĩ đại đến thế!

 

Ngày 4/4/1994 có thể coi là ngày kết thúc xây dựng Nhà máy TĐHB khi tổ máy thứ 8 đi vào vận hành. 15 năm kể từ ngày nổ mìn khởi công, biết bao kỷ niệm trong suốt 4.400 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm”. Một khối lượng công việc khổng lồ đã được hoàn thành xuất sắc. Những người làm thủy điện có quyền tự hào về thành quả mình tạo ra. Họ xứng đáng được biết đến như những người làm nên kỳ tích với đại công trình được so sánh như một huyền thoại: xây dựng trên con sông Đà nổi tiếng là bất trị một nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á, cung cấp nguồn điện năng lớn nhất cho cả nước. Công trình thể hiện một cách sừng sững tinh thần “dời non, lấp biển” của thời đại. Nó bất biến, giống như niềm tự hào luôn cháy rạo rực trong trái tim những người “lính” công nhân sông Đà hôm nay.

 

Ông Nguyễn Xuân Hiền tâm sự: Được góp sức xây dựng một công trình vĩ đại, đó là niềm tự hào chung của hơn 3.000 công nhân sông Đà đã nghỉ hưu và đang sinh sống tại Hoà Bình. Niềm tự hào đó đã kết nối chúng tôi để cùng hình thành nên một tổ chức hưu trí ngày càng phát triển vững mạnh: Hội hưu trí Tổng công ty Sông Đà tại Hoà Bình. Với nhiều hoạt động ý nghĩa, Hội đã thực sự trở thành mái nhà chung của các thế hệ cựu công nhân sông Đà đang sinh sống tại Hoà Bình. Đây là mái nhà chung của các thế hệ công nhân sông Đà góp phần củng cố tình đoàn kết giữa những người đã từng gắn bó cuộc đời mình với tên tuổi của một công trình vĩ đại.

 

Được biết, Hội hưu trí Tổng công ty Sông Đà tại Hoà Bình được thành lập từ năm 1999. Ngay từ khi mới thành lập đã thu hút 1.200 hội viên tham gia, sinh hoạt tại 4 chi hội, 45 tổ hưu. Đến nay, Hội thành lập được 5 chi hội, 78 tổ hưu, kết nạp 3.255 hội viên. Liên tục trong 15 năm qua, các chi hội, tổ hưu luôn sinh hoạt đều đặn, Ban liên lạc Hội duy trì giao ban với các chi hội vào ngày 25 hàng tháng để trao đổi công việc, thanh quyết toán tài chính và kịp thời giải quyết các ý kiến, kiến nghị của hội viên. Đặc biệt, xác định rõ ý nghĩa và vai trò quan trọng của công tác tình nghĩa, trong 15 năm qua, Hội đã thiết thực triển khai nhiều hoạt động như thăm hỏi hội viên ốm đau, giúp đỡ hội viên gặp khó khăn, hoạn nạn, mừng thọ khi hội viên đến tuổi 70, 80, 90, phúng viếng khi có hội viên qua đời… Những hoạt động mang đậm nghĩa tình đã kết nối hàng nghìn hội viên, sưởi ấm trái tim những người “lính” đi xây dựng thuỷ điện khi xưa, để họ thấy truyền thống ân tình của những người làm thủy điện vẫn được nối dài từ quá khứ đến hiện tại. Truyền thống đó sẽ mãi trường tồn với thời gian, giống như sự trường tồn của công trình mang tầm vóc thế kỷ: Công trình thủy điện Hòa Bình./.   

 

 

                                                               

                                                                        Thu Trang

 

 

Các tin khác


Xung quanh việc xây dựng trụ sở và công trình văn hóa tâm linh tại thành phố Hòa Bình: Bài 2 - Công trình không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, vi phạm trật tự xây dựng?

Liên quan đến việc xây dựng chùa Hòa Bình và các công trình phụ trợ, thời gian qua, một số cơ quan thông tin, báo chí đưa tin cho rằng: công trình này không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; vi phạm các quy định của pháp luật về thủ tục đầu tư; còn để xảy ra nhiều sai phạm liên quan đến trật tự xây dựng. Trước những vấn đề được dư luận xã hội và người dân quan tâm, các cơ quan chức năng của tỉnh và UBND thành phố Hòa Bình (TPHB) đã có thông tin phản hồi.

Xung quanh việc xây dựng trụ sở và công trình văn hóa tâm linh tại thành phố Hòa Bình: Bài 1 - Các cơ quan chức năng đề nghị điều chỉnh quy mô xây dựng chùa Hòa Bình

Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh về việc xem xét, kiểm tra, rà soát các nội dung liên quan đến công tác quy hoạch, thu hồi đất để thực hiện xây dựng trụ sở và công trình văn hóa tâm linh chùa Hòa Bình tại đồi Ba Vành, thuộc tổ 8, phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình (TPHB), ngày 19/1/2024, Sở Xây dựng (SXD) đã tổ chức họp với các sở, ngành, UBND TPHB và Ban trị sự Giáo hội Phật giáo (GHPG) tỉnh. Sau cuộc họp, các sở, ngành, UBND TPHB đã đưa ra những kiến nghị với UBND tỉnh về việc điều chỉnh quy mô xây dựng chùa Hòa Bình.

Thiêng liêng ngày hội tòng quân

Không phải tiếng trống giục giã, cũng không phải ngọn đuốc thắp lên bằng ngọn lửa truyền thống, mà chính nhiệt huyết của tuổi trẻ mới là thứ làm bùng lên không khí thiêng liêng trong ngày hội tòng quân năm 2024. Đây chính là ngày hội của tuổi trẻ, của thanh niên ưu tú - những người đã biết đặt Tổ quốc ở trong tim...

Chuyện về nhạc phẩm “Lá thư DK” trên biển

Trong một đêm cuối năm Quý Mão 2023, con tàu Trường Sa 04 bền bỉ đè sóng tiến về phía bãi cạn Cà Mau, nơi có nhà giàn DK1/10… Bỗng trong tiếng sóng biển ầm ào và gió thổi ràn rạt dọc các boong tàu, vẳng tiếng đàn ghi ta và tiếng hát của một vài chiến sĩ hải quân. Tiếng đàn thánh thót và da diết của Trung tá Trịnh Văn Nghị, Chính trị viên phó Tiểu đoàn DK1 hòa vào giọng hát khá tình cảm của nhóm cán bộ, chiến sĩ trên tầng 3 con tàu: "Anh kể lại nơi anh những lúc biển cuồng phong/ Biển giận dữ hung tàn quá đỗi/ Nhà giàn kiên trung giữ vững thềm lục địa/ Như tình anh yêu em, tình yêu bất tận…”. Các anh đang tập bài hát mới "Lá thư DK” của ca sĩ, nhạc sĩ, Phó đoàn Nghệ thuật Bông Sen (TP Hồ Chí Minh), thành viên của đoàn sáng tác trong chuyến hải trình DK1…

Huyện Lạc Thủy: Ước vọng đầu Xuân mới

Mùa Xuân đến mang theo hơi ấm của đất trời, đem đến sức sống mới cho vạn vật. Đó cũng là thời điểm cảm xúc của mỗi người lại trào dâng với niềm tự hào, tin tưởng, đoàn kết một lòng đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn. Xuân mới, niềm tin khát vọng mới, bao dự định được gửi gắm, thôi thúc mỗi chúng ta cố gắng phấn đấu vươn lên, xây dựng quê hương Lạc Thủy giàu đẹp.

Người góp phần nâng tầm sản phẩm mang giá trị văn hoá Hoà Bình

Quá trình công tác nhiều năm trong cơ quan nhà nước của tỉnh, chị Hoàng Việt Hà (TP Hoà Bình) có cơ hội tiếp cận, nghiên cứu về lĩnh vực văn hoá, từ đó nuôi dưỡng tình yêu ngày càng lớn đối với văn hoá bản địa. Đây được xem là cơ duyên để năm 2022, sau dự định ấp ủ, chị đứng ra mở cửa hàng quà tặng với tên gọi Hoa Đất Mường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục