40 năm, những người lính từng chiến đấu tại chiến trường B3 giải phóng Tây Nguyên vẫn là đồng chí, đồng đội sát cánh bên nhau.

40 năm, những người lính từng chiến đấu tại chiến trường B3 giải phóng Tây Nguyên vẫn là đồng chí, đồng đội sát cánh bên nhau.

(HBĐT) - “Thế nào, khỏe chứ?! Nhìn mày tao vẫn thấy ghét”; “Sao rồi, vết thương cũ có còn hay tái phát nữa không?!”; “Mảnh đạn còn trong người cũng đã được 40 năm rồi đấy nhỉ”... Tròn 40 năm, những người lính, người bạn chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên (chiến trường B3), Quân đoàn 3 gặp lại nhau bằng ký ức thủa 18, đôi mươi. Họ vẫn là những anh lính thủa nào. Trẻ trung, sôi nổi, hồn nhiên, tếu táo...

 

Ký ức tuổi 20!

 

“Tôi là lính thuộc E367, F320, Quân đoàn 3”. Câu chuyện của CCB Trần Mạnh Dương ở thị trấn Lương Sơn (Lương Sơn) đã mở đầu đặc chất lính như vậy. Ông kể: Tính ra, tôi đi bộ đội cũng khá muộn. Khi nhập ngũ đã 24 tuổi. Nhưng tôi lại có vinh dự được tham gia những trận đánh lớn ở Gia Lai, Kom Tum - chiến trường B3 (Tây Nguyên) rồi sau đó được đi đến tận cuối cuộc chiến. Hơn nữa là được chứng kiến, vỡ òa trong cảm xúc, niềm vui của ngày toàn thắng.

 

Cùng chung tâm trạng đó, hơn 200 CCB từng tham gia chiến đấu tại chiến trường B3 năm nào tụ hội về bên nhau trong lễ kỷ niệm 40 năm giải phóng Tây Nguyên, 40 năm thành lập Quân đoàn 3. Họ đã cùng nhau sẻ chia những nụ cười, những nỗi đau mất mát, nhớ về những đồng chí, đồng đội từng sát cánh, chiến đấu bên nhau. Trong đó có những người ra đi khi còn quá trẻ. Sống, họ chiến đấu anh dũng. Chết trên môi họ vẫn nở nụ cười. Trở về từ cuộc chiến, phần ký ức đó, dường như vẫn còn hiện hữu trong ánh mắt của những người lính từng chiến đấu ở chiến trường B3 năm xưa. Gặp lại nhau, có những người đã khóc nấc. Trên khuôn mặt vẫn còn những dạn dày nắng mưa, sương gió của những ngày “Trường Sơn chuyển mình, Pô Kô dậy sóng, quét sạch quân thù, giải phóng Tây Nguyên” là những giọt nước ân tình, niềm vui, hạnh phúc vỡ òa. CCB Lương Công Hiển nhớ lại: Ngày 18/1/1975, chúng tôi những người con của tỉnh Hòa Bình thuộc tiểu đoàn 647, Sư 320B rời Yên Thủy lên đường vào Nam chiến đấu bằng đôi chân của tuổi trẻ. Sau một thời gian hành quân vượt qua bao gian nan, vất vả, đến đầu tháng 4/1975, chúng tôi vào đến Tây Nguyên an toàn. Ngay khi vào đến mặt trận B3, anh em được bổ sung đến các đơn vị chủ lực ở chiến trường. Trong đó, chủ yếu được biên chế vào Trung đoàn bộ binh 28 và Trung đoàn 66. Trận đầu tiên chúng tôi tham gia đó là trận đánh tiến công cắt đường 14 từ Kon Kô đến bắc Đắk Uy và cống Ba Lỗ. Tiếp đó là trận tiến công hiệp đồng binh chủng đánh vào căn cứ 42 Tân Cảnh...

 

Như những cơn bão lốc những cánh quân, người lính của Quân đoàn 3 đã liên tục tiến công địch trên các hướng, đập tan những “cánh cổng thép” của những đội quân địch thiện chiến được xe tăng, thiết giáp, pháo binh và máy bay yểm trợ... Trong khoảng thời gian từ ngày 1/3/1975 - 1/4/1975, các đơn vị của Quân đoàn 3, trong đó có nhiều người con Hòa Bình đã liên tục tiến công địch trên tất cả các mũi, các hướng, đập tan Lữ đoàn dù số 3 - đứa con cưng của quân đội ngụy quyền. “Cánh cửa thép” chốt giữ cuối cùng ngăn không cho ta tiến về đồng bằng đã bị đập nát, đèo Phượng Hoàng được mở toang buộc địch rút chạy khỏi Tây Nguyên. Chiến thắng Tây Nguyên đã tạo đà cho bộ dội ta tiến về giải phóng vùng đồng bằng, giải phóng Nha Trang, Cam Ranh... để đi đến trận cuối cùng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, non sông thu về một mối.

 

40 năm, nhưng ký ức về những trận đánh, những gương mặt đồng đội vẫn còn lấm lem bụi đất, ám mùi thuốc súng vẫn còn vẹn nguyên trong ký - ức - tuổi 20 của những người CCB năm xưa. “Đó vẫn luôn là những khoảnh khắc tự hào của những người đi qua chiến trận” CCB Tạ Duy Sản, nguyên là chiến sỹ pháo binh ở mặt trận B3 chia sẻ.

 

“Tây Nguyên! Ai một lần qua đó...”

 

“Tháng 3, mùa con ong đi lấy mật, mùa con voi xuống sông uống nước, mùa em đi phát rẫy làm nương nhưng đó cũng là thời khắc để chúng tôi cùng nhớ về những gian khó, nhớ về những đồng chí, đồng đội trong những năm tháng hào hùng hy sinh xương máu để có một Tây Nguyên tươi đẹp như ngày hôm nay. Chỉ có những ai đã từng đi qua cuộc chiến, từng  đi qua những mùa binh lửa nơi rừng hoa dã quỳ nở vàng rực mới thấm thía một điều “Tây Nguyên! Ai một lần qua đó; suốt cuộc đời nhớ lại vẫn thương nhau”. Đồng chí Hoàng Việt Cường, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban liên lạc Sư đoàn 320, Quân đoàn 3 tại Hòa Bình bồi hồi xúc động.

 

Những cuộc đời ấy, đến nay dù đã đi thêm 40 mùa con ong đi lấy mật, 40 mùa hoa dã quỳ nở vàng rực cả đất trời Tây Nguyên nhưng những địa danh Plây Cần, Đắc Tô, Tân Cảnh, Trung Nghĩa, Chư Nghé, Đức Cơ, Plây Me, sân bay Hòa Bình, kho Mai Hắc Đế, đèo An Khê, Măng Giang, Phượng Hoàng, những con đường số 7, 14, 18, 19, 21..., những dòng sông Pô Kô, Sa Thầy, Sê Sụ, Xê Rê Pốc... dường như vẫn còn in đậm dấu chân những người lính mặt trận Tây Nguyên. Cũng chính ở đây, chính những mùa chiến trận khó khăn, gian khổ, ác liệt đã gắn kết những người lính để rồi “ai một lần qua đó, suốt một đời nhớ lại vẫn thương nhau”.

 

Thương nhau, nói như Thiếu tướng Mai Hồng Bĩnh, nguyên là một người lính từng chiến đấu ở chiến trường B3 thì anh em chúng tôi thương nhau, nhớ nhau cả đời là vì chúng tôi đã từng sống, chiến đấu trong gian khổ, hy sinh bởi nếu nói về sự gian khổ, ác liệt không ở đâu bằng chiến trường B3. Máu đồng đội chảy, chúng tôi cũng chẳng còn nước mắt để khóc nữa. Có ai từng sống, chiến đấu ở chiến trường B3 thấy, mới hiểu hết được sự can trường, sức chịu đựng, sự hy sinh xương máu của người lính trong chiến trận. Có những câu chuyện ở B3 đến giờ nhớ lại, chúng tôi còn chảy nước mắt thương cho đồng chí, đồng đội; có những người lính khi lên bàn mổ mà không có một chút thuốc tê... Càng gian khổ, người lính chúng tôi lại càng thương nhau. Dù đói khát nhưng vẫn nhường nhịn, san sẻ cho nhau từng viên thuốc, ngụm nước, ngọn rau, hạt gạo và cả nụ cười giòn tan giữa bom đạn chiến tranh ác liệt.

 

Khó khăn ở đây khó có ai và khó có thể kể hết ra được, nhưng có một điều mà suốt 40 năm qua những người lính đã từng chiến đấu ở mặt trận Tây Nguyên vẫn luôn giữ đó là tình đồng chí, đồng đội. Họ giữ cho mình, chỉ đơn giản để mỗi lần nhớ lại “vẫn còn thấy thương nhau”; vẫn mày, tao, chí tớ như ký ức thủa 18, đôi mươi, trong ánh mắt vẫn còn vàng rực màu hoa dã quỳ trong mùa chiến trận.

 

                                                                              

 

                                                               Mạnh Hùng

 

 

Các tin khác


Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Lắng đọng, thiêng liêng ở Nghĩa trang Hàng Dương

Nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo trong những ngày Xuân đón du khách ở mọi miền đất nước đến thăm viếng. Từ sáng sớm đến 24h, những nén hương, những bông hoa thơm ngát, tinh khôi được thắp, dâng trang trọng trên những phần mộ đem đến cho ta những cảm xúc trào dâng. Trong khuôn viên rất nhiều loài hoa khoe sắc như muốn chia sẻ, tri ân những người con đã nằm lại nơi đây.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục