CCB Tạ Duy Sản trong một lần trò chuyện, tiếp lửa truyền thống với thế hệ thanh niên phường Tân Thịnh, thành phố Hoà Bình.

CCB Tạ Duy Sản trong một lần trò chuyện, tiếp lửa truyền thống với thế hệ thanh niên phường Tân Thịnh, thành phố Hoà Bình.

(HBĐT) - “... Xưa có một màu xanh cây lúa, bước lên đường hôm nào. Nay đã thành một chiến sỹ pháo binh, đứng vững trên chiến hào...”. Trong những cuộc chiến, người chiến sỹ pháo binh ấy đã 2 lần vinh dự được tặng danh hiệu “dũng sỹ bắn máy bay”. Ông là Tạ Duy Sản, phó Chủ nhiệm UBKT Đảng ủy phường Tân Thịnh, thành phố Hoà Bình.

 

Đi theo tiếng gọi từ phương Nam...

 

“Đầu năm 1966, theo tiếng gọi của Đảng, của Bác Hồ, tôi đã làm đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Được biên chế vào đơn vị pháo cao xạ c1, d14, e210 bảo vệ khu gang thép Thái Nguyên...”. Câu chuyện của CCB Tạ Duy Sản được mở đầu thật tự nhiên như vậy. Sau quá trình huấn luyện, tham gia bảo vệ khu gang thép Thái Nguyên, anh lính pháo binh Tạ Duy Sản  cùng đồng đội được giao nhiệm vụ bảo vệ sân bay Kép (Bắc Giang), cầu Thị Cầu (Bắc Ninh) sân bay Bạch Mai (Hà Nội). Sau đó, anh lính Tạ Duy Sản cùng đồng đội lên đường vào Nam chiến đấu.

 

Ngày ấy, con đường vào Nam không phải là trên những chuyến tàu tốc hành mà con đường là trên đôi chân những người lính. Bắt đầu từ Thanh Hóa, ngày đi, đêm nghỉ, sau hơn 10 ngày hành quân, Tạ Duy Sản cùng đồng đội đến vùng đất Nghi Lộc (Nghệ An). “Trong 15 ngày dừng chân ở Nghi Lộc, lần đầu tiên, tôi trực tiếp tham gia chiến đấu với máy bay Mỹ khi chúng đến đánh phá Cửa Lò. Trong trận đánh này, tiểu đoàn chúng tôi đã bắn rơi 1 máy bay A4D”, CCB Tạ Duy Sản bồi hồi nhớ lại. Theo tiếng gọi từ tiền phương, đơn vị của Tạ Duy Sản hành quân đến sông Bến Hải (Quảng Trị). Tháng 11/1966, lúc này c1, d14, e210 của Tạ Duy Sản được đổi tên thành c5, d75 Quân khu 4 tiền phương được lệnh vượt sông Bến Hải vào bờ Nam thực hiện nhiệm vụ phục kích đánh quân đổ bộ đường không và các loại máy bay bay thấp. Trong thời gian này, anh lính Tạ Duy Sản cùng đồng đội đã dũng cảm chiến đấu, bắn rơi 1 máy bay F4H và máy bay vận tải C123 ở tây cứ điểm Cồn Tiên (Quảng Trị). Tiếp đó, đến tháng 7/1967, trong trận đánh và ô cứ điểm Cồn Tiên, đơn vị của Tạ Duy sản đã bắn rơi 1 máy bay cường kích OV10. Tổng kết chiến dịch, Tạ Duy Sản được bầu là chiến sỹ thi đua và được tặng thưởng Huân chương Chiến công. Đến đầu năm 1968, do yêu cầu của mặt trận, đơn vị của Tạ Duy Sản đã giao quân cho Sư đoàn 324 để vào Huế, còn ông cùng cán bộ khung ra Quảng Bình nhận quân mới. Sau 1 tháng huấn luyện, ông lại tiếp tục cùng đơn vị vào Nam chiến đấu. Khi đang chuẩn bị hành quân vượt đường 9 - Khe Sanh, địch cho pháo binh và máy bay dọn bãi ở cao điểm 710. Do có phương án từ trước, đơn vị đã triển khai chiến đấu ngay. Trong 3 ngày 15 - 17/7/1968, đơn vị đã liên tục bắn rơi 7 máy bay CH47. Trong đó, Tạ Duy Sản đã bắn rơi tại chỗ 1 chiếc. Sau trận đánh này, anh lính Tạ Duy Sản đã vinh dự được phong tặng danh hiệu “dũng sỹ bắn máy bay”. Đến tháng 8/1969, đơn vị của Tạ Duy Sản lại bắn rơi 3 máy bay; đầu năm 1970, đơn vị của Tạ Duy Sản đã liên tiếp bắn rơi 6 máy bay, diệt 337 tên địch trong trận bao vây công kích cao điểm 467 tại Plâycần (Ngọc Hồi).

 

... Trở thành “dũng sỹ bắn máy bay”

 

Trên những chặng đường chiến đấu, với anh lính Tạ Duy Sản không chỉ có máu và nước mắt, mà ở đây còn có cả những niềm tự hào. Nói như CCB Tạ Duy Sản đó là tôi đã tham gia chiến đấu và góp công sức nhỏ bé vào việc cùng với đồng chí, đồng đội bắn rơi hơn 80 máy bay các loại. Trong đó, bản thân tôi đã bắn rơi 2 chiếc để góp vào thành tích chung của đơn vị. Trong số 2 chiếc máy bay Tạ Duy Sản bắn hạ có 1 chiếc bị bắn hạ bằng súng... tiểu liên AK. Theo trí nhớ của CCB Tạ Duy Sản, vào ngày 3/5/1972, khi đang chốt ở cao điểm 751, cách thị xã Kom Tum 6 km về phía tây bắc có 2 chiếc OH6A và 3 chiếc trực thăng vũ trang AH1G quần thảo tìm mục tiêu bắn phá. Khi đó, trên trận địa chỉ có tôi và đồng chí tên Huynh. Sau khi hội ý chớp nhoáng, cả hai chúng tôi đã thống nhất đồng chí Huynh bắn 12,7 mm còn tôi bắn bằng tiểu liên AK. Đợi cho 2 chiếc OH6A đi vào trận địa, cả 2 bất ngờ nổ súng. Cả 2 chiếc máy bay trúng đạn rơi ngay tại chỗ. Ngay sau khi bị mất 2 chiếc máy bay OH6A, 3 chiếc máy bay trực thăng vũ trang AH1G đã đồng loạt phóng rocket vào trận địa. Tuy nhiên, hàng tấn bom đạn dội xuống cũng chỉ làm... đứt dây điện thoại liên lạc của đơn vị. Sau trận đánh đó, ông đã được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng ba và phong tặng danh hiệu “dũng sỹ bắn máy bay” lần 2. Cứ thế, đi tiếp trên con đường chiến thắng của cả dân tộc, anh lính Tạ Duy Sản đã lập thêm được nhiều chiến công. Đến cuối con đường đã được hưởng trọn vẹn niềm vui trong ngày đại thắng khi đã cùng đồng đội tiến về giải phóng Sài Gòn trưa ngày 30/4/1975.

 

Dù đã 40 năm nhưng những ký ức thủa nào vẫn như vẹn nguyên trong tâm trí CCB Tạ Duy Sản. Những ký ức đó, giống như một ngọn lửa được ông truyền cho các thế hệ trẻ sau này. Ông chia sẻ: Có làm như vậy, các cháu mới biết được cha anh mình thủa trước đã phải chịu đựng gian khổ, kiên cường và anh dũng như thế nào để giành độc lập, tự do. Trở về từ sau cuộc chiến, CCB Tạ Duy Sản đã luôn phát huy bản chất anh bộ đội Cụ Hồ, nhiệm vụ nào được giao cũng hoàn thành xuất sắc. Đến bây giờ, dù đã 70 tuổi nhưng ông vẫn mang nhiệt huyết của người lính đi tiếp lửa cho thế hệ trẻ.

                                                                                           

 

                                                                                Mạnh Hùng

 

 

 

Các tin khác


Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Lắng đọng, thiêng liêng ở Nghĩa trang Hàng Dương

Nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo trong những ngày Xuân đón du khách ở mọi miền đất nước đến thăm viếng. Từ sáng sớm đến 24h, những nén hương, những bông hoa thơm ngát, tinh khôi được thắp, dâng trang trọng trên những phần mộ đem đến cho ta những cảm xúc trào dâng. Trong khuôn viên rất nhiều loài hoa khoe sắc như muốn chia sẻ, tri ân những người con đã nằm lại nơi đây.

Lừa đảo xuất khẩu lao động - cạm bẫy “việc nhẹ, lương cao”

Lợi dụng việc một bộ phận người dân có nhu cầu tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ), thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện các chiêu lừa XKLĐ khiến không ít người lâm vào cảnh éo le. Thậm chí nhiều trường hợp đứng trước "nanh vuốt” của bọn tội phạm mua bán người...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục