Nét thanh bình trên mặt hồ Ba Bể.

Nét thanh bình trên mặt hồ Ba Bể.

(HBĐT) - Dòng nước xanh thăm thẳm giữa điệp trùng màu xanh của núi rừng, hồ Ba Bể như một tấm gương màu ngọc phản chiếu bóng núi, rừng cây. Điểm xuyết giữa dòng xanh thẳm ấy là hình ảnh cô gái Tày trong sắc áo chàm nhẹ lướt trên những chiếc thuyền độc mộc. Phong cảnh ấy tựa một bức tranh thủy mặc hữu tình, nên thơ.

 

Vốn quen với sự mênh mang, choáng ngợp của cảnh sắc hồ thủy điện sông Đà nhưng có dịp được đến với Bắc Kạn, tôi vẫn thấy chộn rộn mong sớm được đặt chân tới điểm du lịch quốc gia hồ Ba Bể. Người đóng vai trò là hướng dẫn viên du lịch cho chúng tôi hôm ấy là anh Nguyễn Nghĩa - phóng viên Báo Bắc Kạn. Sau gần 2 tiếng đi ôtô, hồ Ba Bể dần hiện ra với những dữ liệu “sống”: có nhiều suối ngầm và hang động, Ba Bể là hồ nước ngọt thiên nhiên lớn nhất Việt Nam được hình thành từ cách đây 200 triệu năm. Gọi là Ba Bể bởi hồ do ba nhánh sông Pé Lầm, Pé Lù, Pé Lèng hợp thành. Xung quanh hồ là quần thể du lịch ao Tiên, gò Bà Gúa, động Puông, thác Đầu Đẳng...  Nước hồ có màu xanh ngọc, trong lành với diện tích mặt hồ khoảng 600 ha, chiều dài gần 8 km, rộng 3 km, sâu 20-30 m... Ngoài những giá trị về cảnh quan địa chất, hồ Ba Bể còn là nơi cư ngụ của hơn 50 loài cá nước ngọt. Đây thực sự là một kỳ quan thiên tạo. Động Puông với vòm cao hàng chục mét, dài hơn trăm mét, trong ánh sáng mờ ảo làm du khách liên tưởng các cột nhũ đá như những cột tiền sảnh của lâu đài nguy nga tráng lệ. Theo các nhà khoa học, hồ Ba Bể nằm trong vùng địa hình caxtơ. Hồ được hình thành do một sự biến động địa chất rất lớn và đột ngột, làm lở các khối núi đá vôi tạo thành.

 

Đến hồ, có một nơi không thể không đến, đó là ao Tiên. Đứng ở lối lên ao nhìn về phía mặt trời lặn sẽ thấy một triền đá nhô cao, tương truyền là nơi các vị thần tiên chơi cờ. Cứ theo lối này mà ngược lên dốc đá khoảng 200 m đến ao Tiên. Ao Tiên có hình tròn, rộng hơn 1.000 m2,  biệt lập với hồ, không có nguồn nước chảy vào hay thoát ra. Có lẽ ao này ngày xưa tiên đã tắm nên gọi ao Tiên... Theo mạch dẫn chuyện đó, huyền thoại hồ Ba Bể về người phụ nữ góa chồng nhân hậu và những mảnh vỏ trấu làm thuyền độc mộc cứu người trong nạn đại hồng thủy cũng hiện lên thật sống động.

 

Hồ Ba Bể nằm lọt trong khu bảo tồn Vườn quốc gia Ba Bể với 470 loài thực vật, trong đó, ngoài thân gỗ, có hàng trăm loài hoa phong lan, địa lan, trúc dây đặc hữu và nhiều cây dược liệu quý hiếm. Theo điều tra chưa đầy đủ, Vườn quốc gia Ba Bể có 319 loại động vật, trong đó có 42 loài được ghi trong sách đỏ. Năm 1997, Bắc Kạn đã chủ trương đầu tư phát triển Ba Bể thành khu du lịch sinh thái. Sau gần 20 năm xây dựng, đến nay cơ sở vật chất phục vụ du lịch phần nào đáp ứng được nhu cầu du khách. Nhiều khách sạn, nhà nghỉ được xây dựng vừa phù hợp với từng loại khách, vừa mang đậm bản sắc dân tộc. Tại hội nghị quốc tế về hồ nước ngọt tổ chức ở Mỹ  vào tháng 3/1995, hồ Ba Bể được xếp là 1 trong 20 hồ nước ngọt lớn nhất thế giới. Năm 2012, hồ Ba Bể được công nhận là Di tích danh thắng quốc gia đặc biệt.

 

Thật vậy, điều đặc biệt chúng tôi cảm nhận được ngay khi mới đặt chân đến bờ hồ Ba Bể đó là không có hệ thống nhà nghỉ cao tầng, không có cửa hàng bán đồ lưu niệm và các loại dịch vụ khác chèo kéo khách hàng, chỉ lơ thơ vài quán nước phục vụ khách đường xa dừng chân chờ gửi xe, mua vé du lịch lòng hồ. Đặc biệt hơn cả là tấm lòng của người dân nơi đây thật nồng hậu. Chuyến du lịch của chúng tôi bất chợt gặp cơn mưa đầu hạ. Đứng giữa bờ hồ lộng gió, tôi bất chợt rùng mình với cảm giác ớn lạnh. Nhìn quanh để mua tạm chiếc áo choàng nhẹ hoặc một chiếc khăn để giữ ấm trước khi lên thuyền nhưng không có. Nhìn bộ trang phục tôi đang mặc và gương mặt có phần mệt mỏi qua một chặng đường dài, người phụ nữ bán hàng nước bên bờ hồ đon đả: Em ngồi nghỉ uống nước cho ấm đã, mặc vậy không lên thuyền được đâu!

 

 Chờ mua vé lên thuyền cả đoàn sà vào quán nước của chị thưởng thức ấm chè thơm Bắc Kạn, lót dạ bằng mấy quả trứng luộc. Nhìn tôi co ro vì lạnh, chị sẵn sàng cho mượn tạm chiếc khoác để tránh gió lùa. Những khoảnh khắc ấy trôi qua thật nhanh nhưng cũng đủ để chúng tôi cảm nhận được sự ấm áp, chân thành  của người dân nơi đây, đúng như lời giới thiệu của phóng viên Nguyễn Nghĩa: Đến đây, ta cũng dễ dàng bắt gặp những người phụ nữ Tày hiền lành, chất phác với những trang phục độc đáo ở phiên chợ, một quán nước ven đường hay một con thuyền độc mộc trên hồ.  Tấm lòng của họ đôn hậu, nụ cười của họ nhẹ nhàng, ấm áp, yên bình như chính mảnh đất này. Một điều nữa làm tôi ngỡ ngàng đó là không thể tìm thấy một chiếc du thuyền có trọng tải lớn đậu trên mặt hồ, mặc dù lượng du khách thăm quan lòng hồ khá đông. Điều này, được phóng viên Nguyễn Nghĩa giải thích: Để bảo vệ môi trường, BQL Khu du lịch hồ Ba Bể chỉ sử dụng những  chiếc xuồng nhỏ, chạy máy dầu hoặc những chiếc thuyền độc mộc. Đây cũng là cách làm thể hiện được nét đặc trưng vốn có của hồ Ba Bể - phát triển du lịch sinh thái. Còn gì thú vị hơn khi được ngồi trên chiếc thuyền nhỏ, lướt mái chèo chầm chậm thả hồn với sông nước- mây trời ở nơi được ví là “Thiên nhiên đệ nhất hồ” - viên ngọc xanh của núi rừng Bắc Kạn. Qua góc nhìn, cảm nhận của từng du khách, hồ Ba Bể đã dàn trải được sự mênh mang, tĩnh lặng, ấm áp, ngọt ngào, nét hoang sơ đến nao lòng như một lời chào đón - hẹn ngày trở lại!

 

 

 

                                                                                 Thúy Hằng

 

Các tin khác


Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Lắng đọng, thiêng liêng ở Nghĩa trang Hàng Dương

Nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo trong những ngày Xuân đón du khách ở mọi miền đất nước đến thăm viếng. Từ sáng sớm đến 24h, những nén hương, những bông hoa thơm ngát, tinh khôi được thắp, dâng trang trọng trên những phần mộ đem đến cho ta những cảm xúc trào dâng. Trong khuôn viên rất nhiều loài hoa khoe sắc như muốn chia sẻ, tri ân những người con đã nằm lại nơi đây.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục