Vầng hoa râm bụt Bác Hồ trồng năm 1948 bên lán Tỉn Keo vẫn lên xanh tốt, tỏa bóng mát.

Vầng hoa râm bụt Bác Hồ trồng năm 1948 bên lán Tỉn Keo vẫn lên xanh tốt, tỏa bóng mát.

(HBĐT) - Trong hành trình đến với Thái Nguyên, tôi chợt nhớ và đọc những vần thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Vui sao một sáng tháng năm/ Đường về Việt Bắc lên thăm Bác Hồ”... Câu thơ ấy đã tiếp bước tôi trong chuyến về nguồn đến với Di tích lịch sử ATK Định Hóa. Để rồi từ đây với sự trợ giúp của các hướng dẫn viên du lịch, với quang cảnh, hiện vật xưa cũ, tôi và những người đồng nghiệp có dịp vẽ lại bức chân dung của Người ở núi rừng Việt Bắc.

 

Cảm động đến nghẹn ngào khi được nghe chất giọng ngọt ngào, trầm bổng giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp của Bác, về những tháng ngày Bác sống và làm việc tại ATK Định Hóa và núi rừng Việt Bắc. Đây là lán Khau Tý, xóm Na Trạ, xã Điềm Mặc, nơi Bác Hồ ở, làm việc đầu tiên tại ATK Định Hóa; đây là cây đa Khuôn Tát (nơi Bác Hồ và các đồng chí bảo vệ, giúp việc tập võ và đánh bóng chuyền), đoạn suối Khuôn Tát nơi Bác tắm giặt, câu cá, nhà lán, hầm Bác ở... 128 điểm di tích lịch sử và thắng cảnh của Định Hóa lần lượt được giới thiệu. Đứng ở một nơi hướng sự tập trung vào mạch dẫn chuyện có thể hình dung được cảnh quan, địa thế của núi rừng Định Hóa (Thái Nguyên), nơi được Bác Hồ gợi mở một tầm nhìn chiến lược: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta... Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối được phong trào cách mạng với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động cuộc đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ”. Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, Định Hóa đã thực sự đáp ứng được yêu cầu một An toàn khu (ATK) như lời Người đã nói: “Trên có núi, dưới có sông/ Có đất ta trồng, có bãi ta chơi/ Tiện đường ta sang Bộ Tổng/ Thuận lối tới Trung ương/ Nhà thoáng rào kín mái/ Gần dân không gần đường”. Từ tầm nhìn chiến lược đó, Người đã lựa chọn Định Hóa- Thái Nguyên là an toàn khu và là nơi đặt Phủ Chủ tịch đầu tiên ở Việt Bắc (năm 1947).

 

Chúng tôi, những người con của đất Việt được sinh ra khi đất nước không còn chiến tranh, khói bom lửa đạn và những gian khó, nhọc nhằn của cha ông trong thời kỳ kháng chiến chỉ được xem qua màn ảnh, những thước phim tư liệu, nay được đặt chân tới một trong những địa danh lịch sử của “Thủ đô gió ngàn” để xem lại những chứng tích xưa chợt thấy lâng lâng niềm tự hào dân tộc. Dừng chân ở lán Tỉn Keo - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì hội nghị Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ ai nấy đều ngỡ ngàng. Ngôi lán nhỏ nằm chênh vênh giữa sườn đồi bao bọc, 1 bộ bàn ghế gỗ đơn sơ, mặt bàn đã trở nên nhẵn bóng cùng năm tháng. Phía trước là khóm cây râm bụt cổ thụ được ghi rõ: “Vầng hoa râm bụt Bác Hồ trồng năm 1948”.

 

Ngắm nhìn những hiện vật được trưng bày trước mắt, liên tưởng tới những điều đã được học, đọc trong sử sách càng thêm kính yêu hơn nhân cách, đạo đức của Người. Sống và làm việc trong không gian nhỏ hẹp, hiểm trở của núi rừng, nhưng cái nhìn của Người luôn bao quát tới muôn nơi, tới mọi người con đất Việt. Trong một đêm trăng thanh, ngồi bên cửa sổ căn lán cọ đơn sơ ngắm trăng lồng cổ thụ, Bác đã viết bài thơ “Cảnh khuya”: “Tiếng suối trong như tiếng hát xa/ Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa/ cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ/ Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”. Vận mệnh của đất nước luôn đau đáu trong tim Người, ngay cả lúc ăn, lúc ngủ, lúc làm việc. Trong những tháng ngày ở lại ATK Định Hóa, để đảm bảo bí mật, Bác phải di chuyển đến nhiều nơi, vì vậy ngày nay còn in lại dấu tích của Người. Tại đồi Khau Tý, xã Điềm Mặc, Định Hóa (tháng 10/1947) Bác đã viết cuốn “Sửa đổi lề lối làm việc” tổng kết những bài học thực tiễn sâu sắc, sinh động, có tính lý luận ngắn gọn, giản dị, dễ hiểu nhằm bồi dưỡng nhiệt tình cách mạng, ý thức trách nhiệm, đạo đức và tác phong làm việc của cán bộ, đảng viên. Lời dạy của Người đối với cán bộ, đảng viên: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân...” còn vang mãi. Gần 80 năm đã trôi qua nhưng giá trị về lý luận và thực tiễn của cuốn sách vẫn còn nguyên vẹn và luôn luôn mang tính thời sự trong công cuộc đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước.

 

Trong khoảng thời gian eo hẹp, không thể đi tới nơi, thăm tất cả các di tích được coi là dấu ấn của Hồ Chủ tịch ở một trong những nơi là “Thủ đô gió ngàn”, ai nấy đều tiếc nuối. Tuy nhiên, với những dữ liệu “sống” được thể hiện qua bản thuyết minh khái quát về di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa cũng đủ để tôi và những đồng nghiệp vẽ lại trong tâm trí bức chân dung của Bác Hồ kính yêu - vị Cha già của dân tộc trong những ngày Người lưu lại ở núi rừng Việt Bắc tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Được vẽ bằng tâm trí, bằng sự tưởng tượng nhưng bức chân dung ấy thật đẹp và sẽ đọng lại mãi trong tôi. Tháng 5 lịch sử, khi các cơ quan, đơn vị, địa phương... thi đua lập thành tích chào mừng sinh nhật Bác, các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải dày đặc những thông tin, tư liệu về Bác, tôi lại có dịp chau chuốt lại bức chân dung của Người. Đến với Di tích lịch sử đặc biệt ATK Định Hóa, thăm lại những chứng tích lịch sử, dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi mãi mang theo niềm tự hào lớn với mong muốn được sẻ chia một lời nhắn nhủ: Hãy thăm lại chiến khu xưa để thấm nhuần hơn lý tưởng, đạo đức, phong cách của Người.

 

 

 

                                                                             Thúy Hằng

 

 

 

 

Các tin khác


Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Lắng đọng, thiêng liêng ở Nghĩa trang Hàng Dương

Nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo trong những ngày Xuân đón du khách ở mọi miền đất nước đến thăm viếng. Từ sáng sớm đến 24h, những nén hương, những bông hoa thơm ngát, tinh khôi được thắp, dâng trang trọng trên những phần mộ đem đến cho ta những cảm xúc trào dâng. Trong khuôn viên rất nhiều loài hoa khoe sắc như muốn chia sẻ, tri ân những người con đã nằm lại nơi đây.

Lừa đảo xuất khẩu lao động - cạm bẫy “việc nhẹ, lương cao”

Lợi dụng việc một bộ phận người dân có nhu cầu tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ), thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện các chiêu lừa XKLĐ khiến không ít người lâm vào cảnh éo le. Thậm chí nhiều trường hợp đứng trước "nanh vuốt” của bọn tội phạm mua bán người...

Sáng mãi màu áo xanh tình nguyện

"Năm 2024, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn thống nhất lựa chọn chủ đề công tác là "Năm Thanh niên tình nguyện”. Đây là năm đánh dấu nhiều sự kiện đặc biệt có ý nghĩa trong phong trào thanh niên tình nguyện, như: kỷ niệm 60 năm phong trào "Ba sẵn sàng”, 10 năm "Năm Thanh niên tình nguyện”, 25 năm Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè. Vì vậy, tổ chức Đoàn các cấp cần phải xem đây là một năm sôi động các hoạt động thanh niên tình nguyện trên toàn quốc với sự tham gia đông đảo của các tầng lớp thanh niên Việt Nam" - đồng chí Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn nhấn mạnh tại hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn lần thứ tư, khoá XII (tháng 1/2024).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục