Đường bê tông trải dài khắp xóm, tạo điều kiện để người dân dần ổn định cuộc sống.

Đường bê tông trải dài khắp xóm, tạo điều kiện để người dân dần ổn định cuộc sống.

(HBĐT) - Đi trên con đường làng được bê tông hóa sạch sẽ, được lắng nghe tiếng thủ thỉ học bài của các cô trò và nhìn ngắm sắc xanh mướt đang trải dài trên những cánh đồng màu, chúng tôi biết rằng: nơi đây, bà con đã bước đầu “an cư” và tin tưởng về một ngày mai “lạc nghiệp”. Họ là hơn 70 hộ dân xóm Tân Phúc, xã Bảo Hiệu (Yên Thủy) được di chuyển từ vùng có nguy cơ sạt lở cao của hai xã: Tân Mai và Phúc Sạn (Mai Châu) về định cư từ năm 2010.

 

Có lúc định “bỏ làng, về núi”

Sau 5 năm, quãng thời gian thử thách với nhiều chông gai, nói như trưởng thôn xóm Tân Phúc Lý Văn Dũng: “Đã có lúc tưởng chừng như không thể vượt qua, không ít hộ đòi quay về quê cũ bởi tâm lý của bà con vẫn còn vương vấn về nơi mình gắn bó bao đời, rồi hàng loạt những sự thay đổi về sinh hoạt, lối sống khiến bà con chưa kịp thích nghi”. 

Trước đây, khi còn ở Mai châu, mỗi nhà có đến vài quả đồi để trồng ngô, trồng lúa nương mà chẳng cần phải bón phân, phun thuốc, cứ trồng độ 1-2 vụ ở đồi này rồi lại chuyện sang đồi khác và chờ thu hoạch; đến mùa măng thì đi đào măng, khi thì ra sông đánh cá nên lúc nào cũng có tiền tiêu vặt. Nhưng khi về Tân Phúc, họ phải tập thích nghi với một sự thay đổi lớn: mỗi hộ được giao 5.000 m2 đất màu để sản xuất, thông thường, một năm chỉ thu một lần từ trồng mía hoặc sắn nên việc áp dụng KH-KT vào sản xuất là yếu tố rất quan trọng. Để giúp bà con sớm thích nghi với hình thức canh tác mới, hàng loạt các cuộc tập huấn về KH-KT được tổ chức nhưng do nhận thức còn hạn chế và tâm lý vốn “phó mặc cho thiên nhiên” nên việc áp dụng vào thực tế của bà con còn rất chậm.  

Thêm nữa, những sự thay đổi về phong tục, tập quán, nếp sống cũng tạo ra rào cản lớn đối với quá trình hòa nhập của bà con. Xóm Tân Phúc có 70 hộ, 258 nhân khẩu nhưng họ đến từ 6 xóm, với 4 dân tộc khác nhau (Mường, Dao, Kinh và Thái) cùng về quy tụ cũng ít nhiều tạo nên những sự khác biệt nhất định. Điều đáng lo ngại nhất là nhiều bà con vẫn chưa thực sự hiểu được ý nghĩa của việc chuyển đến khu TĐC mới là để xây dựng một cuộc sống ấm no hơn, tránh những hiểm họa từ thiên nhiên và để đạt được điều đó thì sự cố gắng, nỗ lực của người dân Tân Phúc là yếu tố tiên quyết. Do chưa thông hiểu nên hình thành tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ từ nhà nước: “Thời gian đầu, thấy bà con uống rượu thâu đêm, suốt sáng, lúc nào cũng ngà ngà, đi đứng loạng choạng, anh em chúng tôi cũng lo lắm”, đồng chí Bùi Trọng Hưởng – Chủ tịch MTTQ xã Bảo Hiệu nhớ lại.  

Trước thực trạng đó, không ít những dấu hỏi đầy bi quan về tương lai của những người dân nơi đây đã xuất hiện, thế nhưng, bằng sự quan tâm sát sao và làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ thiết thực của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong xã, người dân Tân Phúc đã có những sự chuyển biến tích cực về tư tưởng, nhận thức, đến nay, sau những chông chênh của những ngày đầu mới đến, những hạt mầm đã bắt đầu nảy nở, một cuộc sống ấm no đang hiện hữu đầy lạc quan.

 

Những mầm sống đang vươn lên

Để cho chúng tôi được tận mắt chứng kiến những sự đổi thay của xóm mình, trưởng thôn Lý Văn Dũng đã đưa chúng tôi đi tham quan khắp xóm. Hiện, 100% các hộ đều có đường bê tông chạy đến tận cửa, điện lưới quốc gia kéo đến tận nhà; nhà nào cũng xây dựng chuồng trại chăn nuôi trâu, bò: nhà ít thì 1-2 con, còn nhiều thì 3-4 con. Bên hiên nhà là những bụi chuối, vườn rau xanh mơn mởn. Xen giữa những ngôi nhà tạm được dựng từ khi mới chuyển về, đến nay đã có 22/75 hộ dựng được nhà mới lợp ngói chắc chắn, khang trang, trong có có 2 nhà mái bằng. Dưới cái nắng hanh hao của những ngày trung tuần tháng tám, chúng tôi nghe thấy những tiếng cười đùa rôm rả và nhìn thấy những giọt mồ hôi ướt đẫm của bà con  đang hoà vào đất để những cánh đồng mía, sắn trải dài sắc xanh đầy sức sống. một minh chứng cho thấy, bà con đã có sự thay đổi về hình thức canh tác, bắt đầu áp dụng KH-KT vào sản xuất. 

Trong khoảng thời gian 5 năm đầy thử thách ấy, bà con nơi đây cũng đã tạo được những dấu ấn riêng của mình: đó là thành tích 5 năm liền xóm không có trường hợp sinh con thứ 3; 100% con em trong xóm được đến trường đúng độ tuổi quy định; thêm vào đó là những thay đổi về tập tục ma chay, cưới hỏi theo hướng ngày càng hiện đại hơn. “Trước đây, người Dao chỉ lấy những người cùng dân tộc mình nhưng nay không phải như vậy”, ông Dũng khẳng định. “Hoà nhập chứ không hoà tan”, những giá trị bản sắc của  mỗi dân tộc luôn được bà con có ý thức gìn giữ, điều này thể hiện qua trang phục, những tiết mục văn nghệ đặc sắc được thể hiện trong những dịp lễ tết hay hội hè. Đó cũng là một điều mà người dân địa phương đặc biệt ấn tượng khi nhắc đến “người hàng xóm” còn khá “mới mẻ” này. 

Đồng chí Bùi Trọng Hưởng, Chủ tịch MTTQ xã Bảo Hiệu và là một trong những người rất quan tâm, gắn bó với người dân Tân Phúc tin tưởng: “Sau những chông chênh ban đầu, hiện bà con đã ổn định về tư tưởng, tuy vẫn còn rất nhiều khó khăn phía trước nhưng với sự quyết tâm như hiện nay, chúng tôi tin tưởng vào một cuộc sống mới ấm no cho bà con trong tương lai không xa”.

 

                                                                         Viết Đào (CTV)

 

Các tin khác


Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Lắng đọng, thiêng liêng ở Nghĩa trang Hàng Dương

Nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo trong những ngày Xuân đón du khách ở mọi miền đất nước đến thăm viếng. Từ sáng sớm đến 24h, những nén hương, những bông hoa thơm ngát, tinh khôi được thắp, dâng trang trọng trên những phần mộ đem đến cho ta những cảm xúc trào dâng. Trong khuôn viên rất nhiều loài hoa khoe sắc như muốn chia sẻ, tri ân những người con đã nằm lại nơi đây.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục