Ông Bùi Văn Chợ (giữa) đang tư vấn cho phóng viên về mô hình hợp tác và phân chia lợi nhuận giữa người hợp tác với Công ty Thái Tuấn.

Ông Bùi Văn Chợ (giữa) đang tư vấn cho phóng viên về mô hình hợp tác và phân chia lợi nhuận giữa người hợp tác với Công ty Thái Tuấn.

(HBĐT) - Ngay sau khi thông tin về vụ lừa đảo của Công ty Cổ phần Liên kết Việt bị lực lượng chức năng Bộ Công an đấu tranh làm rõ với số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng đã gây “sốc” cho nhiều người. Trong số đó, có nhiều người dân ở Hoà Bình. Với nhiều người, chỉ đến khi thông tin về vụ lừa đảo của Liên kết Việt được phanh phui mới biết mình bị... lừa. Có không ít người “ngậm quả đắng” lên tới hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, ở đâu đó vẫn còn những cái đầu... u mê, tin vào giấc mơ đổi đời chóng vánh.

 

Sập bẫy đa cấp “quả đắng” có giá... tiền tỷ

 

Những ngày qua, trong quá trình đi thu thập thông tin viết bài, đến đâu chúng tôi cũng được nghe người dân kháo nhau và đều không hiểu tại sao những người như anh V, chị L, chị O, anh K... ở thành phố Hoà Bình, anh T, anh M, anh L... ở Tân Lạc là những người có máu mặt, từng trải, đầu óc kinh doanh nhanh nhạy lại bị “sập bẫy” đa cấp, số tiền bị mất có thể lên tới hàng... tỷ đồng. Có điều khi hỏi chuyện thì hầu như tất cả những người được coi là nạn nhân đều... giữ im lặng. Dù cho dư luận xung quanh họ vẫn còn bàn tán xôn xao về việc số tiền mà họ đã bỏ ra để mua cái ảo vọng giàu sang một cách nhanh chóng. Khi một đồng bỏ ra sẽ nhanh chóng tăng lên theo cấp số nhân. Dù không phải ai cũng dám thừa nhận mình là nạn nhân của Liên kết Việt nhưng trên thực tế theo thông tin từ lực lượng chức năng Công an tỉnh thì trong quá trình điều tra theo Quyết định uỷ thác điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Văn phòng Đại diện Công ty Cổ phần Liên kết Việt chi nhánh tỉnh Hoà Bình do ông Đặng Đình Khanh (sinh năm 1958) trú tại tổ 13, phường Tân Thịnh (Thành phố Hoà Bình) làm trưởng Chi nhánh của Cục CSĐT tội phạm về kinh tế và chức vụ (C46) - Bộ Công an thì theo thống kê sơ bộ tính đến ngày 19/3/2016, phòng CSĐT tội phạm về kinh tế và chức vụ (PC46) - Công an tỉnh đã điều tra, làm rõ trên địa bàn tỉnh có 2.625 lượt người tham gia với số tiền lên tới 74,5 tỷ đồng. Trong đó, theo thống kê sơ bộ, số tiền bị thiệt hại, khó có khả năng thu hồi vào khoảng gần 50 tỷ đồng.

 

Đối với những nạn nhân mất của thì đành ngậm bồ hòn để nuốt quả đắng. Còn với những người suýt “va” vào Liên kết Việt thì được phen hú vía. Như ông Lò Cao Nhum ở bản Lác, xã Chiềng Châu (Mai Châu) chia sẻ: tôi từng là mục tiêu nhắm đến của đa cấp Liên kết Việt trực tiếp từ những bạn bè, anh em thân thiết. Được cái là đã từng nghe nhiều về những vụ lừa đảo kiểu như thế này nên ậm ờ cho qua. Thực ra tôi rất ghét cái trò đa cấp, bởi bản chất của nó là người trước lừa người sau. Bản thân mình thấy đây là một trò lừa đảo. Người vào trước lừa người đến sau bằng việc vẽ ra những cơ hội đổi đời nhanh như chớp mắt. Làm gì có chuyện làm giàu dễ đến thế!

 

Vẫn còn những cái đầu... u mê

 

Tuy vậy, vẫn còn không ít những cái đầu... u mê, vẫn còn tin vào giác mơ đổi đời nhanh chóng khi tham gia một mạng lưới đa cấp nào đó. Đáng nói, những người này lại chủ yếu ở vùng nông thôn, điều kiện kinh tế còn  eo hẹp nhưng vẫn tin và tham gia vào mạng lưới đa cấp một cách mù quáng.

 

Mới đây, trong chuyến công tác tại xóm Trung, xã Bình Cảng (Lạc Sơn). Tại đây, chúng tôi đã gặp ông Bùi Văn Chợ. Theo giới thiệu thì đây là người đang làm nhóm trưởng trong một nhóm gồm 30 người hợp tác (NHT) tham gia vào Dự án hợp tác kinh doanh của Công ty TNHH đầu tư - thương mại - dịch vụ Thái Tuấn (sau đây gọi tắt là Công ty Thái Tuấn) có địa chỉ trụ sở chính tại số 99, đường Võ Chí Công, phường Xuân La, Quận Tây Hồ (Hà Nội). Theo giới thiệu, tư vấn của ông Bùi Văn Chợ thì Công ty Thái Tuấn hoạt động trong 5 lĩnh vực gồm kinh doanh hệ thống nhà hàng; kinh doanh hệ thống cafe nhạc; kinh doanh hệ thống Karaoke; kinh doanh hệ thống nhà nghỉ, khách sạn; kinh doanh hệ thống cho thuê xe du lịch. Để thu hút những người tham gia hợp tác, Công ty Thái Tuấn đã đưa ra hàng loạt ưu đãi, với mức thưởng lên đến vài trăm triệu đồng. Cụ thể khi NHT muốn tham gia vào  Công ty Thái Tuấn phải ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với giá trị tối thiểu 5 triệu đồng. Số tiền này, Công ty sẽ dùng để đầu tư xây dựng các cơ sở kinh doanh và sẽ hoàn trả NHT trong khoảng thời gian 12 tháng. Khi tham gia, NHT sẽ được hưởng một số lợi ích như nhận chiết khấu 10% nếu giới thiệu được NHT với Công ty. Theo đó, khi NHT giới thiệu được 2 khách hàng mới hợp tác cùng dự án thì nhận quyền lợi là 100 nghìn đồng; khi NHT xây dựng được hệ thống 60 khách hàng thì nhận quyền lợi là 20 triệu đồng; khi NHT xây dựng hệ thống 100 khách hàng mới hợp tác cùng dự án của Công ty thì được nhận quyền lợi là 30 triệu đồng; khi NHT xây dựng được hệ thống 200 khách hàng mới hợp tác cùng dự án của Công ty Thái Tuấn thì sẽ nhận quyền lợi là 100 triệu đồng. Cứ thế, nếu ai giới thiệu được nhiều người tham gia thì số tiền chiết khấu được tăng lên theo cấp số nhân. Mô hình hoạt động đa cấp càng lộ rõ qua việc để lôi kéo được nhiều người tham gia, Công ty Thái Tuấn còn “kích cầu” bằng cách đề ra hình thức trả thưởng 10% hoa hồng cho mỗi thành viên khi “mời” được một người mới tham gia đầu tư vào hệ thống và sẽ được thăng tiến, bổ nhiệm vào các vị trí quản lý tương ứng. Theo đó, khi NHT xây dựng được hệ thống 200 khách hàng mới hợp tác cùng dự án của Công ty thì sẽ được bổ nhiệm vào vị trí Quản lý kinh doanh. Khi quản lý kinh doanh xây dựng được hệ thống 1.000 khách hàng mới hợp tác cùng dự án thì sẽ được Công ty bổ nhiệm vào vị trí Quản lý kinh doanh cao cấp và được thưởng 1 chiếc xe Honda Civic trị giá 750 triệu đồng. Đáng chú ý, trong trường hợp mời được 1.000 người, bên cạnh phần  thưởng là một căn biệt thự trị giá 4 tỷ đồng và trở thành “Thành viên Hội đồng quản trị”. Cùng với đó, NHT cũng được hưởng các quyền lợi chia lợi nhận từ hệ thống 5 chuỗi kinh doanh của Công ty. Khi người NHT cấp bậc từ quản lý kinh doanh trở lên sẽ được hưởng các quyền lợi từ các cơ sở kinh doanh của Công ty trên phạm vi toàn quốc. Trong đó, vị trí quản lý kinh doanh sẽ được chia 5%, quản lý kinh doanh cấp cao được chia 7%, Giám đốc kinh doanh được chia 10%, thành viên Hội đồng quản trị được chia 15% trên tổng lợi nhuận của Công ty... Qua tìm hiểu chúng tôi được biết tại Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 0105253287 do Sở KH&ĐT Hà Nội cấp đổi lần 3 (ngày 17/6/2015) cho Công ty Thái Tuấn thì doanh nghiệp này hoạt động theo mô hình Công  ty TNHH. Tuy nhiên, trên thực tế, Công ty Thái Tuấn luôn kêu gọi đầu tư, huy động góp vốn để trở thành cổ đông. Hình thức này chỉ có ở các công ty cổ phần. Hơn thế nữa, Công ty Thái Tuấn đã và đang lôi kéo hàng nghìn người tham gia đầu tư tài chính theo mô hình đa cấp khi chưa được cấp phép hoạt động. Theo thông tin chính thức từ Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương), Công ty Thái Tuấn chưa được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Rõ ràng, với mô hình hoạt động này, Công ty Thái Tuấn thực chất đang hoạt động kinh doanh đa cấp khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

 

Trong quá trình tìm hiểu thông tin về hoạt động của mạng lưới “đa cấp” của Công ty Thái Tuấn ở Lạc Sơn chúng tôi được ông Bùi Văn Chợ tư vấn: khi NHT muốn tham gia vào Công ty Thái Tuấn phải ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với giá trị tối thiểu 5 triệu đồng để trở thành NĐT. Hàng tháng Công ty sẽ hoàn lại tiền vốn cho NHT với số tiền 417 nghìn đồng/tháng trong thời gian 12 tháng. Sau khi hoàn trả 100% tiền vốn, từ tháng thứ 13 trở đi Công ty sẽ chi trả tiền lãi cho NHT căn cứ vào số tiền đã đầu tư. Theo kế hoạch, trong 2 năm từ 10/7/2014 đến 10/7/2016 Công ty chưa chia lợi nhuận nên số tiền đó được trích ra làm quỹ hỗ trợ phát triển thị trường để xây dựng hệ thống khách hàng và thưởng cho những NHT. Những NHT với chúng tôi sẽ được kinh doanh và phân chia lợi nhuận. Khi đối tác hợp tác, công ty sử dụng số tiền vào việc xây dựng cơ sở kinh doanh. Sau thời gian 2 năm, công ty sẽ trích 10% lợi nhuận của chuỗi kinh doanh trên toàn quốc chia cho người tham gia hợp tác kinh doanh vào ngày 20 hàng tháng. Với phương thức này, nói như nhiều người thì Công ty Thái Tuấn thực chất đang hoạt động đa cấp một cách trá hình. Anh Bùi Văn Quang ở xóm Trung, xã Bình Cảng chia sẻ: Mình nghèo, không có tiền nên nghe người ta bảo làm cái này được tiền nên cũng tham gia góp số vốn 5 triệu đồng. Tuy nhiên, sau một thời gian thấy hình thức hoạt động theo hình thức đa cấp nên tôi đã xin rút. Nói thật với các anh, trước đây tôi cũng đã từng bị lừa khi tham gia hệ thống mua bán hàng đa cấp của một số Công ty nên cũng nắm rõ các thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng. Làm gì có chuyện không bỏ công sức ra mà làm giàu nhanh thế. Theo thông tin mà chúng tôi tìm hiểu được thì trong hệ thống của ông Bùi Văn Chợ hiện có khoảng 30 người tham gia góp vốn. Trong số đó, chủ yếu là bạn bè và những người thân của ông Bùi Văn Chợ. Trong đó, ngoài ông Bùi Văn Chợ thì theo thông tin chúng tôi nắm được, một trong những người tham gia nhiều nhất hiện tham gia góp vốn với số tiền 25 triệu đồng. Không chỉ vậy, theo một số người dân ở Lạc Sơn thì gần đây họ liên tục nhận được sự chèo kéo tham gia góp vốn vào Công ty Thái Tuấn của những người này.

 

Theo thông tin mới nhất, vào ngày 04/3/2016, Cục quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương) đã đưa ra một số cảnh báo trước các biến tướng trong hoạt động bán hàng đa cấp. Theo đó, để giúp người dân tránh bị dụ dỗ, lôi kéo tham gia vào các hoạt động bán hàng đa cấp bất chính, lợi dụng mô hình kinh doanh theo phương thức đa cấp để huy động tài chính, Cục Quản lý cạnh tranh khuyến cáo người dân cần tìm hiểu thật kỹ doanh nghiệp mà mình dự định định ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp như tình trạng đăng ký, uy tín của doanh nghiệp, cách thức hoạt động, chính sách trả thưởng và các sản phẩm kinh doanh theo phương thức đa cấp; cần phải rất cảnh giác trước các thông tin được đưa ra liên quan đến về lợi ích khi tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp. Mọi lời chào mời tham gia vào hoạt động bán hàng đa cấp có hoa hồng cao, lãi suất lớn hoặc hình thức đầu tư tài chính mà không dựa vào việc bán hàng hóa đều là dấu hiệu của hành vi lợi dụng mô hình đa cấp để lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản. mọi hình thức thu tiền của người vào sau để trả hoa hồng cho người vào trước mà không qua giao dịch mua bán hàng hóa đều bị pháp luật nghiêm cấm. Trong trường hợp, quyền và lợi ích của người thâm gia bị xâm hại, đề nghị liên hệ với các cơ quan quản lý (Cục Quản lý cạnh tranh, Sở Công Thương) hoặc nhận thấy doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự đề nghị liên hệ với các cơ quan công an tại các địa phương để được hỗ trợ. Từ thực tế nêu trên, đề nghị các cơ quan chức năng địa phương cần vào cuộc, điều tra, làm rõ để người dân nắm được những thông tin đúng - sai để có quyết định đầu tư đúng đắn tránh tình trạng bị lừa đảo theo hình thức đa cấp như những vụ việc đã và đang diễn ra trong thời gian vừa qua.

 

* Theo Điều 36 Nghị định 71/2014/NĐ-CP, doanh nghiệp thực hiện các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh đa cấp có thể bị phạt tiền từ 60 đến 100 triệu đồng. Nghị định còn quy định cụ thể các mức phạt đối với cá nhân và doanh nghiệp vi phạm những điều cấm trong hoạt động kinh doanh đa cấp.

 

                                                                                             

 

                                                                             PV

 

Các tin khác


Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Lắng đọng, thiêng liêng ở Nghĩa trang Hàng Dương

Nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo trong những ngày Xuân đón du khách ở mọi miền đất nước đến thăm viếng. Từ sáng sớm đến 24h, những nén hương, những bông hoa thơm ngát, tinh khôi được thắp, dâng trang trọng trên những phần mộ đem đến cho ta những cảm xúc trào dâng. Trong khuôn viên rất nhiều loài hoa khoe sắc như muốn chia sẻ, tri ân những người con đã nằm lại nơi đây.

Lừa đảo xuất khẩu lao động - cạm bẫy “việc nhẹ, lương cao”

Lợi dụng việc một bộ phận người dân có nhu cầu tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ), thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện các chiêu lừa XKLĐ khiến không ít người lâm vào cảnh éo le. Thậm chí nhiều trường hợp đứng trước "nanh vuốt” của bọn tội phạm mua bán người...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục