Học sinh lớp 12 trường THPT Công Nghiệp (TP Hòa Bình) nỗ lực ôn luyện sẵn sàng cho kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ năm 2016.

Học sinh lớp 12 trường THPT Công Nghiệp (TP Hòa Bình) nỗ lực ôn luyện sẵn sàng cho kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ năm 2016.

(HBĐT) - Thấm thoắt đã nghỉ hè được gần 1 tháng bởi từ trung tuần tháng 5, chương trình học của học sinh đã xong, chờ ngày tổng kết năm học. Nghỉ hè, với học sinh tiểu học, THCS là được vui chơi, đùa nghịch, gác sách, bút sang một bên để đi chơi, đi du lịch cùng gia đình, được thả hồn mộng mơ với biết bao dự định. Nhưng với những học sinh khối lớp 12 là cả một tháng vùi đầu vào học hành, ôn luyện. Chưa tổng kết thì lo ôn thi học kỳ II, tổng kết rồi lại lo tìm nơi ôn luyện cho kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, xét vào các trường đại học, cao đẳng. Chặng đường 12 năm đèn sách gần như được các sĩ tử “gói gọn” trong 1 tháng ôn luyện này.

 

Chứng kiến đứa con gái đầu lòng của chị tất bật với các môn học, sáng - chiều - tối, ngày nào cũng như ngày nào mà thương. Kể cũng tội cho lũ trẻ, còn vài ngày nữa là bước vào kỳ thi THPT quốc gia mà thời tiết không ủng hộ. Ngày 3 buổi đi ôn luyện dưới cái nắng oi ả, nhiệt độ có ngày lên tới 39 - 40oC, tình trạng này kéo dài liệu các con có đủ sức khỏe đến lúc đi thi? Mùa hè - mùa ôn luyện, trên đường, các sĩ tử phóng xe đạp vèo vèo như để trốn cái nắng như thiêu, như đốt. Đám con gái còn biết che nắng bằng mọi cách, khẩu trang, kính, váy, áo chống nắng để tránh hơi nóng hầm hập dưới đường bốc lên. Thương nhất là đám con trai, chúng chỉ đội mũ trên đầu có thể gọi là “tránh nắng”, bằng không chúng cứ áo cộc tay, quần lửng phóng xe trên đường dưới cái nắng như đốt cháy da thịt. Con gái chị bày tỏ: “ước gì khi bọn con thi thì trời mát mẻ hơn. Thời tiết nóng thế này mà thi cử thì làm sao làm được bài, con lo lắm”. Bởi vậy, chị luôn nhắc con có học hành, ôn luyện gì thì cũng phải đảm bảo ăn, ngủ đều đặn chứ đến lúc thi mà ốm ra đấy thì gay nhưng chúng đâu chịu nghe, bởi vậy, lúc nào cũng trong tình trạng ngồi đâu ngủ đấy. Chị động viên và bày tỏ quan điểm cho con yên tâm:  

- Học hành, thi cử nắm chắc kiến thức mới tốt, bởi vậy, con phải biết sắp xếp thời gian cho hợp lý. Học và nghỉ ngơi phải luôn đồng hành chứ đừng ép quá sẽ không đạt hiệu quả.  

Nhìn con lúc nào cũng bơ phờ, mệt mỏi, gầy hẳn đi, chị thấy lo. Vậy là chị mua bánh, kẹo, trà sữa để sẵn cho con lúc nào thấy đói là ăn. Có những hôm chị ngủ được một giấc tỉnh dậy thấy đèn sáng, tưởng con ngủ quên không tắt đèn, chị lên phòng thì thấy con vẫn ngồi học, chị bảo:  

- Học gì cũng phải ngủ con ạ, thôi nghỉ đi và ngủ một giấc rồi sáng lại tranh thủ học tiếp. 

- úi, con mà nằm ngủ thì có mà cả ngày, cả đêm chưa đủ giấc. Bây giờ chúng con đã rút ra phương châm học là chính, ăn là phụ, ngủ tranh thủ gục bàn. Nếu con mà nằm “tử tế” thì chắc giấc ngủ phải mất 24 giờ mới “đỡ thèm”. Khi nào con thi xong, mẹ cho con ngủ một ngày cho “đã” nhé. 

- ừ, tưởng gì chứ ngủ thì cho thoải mái, một vài ngày cũng được. 

Quả thật, dạo này, con bé lúc nào cũng học, nhiều lúc chị nhắc con nghỉ cho thoải mái đầu óc học mới vào, mới hiệu quả được. Bây giờ thời đại thông tin, chúng nó học cũng khác thời ngày xưa. Ngày xưa một buổi đi học, một buổi lên nương lên rẫy trồng sắn, tra ngô chứ đâu như bây giờ. Chẳng biết chúng nó học tiếng Anh, tiếng em kiểu gì mà nói choang choảng, gắn tai nghe, điện thoại thì “nổi” cả hình cứ như quay video. Thấy con nói chuyện với bạn to quá, chị bước vào phòng định bụng xem con nói chuyện gì, với ai. Chị đang ngó ngó thì đầu dây bên kia có tiếng. Cháu chào bác, hôm nay bác chịu khó đi ngủ phòng khác nhé để hai đứa cháu còn học.  

Ngạc nhiên, chị bảo:  

- Bác ngủ ở đâu thì có liên quan gì đến chúng mày, hai đứa học hành gì mà hiện đại thế? 

- Chúng cháu học tiếng Anh trực tuyến bác ơi. 

- Trực gì, bác nghe hai đứa trò chuyện với nhau rôm rả lắm bác mới vào kiểm tra.

 - Vâng thì hai đứa cháu nối mạng học, trao đổi, một đứa hỏi, một đứa trả lời mới hiệu quả lại đỡ buồn ngủ. Tiếng Anh mà bác.  

- ừ vậy, thì cố gắng mà học đừng mải chơi là được.  

Con gái chị tiếp lời:  

- Đúng là mẹ, bọn con học còn chẳng xong, làm gì có thời gian chơi, các cô cũng “tận dụng” thời gian kỹ lắm, mẹ khỏi lo.  

- ừ thì mẹ cứ nói thế.  

Vậy là chị cũng “dòm” vào cái điện thoại của con và nói chuyện “trực tuyến” với bạn con một lúc. Chẳng hiểu chúng nó học thế nào chứ cứ như chị một chữ tiếng Anh bẻ đôi cũng không biết. Vì vậy, chị luôn tạo điều kiện tốt nhất cho con, được cái con bé cũng biết nghe lời và chăm chỉ.  

Một chị hàng xóm tâm sự:  

- Chẳng biết trẻ con học hành thế nào, dạo này con bé nhà em lúc nào cũng kêu thèm ngủ, chả thiết ăn. Có hôm đi học về quẳng cặp sách là nó ngục ngay xuống bàn học ngủ ngon lành. Thấy con ngủ ngon quá cũng chẳng nỡ gọi vào giường nằm cho thoải  mái sợ mất giấc ngủ “tranh thủ” của chúng.  

Mùa học - mùa ôn luyện, thiết nghĩ, chăm chỉ học hành, ôn luyện là tốt nhưng các con cũng nên sắp xếp thời gian một cách hợp lý để có thể trạng tốt mới đáp ứng được nhu cầu học tập trong lúc này, vừa đảm bảo sức khỏe, vừa có kiến thức chắc chắn cho kỳ thi sắp tới. Một kỳ thi quan trọng của đời học sinh, từ đây, các con sẽ đi trên hành trình rất dài trong cuộc sống sau này. Vì vậy, mong các con - những cô, cậu học trò chuẩn bị hành trang tốt nhất cho mình trong hành trình đang bước tới. Chúc các con vững vàng để bước vào kỳ thi thật tốt.  

 

                                                               Thúy Ngọc

 

Các tin khác


Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Lắng đọng, thiêng liêng ở Nghĩa trang Hàng Dương

Nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo trong những ngày Xuân đón du khách ở mọi miền đất nước đến thăm viếng. Từ sáng sớm đến 24h, những nén hương, những bông hoa thơm ngát, tinh khôi được thắp, dâng trang trọng trên những phần mộ đem đến cho ta những cảm xúc trào dâng. Trong khuôn viên rất nhiều loài hoa khoe sắc như muốn chia sẻ, tri ân những người con đã nằm lại nơi đây.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục