(HBĐT) - Đang là mùa vải, xoài. Ngoài đường phố, các gánh hàng rong hai sọt vải màu đỏ tươi đi rong khắp các ngõ phố. Một vài anh xe thồ chở đầy xoài ửng vàng. Vào mùa xoài, mùa vải giá cả chỉ vài ba chục đồng một cân. Thế những trong bếp nhà chị Thảo thỉnh thoảng lại xuất hiện một rổ quả xoài, quả to lẫn quả bé, vừa xanh, vừa vàng và một vài chùm vải màu đỏ tươi bên mớ rau ngót, rau bí, lá lốt, hương nhu.

 

Cu tý hỏi mẹ:

- Bà ngoại vừa gửi rau, quả lên  hở mẹ?

 

Mẹ chị Thảo sống dưới quê với cậu út vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Mấy năm lăn lộn chốn biên cương nay về cùng mẹ, chị Thảo thấy yên lòng, như vậy, mẹ con đêm hôm có nhau đỡ hiu quạnh, vắng vẻ. Mẹ sống tằn tiện, chăm chỉ làm nốt những năm tháng cuối cùng một một bà giáo về hưu.

Căn nhà xưa, nơi mấy chị em sinh ra và lớn lên nay đã cũ kỹ lắm rồi, chìm khuất trong khu vườn xum xuê đầy các loại hoa trái. Mỗi cây trong vườn đều gắn với kỷ niệm một thời của người cha triền miên đi khắp các miền bảo vệ Tổ quốc - cứ mỗi lần về phép, theo cha về có lúc cây xoài Yên Châu (Sơn La), nơi xoài ngon có tiếng, bưởi Đoan Hùng, vải Lục Ngạn, hồng Yên Bái. Từng ấy cây là từng ấy lần về phép của cha.

 

Chị Thảo hồi ấy mới là học sinh đầu cấp II, thấy cha về phép mang theo một cây ăn quả. Thảo thỏ thẻ hỏi cha:

 

- Cha cứ đi triền miên, ai chăm sóc, ai ăn quả?

 

Cha cười, xoa đầu con gái:

 

- ở nhà đã có mẹ, có con chăm sóc, có quả cha chưa ăn thì mẹ con ăn, đi đâu mà thiệt.

 

Cây hồng Yên Bái là cây ăn quả  cuối cùng của cha mang về. Cha hy sinh trong trận chống lại kẻ thù ở biên giới phía Bắc, trên mặt trận Vị Xuyên - Hà Giang.

Giờ mẹ tuổi đã cao, ăn uống có là bao nhưng vẫn siêng năng nhổ cỏ, tưới nước, chăm bón mảnh vườn. Để rồi mùa nào, thức ấy nhà luôn có rau, hoa quả sạch để dùng, làm quà quê, gửi lên phố cho con gái.

 

Hàng năm, tháng 7 về, khi trên đồi Thung, con chim tu hú gọi bạn thì vải chín cây, xoài ửng vàng, mẹ lặng lẽ chọn những cành quả ngon, đẹp cắt bày lên bàn thờ dưới di ảnh của cha. Mẹ đứng trước bàn thờ thắp nén hương thơm lẩm bẩm với người quá cố. Mẹ nhớ lại những lần cha về, đi quá lớp học nhìn mẹ trên bục giảng dạy, bọn trẻ trường làng mà lòng tràn ngập yêu thương.

 

Mảnh vườn xưa cha đắp đào, vun trồng nay xum xuê hoa trái. Nhìn cây, trồng quả, mẹ lại nhớ như in hình ảnh cha lỉnh kỉnh sau ba lô cây giống mang từ những miền sơn cước nổi tiếng của ngon, vật lạ về trồng trên mảnh đất    quê mình.

 

Rời bục giảng của ngôi trường làng có đến trên hai mươi năm, cô giáo làng về nghỉ chế độ vẫn nhớ trường, nhớ lớp, có lúc còn giúp bọn trẻ nhỏ hàng xóm học bài, làm bài, ngoài ra vẫn cần cù, vui vẻ cảnh vườn cây hoa trái.

 

Có hôm một buồng chuối chín, mẹ gọi cậu Hồng hạ xuống tỉa ra từng nải nhỏ vài ba nải ngon quả đều sắp  vào thùng xốp kèm theo mớ lá lốt, hương nhu... mẹ nghĩ đến câu thơ thời còn đi học:

 

“Tóc dài gội lá hương nhu

 

Mùi thơm phảng phất, thiên thu mơ màng”.

 

Quà quê mẹ gửi lên cho con không quên nhắn lời:

 

- Tháng 7, nhớ thu xếp về con nhé!

 

Không còn gì sung sướng hơn khi được nhận quà quê của mẹ. Mỗi tháng hai, ba lần chị Thảo cùng con trai ra  bến xe thành phố để lấy quà. Mãi rồi quen mặt, chú phụ xe hỏi chị một cách thân thiện:

 

- Nhà có quà gì mà gửi luôn hả chị?

 

Chị Thảo chỉ cười:

 

- Quà của mẹ gửi từ quê cho con, cho cháu.

 

Nụ cười của anh phụ xe như nhuốm chút ganh tỵ với hạnh phúc mà mẹ con chị Thảo được hưởng từ tấm lòng bà mẹ quê gửi lên phố. Tình mẹ với con, chữ tình vẫn nặng theo nghĩa “nước mắt chảy xuôi” chứ không đơn thuần là mấy thứ quà quê mẹ gửi.

 

Bận công việc nhưng mỗi lần có ngày nghỉ, vợ chồng chị Thảo và con lại lên xe về thăm mẹ, thăm mảnh vườn mà cả cuộc đời cha lúc ở nhà hay lúc là anh lính vẫn luôn chăm bẵm, bổ sung cây trái. Nhà chỉ có hai chị em. Chị lúc đang tuổi nói bập bẹ ở lớp mẫu giáo thì cha lên đường bảo vệ biên cương. Lần về phép cuối cùng, cha mang về cây hồng Yên Bái rồi mẹ có bầu sinh được cậu út. Cả nhà nội, ngoại mừng, cha ngã xuống trong một trận chiến trên đồi Vị Xuyên (Hà Giang). Nhớ cha, cả họ nội, ngoại đặt tên cháu là Hồng - một kỷ niệm mang đậm ý nghĩa của người đã vĩnh viễn ra đi. Thế đó nên hai chị em cách nhau đến mươi tuổi.

 

Chị Thảo nâng niu hoa quả của vườn nhà mẹ gửi ra như thấy lại tuổi ấu thơ êm đềm ngày ấy. Gió trong vườn mơn man gót chân, mùi ngai ngái của cỏ ướt lẫn mùi thơm hoa bưởi, hoa cam và mặn mòi thương cảm là mùi mồ hôi mẹ. Người mẹ ở quê tuổi ngoài 60 vẫn nhanh nhẹn trong công việc, nhỏ nhẹ trong lời ăn, tiếng nói nên các cháu trong xóm quý mến gọi bà một cách thân thương “bà giáo”. Mẹ hàng ngày tìm kiếm niềm vui bằng cách làm cỏ, bắt sâu, trông buồng chuối mau lớn, rau mau tốt để hái gửi cho con gái trên phố rồi thắc thỏm nhắc con gái nhớ ra bến xe lấy, đừng quên. Toàn những thứ cây nhà, lá vườn, sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, mẹ lo nhất thứ rau trái bị phun hóa chất ảnh hưởng đến sức khỏe, mẹ lại than phiền sao họ nỡ vô tâm vì đồng tiền mà làm hại người khác.

 

Mẹ có biết lòng chúng con mong quà quê của mẹ tựa hồ như mong ngóng yêu thương rồi giật mình nhớ ra mẹ mình nay cũng đã cao tuổi, một đời sống góa bụa khi tuổi mới trên dưới ba mươi, thế là năm tháng chẳng đợi một ai. Như mảnh vườn kia cũng đã gắn bó với chị em Thảo bao kỷ niệm ấu thơ vẫn dành cho mẹ con Thảo những gói quà quê ngọt lành, nặng trĩu tình yêu thương của mẹ.

 

Tháng 7, mẹ con chị Thảo náo nức về quê. Đi trong vườn cây, chị Thảo như thấy bóng cha về với cây, với lá với vùng quê êm ả. Chị Thảo xúc động mong cha phù hộ mẹ hàng ngày khỏe mạnh để còn được nhận quà quê của mẹ.

 

 

 

                               Truyện Ngắn của Văn Song

 

 

 

Các tin khác


Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục