(HBĐT) - Những làng quê xinh đẹp, yên bình, tự trong sâu thẳm ngân ru những thanh âm linh thiêng của núi rừng, khúc thường rang, bộ meẹng tha thiết bên mái nhà sàn nghiêng nghiêng. Một thành phố trẻ trung, tươi mới, náo nhiệt mà không xô bồ, thơ mộng bên dòng Đà Giang xanh trong, mềm mại như suối tóc nàng tiên, nơi “công trình thế kỷ” ngày đêm cung cấp nguồn điện cho cả nước. ấy là tỉnh ta - cửa ngõ của miền Tây Bắc xinh đẹp - nơi đây đã và đang có những bước chuyển mình với diện mạo mới, phát triển, ổn định, xinh đẹp hơn giống như một “nàng tiên đang thức giấc”.

 

Làng tôi cũng là một làng quê xinh đẹp, nằm nép mình vào những quả đồi xanh biếc màu lá. Những con đường len lỏi theo chân đồi, trong rừng đại ngàn, đi qua những con suối. Nước suối nguồn trong mát, tạo dòng thành một nhánh đầu nguồn của con sông Bưởi từ những mạch ngầm nho nhỏ để hòa vào nhau chảy róc rách ngày đêm tưới mát ruộng đồng… Núi đồi, ruộng bậc thang, nương ngô bốn mùa tươi tốt. Những mái nhà sàn thấp thoáng trên sườn đồi, tựa lưng vào núi biếc, ẩn mình dưới bóng mát cây xanh và dọc theo suối. Những ngôi làng nhỏ bé, quanh năm màu xanh núi đồi kết tụ tạo nên một mường gọi là Mường Vang quê tôi.

 

Cách đây 10 năm, khi tôi còn là học sinh THPT, những cô, cậu học sinh vùng sâu, vùng xa như chúng tôi phải thật sự khó khăn để có thể nuôi dưỡng ước mơ của mình. Học hết THCS đối với nhiều bạn đã là may mắn rồi, những bước chân hàng ngày đi bộ đến lớp gần 3 km là nụ cười tươi vui và cũng là một thử thách. Có những ước mơ được tiếp tục thực hiện, những ước mơ còn dang dở và có cả ước mơ luôn mãi là ước mơ. Được đi học THPT và học cao nữa là mơ ước của nhiều đứa bạn của tôi. Sau khi tốt nghiệp THCS, nhiều bạn đã không thể theo học tiếp, đành ở nhà giúp đỡ bố mẹ. Một phần vì nghĩ học xong THCS cũng được cầm cái bằng rồi học nữa cũng chỉ ở nhà làm đồng, làm nương và phần lớn do hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ không có điều kiện nuôi ăn học thêm nữa. Nhiều bạn đành phải ngậm ngùi giấu ước mơ của mình vào trong những ruộng ngô, ruộng lúa, vào những lo toan thường nhật.

Còn nhớ lần đầu tiên được đạp xe trên con đường nhựa, tuy không được rộng, đẹp như bây giờ nhưng đó cũng là cả sự sung sướng, thoải mái không thể tả. Không phải đi trong rừng mưa bụi bặm, sau lưng là những đèo, dốc, rừng cây và những ngôi nhà sàn xinh xắn, chúng tôi nhẹ nhàng đạp xe, thi thoảng đi qua những dãy nhà xây san sát hai bên đường, thấy vui và háo hức đến lạ.

 

Nhớ lại ngày xưa cũ đó để thấy rằng cuộc sống luôn vận động, thay đổi mạnh mẽ. Chưa vội nói đến trung tâm thành phố, chỉ cần nhìn những thị trấn, những huyện cũng đủ thấy sự chuyển mình nhanh chóng. Ngoài những con đường chính đẹp, rộng rãi chạy qua huyện, đường nhựa, bê tông đã trải dài theo con đường dẫn đến các thôn. Điện cao áp được kéo đến tận đường làng, ngõ xóm. Cuộc sống của người dân được cải thiện hơn, họ trở thành những nông dân năng động, sử dụng tiến bộ KHKT nhiều hơn trong lao động và sản xuất. Thị trấn, những vùng xung quanh, nhà cao tầng mọc lên nhiều hơn, cuộc sống nhộn nhịp hơn. Trường học được tu sửa, xây mới, học sinh THPT trong quê tôi không cần phải đi học xa dưới thị trấn nữa, đường từ nhà đến trường gần hơn và đa số các em được bố mẹ mua cho những chiếc xe đạp điện. Mọi thứ đều trở nên tốt đẹp, khang trang hơn. Tương lai của các em sẽ thênh thang, rộng mở hơn…

 

Các huyện và những làng quê đã thế, trung tâm thành phố mới thực sự thay đổi mạnh mẽ nhất. Giờ đây, thành phố càng nhộn nhịp và phát triển. Nhìn từ trên cao mới thấy toàn cảnh thành phố văn minh, hiện đại bên công trình thế kỷ, bên dòng sông Đà xinh đẹp. Khu trục đường đôi rộng, đẹp, đường Trần Hưng Đạo và khu đường Thịnh Lang, những khu chung cư, khu trung tâm thương mại bờ trái sông Đà, trung tâm mua sắm, siêu thị tầm cỡ với đầy đủ các mặt hàng lớn, nhỏ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng… Bức tranh đô thị đã thực sự sinh động với các chương trình, dự án công nghiệp, thương mại – dịch vụ, nhà ở, vui chơi giải trí được đầu tư xây dựng và một số khu trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, mua sắm đã đi vào hoạt động hiệu quả… để mỗi khi lên đèn, thành phố tựa như một nàng tiên lấp lánh, kiêu sa soi bóng trên dòng sông thật đẹp và nên thơ.

 

Có đi nhiều mới thấy quê hương mình cũng như bao tỉnh, thành khác trên dải đất hình chữ S đều đang từng ngày thay đổi mạnh mẽ góp phần làm cho đất nước ngày càng phồn vinh hơn, ổn định phát triển và hội nhập với thế giới. Có đi xa mới nhận ra quê hương luôn ở trong tim, hiện hữu trong mỗi người chúng ta như sự che chở và là nơi để chúng ta tự hào. Cứ mỗi khi có dịp, tôi luôn kể với bạn bè trong lớp về quê hương của mình như một sự giới thiệu về con người, cảnh sắc thiên nhiên và bản sắc văn hóa độc đáo không chỉ của người Mường mà còn của dân tộc khác. Tôi luôn tự hào về quê hương Hòa Bình, cái nôi của người Việt cổ, trung tâm của một nền văn hóa cổ xưa. Tôi vẫn thường ví quê hương Hòa Bình như một nàng tiên. Một nàng tiên tươi trẻ, xinh đẹp, mĩ miều với những núi non với dòng sông Đà xanh trong.

 

Quê hương Hòa Bình đang căng đầy sức sống từ trong lòng thành phố đến những làng quê yên bình. Nhiều công trình, dự án đưa vào khai thác đã phát huy hiệu quả cao, kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn có nhiều khởi sắc. Các vùng kinh tế trọng điểm như thành phố Hòa Bình, các huyện: Cao Phong, Lương Sơn, Kỳ Sơn, Lạc Thủy, Lạc Sơn… đang có những phát triển mạnh mẽ. Hòa Bình đang từng ngày phát triển, vững bước trên con đường hội nhập xứng đáng với vùng đất giàu bản sắc văn hóa dân tộc.

 

 

                                      Ghi chép của Bùi Đức Thắng

 

Các tin khác


Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Anh vẫn hành quân

Cứ dịp tháng 12, khi về quê lại được nghe chú họ thổi sáo bài "Anh vẫn hành quân”(nhạc Huy Du, lời thơ Trần Hữu Thung). Chú không phải nghệ sĩ chuyên nghiệp, tuổi cũng không còn trẻ nhưng tiếng sáo rất khí thế như có hồn, bay bổng và vi vút đến không ngờ. Lúc mạnh mẽ trào dâng như đoàn quân băng băng về phía trước, lúc lại nhẹ nhàng, tha thướt, trữ tình như câu hát, tiếng sáo hay câu ca dao mộc mạc bay lượn trên những cánh đồng, vạt ngô xanh nơi đồng bãi quê nhà… "Anh vẫn hành quân/ Trên đường ra chiến dịch/ Mé đồi quê anh bước/ Trăng non ló đỉnh rừng/ Anh vẫn hành quân/ Lưng đèo qua bãi suối/ Súng ngang đầu anh gối/ Anh qua khắp tuyến đường…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục