(HBĐT) - Tháng ba về, xa quê nhớ về ngôi nhà của mẹ. Nhà mẹ ở một vùng quê chưa mưa đã lụt, chưa nắng đã hạn. Thời tiết khắc nghiệt thế mà mẹ và dân quê đã một nắng, hai sương để “bắt sỏi đá cũng thành cơm gạo”.

 

Nghĩ đến mẹ ngày xưa, đời người phụ nữ thường có ba ngôi nhà: nhà mình, nhà mẹ và nhà chồng. Ngôi nhà nào cũng có phận sự để lo toan nhưng nhà mẹ là nơi bình yên nhất để những đứa con khao khát được trở về. Nhớ nhà của mẹ là nhớ từ cánh cổng, chạy dọc từ cổng vào sân toàn là hoa dại mọc nghênh ngang. Sân của mẹ bao giờ cũng thấy vài chiếc nong phơi, mùa nào thức ấy. Cũng có khi là ít củ cải, ít măng mai, thứ gì mẹ cũng dành dụm mang phơi đợi những đứa con xa về. Có đứa là bộ đội nơi biên cương, có đứa công tác trên thành phố, đứa nào cũng nhớ ngôi nhà của mẹ, được cô con gái lấy chồng dạy trường làng là sớm tối chạy tới lo cho mẹ hôm bát canh, hôm đĩa thức ăn. Mẹ đã món mém chỉ cười đứa con gái út “cái ngoan” đến bây giờ mới biết ý nghĩa của cha mẹ đặt cho con gái từ thuở mới lọt lòng.

 

Dây phơi nhà mẹ bao giờ cũng khiến những đứa con ái ngại, tần ngần. Manh áo sờn vai phất phơ trước gió. Quần áo các con mua gửi về chắc đều được gấp gọn cất trong tủ cho mới. Cuộc đời chắt chiu, tằn tiện, hiện rõ trên từng manh áo. Mỗi lần về thăm quê, thăm ngôi nhà của mẹ chỉ cần nghe một tiếng ho khan vọng lại từ đâu đó góc vườn, chái bếp là lòng con lại mềm nhũn thương yêu.

 

Nhà của mẹ đôi khi là hình ảnh ước lượng giữa mớ ký ức chập chờn. Mùa nắng nhớ nắng, mùa mưa nhớ mưa, mùa gió nhớ gió luồn cửa bếp. Trong ký ức của những đứa con vẫn ghi đậm mái nhà của mẹ đơn sơ, giản dị nơi thôn dã nằm trong nhà qua cửa sổ có thể ngắm trăng, sương sớm ngoài trời bay vào bảng lảng. Nhà của mẹ có khi chỉ đọng lại trong rổ xôi vừa nhấc ra khỏi chõ còn bốc hơi nghi ngút - ngoài chái nhà, mấy con gà mái tranh nhau tổ đẻ kêu xào xạc cả trưa. Nhớ nhà của mẹ là nhớ bữa cơm đạm bạc, rau má, cua rang, bát canh chua mát ruột và vầng cháy cơm vàng xuộm chia đều ăn vào giòn mà thơm. Nhà của mẹ có khi như vẳng lại tiếng ầu ơ, đó là tiếng ru của thuở ấu thơ hay là câu ca buồn cất lên từ phận đàn bà lam lũ.

 

Nhà của mẹ như là thánh địa trong tâm hồn những đứa con xa. Như là sinh ra trong mỗi người đều có quê hương, trong quê hương bao giờ cũng có nhà của mẹ.

Mỗi người con đi xa hướng về ngôi nhà của mẹ dù mẹ đã đi xa, đã trở thành người thiên cổ và tin rằng, ngoài kia có mưa gió, bão bùng, nhà của mẹ vẫn là nơi bình yên nhất, chốn đi về là ngôi nhà của mẹ.

 

Tháng ba về vẫn còn cái rét, nhớ ngôi nhà của mẹ từ trong ký ức nhớ về mẹ, người mẹ lam lũ của một thời dầu dãi nuôi con ăn học lớn lên thành người.

 

                                                                 

                                           Tản văn của Văn Song

 

 

Các tin khác


Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Anh vẫn hành quân

Cứ dịp tháng 12, khi về quê lại được nghe chú họ thổi sáo bài "Anh vẫn hành quân”(nhạc Huy Du, lời thơ Trần Hữu Thung). Chú không phải nghệ sĩ chuyên nghiệp, tuổi cũng không còn trẻ nhưng tiếng sáo rất khí thế như có hồn, bay bổng và vi vút đến không ngờ. Lúc mạnh mẽ trào dâng như đoàn quân băng băng về phía trước, lúc lại nhẹ nhàng, tha thướt, trữ tình như câu hát, tiếng sáo hay câu ca dao mộc mạc bay lượn trên những cánh đồng, vạt ngô xanh nơi đồng bãi quê nhà… "Anh vẫn hành quân/ Trên đường ra chiến dịch/ Mé đồi quê anh bước/ Trăng non ló đỉnh rừng/ Anh vẫn hành quân/ Lưng đèo qua bãi suối/ Súng ngang đầu anh gối/ Anh qua khắp tuyến đường…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục