(HBĐT) - Không biết tự bao giờ sân trường tôi đã có hàng phượng vĩ. Những gốc phượng khẳng khiu lạc giữa cơ man nào là bê tông, cốt thép, cửa kính tường vôi… cứ lầm lũi như thế suốt những tháng ngày đông giá. Trong nắng tháng tư hanh vàng, nắng tháng 6 đổ lửa xuống sân trường, tán phượng đơn sơ chỉ đủ làm nên chút bóng mát đơn sơ. Nhìn lên tán cây đang đơm đầy nụ hoa, bác lao công dừng tay chổi:

- Mai mốt lửa phượng bùng lên là ve ngân khắp thành phố đấy cháu ạ. Hạ đang đương thì rồi!

Thế là từ bữa ấy, tôi như bị cuốn vào đam mê của mùa hoa thật. Nhìn ra cửa lớp, vẫn những đốm nụ li ti, con ve cánh mỏng chắc vẫn còn ngủ yên trong kén. Những cơn gió cuối xuân hay đầu hạ, nào ai biết, cứ thản nhiên mà ru cành, lá, không một tiếng trả lời. Bất giác, giữa buổi trưa yên tĩnh, chợt thấy thời gian như đang trôi chậm quá. Tiếng thời gian ẩn trong tiếng lá cành xào xạc, thầm thì mà thao thiết. Để rồi đâu đó, chợt vang lên một tiếng trống trường.

Đã gần 20 năm trôi qua tôi mới có dịp trở về đứng bên hàng phượng vĩ. Những thân phượng khẳng khiu giờ đã vững trãi hơn, da hằn những vết của nắng mưa, sạm màu năm tháng. Sân gạch mờ dấu rêu xưa, mòn từng thớ đất nung một thuở. Cái gì cũng khắc ghi tuổi tác, nôn nao lòng người khách trở về. Tôi ngước nhìn lên. Thật lạ, những bông hoa phượng như đang cúi xuống chào. Người khách lạ hay cậu học trò bao năm tha hương khắp chân trời, góc bể nay đã trở về. ôi, chỉ những bông hoa là không có tuổi, tươi nguyên màu lửa phượng hôm nào. Rễ đã bao năm lầm lũi. Cành đã một đời khó nhọc để dành sức sống tươi nguyên cho những chùm hoa.

Phía sau lưng tôi chợt ồn ào tiếng học trò tan lớp, tiếng trống trường vẫn trầm ấm như buổi hôm nào. Cô nữ sinh có đôi mắt đen hồn nhiên, tà áo dài tinh khôi đang cúi xuống nhặt một cánh phượng vĩ đặt vào lòng bàn tay bé nhỏ. Bông phượng mai này dẫu héo khô vẫn ánh sắc hồng trong trang giấy. Quanh bông phượng ấy là những dòng mực tím nhạt nhoà. Nước mắt tuổi học trò trong veo thấm vào trang lưu bút, thấm vào cánh hoa để giữ mãi hồn phượng hồng tươi thuở nào. Ngoài kia, trong tập nấp của người xe, trong nhịp mưu sinh hối hả, vô tâm của cuộc đời là những bông phượng đỏ trên giỏ xe học trò. Người qua đường tò mò ngoái lại, những tà áo trắng cứ bay bay trong nắng hạ. Bàn chân như muốn đạp chậm hơn một guồng quay của những vòng xe. "Em chở mùa hè của tôi đi đâu”. Mai này mỗi lần qua phố, lại thấy đàn em áo trắng tan trường.

Em có ngoái lại nhìn phượng vĩ hay vội quay đi nén một giọt nước mắt rơi. Phải thôi em, đứng trước màu hoa ấy, dễ mấy ai cầm lòng được.

Tháng 6 này trời hạ như xanh cao hơn nhưng cơn mưa giông bất chợt không làm vơi đi cái nắng như đổ lửa. Bên trong những khung cửa sổ vẫn vang lên tiếng thầy, cô giảng bài. Ngoài sân, ve vẫn ca những nhạc khúc râm ran trên hàng phượng già nua. Sau một mùa hè, tiếng hát sẽ héo đi, con ve khô vỏ gửi hồn phiêu diêu chờ năm sau lại được hóa thân thành tiếng hát. Những lứa học trò vô tư, tinh nghịch, lưu luyến tan trường rồi sẽ chẳng bao giờ trở lại được hình hài xưa cũ. Chân lý đơn sơ ấy chỉ có những người thầy thấm thía nhất. Một phút thời gian ngừng trôi, viên phấn kẹp hờ trên tay, đôi mắt bâng khuâng nhìn hàng phượng, lại có thêm một sợi tóc điểm bạc. Đã cất thật sâu tận đáy lòng, đã tiễn bao lứa học trò ra trường mà thầy, cô vẫn không vượt qua được phút bâng khuâng ấy.

Bất giác, hình ảnh đó lọt vào đôi mắt người họa sĩ già đứng dưới sân trường. Bàn tay nhăn nheo vội đưa cành cọ, điểm nét bút xuất thần trên toan giấy. ông là ai? Chính ông đang đi tìm câu trả lời ấy. Trở về đây khi thầy, cô không ai còn nữa. Họ đã ra đi sau những tháng năm ghi dấu trên thân phượng vĩ. Lứa học trò trong bom, đạn ngày nào đã ươm mầm, chăm bón một hàng phượng nhỏ. Trong những tháng năm bom đạn chiến tranh, máu đã đổ trên sân trường này. Một người thầy đã ngã xuống. Bàn tay cầm cây súng trường lúc ấy vẫn còn lấm lem màu phấn trắng. Chiếc áo xanh, dòng máu đỏ, nước da rám nắng…, tất cả như vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức người học trò đã tuổi xế chiều. Thầy đã hy sinh để bảo vệ bình yên cho bầu trời xanh trong, một khoảng sân trường. Thầy đã không bao giờ được nhìn thấy màu hoa đỏ ấy, màu hoa mà thầy và lứa học sinh đầu tiên đã khó nhọc vun trồng trong lửa đạn. Hôm nay, hoa rực màu lửa cháy còn gợi nhớ màu máu người thầy đã đổ. Từng lớp học trò như đàn bướm trắng tung tăng vui cười. Bức chân dung về một người thầy bên khung cửa, xa xa là hàng phượng vĩ đã dần rõ nét. Người họa sĩ già lặng lẽ đi về dưới những tán lá đơn sơ lòng thật nhẹ nhàng. Hình như, trên vòm xanh kia đang có một tiếng thầm thì: Tuổi học trò cũng là tuổi phượng hồng rực rỡ, hãy cháy hết mình!

 

                                                          Tản văn của Bùi Việt Phương

 

Các tin khác


Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục